Ngày 28.11, tại Hà Nội, Tổng LĐLĐVN tổ chức hội nghị tổng kết 10 năm triển khai Chương trình “Tết Sum vầy” của tổ chức Công đoàn, giai đoạn 2015-2024.
Ủy viên T.Ư Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Nguyễn Đình Khang trao quà cho đoàn viên trong chương trình Tết Sum vầy tổ chức tại Bắc Ninh. Ảnh: Hải Nguyễn
Sáng kiến của Báo Lao Động
Lần đầu tiên được tổ chức năm 2015, đến nay, Chương trình “Tết Sum vầy” đã trở thành sự kiện thường niên và “thương hiệu” của tổ chức Công đoàn mỗi dịp Tết đến Xuân về, tạo hiệu ứng lan tỏa rộng rãi trong các cấp công đoàn và toàn xã hội, nhất là đoàn viên, người lao động (ĐV, NLĐ) có hoàn cảnh khó khăn.
Theo Tổng LĐLĐVN, trước năm 2015, việc tổ chức các hoạt động chăm lo Tết cho ĐV, NLĐ được tổ chức theo hình thức “sự kiện” đã được triển khai tại một số công đoàn cơ sở, nhưng chưa có một “tên gọi” thống nhất.
Nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn, tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động theo phương châm hướng về cơ sở, tại cơ sở, vì đoàn viên và người lao động, đa dạng hóa các hình thức tập hợp ĐV, NLĐ, Báo Lao Động và Quỹ Xã hội từ thiện Tấm lòng Vàng đã có sáng kiến, đề xuất với Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN tổ chức “Tết Sum vầy” quy mô cấp Tổng LĐLĐVN. Và Chương trình “Tết Sum vầy” đầu tiên được tổ chức vào dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015 tại Thủ đô Hà Nội.
Từ đó đến nay, hằng năm, căn cứ các văn bản của Tổng LĐLĐVN chủ trương, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương, đơn vị về hoạt động chăm lo Tết cho ĐV, NLĐ, 100% LĐLĐ tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành Trung ương và tương đương, Công đoàn Tổng Công ty trực thuộc Tổng LĐLĐVN, các công đoàn cơ sở (địa phương, đơn vị) đã tổ chức các hoạt động chăm lo Tết và Chương trình “Tết Sum vầy”…
Từ năm 2015 đến nay, đã có 186.944 Chương trình được tổ chức ở các cấp Công đoàn, thu hút trên 33 triệu cán bộ, ĐV, NLĐ tham gia, được tặng quà. Tại Chương trình trên 26,2 triệu ĐV, NLĐ có hoàn cảnh khó khăn được chăm lo, tặng quà với tổng số tiền trên 10.617 tỉ đồng, trong đó, huy động từ nguồn xã hội hóa là gần 5.847 tỉ đồng (chiếm tỉ lệ 55%).
Mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc
Theo Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Phan Văn Anh, Chương trình “Tết Sum vầy” là hoạt động thiết thực mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, với mục tiêu chăm lo tốt hơn, bảo vệ tốt hơn lợi ích ĐV, NLĐ mang đậm dấu ấn tổ chức Công đoàn đối với ĐV, NLĐ.
“Để đạt được kết quả trên, là quyết tâm và nỗ lực của cấp công đoàn, sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các cấp chính quyền, các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp và các nhà hảo tâm đã cùng chung sức, chia sẻ, đồng hành với tổ chức Công đoàn để chăm lo cho ĐV, NLĐ, qua đó nâng cao vị thế của tổ chức Công đoàn trong hệ thống chính trị xã hội…” – ông Phan Văn Anh nhận định.
Theo lãnh đạo Tổng LĐLĐVN, trong thời gian tới, để Chương trình tiếp tục phát huy hiệu quả trong công tác chăm lo ĐV, NLĐ nhân dịp Tết đến Xuân về thì cần có sự chỉ đạo thường xuyên, xuyên suốt, nhất quán, kịp thời từ Tổng LĐLĐVN tới các cấp công đoàn và luôn đổi mới, sáng tạo trong tổ chức các hoạt động tại Chương trình nhằm thu hút đông đảo ĐV, NLĐ tham gia và nâng cao mức thụ hưởng cho ĐV, NLĐ.
Tăng cường công tác đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ cán bộ công đoàn làm công tác chăm lo phúc lợi của công đoàn cấp trên cơ sở và công đoàn cơ sở trong các doanh nghiệp có đông ĐV, NLĐ.
Cùng với đó là phát huy lợi thế “thương hiệu” và sức lan tỏa của Chương trình tạo thành lợi thế để phát triển, mở rộng Chương trình “Tết Sum vầy” trong giai đoạn tới, góp thần thực hiện ngày càng tốt hơn nhiệm vụ đại diện và bảo vệ của tổ chức Công đoàn.
Vận động nguồn lực xã hội hóa và tài chính công đoàn đủ mạnh để tổ chức Chương trình, xứng tầm với nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn trong tình hình mới. Cần có sự hỗ trợ, ủng hộ và đồng hành của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, các cơ quan, đơn vị doanh nghiệp trong triển khai tổ chức Chương trình…
Báo Lao động