Tại Hội nghị Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN lần thứ 30 (khoá XII) diễn ra ngày 19.10, trong Tờ trình nội dung chủ đề, định hướng nhiệm vụ trọng tâm hoạt động Công đoàn năm 2023 do Phó Chủ tịch Thường trực Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Trần Thanh Hải trình bày, Thường trực Đoàn Chủ tịch đề xuất lựa chọn chủ đề hoạt động năm 2023 là Tập trung phát triển đoàn viên, thành lập Công đoàn cơ sở.
Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐVN Trần Thanh Hải phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Quang Hùng
Đề xuất giao 11 chỉ tiêu thực hiện nhiệm vụ năm 2023
Thường trực Đoàn Chủ tịch dự kiến các nhiệm vụ trọng tâm năm 2023, tập trung vào 5 nội dung: Tổ chức thành công Đại hội Công đoàn các cấp và Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XIII; nghiên cứu, đề xuất và tham gia xây dựng, triển khai, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người lao động, trong đó tập trung nghiên cứu, tiếp thu ý kiến, hoàn thiện hồ sơ dự án Luật Công đoàn (sửa đổi); chủ động công tác dự báo tình hình để đề ra các biện pháp hoạt động Công đoàn phù hợp và đề xuất, phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý các vấn đề phát sinh trong thực tiễn; tập trung phát triển đoàn viên, thành lập Công đoàn cơ sở, tăng tỉ lệ đoàn viên trên tổng số công nhân, lao động ở những nơi đã thành lập Công đoàn; tích cực đổi mới, sáng tạo, phát huy sáng kiến, cải tiến kĩ thuật, nâng cao năng suất lao động, hiệu quả công tác.
Đề xuất giao 11 chỉ tiêu thực hiện nhiệm vụ năm 2023. Một số chỉ tiêu cụ thể giao năm 2023, trong đó các chỉ tiêu bắt buộc phải thực hiện, không thay đổi theo tinh thần Nghị quyết 02-NQ/TW, gồm: Phát triển đoàn viên, Thỏa ước lao động tập thể. Trong đó, theo Nghị quyết 02-NQ/TW đề ra “đến năm 2023 phấn đấu có 12 triệu đoàn viên”, do vậy năm 2023 các cấp Công đoàn phải phấn đấu phát triển tăng thêm 650.350 đoàn viên mới hoàn thành mục tiêu Nghị quyết 02. Chỉ tiêu Tổ chức Tháng Công nhân năm 2023 ở 50.892 Công đoàn cơ sở, tăng 10.225 Công đoàn cơ sở so với năm 2022 do năm 2022 sau khi Tổng Liên đoàn giao thực hiện chỉ tiêu này đã tạo hiệu ứng tốt cho Công đoàn cơ sở, nhất là ngoài khu vực nhà nước, do vậy, đề xuất lấy số thực hiện được năm 2022 của Công đoàn các tỉnh, ngành để giao chỉ tiêu thực hiện cho năm 2023…
Đề nghị bổ sung một số kiến nghị
Phó Chủ tịch Thường trực Trần Thanh Hải cũng trình bày Báo cáo kết quả thực hiện Quy chế phối hợp giữa Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn năm 2022, nhiệm vụ phối hợp trọng tâm năm 2023. Theo báo cáo, một trong những hoạt động hiệu quả là không để xảy ra tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng lao động, sớm đưa người lao động trở lại doanh nghiệp sản xuất an toàn, có thu nhập, ổn định cuộc sống; đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội.
Ngay từ đầu năm 2022, hai bên đã phối hợp tăng cường nắm bắt tình hình lao động việc làm, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; đồng hành với doanh nghiệp trong thực hiện các biện pháp vừa phòng, chống dịch COVID-19, vừa phục hồi, phát triển nhanh các hoạt động sản xuất, kinh doanh, đảm bảo nguồn nhân lực, thúc đẩy các hoạt động tăng trưởng kinh tế, góp phần quan trọng trong việc ổn định tình hình lao động, việc làm, thu nhập người lao động…
Phối hợp tổ chức Chương trình Thủ tướng Chính phủ gặp gỡ, đối thoại với 4.500 công nhân lao động tại tỉnh Bắc Giang và trực tuyến với 63 điểm cầu tại các tỉnh, thành phố trong cả nước với chủ đề: “Công nhân Việt Nam với khát vọng phát triển đất nước”. Tại chương trình, Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo các bộ, ngành đã lắng nghe và giải đáp cụ thể các câu hỏi, kiến nghị thuộc 10 nhóm vấn đề liên quan đến việc làm, thu nhập, các vấn đề bức xúc, cấp bách của công nhân lao động; việc học tập nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, hoàn thiện các cơ chế, chính sách; các kiến nghị đã được quan tâm giao các bộ, ngành, địa phương thể chế hóa; triển khai thực hiện chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động, để công nhân lao động có việc làm ổn định, nâng cao đời sống, cống hiến cho sự phát triển của đất nước, nhất là trong giai đoạn đẩy mạnh phục hồi, phát triển kinh tế – xã hội sau đại dịch COVID-19.
Ở các địa phương, ngành Công đoàn và chính quyền các cấp cũng đã tổ chức 151 cuộc gặp gỡ, đối thoại giữa lãnh đạo cấp ủy, chính quyền với công nhân viên chức lao động, qua đó đã tiếp nhận và giải đáp 1.865 kiến nghị, đề xuất của đoàn viên, người lao động, góp phần quan trọng xử lý ngay những vấn đề nổi lên ở cơ sở…
Đối với những kiến nghị trong Báo cáo, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Thái Thu Xương đề nghị đưa vào kiến nghị bổ sung thêm đối tượng được hưởng hỗ trợ trong Nghị định 105. Đồng chí Nguyễn Ngọc Hiển – Tổng Biên tập Báo Lao động – đề nghị bổ sung việc chỉ đạo giải quyết tình trạng công nhân lao động tại nhiều khu nhà trọ lại phải dùng điện với giá cao (không phải giá điện sinh hoạt). Vừa qua, Báo Lao Động đã có loạt bài viết phản ánh cụ thể thể về vấn đề này. Bên cạnh đó, Tổng Biên tập Báo Lao động cũng đề nghị đưa nội dung kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan có thẩm quyền xử lý việc bán nhà ở xã hội với giá chênh hiện nay. Cũng cho ý kiến về kiến nghị trong Báo cáo, đồng chí Nguyễn Thị Kim Liên – Chủ tịch Công đoàn Khu Kinh tế tỉnh Tây Ninh đề nghị bổ sung việc xử lý các đối tượng tín dụng đen đe doạ cán bộ Công đoàn…
Theo laodong.vn