Để tiếp tục khẳng định vị thế của tổ chức Công đoàn, Công đoàn Việt Nam cần nghiên cứu đổi mới mô hình tổ chức và phương pháp hoạt động.
Cần nghiên cứu đổi mới mô hình tổ chức và phương pháp hoạt động nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới là một trong những nội dung được Hội thảo khoa học chiều 11.8 bàn thảo. Ảnh: Hải Nguyễn
Để tiếp tục khẳng định vị thế của tổ chức Công đoàn – tổ chức đại diện, chăm lo và bảo vệ người lao động, Công đoàn Việt Nam cần nghiên cứu đổi mới mô hình tổ chức và phương pháp hoạt động, nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Đây là một trong những khẳng định tại Hội thảo khoa học “Hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”, diễn ra chiều 11.8 dưới sự chủ trì của ông Ngọ Duy Hiểu – Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN.
Góp phần đảm bảo quyền làm chủ của công nhân và người lao động
Theo GS,TS. Trần Ngọc Đường, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Hiến pháp năm 2013 chỉ rõ vị trí, vai trò, chức năng của Công đoàn Việt Nam trong thời kỳ mới là tổ chức “đại diện cho người lao động”. Theo đó, công đoàn có vị thế độc lập là một tổ chức “đại diện cho người lao động”.
Trước những đòi hỏi trong tình hình mới, trên cơ sở nhiệm vụ, quyền hạn được Hiến pháp năm 2013 quy định, GS,TS. Trần Ngọc Đường cho rằng tổ chức công đoàn cần tập trung vào một số nhiệm vụ. Trong đó, góp phần đảm bảo quyền làm chủ của công nhân và người lao động, thượng tôn Hiến pháp, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân. Phối hợp chặt chẽ, hiệu quả các cơ chế kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm soát quyền lực nhà nước của Đảng, Nhà nước và của nhân dân (bao gồm các tổ chức chính trị – xã hội trong đó có tổ chức công đoàn). Phát huy vai trò của tổ chức công đoàn trong giám sát quyền lực nhà nước; kiên quyết, kiên trì đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực trong cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp mà người lao động làm việc. Tham gia xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh.
GS,TS. Trần Ngọc Đường. Ảnh: Hải Nguyễn
Cũng trao đổi về cơ sở lý luận, TS. Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội nêu rõ đặc điểm và mối quan hệ giữa tổ chức Công đoàn và người sử dụng lao động.
TS. Bùi Sỹ Lợi phân tích khi các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới có hiệu lực, thị trường lao động ở nước ta có sự tham gia ngày càng đa dạng, phong phú của người lao động, người sử dụng lao động, trong đó có cả từ nước ngoài đến, khiến sức cạnh tranh trên thị trường lao động càng thêm khốc liệt, quan hệ lao động phức tạp hơn.
Một trong những giải pháp nâng cao vai trò của tổ chức công đoàn thúc đẩy mối quan hệ với người sử dụng lao động trong quan hệ lao động, theo TS. Bùi Sỹ Lợi là công đoàn cần phải bám sát chức năng, nhiệm vụ của mình. Theo đó, công đoàn cần tiếp tục lấy mục tiêu phát triển của người sử dụng lao động làm động lực và lấy việc tập hợp, giáo dục, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đoàn viên công đoàn làm nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt nhằm: Bảo đảm và quản lý tốt sự ra đời, hoạt động của tổ chức người lao động tại doanh nghiệp; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; đồng thời tạo điều kiện cho người sử dụng lao động kinh doanh ổn định và phát triển; đảm bảo sự phù hợp với các nguyên tắc và tiêu chuẩn lao động của Tổ chức lao động quốc tế, đồng thời giữ vững ổn định chính trị – xã hội.
TS.Bùi Sỹ Lợi. Ảnh: Hải Nguyễn
Tránh công chức hóa, hành chính hóa các hoạt động Công đoàn
Bàn về Công đoàn phối hợp với người sử dụng lao động chăm lo lợi ích cho người lao động trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế tại Việt Nam, ông Lại Hoàng Dũng – Chủ tịch Công đoàn Công ty Sam Sung Electronics VN nêu các giải pháp.
Đó là cần cụ thể hóa nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Công đoàn khi tham gia quan hệ lao động, các chính sách đối với cán bộ Công đoàn, phương thức lãnh đạo; mô hình tổ chức Công đoàn các cấp.
Ông Lại Hoàng Dũng. Ảnh: Hải Nguyễn
Trong bối cảnh doanh nghiệp ngoài Nhà nước phát triển nhanh, thu hút lực lượng lao động đảo, cần tăng cường công tác phát triển đoàn viên, xây dựng tổ chức Công đoàn trong các doanh nghiệp khu vực ngoài Nhà nước cho phù hợp với thực tiễn. Tránh tình trạng Công đoàn cấp trên cơ sở mang nặng tư duy công chức hóa, hành chính hóa các hoạt động Công đoàn.
Bên cạnh đó, ông Dũng cũng cho rằng cần phát triển đội ngũ cán bộ Công đoàn chuyên trách cả về lượng và chất, cụ thể là cập nhật, sửa đổi, bổ sung quy chế tuyển dụng cán bộ Công đoàn, khắc phục tình trạng tuyển dụng người thân làm việc trong cơ quan, tổ chức Công đoàn…
Theo Báo Lao động
https://laodong.vn/cong-doan/cong-doan-can-nghien-cuu-doi-moi-phuong-phap-hoat-dong-1379119.ldo