Trong thời kỳ đổi mới, Dầu khí là một trong những ngành công nghiệp mới, được xác định là ngành then chốt, giữ vị trí quan trọng trong nền kinh tế đất nước và đã thu hút lực lượng lao động lớn vào làm việc. Công đoàn Dầu khí Việt Nam (CĐ DKVN) đã góp phần công sức không nhỏ để người lao động Dầu khí hoàn thành sứ mệnh lịch sử “tìm dầu để làm giàu cho tổ quốc”.
Đầu thập niên 90 của thế kỷ XX, trước tình hình thế giới và trong nước gây những biến động về cơ cấu, tâm lý của công nhân, viên chức và người lao động, Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam đã tập trung thực hiện Quyết định 176/HĐBT ngày 9-10-1989 của Hội đồng Bộ trưởng về sắp xếp lại lao động trong các đơn vị kinh tế quốc doanh và Quyết định 109, 111/HĐBT ngày 12-4-1991 của Hội đồng Bộ trưởng về việc “sắp xếp tổ chức, biên chế hành chính sự nghiệp”.
Đội ngũ công nhân và lao động ngành Dầu khí lao động trong loại hình doanh nghiệp nhà nước và có vốn đầu tư nước ngoài, tập trung ở trung tâm công nghiệp dầu khí Vũng Tàu và nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước.
Ưu điểm nổi bật của đội ngũ công nhân lao động ngành Dầu khí là trẻ, năng động, có trình độ học vấn cao, có khả năng tiếp thu nhanh công nghệ hiện đại, kỹ thuật tiên tiến để áp dụng vào sản xuất. Trước những khó khăn, sự xáo trộn của thời kỳ chuyển đổi, đội ngũ công nhân dầu khí vẫn tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, phát huy bản chất cách mạng và truyền thống, vượt qua khó khăn, thử thách. Nhưng trước sự phát triển của khoa học – công nghệ, một số công nhân, lao động còn gặp hạn chế nhất định về tính tổ chức, kỷ luật, tác phong công nghiệp…
Để khắc phục những khó khăn mà người lao động gặp phải, CĐ DKVN đã đổi mới về nội dung, phương thức hoạt động. Cơ chế quản lý kinh tế mới ngày càng được xác lập. Quá trình chuyển đổi sang cơ chế thị trường đòi hỏi phải đối mới mọi lĩnh vực của đời sống xã hội trong đó có sự đổi mới tổ chức và cách thức hoạt động của các đoàn thể.
Đại hội VII của Đảng đã đề ra việc đổi mới phương thức hoạt động của các tổ chức quần chúng theo hướng “đa dạng, đáp ứng nhu cầu chính đáng về nghề nghiệp và đời sống nhân dân… hướng về cơ sở, sát với đoàn viên, hội viên”. Thực hiện chủ trương đổi mới tổ chức và hoạt động, CĐ DKVN đã đạt những kết quả quan trọng. Hệ thống tổ chức Công đoàn tiếp tục phát triển và cơ cấu lại phù hợp với tổ chức sản xuất, tổ chức quản lý và việc chuyển đổi sang cơ chế thị trường. Đội ngũ cán bộ chuyên trách các cấp công đoàn được tinh giản. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ được đổi mới về nội dung theo hướng chú trọng chất lượng, nâng cao trình độ, nhất là cán bộ Công đoàn cơ sở. Số cán bộ Công đoàn có nghiệp vụ công đoàn tăng.
CĐ DKVN đã tổ chức các hội nghị rút kinh nghiệm về nội dung và phương pháp hoạt động của công đoàn cơ sở, về trách nhiệm, quyền hạn, phương pháp công tác cho Chủ tịch công đoàn cơ sở. Nhờ đó, tỉ lệ công đoàn cơ sở vững mạnh tăng. Sự chỉ đạo của các cấp công đoàn ngày càng gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị, chuyên môn, đảm bảo tính thiết thực.
Thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam khóa VI (2-1992) về chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm nhằm tiếp tục đổi mới hoạt động công đoàn, Công đoàn Dầu khí tập trung vận động công nhân lao động tích cực lao động và công tác góp phần phát triển sản xuất, ổn định đời sống. Đồng thời, phát triển mạnh tổ chức Công đoàn, thực hiện tốt vai trò đại diện, bảo vệ lợi ích người lao động. Theo đó, tập trung thực hiện ba chương trình trọng điểm: Chương trình giải quyết việc làm và chăm lo đời sống người lao động; Chương trình phát triển tổ chức công đoàn ở các cơ sở ngoài quốc doanh; Chương trình làm kinh tế và tạo nguồn ngân sách cho hoạt động Công đoàn. CĐ DKVN cũng tham gia vào việc thực hiện đề án cải cách chế độ tiền lương, bảo hiểm y tế, pháp lệnh bảo hộ lao động; Đẩy mạnh các hoạt động xã hội; Phát động phong trào thi đua lao động giỏi, tiết kiệm nhiều, đạt kết quả cao, lập thành tích chào mừng Đại hội VII Công đoàn Việt Nam.
Đoàn đại biểu CĐ DKVN chụp ảnh lưu niệm với các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam tại Đại hội VII Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam
Công đoàn Dầu khí còn tham gia sắp xếp, xây dựng và thực hiện chế độ chính sách, bảo vệ lợi ích công nhân lao động. Trong thời điểm sắp xếp lại lao động trong các đơn vị kinh tế quốc doanh, toàn ngành Dầu khí có gần 500 lao động buộc phải đưa ra ngoài dây chuyền sản xuất. CĐ DKVN đã cùng với lãnh đạo Tổng Công ty xem xét cụ thể từng trường hợp và giải quyết chế độ kịp thời, thỏa đáng, trích thêm 150 triệu đồng ngoài chế độ chính sách của Nhà nước để hỗ trợ số lao động phải nghỉ việc khắc phục khó khăn, sớm ổn định cuộc sống.
Trước thực tế vấn đề thu nhập giữa các đơn vị trong ngành có sự chênh lệch đáng kể khiến cho người lao động chưa yên tâm làm việc, Công đoàn đã đóng vai trò tư vấn, cùng lãnh đạo Tổng Công ty đưa ra những biện pháp điều chỉnh công việc, từng bước giảm sự chênh lệch trong thu nhập. Qua đó, tạo sự đoàn kết, nhất trí, động viên cán bộ công nhân viên hăng hái làm việc thực hiện nhiệm vụ chung của ngành.
Đồng thời, trước những khó khăn của những lao động đã nghỉ chế độ, phần lớn là những người đã cống hiến cho sự nghiệp dầu khí từ những năm đầu còn nhiều khó khăn, Công đoàn, Tổng Công ty phối hợp tổ chức các phong trào uống nước nhớ nguồn, tương thân tương ái, hỗ trợ giúp đỡ các gia đình, khó khăn, tích cực tham gia giúp đỡ các gia đình chính sách, thương binh, gia đình liệt sĩ, các hoạt động từ thiện xã hội…
Tháng 10-1992, Tổng Công ty và Công đoàn Dầu khí đã có văn bản liên tịch thành lập “Quỹ Tương trợ Dầu khí”, vận động cán bộ, công nhân lao động đang làm việc, mỗi năm mỗi người ủng hộ Quỹ một ngày lương thực tế. Chủ trương này đã được công nhân viên chức toàn ngành hưởng ứng tích cực. Năm đầu, Quỹ đã thu được gần 400 triệu đồng và đã duy trì phát triển đến ngày nay.
Cùng với các hoạt động tham gia quản lý doanh nghiệp, góp phần đẩy mạnh sản xuất – kinh doanh, tạo việc làm, đảm bảo đời sống cho người lao động, những hoạt động như tuyên truyền, giáo dục, học tập, các cuộc thi tìm hiểu luật Lao động, Luật Công đoàn, nhiệm vụ Công đoàn Dầu khí, các hoạt động văn hóa – văn nghệ, thể thao… cũng được đông đảo cán bộ, công nhân viên chức tích cực tham gia.
Với lực lượng cán bộ nữ chiếm 18%, có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của Ngành, có nhiều đóng góp đáng ghi nhận. Ban Nữ công Công đoàn ngành đẩy mạnh công tác tập hợp, tổ chức tuyên truyền và phát động các phong trào thi đua “Hai giỏi”, nuôi dạy con cái và giúp đỡ nhau cùng tiến bộ, vận động thực hiện chính sách dân số – kế hoạch hóa gia đình… thu hút sự hưởng ứng tham gia nhiệt tình của đông đảo chị em.
Công đoàn cùng với Tổng Công ty ra Chỉ thị liên tịch phát động phong trào thi đua lao động sản xuất, xây dựng các đơn vị, tập thể làm ăn giỏi, tìm cách tháo gỡ khó khăn, duy trì sản xuất – kinh doanh, bảo đảm việc làm, ổn định đời sống người lao động.
Ở nhiều đơn vị, Công đoàn đã chủ động phối hợp với lãnh đạo đơn vị thực hiện công tác thi đua có kết quả. Công đoàn Xí nghiệp liên hợp xây lắp đã tổ chức thêm phân xưởng may; Công đoàn Công ty Công ty Dung dịch khoan và Hóa phẩm Dầu khí – DMC (nay là Tổng công ty Hóa chất và Dịch vụ Dầu khí – CTCP (PVChem)) vận động cán bộ công nhân nghiên cứu mở rộng mặt hàng, tăng sản lượng sản xuất. Những hoạt động của các tổ chức Công đoàn bước đầu đã thu hút được lực lượng lao động dôi dư, tạo việc làm, ổn định đời sống cho hàng trăm lao động là con em cán bộ, công nhân viên trong ngành.
Chuẩn bị cho Đại hội Công đoàn Ngành lần thứ I, Công đoàn chỉ đạo tiến hành Đại hội công đoàn các cấp cơ sở tiến tới Đại hội Công đoàn Dầu khí. Đại hội công đoàn các cấp được tiến hành dân chủ thực sự là đại hội của công nhân, viên chức và người lao động. Việc thảo luận những vấn đề thiết thực của đời sống, đổi mới tổ chức và hoạt động công đoàn được tiến hành sôi nổi, tập hợp trí tuệ của cán bộ, đoàn viên, công nhân lao động. Nhiều đợt thi đua được tổ chức mạnh mẽ trong công nhân, lao động. Các cấp công đoàn đẩy mạnh phong trào hành động cụ thể trên các lĩnh vực phát huy sáng kiến- cải tiến kỹ thuật, đẩy mạnh các hoạt động xã hội, chăm lo đời sống người lao động; phát triển Công đoàn… lập thành tích chào mừng đại hội công đoàn các cấp.
Đoàn Chủ tịch Đại hội Công đoàn Dầu khí Việt Nam lần thứ nhất
Được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của tổ chức Đảng các cấp, đến hết năm 1992, các công đoàn cơ sở đã triển khai xong đại hội. Qua Đại hội, Công đoàn các cấp được củng cố, kiện toàn, phân định rõ chức năng, nhiệm vụ; nâng cao vai trò đối với xây dựng giai cấp công nhân và thực hiện sự lãnh đạo của Đảng, nhận thức rõ nhiệm vụ của giai cấp công nhân và tổ chức công đoàn trong giai đoạn cách mạng mới, góp phần tích cực vào quá trình đổi mới cơ chế, chính sách, tạo động lực thúc đẩy sản xuất – kinh doanh phát triển, công nhân hăng hái lao động sáng tạo.
Nhìn lại những ngày đầu tiên đầy gian khó nhưng CĐ DKVN đã nỗ lực vươn lên, luôn đồng hành cùng người lao động dầu khí. Sự phát triển của CĐ DKVN đã gắn liền cùng sự phát triển của Ngành Dầu khí và sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, góp phần vào xây dựng, giáo dục đội ngũ công nhân ngành Dầu khí Việt Nam.
Hết kỳ 2.