Do vậy, trong 6 chương trình toàn khóa, chương trình CVĐ “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” là chương trình được BCH thảo luận sôi nổi, xây dựng, đóng góp nhiều thời gian, trí tuệ cũng như công sức nhất và được lựa chọn là chương trình đầu tiên (đứng số 1). Trong mỗi chương trình BCH đều xây dựng nội dung hoạt động rất cụ thể, chi tiết cho từng năm, từng quý, thậm chí cho từng tháng. Có thể khẳng định trong suốt 20 năm hình thành và phát triển Công đoàn Dầu khí Việt Nam (CĐ DKVN) lần đầu tiên đã xây dựng được một chương trình hoạt động toàn khóa, phản ánh trí tuệ, công sức và toàn diện mà tất cả ủy viên BCH và Chủ tịch Công đoàn các cấp về dự đều thể hiện sự hài lòng.
CĐ DKVN đã thực hiện CVĐ thấm thoát đã được 4 năm. Trong từng giai đoạn CĐ DKVN đều nhận được sự lãnh đạo, chỉ đạo không chỉ trí tuệ mà còn đầy trách nhiệm, cụ thể đến từng chi tiết của Ban Thường vụ Đảng ủy Tập đoàn.
Thế rồi qua nhiều ý kiến, CĐ DKVN đã đưa ra quan điểm CVĐ không có gì cao siêu, khó hiểu, trừu tượng về nội dung mà phải cất công, mất nhiều thời gian để tìm hiểu, để định nghĩa. Mà nội dung CVĐ chính là giáo dục cho mỗi đoàn viên Công đoàn Dầu khí phải sống và công tác ngày hôm nay tốt hơn ngày hôm qua và ngày mai phấn đấu tốt hơn ngày hôm nay. Như vậy, có nghĩa không chỉ phải rèn luyện phẩm chất, đạo đức, lối sống từng ngày mà còn phải thể hiện ra hiệu quả công tác từng ngày. Không nói đạo đức chung chung. Đạo đức phải được thể hiện ra từng ngày, từng giờ trong lao động, sản xuất, kinh doanh, trong học tập, chiến đấu, công tác và trong mối quan hệ giữa con người với con người, giữa đồng nghiệp với nhau, giữa Tập đoàn Dầu khí với các doanh nghiệp khác và với Tổ quốc, với nhân dân.
Như Bác đã từng nói: “Sống như ông Phật trong chùa không giúp ai, nhưng cũng không hại ai, hỏi có ích gì. Người cán bộ, đảng viên vừa là người lãnh đạo, vừa là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”. Đây cũng là quan điểm độc nhất vô nhị của Chủ tịch Hồ Chí Minh so sánh với các lãnh tụ Đảng Cộng sản trên thế giới khi nói về cán bộ, về đảng viên (trong Di chúc Bác cũng đã nhắc lại quan điểm này).
Từ nhận thức đó, đến bây giờ sau 4 năm thực hiện CVĐ, nhìn lại càng khẳng định trí tuệ của cán bộ CĐ DKVN rất chuẩn mực, đúng đắn. Theo đó, thực hiện và làm theo CVĐ đã được triển khai có kết quả to lớn và đáng tự hào ngay từ năm đầu tiên, tạo tiền đề để những năm sau đi vào nề nếp, phát huy được sức mạnh của đội ngũ đoàn viên công đoàn. Kết quả đó được thể hiện ở tất cả các lĩnh vực, nhưng do khuôn khổ của bài viết tôi chỉ nêu vắn tắt ở 4 nội dung chính yếu dưới đây, mà CVĐ đã tác động, thúc đẩy không chỉ nhận thức mà hành động của từng người, từng đơn vị đã có sự đổi thay rất cơ bản, không có CVĐ ấy chắc chắn sẽ không có kết quả to lớn và đáng tự hào như vậy.
Thứ nhất: Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, đoàn viên Công đoàn Dầu khí phải vượt qua mọi khó khăn vươn lên hoàn thành và hoàn thành vượt mức nhiệm vụ chính trị.
Trước cảnh nước mất, nhà tan, hàng trăm cuộc khởi nghĩa vô cùng anh dũng của thế hệ cha anh nhưng kết cục đều thất bại, Nguyễn Tất Thành đã quyết tâm ra đi tìm đường cứu nước, với câu nói bất hủ: “Tôi muốn sang Pháp và một số nước khác xem họ làm ăn như thế nào để về giúp đồng bào ta”. Với ước nguyện đó, Người đã bôn ba khắp năm châu, bốn biển, gặp muôn trùng khó khăn, có lúc tưởng như không vượt qua được để thực hiện điều mong muốn: “Tôi chỉ có một ước muốn là làm sao cho đất nước được hoàn toàn độc lập, nhân dân ai cũng được tự do, ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”. Đó là sứ mệnh của lịch sử giao phó, đó là nhiệm vụ chính trị cao cả của một dân tộc với ngàn năm văn hiến đã đặt lên vai người thanh niên gầy gò đó, để rồi sau ngày đất nước được độc lập, nhân dân được tự do nhưng vẫn chia cắt thành 2 miền, trong cuộc kháng chiến với đế quốc Mỹ, Bác đã giao cho thế hệ chúng ta nhiệm vụ chính trị đó là:“Sau này hòa bình thống nhất, chúng ta sẽ xây dựng lại đất nước đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”.
Để làm được nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu mà Bác đã giao cho thế hệ chúng ta, đoàn viên công đoàn ở tất cả các đơn vị, bằng sự lao động không chỉ với tinh thần trách nhiệm cao, lao động hết mình với quan điểm mà Đảng ủy Tập đoàn đã nêu cho cán bộ các cấp là phải: “Dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, quyết định kịp thời”, còn đối với đội ngũ người lao động là: “Việc hôm nay không để đến ngày mai”, không những thế, lao động sáng tạo vốn đi đôi và trở thành truyền thống của ngành Dầu khí trong nửa thế kỷ qua. Chính từ quyết tâm cao, ý thức trách nhiệm qua CVĐ được rèn giũa, hiệu quả công tác đã không ngừng được nâng cao, kết quả sản xuất kinh doanh (SXKD) ở từng đơn vị không chỉ hoàn thành mà còn vượt mức các chỉ tiêu Tập đoàn giao cho, góp phần để Tập đoàn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước giao, nhân dân cả nước trông chờ.
Nếu như năm 2006 – năm đầu thực hiện CVĐ – doanh thu của Tập đoàn đạt 159.000 tỉ đồng, nộp ngân sách Nhà nước đạt 59.000 tỉ đồng, thì năm 2007 doanh thu đã đạt trên 200.000 tỉ đồng, nộp ngân sách được 95.000 tỉ; Năm 2008 doanh thu đạt 245.000 tỉ đồng, trích nộp ngân sách đạt 105.000 tỉ; Năm 2009 doanh thu đạt 275.000 tỉ đồng, nộp ngân sách Nhà nước đạt 110.000 tỉ và năm 2010, doanh thu đạt đỉnh cao 478.400 tỉ đồng, nộp ngân sách Nhà nước 128.000 tỉ;
Thứ hai, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, cán bộ, đoàn viên Công đoàn Tập đoàn Dầu khí ra sức tham gia phong trào thi đua yêu nước.
CĐ DKVN đã tuyên truyền, giáo dục cho đội ngũ đoàn viên của mình thi đua yêu nước theo quan điểm Hồ Chí Minh là phải lấy nhiệm vụ được giao hằng ngày làm nội dung thi đua. Sinh thời, Bác đã từng đưa ra một tư tưởng về phong trào thi đua: “Thi đua là mỗi người phải tìm mọi cách để hoàn thành nhiệm vụ được giao trong ngày, đó là cuộc thi đua khó khăn, gian khổ, lâu dài, bền bỉ nhưng là cuộc thi đua chân chính nhất, đích thực nhất”. Cán bộ công đoàn các cấp đã bỏ nhiều công sức tuyên truyền, vận động để “gieo vào lòng người lao động” quan điểm của Bác. Cuộc thi đua trước hết, ai ai cũng phải tham gia, từ chị làm lao công đến đồng chí lãnh đạo cao nhất của đơn vị đều là đối tượng của phong trào thi đua vì Bác nói “mỗi người”. Thứ hai, về nội dung thi đua không phải tìm đâu xa mà hãy lấy công việc được giao hằng ngày để thực hiện cho tốt; Thứ 3, phong trào thi đua là sự chủ động, sáng tạo của mọi người, của mỗi người, không thể giống nhau, như nhau, vì Bác nói “phải tìm mọi cách”. Cuộc thi đua chính vì phải triển khai thực hiện hằng ngày nên đòi hỏi người tham gia thi đua phải bền bỉ, xác định thi đua là suốt đời, là đòi hỏi khách quan để vươn lên hoàn thành nhiệm vụ, góp phần cho xã hội tiến bộ không ngừng, đáp ứng nhu cầu, mong muốn của nhân dân. Phong trào thi đua đó mới là chân chính và đích thực chứ không phải kiểu “đánh trống bỏ dùi” như trước đây đã từng xảy ra ở nhiều nơi.
Chính nhờ ở sức mạnh của phong trào thi đua mà mỗi đoàn viên công đoàn đã không ngừng rèn luyện đạo đức, phẩm chất, khắc phục nhiều khó khăn, đã có nhiều việc làm tốt, thậm chí là tấm gương để nhiều người noi theo, học tập. Ở đâu đâu, ở đơn vị nào cũng xuất hiện ngày càng nhiều gương tốt, việc tốt, đã có đồng chí lái xe taxi của Công ty Taxi Đông Dương, thuộc Tổng Công ty (TCT) Cổ phần Vận tải Dầu khí trả lại cho khách hàng 400 triệu đồng, rồi 500 triệu đồng để quên trên xe; Đã có những chị em xung phong đến những vùng xa mạc ở Algeria công tác với điều kiện thiếu thốn mọi bề, nhiệt độ ban ngày lên tới 50 độ C, ban đêm xuống 0 độ; Biết bao nhiêu sáng kiến, sáng chế được đưa ra áp dụng; Biết bao nhiêu công trình dự án sớm đưa vào hoạt động, làm lợi cho đất nước và Tập đoàn hàng trăm triệu USD mỗi năm, điển hình như Dự án Giàn nén khí Nam Rồng – Đồi Mồi mà Vietsovpetro triển khai hoàn thành trước 5 tháng đã tiết kiệm được 42 triệu USD, v.v…
Phong trào thi đua không chỉ dừng lại ở từng đơn vị, từng đoàn viên công đoàn mà còn được CĐ DKVN phát động mạnh mẽ ở 10 công trình, dự án trọng điểm của Nhà nước và Tập đoàn như: Nhà máy Lọc hóa dầu Dung Quất, Dự án Khí Điện Đạm Cà Mau; Nhà máy Nhiệt điện Long phú Sông Hậu; Nhà máy Ethanol Bình Phước, Phú Thọ, Nhà máy Xơ sợi Dầu khí Hải Phòng, v.v… Ở mỗi công trình, dự án CĐ DKVN phát động thi đua đều đạt được mục tiêu về tiến độ, chất lượng và an toàn lao động; đồng thời, đời sống của người lao động được quan tâm hơn như trang bị nhiều thiết bị thể dục thể thao, văn hóa, xây dựng những sân bóng đá cấy cỏ nhân tạo, trồng cây xanh và hiện nay đang phát động ở những công trình, dự án có điều kiện thì trồng cây xanh bảo vệ môi trường, tăng gia nuôi gà, heo để góp phần cải thiện đời sống cho đội ngũ người lao động. Phong trào thi đua ở Nhà máy Lọc hóa dầu Dung Quất, hay ở Dự án Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ Hải Phòng không dừng ở phạm vi trong nước mà còn lan tỏa ra nhiều nhà thầu thi công nước ngoài và mỗi công trình, dự án, ngoài sự quan tâm tạo điều kiện vất chất và tinh thần của Tập đoàn, CĐ DKVN, các đơn vị, nhà thầu thi công, kể cả nước ngoài đã góp tiền tạo dựng quỹ khen thưởng “nóng” cho tập thể và cá nhân lập được thành tích xuất sắc trên công trường.
Năm 2010, phong trào thi đua CĐ DKVN đã nhận cờ thi đua của Bộ Công Thương; Tổng liên đoàn trao 21 cờ thi đua toàn diện và trao bằng khen cho 125 cá nhân có thành tích đặc biệt xuất sắc; CĐ DKVN quyết định trao 29 cờ; 159 bằng khen cho tập thể và trao 1.495 bằng khen cho cá nhân ở tất cả các đơn vị trực thuộc.
Thứ 3, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, cán bộ, đoàn viên Công đoàn Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, nhất là công đoàn các TCT, đơn vị cơ sở đã chăm lo tốt hơn đời sống việc làm và đời sống tinh thần cho người lao động.
Để làm tốt chức năng quan trọng hàng đầu trong 3 chức năng của tổ chức công đoàn đó là chăm lo, bảo vệ đời sống vật chất và tinh thần cho đoàn viên công đoàn, tổ chức công đoàn các đơn vị hằng năm đã phối hợp với chuyên môn cùng cấp tổ chức đại hội công nhân viên chức hoặc hội nghị người lao động nhằm phát huy quyền làm chủ của người lao động, thực hiện chủ trương của Đảng “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Nội dung quan trọng hàng đầu ở những hội nghị bàn và giải quyết những vấn đề có liên quan đến đời sống, việc làm của người lao động như: “Thỏa ước lao động”, thảo luận kế hoạch chi tiêu quỹ phúc lợi; quy chế dân chủ ở cơ sở… Thực tế cho thấy, mặc dù nhiều đơn vị còn gặp khó khăn, nhất là năm 2009, do khủng hoảng kinh tế của thế giới đã ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế đất nước và ngành Dầu khí, nhưng số lượng đoàn viên công đoàn không giảm đi mà còn tăng lên, nhiều công ăn việc làm mới được hình thành, lương, thu nhập của người lao động đã không ngừng được cải thiện. Những đơn vị khó khăn như TCT DMC, Vận tải Dầu khí… đã nâng thu nhập của người lao động thấp nhất không dưới 2 triệu đồng/người/tháng; Trung tâm Đóng tàu Dung Quất mới chuyển từ Tập đoàn kinh tế Vinashin được lãnh đạo Tập đoàn, một số đơn vị và CĐ DKVN quan tâm giúp đỡ cũng đã có sự chuyển mình khá thành công, số lao động có thu nhập dưới 2 triệu đồng/người/tháng đã giảm mạnh; Nhiều đơn vị mạnh tiếp tục duy trì thu nhập cho người lao động ở mức khá cao như TCT Phân bón và Hóa chất Dầu khí (PVFCCo), Xí nghiệp Liên doanh Dầu khí Việt Xô (VSP), TCT Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí (PTSC), TCT Khoan và Dịch vụ khoan (PVD), TCT Dầu Việt Nam (PV OIL), TCT Bảo hiểm Dầu khí (PVI), TCT Xây lắp Dầu khí (PVC), TCT Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP), v.v… Trong khó khăn, nhiều đơn vị phát triển mạnh đã hỗ trợ, giúp đỡ cho các đơn vị gặp khó khăn trong việc ký kết các hợp đồng kinh tế, hợp đồng nghiên cứu khoa học, sử dụng vật tư, thiết bị, hàng hóa, dịch vụ của nhau, v.v… thực hiện đúng tinh thần của Quyết định 233 của Đảng ủy Tập đoàn ngày 17-3-2009 về phát huy nội lực, tăng cường ưu tiên sử dụng các dịch vụ của các đơn vị trong ngành.
Về đời sống tinh thần, văn hóa của người lao động được Đảng ủy quan tâm, lãnh đạo và tạo điều kiện, công đoàn đã đẩy mạnh việc phát huy các phong trào thể dục, thể thao, văn nghệ, góp phần xây dựng đội ngũ CBCNV Dầu khí có văn hóa. Hằng năm tổ chức công đoàn ở các đơn vị đã tiến hành hội thao, hội diễn văn nghệ với quy mô ngày càng lớn, thu hút lực lượng lao động tham gia ngày càng nhiều, thậm chí qua những hoạt động văn hóa, thể thao đã xuất hiện nhiều cầu thủ có trình độ, đẳng cấp cao, nhiều hạt nhân văn nghệ đạt những giải cao tại “Sao Mai điểm hẹn”, v.v… Thậm chí như Công đoàn TCT Phân bón và Hóa chất Dầu khí hằng năm đều tổ chức “hội khỏe”, riêng năm 2009 đã vận động được 11 đội bóng đá nữ tham gia tranh tài. Liên doanh Việt Xô đã tổ chức Tuần lễ Văn hóa Dầu khí với sự đổi mới cả về hình thức và nội dung, mời nhiều đoàn thể thao của một số đơn vị dầu khí đóng trên địa bàn của tỉnh tham gia, đồng thời tổ chức hội thi nấu ăn để chị em thi tài; TCT Dầu Việt Nam đã tổ chức hội thao ở 5 khu vực, thu hút hàng ngàn người tham gia, đem lại tinh thần vui vẻ, phấn khởi để sản xuất được tốt hơn; Công đoàn Công ty Lọc dầu Bình Sơn nhân ngày 8-3 đã tổ chức để các anh, chứ không phải các chị trổ tài nấu ăn, nội trợ giúp gia đình, một hoạt động thật độc đáo, được đông đảo anh em tham gia, chị em đến cổ vũ, v.v… Tất cả những hoạt động này của các tổ chức công đoàn không chỉ góp phần xây dựng con người dầu khí có văn hóa ngày càng phong phú mà còn góp phần xây dựng khối đoàn kết thống nhất ở từng đơn vị, TCT và toàn Tập đoàn.
Trên cơ sở hội thao được tổ chức rất sôi động và đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của động ngũ người lao động, CĐ DKVN đã đẩy mạnh nhiều hoạt động thể dục, thể thao, văn hóa, văn nghệ để thực hiện tư tưởng của Bác đã từng nói “mỗi người dân yếu ớt sẽ làm cho cả dân tộc yếu và mỗi người dân mạnh khỏe góp phần cho cả dân tộc hùng cường”. Chỉ nói riêng năm 2010, CĐ DKVN đã tổ chức đại hội thể dục, thể thao (TDTT) ở 4 khu vực (Hà Nội, Vũng Tàu, Cà Mau, miền Trung) đã thu hút tất cả các đơn vị tham gia. Đại hội TDTT chung kết bao gồm những đơn vị, cá nhân đạt thành thích từ giải Ba trở lên đã quy tụ về thủ đô Hà Nội để tranh tài, đọ sức với 7 bộ môn thi đấu, trong đó, lần đầu tiên môn thi bơi lội đã được tổ chức. Đại hội tổ chức đúng vào dịp phát động Tuần lễ Văn hóa Dầu khí lần thứ 3 vào tháng Tám hằng năm không chỉ trở thành ngày hội của người lao động mà còn là niềm tự hào về ngày thành lập ngành Dầu khí 3-9 hằng năm. Hội thao được tổ chức với quy mô chưa từng có, đã có những đơn vị đưa đến đại hội số vận động viên đông với trang phục đẹp đến bất ngờ. Như VSP với 150 vận động viên; TCT Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí (PTSC) gần 100 vận động viên; TCT Phân bón và Hóa chất Dầu khí (PVFCCo) 80 người, TCT Khoan và Dịch vụ khoan (PVD), TCT Tài chính Dầu khí (PVFC), Công đoàn TCT Tìm kiếm Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP), Công đoàn Công ty Mẹ, Công đoàn Công ty Bình Sơn, TCT Khí (PV Gas), Trường cao đẳng Nghề Dầu khí, v.v… Trong số đó, điển hình là TCT Xây lắp Dầu khí (PVC), đoàn diễu hành có tới 240 người, trong đó nét đẹp văn hóa Dầu khí được thể hiện qua việc đi đầu đoàn diễu hành là các đồng chí lãnh đạo cao nhất của TCT và các đơn vị thành viên đã tự hào diễu hành theo hàng lối ngay thẳng, hoành tráng cùng với đoàn viên của đơn vị mình, đã gây ấn tượng khó phai mờ. Đồng thời, một số đơn vị rất khó khăn nhưng cũng đã cố gắng không chỉ tham dự đầy đủ các môn thi đấu mà còn tham dự lễ diễu hành hoành tráng, tự hào chẳng khác gì những “mạnh thường quân” khác. Trong số đó điển hình như: TCT Dung dịch khoan và Hóa phẩm Dầu khí (DMC); Trung tâm Đóng tàu Dung Quất, TCT Vận tải Dầu khí, v.v…
Cũng nhân dịp Tuần lễ Văn hóa Dầu khí, sau khi Hội thi “Duyên dáng Dầu khí” ở 3 khu vực thành công, hội thi chung kết đã được tổ chức tại thủ đô Hà Nội. Đây thực sự là sân chơi không chỉ thu hút các nữ CNVC-NLĐ mà còn thu hút “cuồng nhiệt” cả giới mày râu. Chị em dầu khí đã thể hiện không chỉ vẻ đẹp duyên dáng, mà còn thể hiện sự thông minh, sắc sảo, tài hoa đến ngạc nhiên. Những bài hát quyến rũ, những điệu múa dân gian, kể cả múa Ấn Độ, ảo thuật xiếc, đến trình diễn nhạc cụ đàn piano, cắm hoa, biểu diễn võ thuật điêu luyện, hấp dẫn… Vì thế, đến 1 giờ sáng mà Hội trường Viện Dầu khí – nơi diễn ra cuộc thi vẫn chật cứng người xem trong và ngoài ngành. Tôi mượn lời NSND Lê Khanh, Trưởng ban Giám khảo – chị nói: Nếu như cuộc thi này của ngành Dầu khí mà sớm hơn 1 tháng để tuyển những thí sinh ở đây đi thi “Hoa hậu Báo Tiền Phong” ở Tuần Châu – Quảng Ninh, chắc chắn hoa hậu sẽ thuộc về chị em ngành Dầu khí, hoặc nói như Tiến sĩ khoa học Đoàn Hương khi tham gia Ban Giám khảo đã nói rằng: “Tôi làm giám khảo nhiều cuộc thi hoa hậu, mỗi khi nêu câu hỏi tôi rất hồi hộp chỉ sợ thí sinh “trồng cây chuối” không trả lời được, nhưng ở hội thi này của CĐ DKVN tôi đã ngạc nhiên trước những câu trả lời không chỉ đúng yêu cầu mà còn thông minh, dí dỏm khi thể hiện”.
Trong dịp kỷ niệm 19 năm ngày thành lập CĐ DKVN (16-12-2010), CĐ DKVN đã tổ chức hội diễn văn nghệ quần chúng với sự tham gia của 21 đoàn nghệ thuật, bao gồm gần 1.000 nam nữ diễn viên. Sau 2 ngày thi đấu, hội trường của Viện Dầu khí VPI lúc nào cũng vang dội những tràng vỗ tay và những tiếng hò reo cổ vũ các đoàn nghệ thuật tưởng như không ngớt. Thiếu tướng, Hiệu trưởng Trường đại học Âm nhạc Quân đội, nhạc sĩ An Thuyên đã nhận xét, nếu như có hội diễn văn nghệ giữa các tỉnh, thành và tập đoàn kinh tế, CĐ DKVN chỉ cần đưa đoàn nghệ thuật quần chúng của TCT Dịch vụ Tổng hợp Dầu khí thì đã thừa sức chiến thắng các đơn vị tham dự khác.
Thứ tư, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, đoàn viên Công đoàn ngành Dầu khí đã thi đua trong công tác an sinh xã hội (ASXH).
Để thực hiện ước mong của Bác “Ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành” các đồng chí lãnh đạo của Tập đoàn Dầu khí đã có những hành động quyết liệt, những chỉ đạo sáng tạo để tạo ra nhiều nguồn lực trong công tác ASXH. Đồng chí Đinh La Thăng, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy, nguyên Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tập đoàn nói rất có lý, có tình rằng: Chúng ta khoan vào lòng đại dương để hút lên “vàng đen” cho Tổ quốc, nhất định chúng ta phải làm tốt công tác ASXH, như một hành động trả nghĩa cho nhân dân. Chính vì vậy, công tác ASXH đã trở thành việc làm thường xuyên, có ý thức trách nhiệm cao mà thậm chí đã trở thành phong trào thi đua. Các đơn vị đã đăng ký đảm nhận trước Tập đoàn xây dựng mỗi năm hàng trăm ngôi nhà “đại đoàn kết” cho các gia đình chính sách; Xây nhiều ngôi trường, xây cầu, đường cho các địa phương gặp nhiều khó khăn trong cả nước; Nuôi và phụng dưỡng hàng ngàn Mẹ Việt Nam Anh hùng; Đóng góp hàng tỉ đồng cho đồng bào bị bão lụt, khó khăn, v.v… Trong những việc làm đó, CĐ DKVN và công đoàn các đơn vị đã đóng vai trò rất quan trọng. Hằng năm vận động và tổ chức cho đoàn viên của mình làm thêm từ 6 đến 7 ngày công vào các ngày nghỉ cuối tuần để tạo nguồn kinh phí hàng trăm tỉ đồng cho công tác ASXH. Hằng năm, công đoàn các đơn vị tiếp tục vận động người lao động góp 2 ngày lương vào Quỹ Tương trợ Dầu khí để trợ giúp cho CBCNV có hoàn cảnh khó khăn, kể cả giúp cán bộ đã nghỉ hưu của Tập đoàn. Quỹ đã hoạt động trên 10 năm qua, để lại những ân tình trong đội ngũ đoàn viên công đoàn.
Công tác ASXH không chỉ dừng lại trong nước mà còn vươn ra hỗ trợ một số nước trên thế giới như Công đoàn TCT Thăm dò Khai thác Dầu khí đã ủng hộ nhân dân Cu Ba anh em 100.000USD; CĐ DKVN đã phối hợp với Tập đoàn phát động đợt quyên góp khẩn cấp để hỗ trợ 100.000USD cho nhân dân Nhật Bản sau thảm họa động đất và sóng thần.
Đứng trước nhiệm vụ chính trị của Tập đoàn, giai đoạn 2011-2015 ngày càng to lớn và nặng nề, nhiệm vụ xây dựng đội ngũ công nhân theo Nghị quyết 20 của BCH Trung ương khóa X yêu cầu, đòi hỏi CVĐ “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” phải tiếp tục được đẩy mạnh hơn nữa. Các cấp công đoàn trong Tập đoàn Dầu khí cần coi đây là một trong những nội dung hoạt động trọng tâm của mình.
TS Hà Duy Dĩnh – Chủ tịch Công đoàn Dầu khí Việt Nam