15/11/2021 3:41:54

Đề xuất nhiều giải pháp tổ chức phong trào thi đua “CNVCLĐ nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid-19”

Chiều 10/11, tại Hà Nội, Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam tổ chức tọa đàm về giải pháp tổ chức phong trào thi đua “CNVCLĐ nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid-19” tại công đoàn cơ sở. Ông Trần Thanh Hải, Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam chủ trì Tọa đàm.

Hội nghị trực tuyến với 20 điểm cầu tại các LĐLĐ tỉnh, Thành phố và trực tiếp truyền hình ảnh trên Cổng thông tin, mạng xã hội Công đoàn Việt Nam

Đây là lần đầu tiên, Tổng LĐLĐ Việt Nam triển khai tọa đàm trực tuyến với công đoàn cơ sở, kết hợp với việc truyền trực tiếp trên mạng xã hội facebook và Cổng thông tin điện tử Công đoàn Việt Nam. Từ đó lắng nghe các kinh nghiệm hay, cách làm tốt từ các CĐCS nhằm tìm các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả tổ chức các phong trào thi đua trong CNVCLĐ, nhất là phong trào thi đua “CNVCLĐ nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid-19”

“Càng khó khăn thì càng phải thi đua”

Phát biểu chỉ đạo tại Tọa đàm, Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam Trần Thanh Hải khẳng định, thi đua làm khơi dậy trong mỗi con người, mỗi tập thể tính chủ động sáng tạo, sự nỗ lực đua sức, đua tài cả trong điều kiện làm việc bình thường cũng như trong khủng hoảng, đặc biệt là “Càng khó khăn thì càng phải thi đua” và “Càng thi đua, càng mau thắng lợi” như căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Ông Trần Thanh Hải mong muốn mỗi CĐCS, mỗi đoàn viên, CNVCLĐ phát huy sáng kiến cải tiến, mạnh dạn suy nghĩ, đề xuất các sáng kiến từ thực tiễn, đưa ra các giải pháp hiệu quả, góp phần “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” gắn với thực hiện tốt việc khôi phục, phát triển kinh tế – xã hội.

Ông Trần Thanh Hải, Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam phát biểu chỉ đạo tại Tọa đàm

Trong báo cáo đề dẫn, ông Nguyễn Văn Toản – Phó Chánh Văn phòng Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết, thực hiện lời kêu gọi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và phát động thi đua đặc biệt “Cả nước đoàn kết, chung sức, đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch Covid-19” của Thủ tướng Chính phủ, ngày 1/9/2021, Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam đã ban hành Kế hoạch số 130/KH-TLĐ tổ chức Phong trào thi đua “CNVCLĐ nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid-19”. Đến nay, 100% các LĐLĐ tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành Trung ương và tương đương, Công đoàn Tổng công ty trực thuộc đã xây dựng Kế hoạch triển khai phong trào. Nhiều công đoàn cơ sở đã chủ động triển khai với cách làm sáng tạo, linh hoạt, phù hợp với điều kiện thực tiễn tại đơn vị, doanh nghiệp và yêu cầu trong công tác phòng, chống dịch tại địa phương. Nhiều tập thể, cá nhân đã hưởng ứng, thực hiện có hiệu quả các nội dung của Phong trào, đạt nhiều thành tích xuất sắc, xứng đáng là những tấm gương để lan tỏa, học tập.

Ông Nguyễn Văn Toản, Phó Chánh Văn phòng Tổng LĐLĐ Việt Nam báo cáo đề dẫn Tọa đàm

“Tọa đàm Giải pháp tổ chức phong trào thi đua “CNVCLĐ nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid-19” nhằm đánh giá 71 ngày thực hiện Kế hoạch số 130/KH-TLĐ ngày 01/9/2021 và Hướng dẫn số 33/HD-TLĐ ngày 12/10/2021 của Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam về tiêu chí khen thưởng phong trào thi đua “CNVCLĐ nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid-19” tại các cấp công đoàn. Nhất là mong muốn được lắng nghe ý kiến của các công đoàn cơ sở để thấy được thực tiễn triển khai phong trào thi đua này và bàn giải pháp tổ chức phong trào đạt hiệu quả thiết thực hơn nữa trong thời gian tới” – ông Nguyễn Văn Toản nhấn mạnh.

Những điển hình từ thi đua cơ sở

Chia sẻ kinh nghiệm tại tọa đàm về tác động của phong trào thi đua đối với nhiệm vụ phòng, chống dịch và ổn định, phát triển sản xuất kinh doanh tại cơ sở, Công đoàn Khu Kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp tỉnh Thanh Hóa cho biết, công nhân lao động đã sáng tạo làm các sản phẩm, trang thiết bị để phòng, chống đại dịch Covid -19 tại đơn vị, đó là: sáng kiến “Cây xịt khuẩn tự động tại Công ty Thép VAS và gang thép Nghi Sơn”  hiện đang được áp dụng ở các cổng ra vào và các xưởng của công ty. Với sáng kiến này, công nhân chỉ cần tay sát vòi xịt khuẩn, nước sát khuẩn sẽ tự xịt mà không cần một tác động nào từ người muốn lấy nước sát khuẩn. Đặc biệt là sáng kiến  “Dây đai deo khẩu trang” của công nhân Công ty TNHH giầy Annora Việt Nam.

Đại diện Công đoàn KKT Nghi Sơn và các KCN tỉnh Thanh Hóa tại điểm cầu LĐLĐ tỉnh

Theo Công đoàn Khu Kinh tế Nghi Sơn và các Khu Công nghiệp tỉnh Thanh Hóa, do phải đeo khẩu trang 24/24 thời gian làm việc trong nhà máy nên đa số công nhân lao động bị đau vành tai, không thoải mái. Tận dụng phế liệu trong nhà máy, công nhân công ty đã sáng tạo ra dây đai đeo khẩu trang ra sau đầu, vừa đẹp mắt, vừa tiện dụng, tránh cảm giác đau vành tai và khó chịu khi phải đeo khẩu trang liên tục.

Những sáng kiến, mô hình này áp dụng không chỉ tại đơn vị mà nhân rộng cho các đơn vị khác học tập kinh nghiệm, đồng thời khuyến khích các CĐCS trực thuộc làm các sản phẩm, trang thiết bị phòng chống đại dịch Covid -19 để tặng tuyến đầu chống dịch.

 Đến với Tọa đàm, bà Hoàng Bích Hạnh, Phó Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Một thành viên Môi trường đô thị Hà Nội (Urenco) cho biết: Urenco là doanh nghiệp Nhà nước trực thuộc Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, Công đoàn Công ty là CĐCS trực thuộc Công đoàn ngành Xây dựng Hà Nội, hiện có 14 công đoàn bộ phận với 3.062 đoàn viên, NLĐ.

Để thực hiện có hiệu quả phong trào thi đua do Tổng LĐLĐ Việt Nam phát động, Công đoàn Công ty đã thành lập được 60 Tổ An toàn Covid-19 với 150 thành viên là các đồng chí là Tổ trưởng Công đoàn, mạng lưới an toàn vệ sinh viên tại các tổ, đội sản xuất. Các Tổ An toàn Covid-19 hoạt động tại Công ty rất hiệu quả, mỗi thành viên trong tổ là những tuyên truyền viên tích cực trong việc tuyên truyền, đôn đốc, hướng dẫn, nhắc nhở công nhân trong tổ thực hiện nghiêm chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 tại nơi làm việc và ngoài giờ làm việc.

Bà Hoàng Bích Hạnh – Phó Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Một thành viên Môi trường đô thị Hà Nội chia sẻ kinh nghiệm tại tọa đàm

Cũng là mô hình Tổ COVID – 19 nhưng tại Công ty cổ phần Dệt Trần Hiệp Thành (Tây Ninh) lại có nhật ký cập nhật theo dõi sức khỏe của công nhân lao động công ty. Ông Nguyễn Hoàng Quý, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty thông tin thêm về những nỗ lực của đơn vị trong chăm lo, tăng cường sức khỏe cho người lao động. Trong thời gian dịch COVID-19, từ đề xuất của công đoàn cơ sở, giá suất ăn của công nhân đã tăng lên 35% so với mức 25.000đ/suất ăn trước đó. Bên cạnh đó, vào ngày cuối tuần, công ty còn tổ chức bữa ăn có giá trị dinh dưỡng gấp đôi so với ngày thường; tổ chức chương trình xổ số may mắn, tạo thêm động lực cho người lao động. “Công đoàn cơ sở còn đề xuất chi hỗ trợ cho cán bộ, nhân viên tham gia sản xuất “3 tại chỗ” là 150.000 đồng/ngày/người; tổng chi phí hỗ trợ là hơn 5 tỉ đồng” – ông Nguyễn Hoàng Quý cho hay.

Phong trào thi đua sáng kiến, cải tiến đang phát huy hiệu quả tại Công ty. Công đoàn cơ sở đã phát động để đoàn viên, người lao động thi đua theo tuần, theo quý, theo năm. Kể từ 25/10, toàn bộ công ty đã chuyển sang sản xuất trong trạng thái bình thường mới với 100% công nhân lao động trở lại làm việc. Để sản xuất an toàn, công đoàn công ty đang nỗ lực tham gia cùng doanh nghiệp hoàn thiện quy trình phát hiện xử lý khi có người lao động bị nhiễm bệnh dịch bệnh; đề xuất thành lập trạm y tế 100 giường ngay tại doanh nghiệp. Đây là sự quan tâm rất lớn của doanh nghiệp, cũng là một cách chăm lo căn cơ cho người lao động.

Điểm cầu LĐLĐ tỉnh Cần Thơ

Tâm huyết với 2 mô hình hoạt động xuyên suốt trong quá trình dịch diễn biến phức tạp tại thành phố Cần Thơ, đại diện Công đoàn cơ sở trường Phổ thông Thái Bình Dương chia sẻ về độc đáo của mô hình Bếp Ấm mà bếp trưởng và các thành viên đều là các hầy cô từ các trường THPT, Tiểu học, THCS.

Cùng với đó là mô hình “Chuyến xe yêu thương” đã gửi trao 28.670 phần quà yêu thương, 78.9 tấn gạo, 89.300 gói mì, 30.643 hộp sữa đến với người lao động có thu nhập thấp, người dân mất thu nhập vì Covid, … Những chuyến xe đã lan tỏa khắp nơi như gửi gắm những tình cảm sâu đậm đến với người mọi người, mọi đối tượng.

Đại diện Công đoàn cơ sở Công ty TNHH New Apparel Far Eastern Việt Nam tại điểm cầu LĐLĐ tỉnh Bình Phước

Tại Tọa đàm, đại diện Công đoàn cơ sở Công ty TNHH New Apparel Far Eastern Việt Nam (Khu công nghiệp Bắc Đồng Phú, Bình Phước) bày tỏ những trăn trở về thực hiện nhiệm vụ sản xuất an toàn, sản xuất tốt góp sức để hoàn thành kế hoạch năm. Từ tinh thần “Mỗi đoàn viên, người lao động là một chiến sỹ”, trong quá trình làm việc 3 tại chỗ, nhờ có đội ngũ đoàn viên công đoàn trẻ, nhiệt huyết và có nhiều sáng tạo, đề xuất các phương pháp mới đã giúp công ty kiểm soát và duy trì tốt công tác phòng chống dịch bệnh. Cán bộ công đoàn thực hiện 3 cùng “cùng ăn, cùng ở, cùng làm việc” và tổ chức rất nhiều hoạt động để các thành viên trong công ty gắn kết với nhau. Nhờ vậy mà trong thời gian thực hiện 3 tại chỗ đã có hơn 50% người lao động tự nguyện lưu trú, nhiều người trong số họ tự mang theo các vật dụng như chăn, chiếu, mùng… để giảm chi phí cho doanh nghiệp. Đến nay, sản xuất trong điều kiện bình thường mới, ngoại trừ các trường hợp chưa tiêm vắc xin, nghỉ thai sản…. thì hầu hết người lao động đã trở lại làm việc. Điều đó đã thể hiện rõ tinh thần đoàn kết tốt đẹp, một sự sẻ chia thiết thực của đoàn viên, người lao động để cùng công ty vượt qua đại dịch covid-19.

Tại Công ty Sakurai, thuộc Khu Kinh tế Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa, nơi có hơn 13 nghìn công nhân lao động nhưng đã làm tốt công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức phòng, chống dịch Covid-19 cho tất cả người lao động; đồng thời đảm bảo quyền lợi hưởng nguyên lương cũng như đóng bảo hiểm xã hội đầy đủ cho các đối tượng là người lao động thực hiện cách ly sau khi đi công tác từ vùng dịch trở về. 100% công nhân lao động của công ty đều đã hoàn thành 2 mũi vacxin phòng Covid-19… Do đó, đến nay Công ty chưa phát hiện F0 nào ở nhà máy và vẫn duy trì sản xuất bình thường.

Tại Tọa đàm, nhiều đại biểu là đại diện Công đoàn cơ sở cũng gửi đến Tổng LĐLĐ Việt Nam cũng như các đơn vị liên quan các đề xuất, kiến nghị như: Hỗ trợ kinh phí cho những lao động thu gom rác tại những khu cách ly tập trung; tiếp tục hỗ trợ bữa ăn cho công nhân lao động tại các doanh nghiệp thực hiện sản xuất 3 tại chỗ…

Ngoài ra, thông qua tương tác mạng xã hội, Tọa đàm cũng đã nhận được nhiều trao đổi liên quan đến việc yêu cầu hướng dẫn rõ hơn về các thủ tục, hồ sơ, tuyến trình, tiêu chuẩn xét khen thưởng trong thực hiện phong trào thi đua “CNVCLĐ nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid-19” tại các công đoàn cơ sở doanh nghiệp, nhất là khu vực ngoài Nhà nước; một số trường hợp đặc biệt khi xét khen thưởng cho các tập thể, cá nhân điển hình trong thực hiện phong trào này.

Các cấp công đoàn tiếp tục phát động, triển khai các phong trào thi đua vượt khó

Thông tin về nội dung chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại thông báo 305/TB-VPCP ngày 08 tháng 11 năm 2021 của Văn phòng Chính phủ, Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam Trần Thanh Hải nhấn mạnh: Thủ tướng Chính phủ đã đề nghị các cấp công đoàn tiếp tục phát động, triển khai các phong trào thi đua vượt khó, “Lao động giỏi, Lao động sáng tạo”, “Năng suất cao, chất lượng tốt”, “Mỗi người làm việc bằng hai” cùng cả nước phòng chống dịch, phục hồi kinh tế, tránh đứt gãy chuỗi cung ứng, dứt khoát không để lỡ nhịp, không để nước ta tụt hậu.

Điểm cầu tại trụ sở Tổng LĐLĐ Việt Nam

Do đó, việc thực hiện Kế hoạch số 130/KH-TLĐ ngày 01/9/2021 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng cho gia đoạn khôi phục lại sản xuất, phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trong trạng thái bình thường mới và nỗ lực trong những tháng còn lại của năm 2021.

“An toàn để sản xuất, sản xuất phải an toàn là nhiệm vụ chính trị quan trọng trong giai đoạn hiện nay đòi hòi mỗi đoàn viên, công đoàn cơ sở phải thực hiện tật tốt nội dung của phong trào thi đua.” – ông Trần Thanh Hải khẳng định.

Các tiêu chuẩn khen thưởng trong phong trào thi đua “CNVCLĐ nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid-19”  cần phải cụ thể hóa, làm rõ “mỗi đoàn viên công đoàn là một chiến sĩ” , “mỗi công đoàn là 1 pháo đài”…

Theo Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam Trần Thanh Hải: Các cấp công đoàn cần đặc biệt quan tâm hơn nữa đến việc phát hiện, giới thiệu các nhân tố điển hình trong thực hiện phong trào thi đua “CNVCLĐ nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid-19”; đồng thời cũng cần quan tâm đến những người có hoàn cảnh đặc biệt nhưng vẫn vươn lên để hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Theo congdoan.vn