09/02/2021 2:06:54

Cây sáng kiến – Nguyễn Hoàng Tri

Thạc sỹ, kỹ sư Nguyễn Hoàng Tri, Trưởng ca quản lý chung, Ban Vận hành sản xuất là một trong 25 cán bộ công nhân viên được tôn vinh “Cá nhân điển hình tiên tiến BSR” giai đoạn 2015 – 2020. Anh cũng từng đạt 2 giải thưởng Sáng tạo Khoa học Công nghệ Việt Nam (VIFOTEC) với vai trò là đồng tác giả 2 sáng kiến “Tinh chỉnh và tối ưu các thông số vận hành phân xưởng PRU nhằm tối đa thu hồi sản phẩm propylene trong điều kiện phân xưởng vận hành ở công suất cao” và “Giải pháp giảm độ tinh khiết dòng sản phẩm propylene nhằm tăng khả năng thu hồi cấu tử propylene từ phân xưởng PRU, giúp nâng cao công suất phân xưởng Polypropylene”.

Trong đợt xét duyệt sáng kiến cấp Công ty tháng 1/2021 vừa qua, anh Nguyễn Hoàng Tri tiếp tục được Hội đồng KHCN BSR đồng ý công nhận 5 sáng kiến do anh làm Chủ biên là các sáng kiến cấp cơ sở, trong đó có 2 sáng kiến được đề xuất tham gia xét duyệt sáng kiến cấp Tập đoàn.

Trong không khí xuân Tân Sửu ấm áp, vui tươi, chúng tôi có dịp được trao đổi thêm với “cây sáng kiến” này để hiểu hơn về những kỹ sư lọc dầu giỏi. Có thể nói, việc áp dụng thành công 5 sáng kiến của anh Nguyễn Hoàng Tri vào hoạt động sản xuất của Nhà máy đã đem lại khoản lợi ích tương đương hàng trăm tỷ đồng cho BSR. Nổi bật hơn cả là sáng kiến “Tăng nhiệt độ điểm chớp cháy cho sản phẩm dầu DCO đáp ứng tiêu chuẩn nền FO (FP) của BSR làm tiền đề cho việc nghiên cứu sản xuất MFO của BSR”.

Cây sáng kiến – Nguyễn Hoàng Tri
Cây sáng kiến – kỹ sư Nguyễn Hoàng Tri

Anh Nguyễn Hoàng Tri cho biết, trong suốt thời gian dài từ khi NMLD Dung Quất đi vào vận hành thương mại cho đến ngày 7/7/2018, chỉ tiêu nhiệt độ chớp cháy của phân đoạn dầu DCO tại phân xưởng RFCC, dùng để sản xuất dầu FO, hầu như không đạt được giá trị thiết kế ban đầu là 100oC và có rất nhiều thời điểm không đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng của dầu FO thương mại. Thậm chí, có lúc chỉ tiêu này xuống dưới 46oC, là ngưỡng an toàn tối thiểu cho phép tương ứng với điều kiện lưu chứa trên thực tế của sản phẩm này tại khu vực bể chứa sản phẩm. Để giải quyết vấn đề này, Nhà máy phải trộn thêm phân đoạn residue tại phân xưởng CDU (là nguyên liệu có giá trị kinh tế cao của phân xưởng RFCC) vào phân đoạn DCO.

Theo kỹ sư Nguyễn Hoàng Tri, việc phối trộn residue chất lượng cao vào dầu DCO và bán với giá của dầu FO sẽ không hiệu quả kinh tế. Do đó, với kiến thức tích lũy với hơn 10 năm trong công tác tham gia vận hành và quản lý vận hành phân xưởng RFCC cộng với niềm đam mê nghiên cứu khoa học và một tinh thần làm việc hăng say, đầy trách nhiệm, “dám nghĩ – dám làm”, anh Nguyễn Hoàng Tri đã cùng với các cộng sự đã đưa ra được giải pháp cải thiện thành công chỉ nhiệt độ chớp cháy của phân đoạn DCO mà không cần phải phối trộn residue. Điểm then chốt của giải pháp là sục khí Ni-tơ vào đáy bình D-1515 chứa sản phẩm dầu Slurry (là dầu DCO chưa qua xử lý) nhằm tách loại các cấu tử hydrocarbon nhẹ lẫn trong dòng dầu này, qua đó cải thiện rõ rệt chỉ tiêu nhiệt độ chớp cháy của dầu DCO, giải quyết triệt để vấn đề kỹ thuật tồn tại rất lâu với chi phí cải tiến, vận hành không đáng kể.

Ông Lê Hải Tuấn – Trưởng ban Nghiên cứu Phát triển BSR nhận định: đây là giải pháp kỹ thuật rất sáng tạo và có hiệu quả cao, ngoài ý nghĩa giảm giá thành sản xuất và nâng cao giá trị thương mại của sản phẩm dầu FO của BSR còn có ý nghĩa then chốt góp phần nghiên cứu và sản xuất thành công 1 chủng loại sản phẩm mới là dầu MFO đáp ứng tiêu chuẩn IMO-2020. Cụ thể, theo ông Lê Hải Tuấn, giải pháp này đã giúp BSR tiết kiệm khoảng 11,6 triệu USD từ việc ngừng phối trộn residue vào dầu DCO đồng thời có thể đem lại cho BSR khoản lợi ích kinh tế xấp xỉ 19,5 triệu USD/năm từ việc bán sản phẩm dầu MFO so với sản phẩm FO 180 cS.

Với ý nghĩa to lớn của sáng kiến cải thiện chất lượng dầu DCO nói trên, anh Nguyễn Hoàng Tri hoàn toàn xứng đáng được vinh danh là “Ngôi sao Sáng kiến – Cải tiến” của BSR trong tháng 1/2021.

B.S