Chặng đường cách mạng gần 95 năm, là khoảng thời gian nối tiếp giữa hai thế kỷ, tuy phải đương đầu với muôn vàn khó khăn, thách thức, khi hoạt động bí mật, lúc công khai, với 13 lần đại hội và 6 lần đổi tên cho phù hợp với mỗi giai đoạn lịch sử, nhưng dù ở bất cứ hoàn cảnh, điều kiện nào, thì bản chất kiên cường, cách mạng của Công đoàn Việt Nam cũng không thay đổi.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trong phát biểu tại Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam, nhiệm kỳ 2023-2028. Ảnh: Hải Nguyễn
Công đoàn Việt Nam luôn trung thành với lợi ích của giai cấp công nhân, của dân tộc và lợi ích của đoàn viên, người lao động (ĐV&NLĐ), không xa rời, coi nhẹ mục tiêu phấn đấu cho độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.
Công đoàn Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh, tuyệt đối trung thành với Đảng và giai cấp
Tại Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: Trải qua hơn 94 năm xây dựng, hoạt động, trưởng thành và phát triển, chúng ta có quyền tự hào và khẳng định rằng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Công đoàn Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh, tuyệt đối trung thành với Đảng và giai cấp, có những đóng góp xứng đáng vào thắng lợi vĩ đại của cách mạng, góp phần quan trọng xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam ngày càng lớn mạnh. Trong giai đoạn đất nước đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng hiện nay, vai trò, vị thế của tổ chức Công đoàn càng được khẳng định, phát huy mạnh mẽ hơn bao giờ hết.
Tích cực thực hiện nhiệm vụ đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên
Điều 10, Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam – đã khẳng định: Công đoàn Việt Nam là tổ chức chính trị – xã hội của giai cấp công nhân và của người lao động được thành lập trên cơ sở tự nguyện, đại diện cho người lao động, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế – xã hội; tham gia kiểm tra, thanh tra, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp về những vấn đề liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người lao động; tuyên truyền, vận động người lao động học tập, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, chấp hành pháp luật, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trò chuyện cùng công nhân. Ảnh: Hải Nguyễn
Luật Công đoàn Việt Nam chỉ rõ: “Công đoàn là tổ chức chính trị – xã hội rộng lớn của giai cấp công nhân và của người lao động, được thành lập trên cơ sở tự nguyện, là thành viên trong hệ thống chính trị của xã hội Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; đại diện cho cán bộ, công chức, viên chức, công nhân và những người lao động khác (sau đây gọi chung là người lao động), cùng với cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động…; tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế – xã hội, tham gia thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp; tuyên truyền, vận động người lao động học tập nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, chấp hành pháp luật, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”.
Thực hiện chức năng, nhiệm vụ đã được Hiến định, các cấp Công đoàn, nhất là Tổng LĐLĐVN đã chủ động, tích cực đổi mới và nâng cao chất lượng tham gia xây dựng chính sách, pháp luật liên quan đến ĐV&NLĐ và hoạt động công đoàn; phát hiện, đề xuất nhiều kiến nghị, góp ý xây dựng pháp luật để chăm lo, bảo vệ tốt hơn quyền lợi của ĐV&NLĐ như quyền lựa chọn việc làm, đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, tiền lương, vấn đề nhà ở, điều kiện làm việc của ĐV&NLĐ, các chính sách hỗ trợ ĐV&NLĐ bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19… Trong đó, tổ chức Công đoàn ngày càng có tiếng nói mạnh mẽ và hiệu quả trong các hội đồng, ủy ban, ban chỉ đạo, các cơ chế dân cử để bảo vệ quyền lợi của ĐV&NLĐ.
Ông Nguyễn Đình Khang – Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐVN – trao đổi với công nhân, người lao động về điều kiện làm việc, thời gian tăng ca và thu nhập của họ trong doanh nghiệp. Ảnh: Phương Linh
Báo cáo chính trị tại Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam nêu rõ, trong Hội đồng Tiền lương Quốc gia, Công đoàn đã thể hiện rõ, hiệu quả vai trò đại diện ĐV&NLĐ.
Trong 5 năm qua (2018-2023), đề xuất nâng mức lương tối thiểu tăng 25,34%, góp phần cải thiện đời sống ĐV&NLĐ, thu hẹp khoảng cách giữa tiền lương tối thiểu và mức sống tối thiểu. Việc phát huy vai trò đội ngũ cán bộ, công chức là đoàn viên công đoàn tham mưu xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật có bước chuyển mới.
Công tác nghiên cứu, điều tra, khảo sát, phát hiện vấn đề, lấy ý kiến để tổng hợp, tham mưu, đề xuất sửa đổi, bổ sung kịp thời chính sách, pháp luật được thực hiện nghiêm túc. Hoạt động thông tin, tuyên truyền, tiếp xúc, đối thoại trong xây dựng chính sách, pháp luật được coi trọng.
Chương trình Thủ tướng Chính phủ đối thoại với công nhân hàng năm, Diễn đàn Người lao động năm 2023 do Chủ tịch Quốc hội chủ trì, đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri chuyên đề với công nhân viên chức, lao động, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, người sử dụng lao động đối thoại với ĐV&NLĐ tạo hiệu ứng tốt, là kênh quan trọng thúc đẩy hoàn thiện chính sách, pháp luật và giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật liên quan đến ĐV&NLĐ và công đoàn.
Lãnh đạo LĐLĐ TP Hà Nội trao đổi với đại diện doanh nghiệp về công tác phối hợp chăm lo đoàn viên, người lao động. Ảnh: Hải Nguyễn
Hoạt động thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể trong các doanh nghiệp, đơn vị, nhất là doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước được chú trọng, có nhiều đổi mới, đạt kết quả quan trọng. Trong nhiệm kỳ, đã ký mới 15.832 bản thỏa ước lao động tập thể doanh nghiệp, nâng tổng số thỏa ước lao động tập thể đã ký kết lên 42.550 bản, đạt tỉ lệ 72,12% tổng số doanh nghiệp đã thành lập công đoàn cơ sở (tăng 6,47% so với đầu nhiệm kỳ) trong đó thỏa ước đạt loại B trở lên đạt tỉ lệ 48,2%, tăng 19,6% so với đầu nhiệm kỳ.
Công đoàn tiếp tục phát huy vai trò trong tham gia xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ. Các cấp công đoàn phân công cán bộ bám sát cơ sở, thường xuyên lắng nghe, ghi nhận tâm tư, nguyện vọng của ĐV&NLĐ, xây dựng đội ngũ công nhân nòng cốt tại các doanh nghiệp, thiết lập các kênh thông tin đa chiều từ cơ sở, tăng cường hoạt động đối thoại ở nhiều cấp, phát hiện sớm và giải quyết kịp thời các tranh chấp hoặc nguy cơ tranh chấp lao động, góp phần giảm 55,3% số cuộc ngừng việc tập thể so với nhiệm kỳ 2013 – 2018.
Điểm tựa cho công nhân, người lao động
Thực tế cho thấy, quá trình hoạt động, Công đoàn được xem như điểm tựa cho công nhân, người lao động. Đặc biệt, trong 5 năm qua, trong bối cảnh còn gặp nhiều khó khăn, thách thức so với dự báo song với sự nỗ lực của đội ngũ cán bộ công đoàn, ĐV&NLĐ, hoạt động công đoàn tiếp tục có bước chuyển quan trọng, nhất là trong đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động.
Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam cho biết, các mô hình chăm lo cho ĐV&NLĐ tiếp tục được phát triển, hoàn thiện, mang đậm dấu ấn của tổ chức Công đoàn như “Tết Sum vầy”, “Tháng Công nhân” lan tỏa mạnh mẽ, thấm sâu đến cơ sở. Riêng “Tết Sum vầy” trong 5 năm qua có hơn 30 triệu lượt ĐV&NLĐ được chăm lo với tổng số tiền gần 28.000 tỉ đồng.
Lãnh đạo LĐLĐ tỉnh Hưng Yên tặng quà công nhân có hoàn cảnh khó khăn nhân dịp Tháng Công nhân 2024. Ảnh: Hải Nguyễn
Tháng Công nhân được triển khai cùng Tháng Hành động về an toàn vệ sinh lao động đã tổ chức thăm, động viên, tặng quà hơn 3,8 triệu lượt công nhân, lao động có hoàn cảnh khó khăn, công nhân bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, mắc bệnh hiểm nghèo; tôn vinh, tổ chức tri ân công nhân có nhiều thành tích trong sản xuất kinh doanh với tổng số tiền hàng nghìn tỉ đồng.
Chương trình “Mái ấm Công đoàn” giúp gần 14.000 ĐV&NLĐ được xây dựng, sửa chữa nhà ở với tổng số tiền hỗ trợ hơn 500 tỉ đồng. Việc nâng cao chất lượng bữa ăn ca trở thành hoạt động thiết thực, thường xuyên của công đoàn cơ sở tại các doanh nghiệp, bước đầu xây dựng mô hình “Bữa ăn công đoàn”.
Chương trình “Phúc lợi đoàn viên” tiếp tục được mở rộng, định kỳ được rà soát, đánh giá, bổ sung các đối tác mới với những ưu đãi phục vụ trực tiếp lợi ích của ĐV&NLĐ.
Hoạt động thăm hỏi, hỗ trợ ĐV&NLĐ có hoàn cảnh khó khăn, mắc bệnh hiểm nghèo, tại nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được duy trì với tổng số tiền hơn 3.600 tỉ đồng.
Tổng LĐLĐVN đã tham mưu đề xuất Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1729/QĐ-TTg ngày 4.11.2020 sửa đổi Quyết định số 655/QĐ-TTg ngày 12.5.2017 phê duyệt Đề án “Đầu tư xây dựng các thiết chế của công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất”, phối hợp với các cơ quan, địa phương, đơn vị tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh việc triển khai xây dựng thiết chế công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất…
Ở một khía cạnh khác, nói tới sự lớn mạnh của Công đoàn Việt Nam, không thể không nhắc tới công tác phát triển đoàn viên. Theo Tổng LĐLĐVN, công tác phát triển đoàn viên công đoàn, thành lập công đoàn cơ sở được tập trung, triển khai bằng nhiều giải pháp mới, đạt kết quả quan trọng. Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN ban hành Kế hoạch phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở đến hết năm 2023;
Điều chỉnh chỉ tiêu về kết nạp đoàn viên khi tiến hành sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XII Công đoàn Việt Nam, đảm bảo phù hợp với mục tiêu theo Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 12.6.2021 của Bộ Chính trị, ban hành chính sách tạo động lực thúc đẩy công tác phát triển đoàn viên, đảng viên và thành lập công đoàn cơ sở. Đến tháng 12.2023 cả nước đã có hơn 11.224.830 đoàn viên và 124.325 CĐCS. Trong đó, doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước có trên 7.433.980 đoàn viên (đạt tỉ lệ 66,23%) và 52.181 CĐCS (đạt tỉ lệ 41,97%).
Công đoàn các khu công nghiệp tỉnh Thái Nguyên tổ chức kết nạp đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở nhân dịp Tháng Công nhân 2024. Ảnh: Công đoàn Thái Nguyên
Hoạt động công đoàn tiếp tục có bước chuyển quan trọng
Đồng Nai là địa phương có nhiều công nhân, khu công nghiệp, ông Quản Minh Cường – Phó Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh – nhìn nhận, 5 năm qua, trong bối cảnh còn gặp nhiều khó khăn, thách thức so với dự báo song với sự nỗ lực của đội ngũ cán bộ công đoàn, đoàn viên, người lao động, hoạt động công đoàn tiếp tục có bước chuyển quan trọng, nhất là trong đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động.
Theo ông Quản Minh Cường, quy mô tổ chức công đoàn được mở rộng, chất lượng nhiều mặt công tác được nâng lên, đã chủ động, linh hoạt trong công tác chỉ đạo và tổ chức thực hiện, xuất hiện nhiều mô hình mới, cách làm hiệu quả, có sức lan tỏa, được ĐV&NLĐ, cấp ủy, chính quyền và người sử dụng lao động ghi nhận… đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp phát triển và đổi mới đất nước.
Phó Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai nhấn mạnh: “Cùng với sự lớn mạnh của tổ chức Công đoàn, giai cấp công nhân được bổ sung về số lượng, nâng cao về chất lượng, nhất là ý thức giác ngộ lý tưởng cộng sản, lòng trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng, sự gắn bó chặt chẽ với các tầng lớp trí thức, lực lượng vũ trang… Những đóng góp của giai cấp công nhân và người lao động đã đóng góp to lớn cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, bảo đảm vai trò lãnh đạo, cầm quyền của Đảng nhằm xây dựng một nước Việt Nam hùng cường, phát triển”.
Đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu, nguyện vọng của đông đảo CNVCLĐ
PGS.TS Dương Văn Sao – nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Công đoàn – khẳng định, chặng đường gần 95 năm qua, Công đoàn Việt Nam luôn trung thành với lợi ích của giai cấp công nhân, của dân tộc và lợi ích của người lao động, không xa rời, coi nhẹ mục tiêu phấn đấu cho độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.
Giai cấp công nhân, Công đoàn Việt Nam luôn tin tưởng, trung thành và đi tiên phong trong thực hiện đường lối của Đảng, không ngừng đổi mới tổ chức, nội dung, phương thức hoạt động đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu, nguyện vọng của đông đảo CNVCLĐ.
Các cấp công đoàn đã hướng mạnh hoạt động về cơ sở, lấy người lao động làm đối tượng vận động, tập hợp và tổ chức hoạt động; lấy chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích, hợp pháp chính đáng của CNVCLĐ nhằm xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định… để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh làm mục tiêu hoạt động.
Theo laodong.vn