Phó Chủ tịch Thường trực Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Trần Thanh Hải, Trưởng nhóm 2 Ban Soạn thảo Nghị định – phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Bảo Hân
Ông Trần Thanh Hải – Phó Chủ tịch Thường trực Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Trưởng nhóm 2 Ban Soạn thảo Nghị định và ông Phan Văn Hùng – Phó Trưởng ban Thi đua – khen thưởng Trung ương, Bộ Nội vụ chủ trì.
Phát biểu khai mạc, ông Trần Thanh Hải cho biết, Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022 được Quốc hội khoá XV thông qua ngày 16.5.2022 có ý nghĩa hết sức quan trọng. Luật đã có nhiều thay đổi, bổ sung có tính căn bản, quan trọng, kế thừa những ưu điểm của Luật Thi đua, khen thưởng năm 2003, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống văn bản. Luật cũng đã bao quát các lĩnh vực, nhiều nội dung có tính mới đột phá, thể chế hoá đúng chỉ đạo của Đảng về đổi mới công tác thi đua, khen thưởng, phù hợp với yêu cầu thực tiễn và thích ứng với sự phát triển trong thời đại công nghệ số.
Ông Trần Thanh Hải mong muốn các đại biểu đóng góp nhiều ý kiến để đảm bảo tính đồng bộ trong thực thi luật, cũng như nêu lên những vướng mắc từ thực tế.
Tại hội thảo, các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến vào dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng, trong đó các nội dung chính liên quan đến hồ sơ, thủ tục; điều kiện, tiêu chuẩn khen thưởng; đối tượng khen thưởng cũng như các nội dung khác có liên quan trong dự thảo để đảm bảo tính thống nhất, phù hợp trong toàn bộ Nghị định…
Một số ý kiến cho rằng, đối với khen thưởng cống hiến, khen thưởng niên hạn, cần quy định rõ điều kiện, tiêu chuẩn hoàn thành tốt nhiệm vụ hay hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên trong cả quá trình công tác hay chỉ thời gian giữ chức vụ quản lý, lãnh đạo để làm điều kiện, tiêu chuẩn khen thưởng. Có ý kiến đề nghị bổ sung đối tượng phó vụ trưởng, phó cục trưởng và tương đương ở các cơ quan thuộc Chính phủ, ngành và cấp tổng cục và tương đương có hệ số phụ cấp chức vụ quản lý 0,7 vào đối tượng khen thưởng cống hiến…