08/11/2022 11:01:41

Đảng bộ Liên doanh Việt – Nga Vietsovpetro 40 năm vượt qua khó khăn, phát triển ổn định

Dưới sự lãnh đạo toàn diện, trực tiếp của Đảng ủy Liên doanh Việt-Nga Vietsovpetro; cán bộ, đảng viên, công nhân, tập thể lao động quốc tế đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ lao động sản xuất kinh doanh, đưa Liên doanh Việt-Nga Vietsovpetro phát triển ổn định, bền vững, lên tầm cao mới, xứng đáng là cánh chim đầu đàn của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam.

Đảng bộ Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro 40 năm vượt qua khó khăn, phát triển ổn định

Hội nghị quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XII, của Đảng bộ liên doanh Việt – Nga Vietsovpetro (ảnh Trúc Lâm)

Công cuộc tìm kiếm “vàng đen”- chuyện lần đầu tiên kể

Đảng bộ Liên doanh Việt – Nga Vietsovpetro ra đời ngày 26/5/1982 của thế kỷ 20. Đây là thời gian đất nước gặp rất nhiều khó khăn trong “hành trình cuối” của nền kinh tế “tập trung bao cấp” .

Thời đó, bốn tiếng “khai thác dầu mỏ” rất mới mẻ. Liên doanh Việt – Nga Vietsovpetro được thành lập năm 1981 và được coi là “doanh nghiệp tiên phong” của ngành dầu khí Việt Nam. Để khai thác được những tấn dầu thô từ lòng đại dương ngoài thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc, hàng trăm chuyên gia Liên Xô và công nhân Việt Nam đã vượt trùng khơi để “lật đáy biển tìm vàng đen cho Tổ quốc” giữa bạt ngàn khó khăn, gian khó.

Ông Lê Hữu Giáp – cựu chiến binh Vietsovpetro, thuyền trưởng Tàu Dịch vụ lặn Đa năng Long Hải – 02 đã giành trọn thời tuổi trẻ của mình cho công cuộc tìm kiếm “vàng đen” dưới lòng đại dương kể: Những năm 1982-1989 của thế kỷ 20, việc tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí vô cùng gian khổ. Trong điều kiện đất nước đang bị bao vây, cấm vận, còn gặp nhiều khó khăn về kinh tế, việc tìm dầu ngoài biển được ưu tiên và xác định là ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước với khát vọng “vươn ra biển, làm giàu từ biển” sau khi đất nước thống nhất, thực hiện “lộ trình” xây dựng và kiết thiết nước nhà theo con đường chủ nghĩa xã hội mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn.

Thời nào cũng vậy, việc “tiến ra biển làm giàu từ biển” luôn là ý chí của mỗi quốc gia. Đối với Việt Nam, việc khai thác dầu mỏ thời kỳ ấy còn rất mới mẻ. Song Đảng và nhà nước ta xác định phải “tiến ra biển lớn và làm giàu từ biển” trong tương lai của đất nước không chỉ là chủ trương đúng đắn và sáng tạo; mà còn là khát vọng của dân tộc có chủ quyền làm giàu từ biển, lấy biển làm không gian sinh tồn trong tương lai.

Trước Đại hội toàn quốc lần thứ VI của Đảng, nền khoa học công nghệ nước ta chưa được phát triển như bây giờ. Việc chế tạo giàn khoan tự hành, hoặc giàn khoan ở mực nước sâu, máy móc, kỹ thuật khoan còn hạn chế. Các phương tiện lai dắt, vận chuyển những giàn khoan khổng lồ hải trình ra thềm lục địa thường trong điều kiện thời tiết phức tạp, thậm chí gặp sóng gió bất thường. Đời sống gia đình của cán bộ đảng viên thời đó cũng không ít khó khăn. Công nhân phải ngày đêm đối mặt với sóng to gió lớn, bão tố, lao động trong môi trường khí hậu khắc nghiệt rủi ro, hiểm nguy. Ông Giáp chia sẻ: “Khó khăn nhất những ngày đầu tiên là làm sao nhanh chóng tìm ra dầu. Giữa đại dương mênh mông sóng lớn, gió cả, đội thợ khoan thăm dò thay nhau làm việc 3 ca/ ngày đêm. Mặc cho cái nắng cháy da cháy thịt hay sương đêm lạnh cóng, các công nhân Việt Nam và chuyên gia Liên Xô vẫn miệt mài lao động không kể ngày đêm. Để rồi sau những “đêm trắng tìm dầu” chúng tôi ôm nhau vui mừng reo hò trong xúc động. Nước mắt chen lẫn niềm vui sướng khi tàu Mikhain Mirchin phát hiện được dầu từ lòng đất mẹ tại giếng khoan BH-05 mỏ Bạch Hổ”.

Ông Mai Văn Hân được “đầu quân” vào Liên doanh Việt – Nga Vietsovpetro từ năm 1981 sau những năm tháng học tập, nghiên cứu khoan thăm dò địa chất dưới lòng biển tại Liên Xô cho hay: “Nhiệm vụ của một thợ khoan dầu mỏ như tôi lúc đó là quyết tâm làm tốt nhiệm vụ để tìm “vàng đen” cho Tổ quốc. Chúng tôi làm nhiệm vụ cao cả ấy vì niềm đam mê và trái tim người thợ. Tất cả vì Vietsovpetro phát triển trong tương lai”.

Theo ông Hân, tìm được được vỉa dầu dưới đáy đại đương đã khó, việc xây dựng lắp đặt chân đế càng khó hơn. Sau khi xác định “vị trí toạ độ” những thợ lặn đeo bình ô xy lặn sâu xuống biển để khảo sát. “Dưới đáy biển có hàng ngàn tảng san hô như những dãy núi nhọn hoắt lởm chởm. Người thợ lặn phải trườn người, len lỏi, chui qua các tầng, kẽ san hô khác nhau. Quá trình “luồn lách” qua các “núi san hô” phải thật cẩn thận, khéo léo và đúng qui trình lao động. Vừa phải bảo đảm tiến độ làm việc, vừa bảo đảm an toàn. Những người lặn sâu được 30-40 mét nước biển là những thợ lặn kỳ cựu, sức khoẻ tốt và có nhiều kinh nghiệm. Ngày đó chưa có điện thoại như bây giờ. Mọi thông tin liên lạc về gia đình đều thông qua radio duyên hải Vũng Tàu” – ông Hân kể lại.

Đảng bộ Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro 40 năm vượt qua khó khăn, phát triển ổn định

Thắp sáng biển Đông (ảnh TL)

Chủ trương đúng đắn, biện pháp sát thực, hiệu quả

Xuất phát từ nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của hành trình khai thác dầu khí. Ngay từ những ngày đầu thành lập, để kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo, động viên cán bộ, đảng viên, công nhân người lao động tiếp tục cống hiến trí lực cho công việc khai thác dầu mỏ, Đảng ủy Liên doanh Việt – Nga Vietsovpetro xác định tập trung lãnh đạo thực hiện bốn nhiệm vụ lớn mà Đảng, Chính phủ và Ngành Dầu khí giao phó là:

– Thứ nhất: Nghiên cứu tài liệu địa chất, địa vật lý có từ trước, xác định vị trí giếng, khoan tìm kiếm, thăm dò, nhanh chóng phát hiện ra dầu khí, sớm đưa vào khai thác phục vụ phát triển kinh tế Việt Nam.

– Thứ hai: Nhờ sự giúp đỡ của các chuyên gia Liên Xô đào tạo cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý, khoa học – kỹ thuật, chuyên môn nghiệp vụ và công nhân kỹ thuật các loại, từng bước thay thế Bạn và vươn lên làm chủ ngành công nghiệp tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí.

– Thứ ba: Xây dựng căn cứ dịch vụ trên bờ bảo đảm cho hoạt động của liên doanh và phục yêu cầu hoạt động dầu khí thềm lục địa phía Nam Việt Nam.

– Thứ tư: Xây dựng các dịch vụ của Liên doanh Vietsovpetro và tạo điều kiện cho các đơn vị trong ngành dầu khí và trong nước phát triển dịch vụ dầu khí, đưa dần các dịch vụ dầu khí từ nước ngoài về Việt Nam.

Để thực hiện tốt bốn nhiệm vụ này, Đảng bộ Vietsovpetro ngay từ những ngày đầu tiên đã xác định các biện pháp lãnh đạo trọng yếu là: Tập trung đào tạo đội ngũ cán bộ lao động, phát triển đội ngũ cán bộ khoa học – kỹ thuật phía Việt Nam, đồng thời phối hợp chặt chẽ với Đảng bộ Phía Liên Xô để tiếp cận khoa học kỹ thuật, công nghệ từ các chuyên gia, nhanh chóng khoan, thăm dò, xác định dòng dầu công nghiệp để đưa vào khai thác. Cùng với đó, tập trung lãnh đạo khẩn trương mua sắm thiết bị, vật tư và chân đế giàn khai thác, triển khai lắp đặt giàn khai thác trên mỏ Bạch Hổ – công trình khai thác dầu khí đầu tiên trên Biển Đông của nước ta (như giàn MSP-1, MSP-2, MSP-3, MSP-4). Ngày 26/6/1986, tấn dầu đầu tiên từ mỏ Bạch Hổ được khai thác, đánh dấu bước ngoặt lớn trong sự phát triển của ngành Dầu khí Việt Nam, mang lại niềm vui hân hoan cho CBCNV hai Phía trong Liên doanh Vietsovpetro, tiếp đó ngày 09/5/1987 tại giếng khoan BH-6 đã phát hiện thân dầu đặc biệt hiếm có trong đá móng granite nứt nẻ và chính thức đưa vào khai thác ngày 06/9/1988 góp phần tăng nhanh sản lượng dầu khai thác hàng năm.

Song song với việc lãnh đạo nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, công tác xây dựng Đảng được Đảng ủy Vietsovpetro đặc biệt quan tâm, đã xây dựng bộ được một tập thể thực sự đoàn kết, thống nhất ý chí và hành động, phát huy rõ vai trò của tổ chức Đảng trong doanh nghiệp nhà nước có vốn đầu tư nước ngoài. Đảng ủy đã đổi mới phương thức sinh hoạt đối với các chi bộ trên các công trình biển, vừa phù hợp với tính chất, thời gian và cường độ lao động của đảng viên, vừa phủ hợp quy định của Đảng và thực tiễn sản xuất. Do đặc thù đảng viên làm việc trên các công trình biển theo chế độ 3 ca, 4 kíp. Có nhiều đảng viên mặc dù làm việc trên bờ nhưng theo yêu cầu công việc vẫn phải thường xuyên đi công tác trên các công trình biển.

Đảng bộ Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro 40 năm vượt qua khó khăn, phát triển ổn định

Công nhân làm việc dưới lòng biển (ảnh TL)

Căn cứ các quy định, hướng dẫn của Trung ương và điều kiện đặc thù, Đảng ủy Vietsovpetro đã ban hành hướng dẫn thí điểm tổ chức sinh hoạt thường kỳ của các chi bộ đặc thù. Theo đó, 18/ 41 chi bộ đặc thù trên các tàu biển tổ chức sinh hoạt theo các hình thức trên bờ; 08/41 chi bộ đặc thù sinh hoạt trực tuyến truyền hình. Hình thức tổ chức là tập trung tại hai điểm cầu trên bờ và trên biển. Cấp ủy hoặc bí thư chi bộ chuẩn bị nội dung sinh hoạt, gửi trước cho đảng viên. Đến ngày tổ chức sinh hoạt, tất cả đảng viên tập trung tại hai điểm cầu trên bờ và trên biển sinh hoạt thông qua hệ thống webcam chuyên dụng – ghi được cả hình và tiếng để đảm bảo các đảng viên thấy được nhau, nghe được nhau phát biểu. Các nội dung của buổi sinh hoạt được thảo luận và ghi chép đầy đủ, ban hành nghị quyết sau cuộc họp. 15/41 chi bộ sinh hoạt trực tuyến truyền thanh theo chế độ 2 phiên, cấp ủy hoặc bí thư chi bộ dự thảo trước nội dung sinh hoạt và các thông tin cần triển khai cho tất cả đảng viên trên biển và trên bờ của chi bộ. Sau đó các đảng viên trên bờ và trên biển đóng góp ý kiến gửi về cho cấp ủy hoặc bí thư chi bộ. Đối với các nội dung cần biểu quyết, đến ngày đổi ca, thời điểm mà hầu hết đảng viên trong chi bộ gặp nhau, chi bộ sẽ tổ chức họp chi bộ tại công trình biển để tiến hành biểu quyết. Các nội dung của buổi sinh hoạt được tổng hợp đầy đủ và bàn giao cho bí thư hoặc phó bí thư chi bộ và được ghi chép đầy đủ trong sổ ghi nội dung sinh hoạt của chi bộ, ban hành nghị quyết sau cuộc họp như bình thường…

Đối với các tổ chức đảng làm nhiệm vụ ở bờ, cũng được thường xuyên được kiện toàn đủ số lượng và nâng cao chất lượng sinh hoạt. Không ngừng đổi mới nội dung, phương pháp sinh hoạt chi bộ. Thường xuyên cập nhật, phổ biến đến đảng viên để nắm chắc các chỉ thị, hướng dẫn về công tác xây dựng Đảng. Tích cực tuyên truyền sâu rộng có hiệu quả tiêu chí phấn đấu của cán bộ đảng viên trong thực hiện và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; những điều đảng viên không được làm. Công tác kiểm tra giám sát thực hiện có hiệu quả thường xuyên, liên tục. Nêu cao tự phê bình và phê bình. Xây dựng tốt mối đoàn kết nội bộ, không có đảng viên vi phạm kỷ luật nghiêm trọng, không có đảng viên tham nhũng, lãng phí liên quan đến các chế độ tài chính, đấu thầu, hoặc sản xuất kinh doanh…

Kể từ ngày thành lập đến nay, Vietsovpetro đã khai thác trên 244 triệu tấn dầu thô, đưa vào bờ trên 38 tỷ mét khối khí đồng hành. Doanh thu bán dầu và khí đạt trên 85 tỷ USD, nộp ngân sách Nhà nước trên 58 tỷ USD. Ngày 28/10/2022, giàn khai thác Cá Tầm 2 (CTC-2) thuộc mỏ Cá Tầm, Lô 09-3/12 đã chính thức khai thác dòng dầu đầu tiên (first oil). Cũng ngày 28/10/2022, tập thể người lao động Vietsovpetro vui mừng chào đón dòng dầu thương mại đầu tiên từ giàn RC-10 mỏ Rồng với tổng lưu lượng dầu ban đầu thu được ở 02 giếng 60M, 60P là 350 tấn/ngày đêm.

Đảng bộ Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro 40 năm vượt qua khó khăn, phát triển ổn định

Đảng viên miệt mài lao động (ảnh TL)

Hai sự kiện trên không chỉ đánh giá sự nỗ lực phấn đấu của tập thể lao động quốc tế, mà còn thêm một lần khẳng định Đảng bộ Vietsovpetro đã có chủ trương, biện pháp lãnh đạo sáng suốt kịp thời, để Liên doanh Việt – Nga Vietsovpetro vươn ra thế giới làm chủ khoa học công nghệ trong khai thác dầu khí biển. Kết quả hoạt động 41 năm qua của Vietsovpetro đã khẳng định sự hợp tác có hiệu quả giữa hai nước Việt Nam và Liên bang Nga trong lĩnh vực kinh tế. Đồng thời, góp phần giữ gìn, vun đắp tình hữu nghị giữa nhân dân Việt Nam với nhân dân Liên Xô/Liên bang Nga và các nước SNG hiện nay. Những thành quả của Vietsovpetro đã khẳng định uy tín và thương hiệu của mình, tạo điều kiện thuận lợi để mở rộng hoạt động ra thị trường dầu khí ngoài lãnh thổ Việt Nam.

Nhờ có chủ trương đúng đắn, biện pháp sát thực hiệu quả mà nhiều năm qua, Đảng bộ Liên doanh Việt – Nga Vietsovpetro đã có tác động tích cực và làm thay đổi sâu sắc phương thức sinh hoạt Đảng và nhận thức của đảng viên; đồng thời góp phần quan trọng thay đổi đời sống kinh tế – xã hội, cơ sở hạ tầng, cũng như sự tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, tích cực tham gia vào công tác bảo vệ an ninh trên biển, góp phần bảo vệ chủ quyền của Việt Nam trên thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế ở khu vực biển phía Nam.

Vươn tầm cao mới

Trải qua hơn 40 năm xây dựng và phát triển, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, với tinh thần đoàn kết quốc tế, sự nỗ lực, quyết tâm cao của tập thể lãnh đạo và toàn thể cán bộ đảng viên, người lao động, Đảng bộ Liên doanh Việt – Nga Vietsovpetro đã không ngừng lớn mạnh. Từ một đảng bộ cơ sở có 5 chi bộ với 45 đảng viên đã phát triển thành đảng bộ có số đảng viên lớn nhất trong Tập đoàn Dầu khí Quốc gia.

Hiện nay Đảng bộ Vietsovpetro có 15 tổ chức đảng trực thuộc gồm 14 đảng bộ cơ sở với 134 chi bộ trực thuộc và 1 chi bộ cơ sở với 2.133 đảng viên. Đảng bộ đã lãnh đạo toàn hệ thống chính trị phía Việt Nam phối hợp với phía Nga hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch sản xuất, kinh doanh đề ra. Các tổ chức chính trị – xã hội hai phía phối hợp chặt chẽ, tạo thành một khối thống nhất, hoàn thành mục tiêu xây dựng tập thể lao động quốc tế hữu nghị, hợp tác, phát triển.

Trước sự phát triển như vũ bão của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; trước yêu cầu cao của thăm dò, khai thác dầu khí; để hoàn thành xuất sắc kế hoạch, chỉ tiêu được giao; Đảng ủy Liên doanh Việt – Nga Vietsovpetro xác định “chuyển đổi số không chỉ là tất yếu khách quan thời kỳ hội nhập nền kinh tế toàn cầu, mà còn là động lực để phát triển bền vững và lâu dài”. Theo đó, đã đề ra nhiều chủ trương, biện pháp lãnh đạo hiệu quả, trong đó đặc biệt chú trọng đến “lộ trình chuyển đổi số”, “áp dụng công nghệ 4.0 vào quản lý điều hành và các hoạt động tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí”. Trong Nghị quyết số 79- NQ ĐU về “Thực hiện chuyển đổi số tại Liên doanh Việt – Nga Vietsovpetro đến năm 2025, định hướng 2030”, Đảng ủy xác định: “Chuyển đổi số là tất yếu khách quan, là chìa khóa để gia nhập cuộc cách mạng công nghệ 4.0”.

Đi trên con đường mới thênh thang trong khuôn viên Bộ máy Điều hành, lênh đênh trên những con tàu thăm dò địa chấn, hay miệt mài lao động trên giàn khoan giữa nắng gió và muối mặn biển khơi; CBCNV-NLĐ tập thể lao động quốc tế nói chung và từng đảng viên Liên doanh Việt – Nga Vietsovpetro nói riêng luôn tự hào kiêu hãnh vì đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Đảng bộ Liên doanh Việt – Nga Vietsovpetro mãi là cánh chim đầu đàn trong Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, đúng như Bí thư Đảng ủy, Tổng giám đốc Vietsovpetro Nguyễn Quỳnh Lâm khẳng định: “Trong công tác xây dựng Đảng, các cấp ủy duy trì nghiêm nền nếp sinh hoạt, phát huy tốt vai trò lãnh đạo toàn diện của tổ chức đảng tại các đơn vị, bộ phận. Các nghiệp vụ văn phòng cấp ủy, tổ chức, kiểm tra, tuyên giáo có nhiều cải tiến, nâng cao chất lượng, cập nhật kịp thời nhiều quy định mới của Trung ương và cấp ủy cấp trên. Các đoàn thể chính trị – xã hội luôn chủ động sáng tạo duy trì và thực hiện tốt nhiệm vụ của mỗi tổ chức, phát huy vai trò cầu nối giữa Đảng, chính quyền với người lao động. Quan hệ hữu nghị với CBCNV phía Nga được duy trì tốt. Đảng bộ đã tiếp tục giữ vững khối đoàn kết, thống nhất hành động trong hệ thống chính trị, góp phần quan trọng đưa Vietsovpetro vượt qua khó khăn, phát triển ổn định”.

Mai Thắng