20/05/2017 3:12:30

Cựu chiến binh Nguyễn Thanh Sơn: Chỉn chu, cẩn trọng từ việc nhỏ nhất

Sinh ra và lớn lên ở vùng đất được xem là cái nôi của ngành Dầu khí (Thái Thụy, Thái Bình), anh Nguyễn Thanh Sơn đang công tác tại Công ty TNHH Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí biển PVD (PVD Offshore) cho rằng, những năm tháng trong quân ngũ trước đó đã trui rèn đức tính không ngừng học hỏi, kiên trì, cầu tiến… giờ đây đang giúp anh hoàn thành tốt công việc trong cương vị mới.
chin chu can trong tu viec nho nhat

Gặp và trò chuyện với anh Nguyễn Thanh Sơn tại PVD Offshore càng hiểu hơn về những người lính công tác trên mặt trận dầu khí. Anh Nguyễn Thanh Sơn hiện là kế toán kho vật tư – Xưởng Cơ khí, PVD Offshore – Tổng Công ty CP Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí (PV Drilling). Anh là hội viên Hội Cựu chiến binh PV Drilling.

Trong quá trình công tác, anh Nguyễn Thanh Sơn cùng đồng nghiệp đã tìm tòi, nghiên cứu nhằm tìm kiếm cải tiến những thiết bị, dụng cụ có nhiều điểm chưa phù hợp, lỗi, tiêu hao nhiều nguyên vật liệu, tăng chi phí sản xuất và đặc biệt là tăng độ an toàn cho người lao động khi sử dụng, vận hành thiết bị.

Xưởng Cơ khí PVD Offshore được trang bị hai hệ thống máy hàn Harband (hàn đắp cần khoan, cần nặng, hàn vòng hợp kim cứng chống mài mòn lên cần khoan), bằng phương pháp hàn hồ quang. Trước đây hệ thống thực hiện bằng 2 phương pháp hàn tự động và bán tự động, được nhập khẩu và chuyển giao công nghệ từ nước ngoài về. Hệ thống được thiết kế một buồng hàn nhằm tránh luồng gió từ bên ngoài xâm nhập và bảo vệ khí tại mối hàn không bị phân tán gây rỗ khí, nứt mối hàn, trên buồng hàn có gắn kính hàn quan sát cho thợ vận hành kiểm soát mối hàn trong quá trình hàn.

Buồng hàn được đặt cố định nên rất khó điều chỉnh vị trí hàn và có nhiều khe hở lớn gây khó khăn trong việc ngăn ngừa gió từ bên ngoài vào nên bị phân tán khí bảo vệ gây rỗ khí đường hàn, chất lượng mối hàn không đồng nhất… Thêm nữa chấu kẹp dẫn điện chập chờn không được cách mát tốt dễ nẹt lửa gây hư hỏng cần khoan. Rồi điểm tiếp mát dây hàn gắn cố định trên ống gây rỗ ống và dây hàn bị xoắn khi cần ống quay dễ hư hỏng dây hàn. Kính hàn được gắn sát trên buồng hàn, do nhiệt sinh ra từ vật hàn và hồ quang hàn nên phải sử dụng kính chịu nhiệt đặc biệt. Tuy nhiên, kính vẫn thường xuyên bị mờ, xỉ hàn bám vào nhiều nên mất thời gian lau chùi hay tròng kính phải thay thường xuyên. Và với cách bố trí buồng hàn như thế, tư thế làm việc của nhân viên vận hành không được thoải mái.

Thấy những bất cập trên, anh Sơn và đồng nghiệp đã đưa ra các giải pháp kỹ thuật để khắc phục các nhược điểm. Đó là thiết kế buồng hàn hình trụ trượt trên đường ray; thiết kế khung kính chắn hồ quang cách xa vị trí mối hàn; thiết kế bộ phận dẫn điện từ biến thế hàn vào trực tiếp vật hàn. Sau một thời gian thử nghiệm thành công thì sáng kiến này được ban lãnh đạo PVD Offshore công nhận và đánh giá cao, được Hội đồng khoa học PV Drilling xét đề nghị khen thưởng cấp tổng công ty và năm 2014 được Bằng khen Lao động sáng tạo cấp Tập đoàn.

Anh Sơn cho biết thêm, ưu điểm sau cải tiến kỹ thuật đã giúp thu nhỏ, làm giảm trọng lượng buồng kín, khe hở hẹp của buồng hàn nhỏ, phù hợp cho các cần ống sửa chữa. Do gọn, nhẹ nên không gian làm việc thoải mái, an toàn hơn cho nhân viên vận hành, hạn chế gió thổi từ bên ngoài xâm nhập vùng hàn.

Buồng kín nằm hoàn toàn trên mâm xoay và trấu kẹp cần ống nên dễ dàng di chuyển lên xuống, ra vào linh hoạt. Chính ưu điểm này giúp cho công nhân hàn thao tác khi đưa cần ống ra, vào hay điều chỉnh bộ hàn trong quá trình hàn dễ dàng, nhanh hơn, tăng chất lượng sản phẩm và giảm thời gian điều chỉnh.

chin chu can trong tu viec nho nhat

Công nhân đang làm việc tại Xưởng Cơ khí PVD Offshore

Ưu điểm nữa, với cải tiến này giúp dễ dàng kiểm soát toàn bộ bể hàn. Và chính ưu điểm này giúp ít phải thay kính hàn và không phải nhập khẩu các loại kính chịu nhiệt đặc biệt, đồng thời dễ dàng mua kính thông thường trong nước và không cần lưu kho nhiều. Trước đây, mỗi kính hàn nhập về có giá 80.000 đồng/cái và hàn khoảng 10-20 phút là hỏng một kính. Mỗi năm Xưởng Cơ khí dùng khoảng 1.200-1.400 kính hàn (kính đen và kính trắng), có thời điểm lên đến 2.000 cái, tổng chi phí nhập kính hàn khoảng 1,2 tỉ đồng/năm.

Sau cải tiến này thì Xưởng Cơ khí chỉ dùng kính đen với chi phí 20.000 đồng/cái, còn kính trắng thì dùng hàng trong nước với giá rẻ hơn rất nhiều. Sáng kiến cải tiến này không chỉ được áp dụng ở tổ hàn Hardband – Xưởng Cơ khí – PVD Offshore mà còn có thể nhân rộng sang những thiết bị hàn tương tự.

Sáng kiến cải tiến được thực hiện với chi phí và nhân công rất thấp song đã đem lại ý nghĩa lớn trong việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Giúp giảm hơn 3/4 chi phí mua kính chống hồ quang hằng năm cho bộ phận hàn Hardband. Quan trọng là qua sáng kiến đã góp phần nâng cao tinh thần phát huy sáng kiến, hợp lý hóa sản xuất của CBCNV Xưởng Cơ khí và tạo môi trường làm việc thoải mái hơn cho công nhân hàn.

Đang trò chuyện anh Sơn chợt nhớ những ngày mới về công tác ở Xưởng Cơ khí với vốn tiếng Anh ít ỏi, trong khi đa số vật tư trong kho là hàng nhập. Có những ngày đến 20 giờ anh vẫn còn ngụp lặn trong kho để học và nhớ hình thù, tên gọi, mục đích sử dụng từng vật tư. Kho rộng 200m2 và chứa khoảng 2.000 mã vật tư, nhưng sau 1 năm kiên trì học hỏi, anh Sơn đã nhớ hết và thuộc hầu hết các ngõ ngách trong kho. Và xưởng cần vật tư nào là có ngay.

Luôn chịu khó học hỏi, chăm chỉ, cầu tiến, làm từ việc nhỏ nhất phải rất chỉnh chu, cẩn trọng là những điều tâm niệm từ thời phục vụ trong quân ngũ, được anh Nguyễn Thanh Sơn thực hành trong công việc rất hiệu quả, mà chính sáng kiến buồng hàn và kính chắn hồ quang đã góp phần đem lại những hiệu quả rất thiết thực cho doanh nghiệp.

Trong quá trình làm việc, anh Nguyễn Thanh Sơn cùng đồng nghiệp thực hiện sáng kiến cải tiến buồng hàn và kính chắn hồ quang thành công, giúp làm lợi nhiều thời gian và chi phí cho Xưởng Cơ khí – PVD Offshore. Sáng kiến được trao giải thưởng Lao động sáng tạo cấp Tập đoàn năm 2014.

Thiên Thanh