Sau gần 4 ngày làm việc, sáng 30/7, Đại hội XI Công đoàn Việt Nam đã thành công tốt đẹp với tinh thần Đoàn kết, trí tuệ, dân chủ, đổi mới vì quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, công nhân, viên chức lao động (CNVCLĐ) và sự phát triển bền vững của tổ chức công đoàn (CĐ).
Đồng chí Hồ Công Kỳ – Chủ tịch CĐ Dầu khí VN; đồng chí Nguyễn Văn Hùng, Phó chủ tịch CĐ Tổng Công ty Khí Việt Nam (PV Gas); đồng chí Trần Thị Thanh Nga, Ủy viên Ban Chấp hành CĐ Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (PVFCCo) được bầu vào BCH Tổng LĐLĐVN khóa XI; đồng chí Vũ Thanh Hường – Ủy viên Ban Thường vụ, Phó chủ nhiệm UBKT CĐ DKVN được bầu vào Ủy ban Kiểm tra Tổng LĐLĐVN khóa XI.
Khẳng định tinh thần hướng về cơ sở
Đại hội đã thảo luận, biểu quyết thông qua mục tiêu, phương hướng của CĐVN nhiệm kỳ 2013-2018 là: “Tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động CĐ theo hướng vì đoàn viên và người lao động, vì sự phát triển bền vững của đất nước; tập trung hướng về cơ sở, thực hiện tốt chức năng chăm lo đời sống, đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên và người lao động; tham gia có hiệu quả vào công tác quản lý Nhà nước, quản lý kinh tế xã hội; nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục và tổ chức thi đua yêu nước trong đoàn viên và người lao động; đẩy mạnh phát triển đoàn viên, thành lập CĐ cơ sở, chăm lo đào tạo, bồi dưỡng cán bộ CĐ, xây dựng tổ chức CĐ vững mạnh, góp phần xây dựng giai cấp công nhân ngày càng lớn mạnh, xứng đáng là lực lượng nòng cốt, đi đầu trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”.
Phong trào thi đua liên kết tại Nhà máy Lọc dầu Dung Quất được đánh giá cao
Với phương châm hành động “vì quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên và người lao động, vì sự phát triển bền vững của đất nước, tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động CĐ”, đại hội đã thông qua các chỉ tiêu phấn đấu và nhiệm vụ, giải pháp nhằm thực hiện tốt các chức năng của CĐ nhiệm kỳ 2013-2018 và thông qua Nghị quyết đại hội CĐVN lần thứ XI. Theo đó, phấn đấu đến hết năm 2018 cả nước có 10 triệu đoàn viên; 90% trở lên số đơn vị, doanh nghiệp đã đi vào hoạt động và có từ 30 lao động trở lên thành lập được tổ chức CĐ cơ sở; hằng năm có 80% trở lên số CĐ cơ sở ở các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp và doanh nghiệp thuộc khu vực nhà nước và 40% trở lên số CĐ cơ sở ở khu vực ngoài Nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt tiêu chuẩn “CĐCS vững mạnh”; hằng năm có 95% trở lên số cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp Nhà nước tổ chức hội nghị cán bộ, công chức; 95% trở lên số doanh nghiệp Nhà nước và 50% trở lên số công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn tổ chức hội nghị người lao động…
Các nội dung được thông qua tại Đại hội XI CĐ Việt Nam là kết tinh trí tuệ và tâm huyết của toàn thể đoàn viên, CNVCLĐ và của các cấp CĐ cả nước; là sự tổng kết thực tiễn, phát triển lý luận về tổ chức và hoạt động CĐ 5 năm qua, để tiếp tục đổi mới và phát triển trong 5 năm tới.
Thi đua tại Nhà máy Lọc dầu Dung Quất được đánh giá cao
Tại đại hội XI, báo cáo chuyên đề thực hiện nghị quyết đại hội X CĐVN có chuyên đề kết quả phong trào thi đua liên kết trên các công trình trọng điểm quốc gia – một hoạt động đổi mới, sáng tạo trong phong trào thi đua yêu nước của tổ chức CĐ. Một trong những phong trào thi đua liên kết được đánh giá cao là phong trào thi đua tại Nhà máy Lọc dầu Dung Quất. Với công suất thiết kế 6,5 triệu tấn dầu thô/năm, do Việt Nam đầu tư với tổng mức trên 3 tỉ USD, đây là công trình lớn nhất Việt Nam đến thời điểm này và có ý nghĩa chính trị quan trọng đối với nền kinh tế nước ta, là biểu tượng tiêu biểu của ngành công nghiệp lọc hóa dầu Việt Nam được nhân dân cả nước mong đợi; Công trình hoàn thành và đi vào hoạt động mỗi năm cung cấp 30% nhu cầu xăng dầu cả nước, bảo đảm từng bước về an ninh năng lượng, góp phần vào sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, là động lực góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội cả nước nói chung và miền Trung, Trung Bộ nói riêng.
Khó khăn của dự án là: Thay đổi vị trí đầu tư dự án, thay đổi nhà thầu (từ Tập đoàn Dầu khí TOTAL Cộng hòa Pháp, sang tổ hợp nhà thầu TECHNIP), có nhiều phát sinh về tài chính, thiết kế kỹ thuật, thời tiết và điều kiện nền móng địa chất. Bên cạnh đó, các nhà thầu trong nước với phương tiện thi công không đảm bảo, nhân lực lại thiếu nên công tác tổ chức thi công chưa đồng bộ và hiệu quả, dẫn đến nhiều hạng mục của dự án bị chậm tiến độ. Trước tình hình và những khó khăn đó, nhằm thực hiện thắng lợi chủ trương của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội và chỉ đạo của Chính phủ, từ những kinh nghiệm đã được đúc kết qua công tác chỉ đạo phong trào thi đua liên kết XHCN trên công trình xây dựng Nhà máy Thủy điện Hòa Bình, Tổng LĐLĐVN đã đề xuất, phối hợp với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam thành lập Ban Chỉ đạo (BCĐ) phong trào thi đua xây dựng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất do Tổng LĐLĐVN làm Trưởng BCĐ, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam làm Phó trưởng BCĐ và giao cho CĐ DKVN làm nhiệm vụ thường trực thi đua, cùng với các thành viên là các nhà thầu xây dựng.
Nhằm tổ chức phong trào thi đua có hiệu quả, bám sát vào nhiệm vụ, kế hoạch đã được phê duyệt, BCĐ đã tổ chức lễ phát động và ký kết giao ước thi đua tại công trường giữa các đơn vị tham gia xây dựng nhà máy với mục tiêu “đảm bảo chất lượng, tiết kiệm, an toàn và vượt tiến độ”. Phong trào đã thu hút và động viên được đông đảo tập thể cán bộ, CNVCLĐ, Ban Quản lý dự án và đặc biệt đã thu hút được cả các chuyên gia, kỹ sư, công nhân kỹ thuật của các nhà thầu trong nước cũng như quốc tế cùng hưởng ứng tham gia. Thông qua phong trào thi đua liên kết đội ngũ cán bộ, CNVCLĐ trên công trường đã nỗ lực hết mình, vượt qua mọi khó khăn thử thách, ngày đêm hăng say thi đua lao động, sản xuất, công tác, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật để hoàn thành khối lượng công việc rất lớn của các gói thầu xây dựng nhà máy.
Đã xuất hiện nhiều cách làm hay, nhiều mô hình mới được khẳng định và nhân rộng, đã có hàng trăm sáng kiến, cải tiến kỹ thuật được phát huy, ứng dụng vào sản xuất, góp phần nâng cao năng suất lao động toàn công trường, một số mốc tiến độ trước đó có nguy cơ bị chậm so với dự kiến đã lấy lại được tiến độ theo đúng kế hoạch, tạo yếu tố quyết định để hoàn thành toàn bộ công trình. Và sau hơn 3 năm thi đua lao động không mệt mỏi, tháng 2/2009 sản phẩm xăng dầu đầu tiên mang thương hiệu Việt Nam đã được sản xuất tại Nhà máy Lọc dầu Dung Quất sớm hơn kế hoạch đề ra. Thành quả này hội tụ nhiều yếu tố, trong đó có sự đóng góp to lớn của phong trào thi đua liên kết, được Đảng, Chính phủ đánh giá cao và biểu dương, khen thưởng. Hiện nay giá trị sản lượng của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất hàng năm đạt từ 60-80 ngàn tỉ đồng, mỗi năm nhà máy đóng góp cho ngân sách Nhà nước hơn 16 ngàn tỉ đồng, theo đó tỉnh Quảng Ngãi là 1 trong 5 tỉnh có nguồn thu ngân sách cao nhất nước; đáp ứng khoảng 35-40% nhiên liệu cho Vietnam Airline, giảm cán cân nhập siêu cho đất nước.
Đại hội đã thống nhất số lượng ủy viên BCH Tổng LĐLĐVN khóa XI nhiệm kỳ 2013-2018 gồm 175 người. Tại đại hội đã bầu BCH Tổng LĐLĐVN khóa XI gồm 172 ủy viên, 3 ủy viên sẽ được bầu trong các kỳ họp BCH Tổng LĐLĐVN khóa XI.
Trong phiên họp thứ nhất, BCH Tổng LĐLĐVN khóa XI đã bầu Đoàn Chủ tịch gồm 24 ủy viên. Đồng chí Đặng Ngọc Tùng, Ủy viên TƯ Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐVN khóa X tái đắc cử Chủ tịch Tổng LĐLĐVN khóa XI; 5 Phó chủ tịch gồm các đồng chí: Mai Đức Chính, Nguyễn Văn Ngàng, Trần Văn Lý, Trần Thanh Hải và Nguyễn Thị Thu Hồng; UBKT Tổng LĐLĐVN gồm 15 thành viên. Đồng chí Đỗ Xuân Học được bầu làm Chủ nhiệm UBKT Tổng LĐLĐVN khóa XI.
Linh Nguyên