Ở mỗi nhiệm kỳ, BCH của nhiệm kỳ ấy đều trăn trở tìm tòi đổi mới phương thức hoạt động.Tuy nhiên, do nhiều lý do mà phương thức hoạt động của mỗi nhiệm kỳ có những điểm rất khác nhau, mặc dù về nhận thức đều mong muốn làm được nhiều việc cho đội ngũ người lao động và đều bám sát vào ba chức năng, nhiệm vụ của tổ chức công đoàn mà điều lệ đã quy định.
Trước hết, chúng ta nhắc lại với nhau thế nào là phương thức lãnh đạo? Phương thức lãnh đạo hay được nhắc trong các văn kiện của Đảng, của công đoàn và đoàn thanh niên. Nhưng nó được hiểu, đó là cách thức tác động vào đối tượng và chính là hoạt động như thế nào, nội dung và hình thức ra sao v.v…
Theo tôi nghĩ, có rất nhiều điểm mới, nhưng nổi bật là các điểm mới dưới đây:
Thứ nhất, lấy phong trào thi đua làm đòn bẩy đẩy mạnh mọi hoạt động, nhất là nhiệm vụ chính trị (SXKD).
Công tác thi đua thì có gì mới nếu không nói thì nhiều người sẽ cho rằng, công tác thi đua đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động từ năm 1948 rồi cơ mà. Nhưng trên thực tế, tôi còn nhớ rất rõ, ngay sau khi anh Đinh La Thăng được Thủ tướng Chính phủ phân công về công tác tại ngành Dầu khí vào ngày 10-2-2006, anh đã rất sốt sắng giao cho tôi lúc đó đang là Phó chủ tịch Công đoàn, và Phó bí thư Thường trực Đảng ủy Tập đoàn phát động phong trào thi đua ở Nhà máy Lọc dầu Dung Quất. Tôi đã không đắn đo nhận nhiệm vụ ngay với đồng chí Bí thư Ban Cán sự Đảng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị (HĐQT). Cứ tưởng chuyện đó vừa đơn giản vừa vui, ai ngờ khi thảo luận để triển khai trong Thường vụ tôi đã nhận được những ý kiến trái chiều. Chẳng hiểu từ bao giờ Ban Thường vụ có người còn giải thích với tôi rằng, phát động thi đua kiểu như ở Nhà máy Lọc hóa dầu Dung Quất là của bên chuyên môn, còn công đoàn chỉ phát động thi đua về những lĩnh vực như xanh – sạch – đẹp thôi. Nhưng tôi đã cùng anh Trần Ngọc Dũng, lúc đó là Ủy viên Ban Thường vụ, anh Hoàng Ngọc Trà, Ủy viên BCH, Trưởng ban Kinh tế – Chính sách – Chế độ, chị Vũ Thanh Hường, Phó ban Tài chính và anh Nguyễn Hữu Đức, Ủy viên BCH, Phó trưởng ban Kinh tế – Chính sách – Chế độ vẫn tiếp tục triển khai và đặt vấn đề với Tổng Liên đoàn (TLĐ) để TLĐ đứng ra phát động thi đua mang tính toàn quốc, mang tính quốc gia. Phát động thi đua đúng vào ngày 17-5-2006 nhân dịp sinh nhật Bác, đồng thời cũng là ngày tròn 1 năm Ban Lãnh đạo Dự án Nhà máy Lọc Dầu Dung Quất đã ký gói thầu EPC số 1 và số 4 để từ đó ấn định nhà máy sẽ phải hoàn thành sau 44 tháng.
Buổi phát động được tổ chức thật hoành tráng, bài bản, gây ấn tượng không ngờ. Cũng chính buổi phát động đó, ban tổ chức đã kêu gọi các nhà thầu thi công đóng góp được 500 triệu để trao cho lãnh đạo địa phương làm công tác ASXH, được lãnh đạo và nhân dân tỉnh Quảng Ngãi đánh giá rất cao. Ngay khi lễ phát động thi đua xong, có tới hàng trăm chiếc ôtô hạng nặng của TCT Dịch vụ – Kỹ thuật Dầu khí (PTSC) từ bến cảng – nơi diễn ra lễ phát động thi đua đã ngay hàng thẳng lối chở những ống thép cực lớn, có đường kính khoảng 1,5m đến nơi lắp đặt của dự án. Tôi quan sát thấy hàng trăm bà con nông dân địa phương vừa dự lễ phát động trên đường về đứng ngắm nhìn đoàn ôtô, trong đó có cả chúng tôi nữa đều lâng lâng một cảm xúc tự hào, rất tự hào về một ngành Dầu khí, về một TCT PTSC, về một phong trào thi đua liên kết xây dựng nhà máy với sự ra quân “oai hùng” đến thế. Cũng trong dịp chuẩn bị cho lễ phát động thi đua ấy, chúng tôi đã gặp được những nhà lãnh đạo tài ba như anh Trương Văn Tuyến, Trưởng ban Dự án, anh Nguyễn Hoài Giang, anh Trần Minh Ngọc, anh Đinh Văn Ngọc là các Phó trưởng ban Dự án. Chúng tôi cũng thật may mắn có dịp làm việc và cộng tác với nhiều cán bộ, đội ngũ người lao động ở Ban Quản lý Dự án Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, họ không chỉ thể hiện tinh thần trách nhiệm, mà còn là những người rất thạo việc và có tài tổ chức như anh Đặng Hồng Sơn, hiện anh là Chánh Văn phòng Công ty Lọc dầu Bình Sơn; anh Vũ Thư, Trưởng phòng Tổ chức nay đã nghỉ hưu tại TP HCM; anh Lê Quang Dũng, thời đó là Chủ tịch Công đoàn BQL; chị Khuất Thị Lê là Ủy viên BCH CĐ DKVN, Chủ tịch Công đoàn Công ty Bình Sơn hiện nay, v.v…
Có những lần nhận được chỉ đạo của anh Đinh La Thăng cần sơ kết phong trào ấn định vào ngày giờ nhất định, thế là anh em chúng tôi lại phải lo toan biết bao nhiêu công việc từ việc chuẩn bị nội dung, khánh tiết, khách mời lại lo gấp hồ sơ khen thưởng ở mọi cấp, cả ở Bộ Xây dựng, tỉnh Quảng Ngãi… để kịp khen thưởng. Ấy vậy mà chúng tôi đã vượt qua tốt đẹp. Công việc căng thẳng nhưng bù lại anh chị em chúng tôi rất vui và phấn khởi, cứ cuối mỗi ngày anh Vũ Thư, anh Đặng Hồng Sơn lại pha trò rất ấn tượng, có lần anh Sơn nói: “Báo cáo anh Dĩnh, mặc dù cực kỳ bận rộn suốt ngày nhưng anh em vẫn tổ chức ngày ba bữa nhậu đều đều anh ạ”. Chỉ một câu nói như thế đã làm cho tất cả anh em chúng tôi không chỉ cười vui mà còn khỏe ra nữa.
Phong trào thi đua mở đầu cho sự đổi mới tư duy về thi đua đã được khởi đầu như thế. Phong trào ban đầu (năm đầu) chỉ có chưa đầy mười nhà thầu trong nước tham gia ký kết thi đua, sau đã lan tỏa ra trên mười nhà thầu lớn nhỏ khác, cả nước ngoài cũng đã xung phong tham gia ký kết thi đua. Như vậy, phong trào thi đua đã không dừng ở phạm vi trong nước mà còn mang tính quốc tế sâu rộng. Chúng tôi đã nghe anh Hayashi – Phó giám đốc Dự án của tổ hợp nhà thầu Technip Nhật Bản phát biểu rằng, sau này về nước tôi sẽ phổ biến, tuyên truyền cho các công ty bên nước tôi về phong trào thi đua của Tập đoàn Dầu khí mà tôi từ chỗ thờ ơ đứng ngoài đến chỗ đã có sức hấp dẫn, lôi cuốn tôi mạnh mẽ đến thế. Một chuyên gia người Úc anh John Chirstian – Giám đốc An toàn của tổ hợp nhà thầu Techip sau khi hoàn thành nhiệm vụ anh đã về nước công tác được mấy tháng rồi, vậy mà khi được Ban Quản lý Dự án thông báo anh được nhận bằng khen của Tập đoàn Dầu khí trong phong trào thi đua, anh đã bỏ tiền cá nhân mua vé sang Việt Nam để nhận bằng khen với sự xúc động; một kỹ sư đường ống người Pháp sau khi nhận được bằng khen của CĐ DKVN đã nói với tôi rằng, bây giờ tôi lo vé để về nước cưới vợ được rồi, vì tôi có hứa với cô ấy là chỉ khi tôi có được bằng khen của Việt Nam tôi mới về cưới cô ấy.
Từ phong trào thi đua ở đại công trường liên kết xây dựng nhà máy lọc hóa dầu đầu tiên của nước ta mà Đảng ủy đã giao cho CĐ DKVN, chúng ta đã có bài học rất có ý nghĩa, đó là đã phát động thì phải có trách nhiệm, chứ không phải như trước đây, thi đua chỉ là hình thức, chỉ là “nói mà không làm”.
Từ bài học kinh nghiệm thành công ở phong trào thi đua mà CĐ DKVN tiếp tục phát động ở 9 dự án, công trình trọng điểm của Nhà nước và của ngành. Tuy ở mỗi dự án, công trình có khác nhau nhưng sau khi phát động chúng ta đã không chỉ thành lập ban chỉ đạo, mà còn thành lập tiểu ban thi đua tại công trường; chúng ta không chỉ quan tâm chung chung mà còn định kỳ để sơ kết phù hợp với từng giai đoạn của công việc; Chúng ta không chỉ khen thưởng kịp thời mà còn chỉ đạo các đơn vị, nhà thầu thi công góp kinh phí để tạo ra nguồn kinh phí giúp lãnh đạo ban quản lý dự án hoặc tổng giám đốc đơn vị thi công khen thưởng “nóng” cho người lao động khi họ lập được những thành tích xuất sắc, chúng ta không chỉ thi đua để thu được “công việc” mà còn gặt hái được “con người”, đồng thời, bên cạnh việc tổ chức chặt chẽ còn tài trợ nhiều tỉ đồng để nâng cao đời sống tinh thần cho đội ngũ người lao động, v.v…
Thứ hai, tổ chức công đoàn các cấp đã quan tâm thực sự đến đời sống vật chất của đội ngũ người lao động.
Đi đôi với công tác đổi mới doanh nghiệp, theo đó, công đoàn các đơn vị đã dành rất nhiều thời gian, công sức cùng chuyên môn động viên, khích lệ đội ngũ người lao động hăng hái lao động sản xuất, lao động với nhiều sáng kiến, cải tiến, đổi mới công nghệ, áp dụng kịp thời những tiến bộ của khoa học công nghệ tiên tiến trên thế giới vào ngay trong công việc hằng ngày. Chính vì vậy, năng suất lao động đã được nâng cao không ngừng, theo đó kết quả SXKD đạt hiệu quả rất cao, thu nhập người lao động vì thế cũng được nâng cao hằng năm. Nhiều đơn vị đã có thu nhập bình quân đầu người đạt tới trên 10 triệu đồng, hoặc gần 20 triệu đồng/người/tháng. Những đơn vị khó khăn cũng đã nâng mức thu nhập từ trên 1 triệu đồng/người/tháng lên trên 3 triệu đồng/người/tháng.
Đã 2 năm trong nhiệm kỳ IV, một hoạt động cũng chưa hề có trong quá khứ, đó là Ban Thường vụ, Thường trực cùng với đội ngũ lãnh đạo các ban bộ máy chuyên trách đã cùng với chủ tịch, cán bộ công đoàn các cấp trước, trong và sau tết Nguyên đán mỗi năm đều tổ chức đến những công trình, dự án trọng điểm, những đơn vị gặp nhiều khó khăn, những giàn khoan ngoài biển khơi ở mọi miền của đất nước để trực tiếp cảm ơn đội ngũ người lao động vì những gì họ đã lao động hết mình cho sự phát triển của đơn vị, của Tập đoàn và tích cực xây dựng tổ chức công đoàn; đồng thời CĐ DKVN đã chi mỗi dịp như vậy 2 đến 3 tỉ đồng để mua quà, mừng tuổi cho đội ngũ đoàn viên của mình. Việc làm tuy không có ý nghĩa vật chất nhiều những đã có ý nghĩa tinh thần rất lớn. Nhiều cán bộ, đoàn viên công đoàn đã thể hiện sự cảm động trước sự quan tâm này của CĐ DKVN và công đoàn đơn vị mình công tác.
Tôi cũng nhận thấy một việc làm nữa chưa từng xảy ra trong những nhiệm kỳ trước, đó là công đoàn đã giành ra vài tỉ mỗi tết để trợ cấp cho những người lao động có mức thu nhập dưới mức quy định của Tập đoàn. Tết Nguyên đán năm 2008 công đoàn đã trợ cấp cho 740 đoàn viên với mức 1 triệu đồng người và năm 2009 trợ cấp cho gần 1.000 người, năm 2010 trợ cấp ở hai mức, mức 1,5 triệu đồng/người cho trên 800 đoàn viên có thu nhập dưới 2 triệu và mức 1 triệu đồng/người cho gần 500 đoàn viên có thu nhập từ 2 triệu đến dưới 3 triệu đồng.
Trong những việc làm đó, chúng ta cũng vui mừng vì đã quan tâm, động viên đoàn viên mới của mình như Trung tâm Đóng tàu thủy từ Tập đoàn kinh tế Vinashin về Tập đoàn Dầu khí, Công ty Thương mại Kỹ thuật Petec từ Bộ Công Thương về, v.v… những sự quan tâm, động viên kịp thời của công đoàn đã góp phần để anh chị em gia nhập đại gia đình Dầu khí gắn kết nhanh và như những thành viên lâu năm của Tập đoàn. Riêng đoàn viên Công đoàn Trung tâm Đóng tàu thủy Dung Quất, có năm tết Nguyên đán CĐ DKVN đã trợ cấp gần 800 triệu cho đoàn viên còn gặp khó khăn.
Thứ ba, lấy ngày thành lập CĐ DKVN 16-12 hằng năm để tiến hành tổng kết công tác công đoàn và tôn vinh những người lao động.
Trên thực tế, việc tổng kết công tác công đoàn ít khi được tổ chức đúng tầm và thường rất trễ vào cuối quý I của năm liền kề và cũng chỉ tiến hành trong phạm vi BCH mở rộng. Chính vì vậy, BCH khóa IV CĐ DKVN đã quyết tâm tổ chức công tác tổng kết năm vào ngày thành lập của mình. Ban đầu cũng gặp không ít khó khăn từ cơ sở vì năm công tác chưa hết, kết quả SXKD chưa có con số cụ thể, vậy đánh giá thành tích, bình bầu khen thưởng theo đó sẽ gặp khó khăn. Điều đó là sự thật, nhưng trước hết Thường trực và Ban Thường vụ đã lên kế hoạch hành động quyết liệt và đến bây giờ sau 3 năm đã thành nề nếp và lễ tổng kết được tổ chức trang trọng, đúng tầm. Tôi cho rằng, đây là sự đổi mới quyết liệt và khác biệt so với những khóa trước đây.
Điểm mới thứ 2 rất quan trọng và có ý nghĩa, đó là lần đầu tiên CĐ DKVN đã đưa ra tiêu chí bình xét hằng năm những cán bộ công đoàn tiêu biểu, đoàn viên công đoàn tiểu biểu. Việc bình xét này được anh Đinh La Thăng và các đồng chí trong Đảng ủy rất đồng tình ủng hộ vì người lao động trong ngành rất cần được tôn vinh, sau mỗi năm họ đã lập được những thành tích rất đáng tự hào, vinh quang thuộc về họ. Và lễ tôn vinh 2 danh hiệu tiêu biểu cũng được tổ chức rất trang trọng trong lễ mít tinh kỷ niệm ngày thành lập CĐ DKVN. Nhưng bước sang năm thứ 2 tiến hành công tác này, chúng ta nhận thấy nếu chỉ có 2 tiêu chí tiêu biểu như thế thì rất nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng, chính quyền sẽ bình bầu vào đoàn viên tiêu biểu, như thế sự tôn vinh các đồng chí ấy chưa ngang tầm và những người nước ngoài cũng có nhiều đóng góp cho người lao động chưa được xem là đối tượng tôn vinh. Chính vì vậy, Ban Thường vụ đã bổ sung thêm 2 danh hiệu tôn vinh này, để chúng ta có 4 danh hiệu tôn vinh hằng năm. Đến năm nay là năm thứ 3 việc tôn vinh này đã trở thành nề nếp và là hoạt động mang tính mục đích rất cao, mục tiêu phấn đấu hằng năm của đoàn viên công đoàn. Theo quy chế, sau 3 năm những danh hiệu tiêu biểu đó được lặp lại lần thứ 2, sau 6 năm lần thứ 3, v.v… nhưng ở những lần sau danh hiệu đó cao quý hơn. Năm 2009 chúng ta tôn vinh được 379 đoàn viên và cán bộ công đoàn tiêu biểu; Năm 2010 chúng ta tôn vinh được 439 cán bộ, đoàn viên, lãnh đạo và chuyên gia nước ngoài tiêu biểu. Để đánh giá, nhất là ghi nhận những người được tôn vinh CĐ DKVN đã cho in ấn quyển sách vàng tôn vinh với ảnh màu và sơ yếu lý lịch của từng người. Việc làm này đã được đông đảo cán bộ, quần chúng đánh giá hay.
Thứ tư, nhiệm kỳ IV công đoàn đã quan tâm đào tạo đội ngũ cán bộ công đoàn các cấp.
Do đặc điểm, cứ qua mỗi nhiệm kỳ, thậm chí trong nhiệm kỳ, tình hình cán bộ công đoàn liên tục thay đổi, thuyên chuyển và đội ngũ cán bộ công đoàn mới được bổ sung. Rất ít cán bộ công đoàn làm chuyên trách hoặc kiêm nhiệm được đào tạo bài bản về công đoàn, mà chủ yếu đội ngũ đó có khả năng hoạt động công đoàn nhưng chưa được đào tạo huấn luyện. Chính vì vậy, CĐ DKVN đã thường xuyên tổ chức những lớp tập huấn theo các chủ đề khác nhau: về điều lệ và hướng dẫn thực hiện điều lệ; Về công tác bảo hộ lao động; Về chế độ chính sách mới có liên quan đến người lao động; Về cách thức tiến hành các sự kiện; Tập huấn về công tác nữ công trong tình hình mới, v.v…
Trong suốt 19 năm hình thành và phát triển CĐ DKVN, lần đầu tiên chúng ta đã mở được 2 lớp “đại học phần công đoàn” cho 74 cán bộ công đoàn các cấp, một lớp mở ở Vũng Tàu và một lớp ở TP Hà Nội. Lớp học bế mạc, toàn thể anh chị em học viên đều đạt loại khá trở lên, trong đó có đến trên 40% đạt loại giỏi được Trường đại học Công đoàn đánh giá rất cao và trao nhiều bằng khen cho học viên có thành tích xuất sắc trong học tập.
Cũng lần đầu tiên, để đáp ứng một hoạt động, một thực tiễn rất cần thiết, CĐ DKVN đã mở một lớp MC tại Hà Nội do Trường đại học Sân khấu Điện ảnh đào tạo. Lớp học đã có trên 40 học viên theo học vào các ngày nghỉ cuối tuần. Trong số học viên MC đó có học viên Thu Thủy, cán bộ của TCT PVC đã trúng tuyển làm MC trong chương trình “Chào Việt Nam” tại VTV4. Chúng tôi cũng đang chuẩn bị mở một lớp cho cán bộ khu vực phía Nam tại thành phố Vũng Tàu tới đây.
Công tác “giao ban” các khu vực Hà Nội, miền Trung, TP Hồ Chí Minh, đồng bằng sông Cửu Long, khu vực Vũng Tàu được duy trì đều đặn, là một hoạt động cũng chưa có ở những khóa trước. Tại các buổi giao ban ấy, CĐ DKVN đã không chỉ phổ biến, quán triệt những nhiệm vụ mới cần thực hiện mà còn chú ý lắng nghe phản ánh các hoạt động của công đoàn cơ sở và nguyện vọng của đoàn viên. Hoạt động này đã được Đảng ủy Tập đoàn đánh giá tốt và đoàn viên công đoàn các đơn vị cho là hoạt động rất cần thiết nhằm gắn kết công đoàn ở từng khu vực lại với nhau, tạo ra sự hỗ trợ, hoặc cùng tổ chức phong trào mang tính khu vực rộng lớn hơn.
Thứ năm, đẩy mạnh văn hóa dầu khí nhằm xây dựng nền tảng tinh thần bền vững cho đội ngũ người lao động.
CĐ DKVN thường xuyên phối hợp với Tập đoàn biên soạn và hướng dẫn công đoàn các đơn vị trực thuộc với đội ngũ đoàn viên của mình thực hiện có ý thức, trách nhiệm về văn hóa dầu khí. Văn hóa dầu khí nói cô đọng, ngắn gọn đó là phải chăm lo đời sống vật chất cho đội ngũ lao động ngày càng cao, đẩy mạnh các hoạt động thể dục, thể thao, văn hóa, văn nghệ để đời sống tinh thần của người lao động ngày càng phong phú, góp phần nâng cao phẩm chất, trí tuệ, sức khỏe để lao động tốt hơn và đoàn kết hơn, sống với nhau nghĩa tình hơn.
Nếu có ai đó nói rằng, việc đó có gì mới đâu? Thì tôi nói ngay, đúng, không có gì mới mẻ về nội dung vì văn hóa thể dục thể thao ở các nhiệm kỳ trước đều thực hiện, nhưng cái mới ở đây là xây dựng văn hóa dầu khí và triển khai các nội dung đó ở quy mô lớn hơn, thường xuyên hơn, thiết thực hơn, đến sát với người lao động hơn, họ được tôn vinh hơn, giá trị con người được coi trọng hơn. Đấy chính là cái mới mẻ, tôi coi đó là một trong những nội dung hoạt động mang lại kết quả đáng mừng, đáng trân trọng.
Về cơ sở cho hoạt động thể dục, thể thao văn hóa, bên cạnh Xí nghiệp Liên doanh Vietsovpetro (VSP) là đơn vị mạnh hàng đầu đã có khu liên hợp thể dục, thể thao để anh chị em sau giờ lao động được rèn luyện nâng cao sức khỏe. Chính vì thế mà các đoàn thể thao, văn hóa của VSP luôn ở tốp hàng dầu. Theo đó, nhiều đơn vị như TCT Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí (PTSC) cũng đã xây dựng được trung tâm thể thao; Ban Quản lý Dự án Khí – Điện – Đạm Cà Mau đã xây dựng được khu thể thao khá hoàn chỉnh cho đoàn viên, người lao động vui chơi, rèn luyện, v.v…
CĐ DKVN không chỉ phát động thi đua ở 10 công trình, dự án trọng điểm của Nhà nước và của ngành mà còn cấp kinh phí cho các hoạt động văn hóa, thể thao, như đã cấp cho Dự án Nhơn Trạch 2 là 400 triệu đồng và Dự án Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 500 triệu đồng để BQL xây dựng sân bóng đá cấy cỏ nhân tạo; Cấp kinh phí cho nhiều công trình, dự án mua trang thiết bị văn nghệ, thể thao, v.v… Tôi cho đây là sự đổi mới phương thức hoạt động thật thiết thực, hướng tới cơ sở bằng những việc làm cụ thể với phương châm kinh phí công đoàn do người lao động đóng góp cần phải được sử dụng để phục vụ người đoàn viên ấy.
Trên cơ sở đó, BCH Công đoàn các cấp hằng năm đã tổ chức nhiều hội thao và hội diễn văn nghệ cho anh chị em đơn vị mình.
Công đoàn ngành đã được ban lãnh đạo Tập đoàn giao cho nhiệm vụ khởi động Tuần lễ Văn hóa Dầu khí vào đầu tháng Tám hằng năm. Để làm được việc này, CĐ DKVN đã bỏ nhiều công sức và trí tuệ để tổ chức đại hội TDTT ở các khu vực và đại hội TDTT chung kết tại Hà Nội vào đúng dịp thành lập ngành (3-9 hằng năm) tạo sân chơi rất bổ ích và hấp dẫn cho đoàn viên của mình tham gia tranh tài, đọ sức rất quyết liệt. Đội ngũ đoàn viên đã rèn luyện tích cực đợi đến Tuần lễ Văn hóa Dầu khí hằng năm để trổ tài.
Thứ sáu, thông qua 2 hội thi “Duyên dáng dầu khí” chúng ta không chỉ quan tâm đến nữ đoàn viên mà còn mở ra một hoạt động rất mới mẻ nhưng cũng thật hấp dẫn.
Vào đầu nhiệm kỳ IV, tôi cùng đồng chí Nguyễn Thị Thanh Huyền, Phó trưởng ban Nữ công, Phụ trách Ban Nữ công (nay chị là Ủy viên BCH CĐ DKVN) và đồng chí Nguyễn Thị Ngọc Bích lúc đó là Phó chủ tịch (nay chị đã được lãnh đạo Tập đoàn điều động làm Phó tổng giám đốc nội chính TCT Điện lực Dầu khí VN) đã rất trăn trở muốn tìm được một hoạt động vừa mới mẻ vừa cuốn hút như sự hấp dẫn và cuốn hút của chính chị em vậy. Và chính từ đó hội thi lần thứ nhất với chủ đề: “Phụ nữ Dầu khí Văn hóa và Thời trang” đã được tổ chức. Bây giờ nhớ lại, khi đó chúng tôi đã rất lo lắng chẳng biết có chị em nào đến thi hay không. Về phía công đoàn ngành đã chuẩn bị rất chu đáo, MC tôi giao cho đồng chí Nguyễn Mạnh Kha và đồng chí Nguyễn Thị Thanh Huyền, thời đó anh Kha là Phó trưởng ban Chính sách – Pháp luật của CĐ DKVN, bây giờ anh Kha là Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Chủ tịch Công đoàn TCT Dầu Việt Nam và là Ủy viên Ban Thường vụ CĐ DKVN. Cả cơ quan CĐ DKVN xúm vào lo toan, nào là trang trí, nào là sân khấu hình chữ T, nào là nội dung thi, v.v… và lấy địa điểm tầng 3 tòa nhà 18 Láng Hạ là nơi CBCNV vẫn hằng ngày ăn trưa ở đó. Và thật bất ngờ, không chỉ có tới gần 90 thí sinh từ hầu hết các đơn vị đến dự thi ở cả hai lứa tuổi dưới 35 tuổi và trên 35 tuổi mà đặc biệt hơn nữa, mặc dù hôm đó là thứ bảy nhưng mọi người đến xem đông nghẹt hội trường. Khách mời trên Đảng ủy Khối doanh nghiệp Trung ương nhiều anh chị đã đến dự nhưng đến cửa tầng 3 không tài nào vào được, họ đã gọi điện cho tôi để xem có cách nào vào được không? Khi nhìn thấy lượng khán giả đông như thế tôi rất muốn ra để đưa các anh, các chị ấy vào mà cũng chịu không sao ra được, đành cảm ơn các anh chị ấy.
Có được bài học quý giá là hoạt động này không chỉ được chị em rất hăm hở, nhiệt tình mà quần chúng đến xem cổ vũ còn đầy nhiệt huyết và mạnh mẽ hơn thế. Chúng tôi lúc này có thêm chị Nghiêm Thùy Lan, Phó chủ tịch phụ trách công tác nữ công tham gia chỉ đạo cuộc thi lần thứ 2 được tổ chức với quy mô hoành tráng hơn, được thi loại từ các khu vực với sự tham gia của các đơn vị nhiều hơn, quần chúng ở các đơn vị đến xem đến tận 1 giờ sáng mà vẫn đông kín hội trường. Đêm thi chung kết tại Hà Nội đúng vào dịp Tuần lễ Văn hóa Dầu khí lần thứ 3, cuộc thi “Duyên dáng Dầu khí” đã khai mạc với quy mô hoành tráng, to lớn hơn rất nhiều so với cuộc thi lần thứ nhất.
Như vậy, tìm ra được một hoạt động mới đã là khó khăn, nhưng được mọi người ủng hộ, thậm chí còn đam mê lại còn khó khăn gấp bội. Nhưng BCH CĐ DKVN và tổ chức công đoàn các đơn vị đã làm được việc này. Tôi coi hoạt động này là một sự đổi mới phương thức hoạt động của CĐ DKVN trong khóa IV.
Thứ bảy, mở rộng quan hệ đối ngoại mở ra những hoạt động mới, đưa thương hiệu của Tập đoàn Dầu khí và Công đoàn Dầu khí đến với nhiều địa phương trong cả nước và ra nước ngoài.
Tôi còn nhớ ở những nhiệm kỳ trước, công tác đối ngoại chưa được quan tâm đúng mức, một mặt do nhận thức của BCH thời kỳ đó, mặt khác nhu cầu đối ngoại chưa trở thành vấn đề cần thiết. Nhưng đến nhiệm kỳ IV công tác đối ngoại đã trở thành vấn đề khá quan trọng, không chỉ giải quyết vấn đề nhu cầu giao lưu học hỏi, mà là cầu nối giữa chuyên môn với nhau. Chính vì vậy CĐ DKVN đã ký kết quy chế phối hợp với 4 tập đoàn trong Bộ Công Thương, bao gồm: Công đoàn Tập đoàn Than và Khóang sản VN; Tập đoàn Điện lực VN; Tập đoàn Dệt may VN và Công đoàn Bộ Công Thương. Đồng thời cũng đã ký quy chế phối hợp với Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) thành phố Hải Phòng; Quảng Ngãi, Đà Nẵng, đặt mối quan hệ gắn bó với LĐLD tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu; LĐLĐ tỉnh Thái Bình; LĐLĐ tỉnh Ninh Bình; LĐLĐ tỉnh Nam Định; LĐLĐ tỉnh Vĩnh Phúc; LĐLĐ tỉnh Phú Thọ. Ở những địa bàn đó đều có nhiều đoàn viên Công đoàn Dầu khí đóng quân, đang triển khai nhiều dự án, nhiều công việc đòi hỏi cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các tổ chức công đoàn với nhau.
Trên thực tế, nhiều hoạt động phối hợp đã được tổ chức, nhiều hội thảo trao đổi kinh nghiệm, học tập lẫn nhau theo các chủ đề đã được thực hiện; Nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, công tác ASXH, v.v… giữa đoàn viên CĐ DKVN với LĐLĐ các tỉnh, thành phố được đẩy mạnh.
Đối với Công đoàn Mỏ – Năng lượng – Hóa chất khu vực Châu Á – Thái Bình Dương tuy chúng ta chưa gia nhập chính thức (đang tiến hành thủ tục) nhưng đã có một số hoạt động tìm hiểu, thương hiệu của CĐ DKVN theo đó cũng đã được quảng bá ra nhiều nước trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.
Hai năm liêp tiếp 2010, 2011, Tổng giám đốc Tập đoàn giao cho CĐ DKVN làm chủ lực đưa các cầu thủ tham gia Ascogame (hội thao các nước có dầu trong khu vực) ở Singapore và Thái Lan. Qua hoạt động thể thao này, CĐ DKVN đã thể hiện được tài tổ chức, tài “cầm quân” đi thi đấu trên trường quốc tế có hiệu quả, thu được nhiều thành tích cao.
Ở mỗi hoạt động đều có những đổi mới về nội dung, hình thức và ngày càng mang tính “chuyên nghiệp”, được tuyệt đại đa số đoàn viên công đoàn, người lao động ghi nhận và đánh giá cao, thực sự có sự chuyển biến tích cực, mới mẻ, hấp dẫn, đa dạng trên mọi lĩnh vực công tác.
TS Hà Duy Dĩnh – Chủ tịch Công đoàn Dầu Khí Việt Nam