Nhiệm kỳ 2018-2023, trong bối cảnh còn gặp nhiều khó khăn, thách thức song với sự nỗ lực của đội ngũ cán bộ công đoàn, đoàn viên, người lao động, hoạt động công đoàn tiếp tục có bước chuyển quan trọng.
Hàng chục nghìn tỷ đồng chăm lo người lao động
Hoạt động thăm hỏi, hỗ trợ đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn, mắc bệnh hiểm nghèo, tại nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được duy trì với tổng số tiền hơn 3.600 tỷ đồng.
Đồng chí Nguyễn Đình Khang – Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam động viên và tặng quà các công nhân lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Ảnh: Thanh Vũ – TTXVN |
Chương trình “Tết Sum vầy” trong 5 năm qua có hơn 30 triệu lượt đoàn viên, người lao động được chăm lo với tổng số tiền gần 28 nghìn tỷ đồng. Tháng Công nhân được triển khai cùng Tháng Hành động về an toàn, vệ sinh lao động đã tổ chức thăm, động viên, tặng quà hơn 3,8 triệu lượt công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn, công nhân bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, mắc bệnh hiểm nghèo; tôn vinh, tổ chức tri ân công nhân có nhiều thành tích trong sản xuất kinh doanh với tổng số tiền hàng nghìn tỷ đồng.
Chương trình “Mái ấm Công đoàn” giúp gần 14 nghìn người lao động được xây dựng, sửa chữa nhà ở với tổng số tiền hỗ trợ hơn 500 tỷ đồng. Việc nâng cao chất lượng bữa ăn ca trở thành hoạt động thiết thực, thường xuyên của công đoàn cơ sở tại các doanh nghiệp, có hơn 35 nghìn doanh nghiệp thực hiện giá trị bữa ăn ca cho người lao động với giá trị từ 15 nghìn đồng trở lên, đạt 93,55%.
Cán bộ Công đoàn Hà Nội hỗ trợ công nhân khó khăn trong dịch Covid-19 |
Đồng hành với đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã ban hành và triển khai các gói hỗ trợ đa dạng, quy mô lớn dành cho đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh với tổng số tiền hỗ trợ gần 6 nghìn tỷ đồng, có hơn 10 triệu lượt người thụ hưởng; hỗ trợ cho gần 82 nghìn đoàn viên, người lao động bị giảm thời gian làm việc, chấm dứt hợp đồng lao động do doanh nghiệp bị cắt giảm đơn hàng đến hết năm 2023 đủ điều kiện với tổng số tiền hỗ trợ là hơn 114 tỷ đồng.
Cùng với các hoạt động thiết thực, cụ thể, trực tiếp và trước mắt chăm lo nâng cao chất lượng đời sống của người lao động, tổ chức Công đoàn Việt Nam chú trọng công tác tham gia xây dựng và hoàn thiện hành lang pháp lý để bảo vệ người lao động từ sớm, từ xa.
Đồng chí Ngọ Duy Hiểu – Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam trao tặng sổ tiết kiệm “Công đoàn Việt Nam” và quà cho con đoàn viên công đoàn có cha, mẹ tử vong do dịch bệnh Covid-19 tại Bình Dương. Ảnh: NGỌC TÚ |
Đề xuất chính sách chăm lo, bảo vệ người lao động
Trên cơ sở nghiên cứu, tập hợp, phát huy trí tuệ của đông đảo đoàn viên, người lao động, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam ban hành trên 300 văn bản góp ý, kiến nghị, đề xuất với Đảng, Nhà nước về xây dựng cơ chế, chính sách, pháp luật bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động và tổ chức Công đoàn.
Trong đó phải kể đến là tham mưu đề xuất Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1729/QĐ-TTg ngày 04/11/2020 sửa đổi Quyết định số 655/QĐ-TTg ngày 12/5/2017 phê duyệt Đề án “Đầu tư xây dựng các thiết chế của công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất”, phối hợp với các cơ quan, địa phương, đơn vị tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh việc triển khai xây dựng thiết chế công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất; tích cực nghiên cứu, tham gia đề xuất Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các cơ chế, chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn về phát triển nhà ở dành cho công nhân, lao động, trực tiếp là Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Đất đai (sửa đổi) và Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi).
Khu thiết chế Công đoàn Hà Nam là dự án đầu tiên trên phạm vi cả nước hoàn thành theo Đề án Đầu tư xây dựng các thiết chế của công đoàn tại các khu công nghiệp. |
Việc tham mưu chính sách, bảo vệ quyền lợi cho người lao động, thực sự trở thành cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với người lao động, đấu tranh đảm bảo quyền lợi của người lao động từng địa bàn, từng doanh nghiệp một cách hiệu quả.
Một trong những hoạt động nổi bật của tổ chức Công đoàn Việt Nam nhiệm kỳ qua là tham mưu, tổ chức Diễn đàn đối thoại chính sách giữa người đứng đầu chính quyền các cấp với người lao động, từ đó giúp chính quyền các cấp nắm sát tâm tư, nguyện vọng và có điều chỉnh chính sách kịp thời cho người lao động.
Diễn đàn đối thoại hằng năm giữa Thủ tướng Chính phủ với người lao động là một minh chứng cụ thể. Năm 2018, Thủ tướng đối thoại trực tiếp với 1.000 công nhân lao động đang làm việc tại các khu công nghiệp vùng đồng bằng sông Hồng diễn ra tại tỉnh Hà Nam với chủ đề “Năng suất cao hơn, phúc lợi tốt hơn” với sự tham gia của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo các bộ, ngành, đại diện công nhân, có lãnh đạo các địa phương và đại diện doanh nghiệp tại các khu công nghiệp ở 11 tỉnh, thành đồng bằng sông Hồng…
Người lao động đề xuất ý kiến tại Chương trình Thủ tướng Chính phủ đối thoại với công nhân lao động, năm 2022 – Ảnh: Minh Khôi |
Trong cuộc đối thoại này, các vấn đề công nhân đề xuất đã được giải đáp kịp thời và có sự cam kết của người đứng đầu các bộ phụ trách. Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo: nghiên cứu sâu về tiêu chuẩn, chất lượng bữa ăn giữa ca của người lao động, từ đó đề xuất chính sách, đảm bảo bữa ăn giữa ca của người lao động ngày càng tốt hơn; sửa đổi Nghị định 49/2013/NĐ-CP, ngày 14/5/2013 quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về tiền lương cần lấy ý kiến rộng rãi người lao động và tổ chức Công đoàn các cấp, cẩn trọng xem xét thấu đáo các vấn đề, không gây sốc cho số đông người lao động, không tạo kẽ hở để người sử dụng lao động ép lương người lao động; giá điện, nước áp dụng đối với công nhân theo giá kinh doanh; vấn đề an ninh, an toàn ngoài khu vực hàng rào các khu công nghiệp…
Một số nhóm vấn đề trọng tâm và giải pháp được đề xuất trong buổi đối thoại như: đào tạo nghề cho công nhân; cơ chế hỗ trợ vốn, tài chính cho công nhân, đồng thời xử lý triệt để nạn tín dụng đen, cho vay nặng lãi, nhân rộng mô hình cơ sở khám, chữa bệnh trong các khu công nghiệp; Chính phủ tháo gỡ các vấn đề về xây dựng nhà ở cho công nhân, đặc biệt là một số vướng mắc trong quy định của Luật Đất đai, Luật Đấu thầu, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đầu tư công. Ngân hàng Nhà nước tiếp tục nghiên cứu tham mưu chính sách tín dụng cho công nhân mua nhà trả góp.
Diễn đàn Người lao động năm 2023 – Ảnh: Văn Quân |
Mới đây, từ tham mưu của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Diễn đàn Người Lao động năm 2023 đã được tổ chức với chủ đề là “Hoàn thiện chính sách pháp luật liên quan đến người lao động”. Đây là một cuộc tiếp xúc cử tri đặc biệt để Quốc hội và đại biểu Quốc hội được lắng nghe ý kiến của công nhân, viên chức, lao động. Thông qua tổ chức Công đoàn Việt Nam, người lao động cả nước gửi gắm 4.600 kiến nghị liên quan đến 45 vấn đề lớn, đặc thù, thuộc 18 lĩnh vực và 21 ý kiến được trình bày trực tiếp tại Diễn đàn. Nhiều gợi ý chính sách quan trọng, thiết thực được đưa ra, cụ thể là:
Đối với chính sách nhà ở cho công nhân, người lao động, Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5 đã quy định các nội dung ưu đãi, hỗ trợ để đẩy mạnh đầu tư xây dựng nhà ở xã hội và lưu trú cho công nhân như: chính quyền địa phương cần bố trí quỹ đất phù hợp cho việc xây dựng nhà ở cho công nhân thu nhập thấp; có chính sách ưu đãi miễn giảm tiền sử dụng đất, thuê đất, chính sách ưu đãi về thuế, tín dụng để thu hút nhiều chủ đầu tư quan tâm, đầu tư phát triển nhà ở xã hội; nghiên cứu cơ sở pháp lý để Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân thuê; có chính sách người lao động được hưởng các gói hỗ trợ về lãi suất để tiếp cận nhà ở xã hội… Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đang phối hợp với Bộ Xây dựng, các cơ quan có liên quan tiếp thu ý kiến của các đại diểu quốc hội, cơ quan, tổ chức, hiệp hội, cộng đồng doanh nghiệp, người lao động… để hoàn thiện các cơ chế, chính sách trong dự án Luật, bảo đảm thể chế hóa đầy đủ chủ trương của Đảng, có tính khả thi, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Đại biểu là công nhân lao động tham gia Diễn đàn Người lao động tại Hội trường Diên Hồng – Ảnh: Minh Khôi |
Đối với chính sách bảo hiểm xã hội, cơ quan soạn thảo tập trung sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội nhằm thể chế hóa mục tiêu, quan điểm, nội dung cải cách, nhiệm vụ, giải pháp theo tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội như xây dựng hệ thống bảo hiểm xã hội đa tầng; hạn chế tối đa việc rút bảo hiểm xã hội một lần; có cơ chế để khắc phục tình trạng chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội…
Cùng với đó là chính sách bảo hiểm thất nghiệp sẽ được sửa đổi đồng thời với việc sửa đổi, bổ sung Luật Việc làm, dự kiến trình Quốc hội trong năm 2025; trong đó tiếp tục nghiên cứu bổ sung quy định theo hướng Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp không chỉ trả trợ cấp thất nghiệp cho người lao động, mà còn hỗ trợ đào tạo và đào tạo lại tay nghề, nâng cao kỹ năng nghề nghiệp cho người lao động.
Về thực tiễn triển khai Luật Công đoàn, theo quy định của pháp luật hiện hành, Công đoàn có quền tham gia giám sát việc thực hiện chế độ, chính sách, pháp luật có liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động. Tuy nhiên, để triển khai hoạt động giám sát thì Công đoàn phải phối hợp với Mặt trận Tổ quốc và các cơ quan liên quan. Trong khi đó, theo quy định của Đảng, Công đoàn có quyền chủ trì, độc lập giám sát việc thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên. Thời gian tới, cần sửa đổi, bổ sung Luật Công đoàn để tổ chức Công đoàn có thể chủ động, độc lập thực hiện chức năng giám sát của mình.
Bên cạnh đó, những vấn đề xã hội công nhân băn khoăn, bức xúc như: những khó khăn trong khám, chữa bệnh; chăm sóc sức khỏe của công nhân; trong sinh hoạt văn hóa, thể thao; trong chăm sóc, bảo vệ trẻ em là con công nhân; chính sách thu hút người lao động trong các ngành, nghề đặc thù… cũng đã được các cơ quan của Quốc hội và các Bộ, ngành có liên quan tổng hợp, tiếp thu và khẩn trương giải quyết. Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu, đề xuất với một số vấn đề chưa có trong Chương trình xây dựng luật của Quốc hội nhiệm kỳ XV.
Sau các lần Thủ tướng đối thoại trực tiếp với công nhân trên toàn quốc và Diễn đàn Chủ tịch Quốc hội tiếp xúc cử tri đặc biệt là công nhân lao động thông qua đề xuất, tham mưu của tổ chức Công đoàn Việt Nam, nhiều quyết định, chỉ đạo việc hoàn thiện chính sách, pháp luật liên quan đến người lao động và tổ chức Công đoàn.
Ngoài ra hàng loạt sáng kiến cho tổ chức Công đoàn Việt Nam khởi xướng hướng tới bảo vệ thiết thực quyền lợi cho người lao động như: Chương trình “Phúc lợi đoàn viên” đã ký kết 2.840 bản thỏa thuận hợp tác, trong đó có 20 thỏa thuận cấp Tổng Liên đoàn; có khoảng hơn 6,5 triệu lượt đoàn viên, người lao động được hưởng lợi với tổng số tiền gần 1.400 tỷ đồng.
LĐLĐ tỉnh Bắc Giang ký kết chương trình Phúc lợi đoàn viên. Ảnh: Nguyễn Huyền |
Công đoàn đã tham gia tố tụng giải quyết tranh chấp lao động tại tòa án cho 12.369 người, hỗ trợ, trong đó tham gia tố tụng bảo vệ tại tòa án cho 7.705 người lao động; đại diện người lao động khởi kiện tranh chấp lao động cá nhân cho 4.664 người, giúp người lao động nhận lại hoặc được bồi thường hơn 64 tỷ đồng; ký mới 15.832 bản thỏa ước lao động tập thể doanh nghiệp với những điều khoản có lợi hơn cho người lao động so với quy định của pháp luật, nâng tổng số thỏa ước lao động tập thể đã ký kết và thực hiện lên 28.876 bản.
Khi các cuộc ngừng việc tập thể xảy ra tại một số doanh nghiệp, tổ chức Công đoàn đều nhanh chóng vào cuộc, kiến nghị chính quyền địa phương hay tổ chức các đoàn liên nghành vào cuộc, thương lượng với doanh nghiệp; đối thoại với người lao động để nhanh chóng giải quyết bức xúc, sớm đưa doanh nghiệp và người lao động tìm tiếng nói chung, trở lại sản xuất.
Vai trò và vị thế đó khẳng định tổ chức Công đoàn Việt Nam đã và đang nỗ lực hết mình vì người lao động, thực hiện mục tiêu, chính sách chung của Đảng, Nhà nước không ngừng phát triển toàn diện giai cấp công nhân Việt Nam xứng tầm với yêu cầu thời cuộc.
Ngọc Tú