16/10/2013 9:59:13

Công đoàn Việt Nam tổ chức thi đua yêu nước theo quan điểm Hồ Chí Minh

Vận dụng quan điểm “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua, những người thi đua là những người yêu nước nhất”của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong những năm qua, Công đoàn Việt Nam đã hết sức coi trọng và kiên trì phát động, tổ chức các phong trào thi đua yêu nước trong công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ). Trọng tâm là phong trào thi đua “Lao động giỏi, Lao động sáng tạo”.

Phát triển và nâng cao chất lượng các phong trào “ Giỏi việc nước, đảm việc nhà”, “Thi đua phục vụ công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp và phát triển nông thôn”, “Thi đua học tập nâng cao trình độ học vấn, nghề nghiệp”, đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển, phong trào “Xanh- sạch- đẹp, đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động” trong các doanh nghiệp; cuộc vận động “xây dựng người cán bộ, công chức, viên chức trung thành, sáng tạo, tận tụy, gương mẫu” đã được tổ chức và đạt kết quả tốt…

Chú trọng xây dựng và nhân rộng điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt trong CNVCLĐ. Tổ chức các cuộc thi “Luyện tay nghề, thi thợ giỏi”. Tổ chức các hoạt động nhân Ngày truyền thống thi đua yêu nước hàng năm, thực hiện tốt việc xét trao giải thưởng Nguyễn Đức Cảnh, tôn vinh công nhân, lao động tiêu biểu, có thành tích xuất sắc trong lao động, sản xuất. .

Các phong trào thi đua do công đoàn tổ chức tạo thành phong trào hành động cách mạng sôi nổi trong hoạt động công đoàn và được các cấp chính quyền, cơ quan quản lý phối hợp chặt chẽ, tạo điều kiện thuận lợi cho phong trào phát triển cả chiều rộng và chiều sâu.

Gần 30 năm thực hiện đổi mới, Công đoàn Việt Nam tích cực thực hiện lời dạy của Người, kiên trì đẩy mạnh và duy trì phong trào thi đua yêu nước trong CNVCLĐ; phát huy truyền thống vẻ vang của giai cấp công nhân Việt Nam, chủ động đề xuất, phát động nhiều phong trào thi đua với tên gọi, mục tiêu, nội dung gắn liền với yêu cầu của mỗi giai đoạn cách mạng.

Vận dụng quan điểm của Người về thi đua yêu nước, các cấp công đoàn cần gắn các phong trào thi đua với việc thực hiện các kế hoạch sản xuất của doanh nghiệp, nhiệm vụ chính trị của cơ quan, hướng vào việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế – xã hội của đất nước.

Thực hiện tốt Luật Thi đua, khen thưởng và Qui chế Thi đua, khen thưởng của công đoàn. Nghiên cứu, làm rõ nội dung và cách thức tổ chức thi đua, khen thưởng phù hợp với các loại hình doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp ngoài nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng của tổ chức Công đoàn theo hướng thiết thực, hiệu quả, khắc phục bệnh thành tích và hình thức trong thi đua. Coi trọng việc khen thưởng thành tích với các đối tượng là cán bộ, CNVCLĐ trực tiếp sản xuất, công tác.

Phối hợp chặt chẽ giữa các cấp công đoàn với các ngành, các địa phương trong việc chỉ đạo thi đua trên các công trình trọng điểm. Phối hợp với các cơ quan hữu quan có hình thức động viên, khen thưởng phù hợp đối với những người sử dụng lao động ở các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế có nhiều thành tích trong việc xây dựng quan hệ lao động hài hoà, ổn định, tiến bộ, quan tâm đến giải quyết việc làm, cải thiện đời sống của công nhân, lao động

Tiến Đoàn