Thực hiện lời dạy của Hồ Chủ tịch: “Sáng kiến và kinh nghiệm là của quý của dân tộc, chúng ta phải ra sức làm cho nó dồi dào và lan rộng mãi”; với sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Công đoàn Dầu khí Việt Nam (CĐ DKVN) về việc đề cao và đẩy mạnh phong trào thi đua Lao động sáng tạo trong toàn ngành đã mang lại nhiều hiệu quả cho sự phát triển của doanh nghiệp.
Kể từ khi Nhà máy lọc hoá dầu Bình Sơn (Công ty Cổ phần lọc hóa dầu Bình Sơn – BSR) đi vào vận hành và đặc biệt, trong giai đoạn giá dầu giảm sâu đã tác động nặng nề đến sự phát triển của Tập đoàn cũng như các đơn vị thành viên. Nhưng với định hướng đúng đắn của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Tập đoàn – Công đoàn Dầu khí Việt Nam, Công đoàn BSR luôn có nhiều đổi mới, sáng tạo trong việc tổ chức các phong trào thi đua nói chung và phong trào Lao động sáng tạo nói riêng, tạo khí thế, lan tỏa tinh thần thi đua sôi nổi trong tập thể người lao động, góp phần nâng cao năng suất lao động, tạo động lực phát triển cho BSR vượt qua giai đoạn khó khăn.
Toàn cảnh Nhà máy lọc dầu Dung Quất
Phong trào Lao động sáng tạo được hình thành và liên tục triển khai ngay từ những ngày đầu tiên ở giai đoạn xây dựng NMLD Dung Quất và chuyển sang giai đoạn vận hành thương mại, góp phần đảm bảo Nhà máy luôn vận hành an toàn, ổn định và hiệu quả, nâng cao năng lực cạnh tranh và tạo động lực cho sự phát triển của BSR.
Hiện nay, BSR đã xây dựng môi trường thuận lợi để khai thác hiệu quả nguồn tri thức của tất cả nhân viên trên cơ sở:
– Đã hoàn thiện các quy chế, quy trình để thực hiện công tác sáng kiến – cải tiến và nghiên cứu khoa học.
– Điện tử hóa công tác tiếp nhận và đánh giá các ý tưởng cải tiến và các sáng kiến thông qua hệ thống phần mềm KMS (Knowledge Management System) và Iportal.
– Chế độ khen thưởng các cá nhân, đơn vị có thành tích trong công tác sáng kiến – cải tiến được quy định cụ thể trong quy chế. Việc ghi nhận và khen thưởng được thực hiện thường xuyên và kịp thời, đã thúc đẩy phong trào SK-CT ngày càng phát triển.
Ông Nguyễn Mạnh Kha – Phó Chủ tịch Công đoàn Dầu khí Việt Nam và Bà Khuất Thị Lê – Chủ tịch CĐCS BSR đánh giá các sản phẩm của môn thi Kỹ thuật Hàn
Công đoàn BSR liên tục đổi mới các phong trào thi đua lao động sáng tạo; nổi bật là “Phong trào thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo” được phát động ngay từ đầu năm gắn với nhiệm vụ SXKD mỗi phòng/ban/đơn vị và các tổ chức công đoàn; thi đua hoàn thành 4 lần Bảo dưỡng tổng thể NMLD Dung Quất. Qua các phong trào thi đua, đã có nhiều CBCNV đạt danh hiệu Người lao động BSR tiêu biểu, cá nhân điển hình tiên tiến xuất sắc trong công tác Lao động sáng tạo và nghiên cứu khoa học.
Trong những năm qua, Phong trào Lao động sáng tạo của BSR đã đạt nhiều kết quả đáng tự hào. Đây là thành quả của tinh thần làm việc chuyên cần, tinh thần đam mê nghiên cứu khoa học, đào sâu suy nghĩ để mỗi ngày mỗi ý tưởng sáng tạo, mỗi sáng kiến cải tiến, góp phần phát triển BSR, mang lại lợi ích cho BSR, cụ thể:
BSR đã có 123 Sáng kiến được công nhận cấp cơ sở; 16 Sáng kiến đạt giải trong Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật tỉnh Quảng Ngãi; 28 Sáng kiến cấp Tập đoàn; 10 Sáng kiến đạt giải Hội thi Sáng tạo KHKT cấp Quốc gia (VIFOTECH); 05 Sáng kiến đạt Giải thưởng Quốc tế tại Hàn Quốc, trong đó 01 Huy chương Vàng, 01 Huy chương Bạc, và 03 Huy chương Đồng; 06 Sáng kiến được đưa vào Sách Vàng Việt Nam “Golden Book” các năm 2018, 2019; BSR đã và đang tự triển khai nghiên cứu 27 nhiệm vụ KHCN, trong đó 09 nhiệm vụ KHCN đã được nghiệm thu; BSR đã đăng ký Cụm công trình tham gia xét tặng giải thưởng Khoa học Công nghệ Dầu khí (Đợt 2) và đã đạt giải thưởng A cấp Tập đoàn đang hoàn thiện thủ tục đề xuất xét tặng giải thưởng Nhà nước.
BSR đạt giải Nhì Vifotec
Riêng năm 2020, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn, thách thức và với sự nỗ lực không ngừng của đội ngũ NLĐ BSR, công tác nghiên cứu khoa học, sáng kiến, cải tiến kỹ thuật đã phát triển mạnh mẽ. Công tác đăng ký các ý tưởng cải tiến (Kaizen) của BSR đã đạt những kết quả đáng khích lệ: Trên 1.300 ý tưởng cải tiến được xét công nhận, trong đó các KAIZEN tối ưu hóa sản xuất đem lại hiệu quả kinh tế khoảng 76 tỷ đồng; 43 Sáng kiến được công nhận cấp cơ sở với số tiền làm lợi ước đạt 700 tỷ đồng; đạt giải Ba cuộc thi Nhóm cải tiến năng suất chất lượng ngành Công thương năm 2020.
Trong bối cảnh ảnh hưởng của giá dầu thô giảm sâu, cạnh tranh với các Nhà máy lọc dầu trong nước và thế giới ngày càng tăng, cơ cấu sản phẩm lọc hóa dầu thay đổi nhanh chóng, Công ty đã xác định 4 mục tiêu chính cần thực hiện là: (i) Giảm chi phí vận hành (ii) Tăng độ linh động dầu thô chế biến (iii) nâng công suất các phân xưởng công nghệ (iv) Đa dạng hóa sản phẩm. Với sự đồng lòng và quyết tâm của Lãnh đạo các cấp và sự hưởng ứng nhiệt tình của toàn thể Người lao động, đặc biệt là đội ngũ có trình độ chuyên môn cao và đam mê công tác nghiên cứu khoa học đã thực hiện tốt các giải pháp đề ra và đưa Công ty vượt qua giai đoạn khó khăn này với kết quả nổi bật sau:
– Giảm chi phí vận hành: Thực hiện nhiều giải pháp tối ưu hóa năng lượng, tiêu thụ năng lượng nội bộ giảm từ 7,39% (năm 2015) xuống còn 7,08 (năm 2019); giảm chỉ số sử dụng hiệu quả năng lượng (EII) từ 113,5% (năm 2015) xuống còn 106,4 (năm 2019). Với việc giảm 1% chỉ số EII giúp Công ty tiết giảm 2 -3 triệu USD/năm tùy theo giá dầu thô.
– Tăng độ linh động dầu thô chế biến: Đã thử nghiệm và chế biến thành công nhiều loại dầu thô ngoại với tỉ lệ rất cao, từng bước thay thế nguồn dầu thô trong nước đang dần cạn kiệt và có giá cạnh trạnh hơn như dầu Azeri Light có tỷ lệ chế biến đạt 60%, dầu Bonny Light đạt tỷ lệ chế biến 50%, dầu WTI Midland đạt 35%, dầu Rubi đạt 25% và dầu Sokol đạt 20%…;
– Nâng công suất các phân xưởng công nghệ: Đã nghiên cứu vận hành các phân xưởng công nghệ chính vượt rất xa công suất thiết kế mà không cần cải hoán hoặc cải hoán nhỏ như: phân xưởng NHT đã đạt công suất 135%, phân xưởng ISOMER đạt 150%, phân xưởng CCR đạt 105%, phân xưởng PP đạt 114% và phân xưởng CCR vận hành được 105% công suất thiết kế; góp phần giảm chi phí vận hành trên một đơn vị sản phẩm và linh hoạt trong việc lựa chọn dầu thô chế biến.
– Đa dạng hóa sản phẩm: Đã nghiên cứu và sản xuất các sản phẩm mới để đáp ứng nhu cầu thị trường với giá trị cao hơn như: Nghiên cứu sản xuất và bán thương mại 01 lô dầu FO đạt tiêu chuẩn MFO vào cuối tháng 11/2019 và 03 lô dầu Treated LCO trong năm 2020; sản xuất thử nghiệm thành công sản phẩm mới PP loại cast film F6070. Bên cạnh đó, Công ty cũng đang nghiên cứu các sản phẩm khác như: Xăng nền có RON90.8 thay thế xăng RON92 pha chế xăng E5RON92; sản phẩm dung môi White Spirit; sản phẩm Diesel L62 cho Quốc phòng; hạt nhựa PP sử dụng làm nguyên liệu sản xuất màng BOPP, sợi thừng và vải không dệt…
Đặc biệt, năm 2020, với nhiệm vụ trong tâm là công tác Bảo dưỡng tổng thể NMLD Dung Quất, Công đoàn BSR đã phát triển phong trào thi đua lan tỏa tại 7 gói thầu và qua 51 ngày đêm, đã ghi nhận hàng trăm sáng kiến, cải tiến được áp dụng để rút ngắn tiến độ, chi phí cho công tác Bảo dưỡng tổng thể lần thứ 4. Công đoàn BSR đã đề nghị 19 sáng kiến tiêu biểu xuất sắc để Công đoàn Dầu khí Việt Nam khen thưởng.
Người lao động BSR đang trao đổi công việc trong kỳ Bảo dưỡng tổng thể lần thứ 4 Nhà máy Lọc dầu Dung Quất
Có thể khẳng định rằng, bằng tất cả tinh thần và trách nhiệm làm việc tận tâm, biến thách thức thành cơ hội, quyết tâm vận hành sản xuất an toàn, thực hành tiết kiệm, phát huy nhiệt huyết và sáng tạo, tập thể người lao động BSR đã và đang nuôi dưỡng đam mê lao động sáng tạo, cống hiến không ngừng với khát vọng tiên phong xây dựng Công ty Cổ phần lọc hoá dầu Bình Sơn trở thành đơn vị có vị thế mạnh của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.
Phát huy nhiệt huyết và sáng tạo, tập thể người lao động BSR đã và đang nuôi dưỡng đam mê lao động sáng tạo, cống hiến không ngừng
Luôn thôi thúc bằng tinh thần thi đua yêu nước của Bác Hồ “Càng khó khăn càng phải thi đua”, “Công việc hàng ngày là nền tảng của thi đua”, CBCNV BSR luôn đặt cho bản thân mình mục tiêu cao hơn, ý thức rõ chỉ có sáng tạo, vượt qua giới hạn bản thân bằng chính nhiệm vụ được giao hàng ngày; chỉ có đào sâu nghiên cứu mới tối ưu hóa hoạt động Nhà máy và mang đến hiệu quả mọi mặt cho Công ty. Qua đó, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, mang lại lợi ích cho doanh nghiệp, khẳng định trí tuệ, bản lĩnh người thợ Lọc dầu Dung Quất. Đặc biệt, Nhà máy luôn vận hành an toàn, ổn định, hiệu quả, ở công suất thiết kế và vào ngày 10/3/2021, BSR đã đạt mốc 30 triệu giờ công an toàn.
Thể hiện quyết tâm trở thành Người thợ Lọc dầu giỏi, Người thợ Lọc dầu sáng tạo
Với bề dày truyền thống văn hóa của những người đi tìm lửa, càng gặp khó khăn, người Dầu khí càng vượt lên mạnh mẽ; với sự chỉ đạo sát của của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, các cấp Công đoàn, sự vào cuộc mạnh mẽ quyết đoán cả hệ thống chính trị; sự đồng tâm, hiệp lực, đoàn kết, đồng lòng, thấu hiểu và chia sẻ trách nhiệm của tập thể Người lao động vì mục tiêu chung: Đồng tâm hiệp lực vượt qua tác động kép của dịch Covid-19 và giá dầu giảm sâu, tập thể người lao động BSR đã nỗ lực vượt bậc để đưa Công ty vượt qua khó khăn với khẩu hiệu hành động “Bản lĩnh – Đoàn kết – Đổi mới – Hành động”.
Nhìn lại Phong trào Lao động sáng tạo thời gian qua được tổ chức triển khai tại BSR có nhiều nét nổi bật và không ngừng đổi mới phát triển, đó là:
– Thi đua đã được đặt đúng vị trí, phản ánh đúng thực chất: Đảng ủy BSR, chính quyền và người đứng đầu các cấp đã trực tiếp lãnh đạo công tác thi đua, quan tâm đúng mức và có biện pháp quyết liệt để đẩy mạnh công tác thi đua với sự đồng thuận cao trong cả hệ thống chính trị. Đây là điều kiện then chốt, là cơ sở nền tảng để tiến hành công tác thi đua và triển khai phong trào thi đua có sức lan tỏa mạnh mẽ đến từng người lao động.
– Cách thức tổ chức phong trào thi đua có chiều sâu, có tính sáng tạo, khoa học, linh hoạt: Phong trào luôn gắn với cơ sở, xuất phát từ cơ sở. Việc tổ chức, chỉ đạo tốt hơn thông qua việc rút ra bài học từ cơ sở, việc thẩm định thành tích trực tiếp từ cơ sở lên đến cấp Hội đồng Khoa học Sáng kiến Kỹ thuật Công ty. Việc lựa chọn mục tiêu thi đua cho Phong trào Lao động sáng tạo nhằm tăng năng suất lao động và đạt hiệu quả kinh tế cao đã tạo được sự “Đồng thuận cao, thi đua giỏi, về đích sớm” kết hợp với công tác tổ chức tuyên truyền với nhiều hình thức sinh động, phong trào thi đua đã thực sự tạo được khí thế thi đua trong toàn Công ty.
– Phong trào Lao động sáng tạo đã đi đúng hướng, có chất lượng, nội dung phong phú nên đã có hàng trăm sáng kiến, ý tưởng, đề tài nghiên cứu khoa học làm lợi cho Công ty, góp phần quan trọng xây dựng thương hiệu Người thợ Dầu khí BSR về năng lực và trí tuệ trong nghiên cứu khoa học, phục vụ nhiệm vụ sản xuất kinh doanh ngày một tối ưu hóa, mang lại nhiều giá trị kinh tế cho BSR và Tập đoàn.
– Công tác khen thưởng bảo đảm quy trình, thủ tục, khen đúng người, đúng việc, đúng thời điểm, việc tôn vinh, nhân rộng các điển hình tiên tiến đã được Công đoàn BSR chú trọng, tạo động lực cho người lao động hăng hái thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo. Nhờ vậy, Phong trào Lao động sáng tạo đã phát huy nội lực, tạo thành sức mạnh nội sinh của BSR.
Phong trào Lao động sáng tạo đã mang đến nhiều kết quả thiết thực và phát hiện nhiều gương điển hình tiên tiến trong nghiên cứu khoa học.
Phong trào Lao động sáng tạo được phát động ngay từ đầu năm qua Hội nghị Người lao động BSR và được triển khai xuyên suốt trong một năm thi đua. Nội dung thi đua của Phong trào này đều xuất phát từ yêu cầu nhiệm vụ chính trị trong sản xuất kinh doanh. Những kết quả trên cho thấy rằng chỉ khi nào một phong trào thi đua được phát động đáp ứng đúng nhu cầu tự thân của người lao động đi cùng với nó là một phương pháp tổ chức thực hiện khoa học, hiệu quả chắc chắn phong trào ấy sẽ có sức sống mạnh mẽ. Đây cũng chính là sự sáng tạo và không ngừng đổi mới nội dung và lựa chọn mục tiêu, cách thức triển khai Phong trào Lao động sáng tạo tại NMLD Dung Quất trong giai đoạn vận hành thương mại.
Nhìn lại quá trình tổ chức triển khai thực hiện Phong trào Lao động sáng tạo giai đoạn vừa qua, rút ra những bài học kinh nghiệm như sau:
Thứ nhất là bài học về vai trò lãnh đạo của các cấp ủy Đảng và tính chủ động của tổ chức Công đoàn.
Nhìn tổng thể, Phong trào Lao động sáng tạo đã nhận được sự quan tâm đúng mức của cấp ủy, lãnh đạo các cấp. Nơi nào có sự lãnh đạo của cấp ủy, sự quan tâm hỗ trợ tích cực từ phía thủ trưởng đơn vị và tính chủ động của tổ chức Công đoàn thì nơi đó phong trào phát triển mạnh mẽ và có sức lan tỏa lớn trong tập thể Người lao động.
Thứ hai là bài học về mục tiêu của phong trào thi đua phải gắn liền với nhiệm vụ chính trị của từng đơn vị và mục tiêu chung của từng giai đoạn phát triển.
Việc biết lựa chọn nội dung thi đua, đề ra mục tiêu thi đua, triển khai cách thức phát động và phổ biến thống nhất tiêu chí thi đua phù hợp trong từng giai đoạn phát triển theo đặc thù của đơn vị sẽ đóng vai trò quyết định để định hướng đúng gặp tinh thần đúng sẽ tạo nên khí thế, sự hăng hái nhiệt tình của mỗi cá nhân để đều nhận thấy phong trào ấy thiết thực cho bản thân mình.
Thứ ba là bài học về hiệu quả của công tác tuyên truyền.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và người lao động về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của công tác thi đua, khen thưởng. Thực tế chứng minh rằng, nếu có nhận thức đúng về vị trí, vai trò của công tác thi đua, khen thưởng thì việc lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác thi đua, khen thưởng cũng như vai trò nòng cốt của đội ngũ cán bộ, đảng viên trong phong trào thi đua được phát huy đúng mức, người lao động phấn khởi và tích cực hưởng ứng tham gia và phong trào thi đua thật sự là phong trào của tập thể người lao động
Thứ tư là bài học về phương pháp luận tổ chức phong trào thi đua.
Điều quan trọng nữa là phải xác định được chủ đề, mục đích, ý nghĩa, hình thức, nội dung và tiêu chí của phong trào thi đua. Phong trào Lao động sáng tạo càng thiết thực, cụ thể thì hiệu quả đạt được càng cao. Cần có phương pháp, định hướng thiết thực, rõ ràng, kiên quyết chống bệnh hình thức.
Thứ năm là bài học về công tác bố trí cán bộ làm công tác thi đua khen thưởng tại đơn vị.
Người làm công tác thi đua, ngoài yêu cầu nắm vững các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, kiến thức chuyên môn nghiệp vụ thì cần phải có lòng nhiệt tình, trách nhiệm, gần gũi với mọi người, cụ thể, tỉ mỉ trong từng công việc và đặc biệt là năng lực tổ chức để hướng cho mọi người trong tập thể phấn đấu đạt mục tiêu đề ra.
Thứ sáu là bài học về công tác bình xét các danh hiệu thi đua luôn công tâm, khách quan.
Việc bình xét các danh hiệu thi đua và đề nghị các hình thức khen thưởng bảo đảm nguyên tắc công khai, công bằng, dân chủ và kịp thời thông qua Hội đồng Khoa học Sáng kiến Kỹ thuật BSR.
Thứ bảy là bài học về công tác sơ kết, tổng kết và khen thưởng kịp thời
Tiến hành tốt công tác sơ kết, tổng kết các phong trào thi đua và công tác khen thưởng để kịp thời biểu dương, tôn vinh, khen thưởng các điển hình tiên tiến, đồng thời đúc kết kinh nghiệm, phổ biến, nhân rộng các điển hình tiên tiến trong nhân dân.
Bà Trần Thị Khánh Linh (thứ hai từ trái sang) – BSR tham dự Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X
Thứ tám là bài học về khai thác tinh thần phối hợp và trách nhiệm của mỗi các phòng/ban, đoàn thể tham gia các phong trào thi đua.
Tăng cường sự phối hợp và trách nhiệm giữa các phòng/ban, đoàn thể chính trị xã hội Công ty nhằm tạo sức mạnh tổng hợp thúc đẩy phong trào thi đua, thực hiện hiệu quả công tác thi đua, khen thưởng. Sự phối hợp chặt chẽ của cả hệ thống chính trị trong việc chỉ đạo, tổ chức thực hiện phong trào thi đua sẽ làm cho phong trào thi đua có sức lan tỏa lớn.
Có thể khẳng định, Phong trào Lao động sáng tạo tại BSR thực sự trở thành điểm sáng trong thực hiện các phong trào thi đua của Công đoàn BSR và của ngành Dầu khí Việt Nam. Trưởng thành từ phong trào này, nhiều công nhân trực tiếp sản xuất đã vươn lên đã trở thành những cán bộ kỹ thuật, cán bộ quản lý, đốc công, trưởng ca xuất sắc, trở thành các quản đốc phân xưởng, giám đốc khu vực giỏi, các lãnh đạo quản lý tại đơn vị, đánh dấu sự trưởng thành của giai cấp công nhân thời đại mới – thời đại Hồ Chí Minh.
Phong trào Lao động sáng tạo tại BSR thật sự là đòn bẩy mà qua đó người lao động BSR có thể phát huy mọi khả năng thúc đẩy sự phát triển sản xuất, nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, dịch vụ đúng như lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Thi đua – khen thưởng là động lực phát triển và là biện pháp quan trọng để xây dựng con người mới, thi đua yêu nước phải được tiến hành thường xuyên, liên tục mỗi ngày”, góp phần tạo nên vườn hoa thi đua lao động sáng tạo, sáng kiến, cải tiến rộng khắp toàn Công ty, tạo nên sự bứt phát bằng trí tuệ, bản lĩnh của người thợ lọc dầu BSR, là động lực phát triển doanh nghiệp trên chặng đường phát triển mới với “Khát vọng tiên phong” và tiếp tục thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ sản xuất kinh doanh Tập đoàn Dầu khí Việt Nam giao.
Huỳnh Mỹ Hạnh
Công đoàn BSR