15/09/2021 2:55:44

Công đoàn chi hơn 4.375 tỉ đồng hỗ trợ đoàn viên, người lao động và lực lượng tuyến đầu chống dịch

Chiều 14.9, Tổng LĐLĐVN tổ chức Hội nghị trực tuyến với các địa phương, ngành về công tác phòng, chống COVID-19 và chăm lo, hỗ trợ đoàn viên, người lao động dưới sự chủ trì của ông Nguyễn Đình Khang – Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐVN.

Tham dự hội nghị có Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐVN Trần Thanh Hải; các Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN: Trần Văn Thuật, Phan Văn Anh, Ngọ Duy Hiểu.

Hội nghị trực tuyến với các địa phương, ngành về công tác phòng, chống COVID-19 và chăm lo, hỗ trợ đoàn viên, người lao động tại điểm cầu Tổng LĐLĐVN chiều 14.9. Ảnh: Hải Nguyễn

Hội nghị trực tuyến với các địa phương, ngành về công tác phòng, chống COVID-19 và chăm lo, hỗ trợ đoàn viên, người lao động tại điểm cầu Tổng LĐLĐVN chiều 14.9. 

Ưu tiên các đối tượng khó khăn, lực lượng tuyến đầu

Theo bà Trần Thị Thanh Hà, Quyền Trưởng Ban Ban Quan hệ Lao động, nhìn chung, các chính sách của Tổng LĐLĐVN được ban hành trong thời gian qua rất kịp thời, nhanh nhạy, khá toàn diện về đối tượng, có ưu tiên các đối tượng khó khăn thực sự, lực lượng tuyến đầu. Các cấp công đoàn đã chi nguồn lực lớn để hỗ trợ người lao động, chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, đồng hành với Chính phủ, góp phần ổn định tình hình trong công nhân lao động, giúp các địa phương tập trung phòng chống dịch bệnh, khẳng định vai trò, trách nhiệm và quyết tâm cao nhất của tổ chức công đoàn trong bối cảnh khủng hoảng, được đoàn viên, người lao động và xã hội đánh giá cao.

Tính đến ngày 13.9, công đoàn các cấp chi hỗ trợ đoàn viên, người lao động và các lực lượng tuyến đầu chống dịch từ nguồn tài chính công đoàn và nguồn xã hội hoá với tổng số tiền trên 4.375,882 tỉ đồng. Trong đó: Chi trực tiếp hỗ trợ, chăm lo cho đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19: 1.121,773 tỉ đồng; chi ủng hộ và vận động ủng hộ công tác phòng chống dịch COVID-19, chuyển về Mặt trận Tổ quốc Việt Nam: 333,044 tỉ đồng; chi ủng hộ và vận động ủng hộ vào Quỹ vaccine phòng chống COVID-19: 293,881 tỉ đồng; chi hỗ trợ cho lực lượng tuyến đầu chống dịch COVID-19 trên 200 tỉ đồng; chi hỗ trợ đoàn viên, người lao động tham gia sản xuất “3 tại chỗ” tại các tỉnh, thành phố đang thực hiện giãn cách theo chỉ thị 16/CT-TTg: trên 1.000 tỉ đồng; chi trực tiếp tại các công đoàn cơ sở theo các mức ban hành chung từ trước đối với người lao động khó khăn: 1.396,223 tỉ đồng…

Tuy nhiên, bà Hà cho biết, quá trình xây dựng một số chính sách chưa bao quát hết các đối tượng; chưa dự liệu hết những tình huống thực tế xảy ra; việc hướng dẫn thực hiện các chính sách có thời điểm chưa kịp thời, có nội dung chưa thống nhất. Ngoài ra, công tác triển khai ở một số ít địa phương, ngành còn lúng túng; việc giao các LĐLĐ tỉnh, ngành chủ động quyết định một số nội dung nhưng có nơi còn thiếu chủ động, có địa phương đưa ra các điều kiện không phù hợp với điều kiện chung của chính sách; công tác xã hội hoá nguồn lực chưa được đẩy mạnh; việc hỗ trợ người lao động ở một số địa phương chưa được kịp thời…

Đề xuất thêm chính sách hỗ trợ NLĐ  

Ông Phạm Chí Tâm, Phó Chủ tịch LĐLĐ TPHCM nêu lên những khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai, hỗ trợ các chính sách tới người lao động, trong đó, có những trường hợp do thực hiện các biện pháp phong toả, cách ly nên cung cấp thiếu thông tin của người lao động, phải mất thời gian xác minh nên việc đề xuất, chăm lo cho người lao động chưa kịp thời.

Ngoài ra, ông Tâm cho rằng, việc thực hiện hỗ trợ bữa ăn cho người lao động thực hiện “3 tại chỗ” còn gặp khó khăn do thiếu hướng dẫn cụ thể liên quan đến việc đóng kinh phí công đoàn của doanh nghiệp…

Ông Tâm kiến nghị, Tổng LĐLĐVN cần có hướng dẫn cụ thể liên quan đến việc đóng kinh phí công đoàn của doanh nghiệp để được hưởng hỗ trợ bữa ăn cho người lao động “3 tại chỗ”; chi hỗ trợ cho NLĐ đang duy trì “1 cung đường, 2 điểm đến” để động viên NLĐ sản xuất…

Ngoài ra, ông Tâm kiến nghị Tổng LĐLĐVN cho phép LĐLĐ TPHCM hỗ trợ gói an sinh lần 2 là 200.000 phần quà (250.000 đồng/suất) để hỗ trợ cho đoàn viên, người lao động, nhất là khi họ đi làm trở lại…

Chung quan điểm, bà Nguyễn Kim Loan – Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bình Dương – cho rằng, ngay cả sau khi hết giãn cách xã hội thì cũng chưa thể trở lại trạng thái bình thường được, phải có lộ trình để công nhân quay trở lại làm việc.

“Trong thời gian đó, công nhân lao động chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn, đề nghị Tổng LĐLĐVN tiếp tục hỗ trợ cho những NLĐ bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch” – bà Loan nêu ý kiến. Bà Loan cũng đề xuất bổ sung hỗ trợ công nhân thực hiện sản xuất “1 cung đường, 2 điểm đến”.

Tại hội nghị, Thường trực Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN đã giải đáp những ý kiến của các địa phương trong thực hiện cách chính sách của Tổng LĐLĐVN. Ông Nguyễn Đình Khang cho biết, thời gian qua, các cấp CĐ đã kịp thời phản ánh được tình hình công nhân lao động khó khăn từ khi dịch bùng phát lần thứ 4. Các ý kiến này là cơ sở để Tổng LĐLĐVN kiến nghị Đảng, Nhà nước có chính sách hỗ trợ nhân dân nói chung và CNLĐ nói riêng bị ảnh hưởng bởi COVID-19; là cơ sở để Tổng LĐLĐVN xây dựng các chính sách của Tổng LĐLĐVN hỗ trợ cho đoàn viên, NLĐ.

Ghi nhận, cảm ơn những cố gắng của cán bộ CĐ các cấp, ông Khang khẳng định: “Các cán bộ CĐ các cấp đã thực trở thành những chiến sĩ, không quản ngại khó khăn, vất vả, hiểm nguy hỗ trợ đoàn viên, NLĐ; triển khai thực hiện chính sách của Tổng LĐLĐVN cũng như của Chính phủ”.

Ông Khang đề nghị các cấp công đoàn nỗ lực để có những giải pháp chăm lo tốt hơn cho người lao động; tiếp tục triển khai có hiệu quả các chính sách của Tổng LĐLĐVN; tiếp tục nắm cơ sở, nắm tình hình một cách toàn diện về đời sống, việc làm, những khó khăn mà CNLĐ đang gặp phải, nhất là những CNLĐ đang mang thai, nuôi con nhỏ; những con công nhân lao động đang tuổi đi học…

Bên cạnh đó, nghiên cứu khó khăn, vướng mắc của các chính sách để phản ánh về Tổng LĐLĐVN; đề xuất những chính sách bổ sung…

Ông Khang đề nghị các cấp công đoàn triển khai thực hiện phong trào thi đua “Công nhân, viên chức, lao động nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch COVID-19” do Tổng LĐLĐVN phát động; tập trung nắm tình hình tài chính của các cấp công đoàn, đặc biệt là công đoàn cơ sở và công đoàn cấp trên cơ sở để tính toán có đủ thực hiện các chính sách của Tổng LĐLĐVN hay không trong trường hợp dịch còn diễn biến phức tạp; chăm lo Tết Nguyên đán ngay từ bây giờ để không bị động…

Ngoài ra, các cấp công đoàn cần tiếp tục quan tâm đến công tác phát triên đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở…

Theo congdoan.vn