Sáng 18.11, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức hội nghị lấy ý kiến góp ý vào dự thảo Nghị quyết về đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học và công nghệ và đổi mới sáng tạo, phục vụ nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới; quy chế quản lý khoa học, công nghệ của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
Khả năng ứng dụng thực tiễn còn thấp
Theo dự thảo Nghị quyết về đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo phục vụ nhiệm vụ của tổ chức công đoàn trong tình hình mới, sau hơn 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-ĐCT ngày 18.9.2015 của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về “Đẩy mạnh công tác nghiên cứu lý luận, hoạt động khoa học và công nghệ của tổ chức Công đoàn Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế”, hoạt động khoa học, công nghệ của tổ chức Công đoàn Việt Nam đã có bước phát triển và ngày càng được chú trọng.
Ông Ngọ Duy Hiểu – Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam – phát biểu tại hội nghị.
Chất lượng nghiên cứu khoa học, công nghệ từng bước được cải thiện, gắn với chức năng, nhiệm vụ của tổ chức công đoàn, góp phần vào công tác hoạch định chính sách, đổi mới tổ chức và hoạt động công đoàn, tạo cơ sở lý luận để Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tham gia xây dựng chính sách, pháp luật, bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động.
Tuy nhiên, hoạt động khoa học, công nghệ của tổ chức công đoàn còn nhiều hạn chế. Chất lượng các sản phẩm nghiên cứu chưa cao, khả năng ứng dụng thực tiễn còn thấp; có sự mất cân đối trong thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu, còn thiếu các công trình nghiên cứu lý luận chuyên sâu về giai cấp công nhân; chưa tạo được phong trào nghiên cứu khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong toàn hệ thống.
Trong nhiều năm, công tác quản lý khoa học chưa tập trung, thống nhất một đầu mối; thủ tục, quy trình, nội dung xét duyệt các đề tài, đề án còn nhiều điểm chưa phù hợp. Cơ chế quản lý tài chính đối với hoạt động khoa học, công nghệ còn bất cập; nguồn tài chính và nhân lực phục vụ công tác nghiên cứu khoa học, công nghệ còn hạn chế.
Trước yêu cầu “thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển giao, ứng dụng và phát triển mạnh khoa học và công nghệ”, “quan tâm tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận về công nhân, công đoàn trong tình hình mới” theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết 02-NQ/TW ngày 12.6.2021 của Bộ Chính trị về “Đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới”; nhằm giải quyết có hiệu quả nhiều vấn đề mới và lớn đặt ra đối với tổ chức Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới, đòi hỏi phải đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong toàn hệ thống.
Tăng cường công tác khen thưởng, kỷ luật trong nghiên cứu khoa học
Ông Ngọ Duy Hiểu – Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam – cho rằng, sau nhiều năm thực hiện Nghị quyết, đã đạt được nhiều kết quả, tuy nhiên, việc thực hiện Nghị quyết vẫn còn chưa đồng bộ, tập trung chủ yếu vào lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, trong khi còn thiếu trong lĩnh vực ứng dụng khoa học về kỹ thuật an toàn vệ sinh lao động.
Ông Ngọ Duy Hiểu – Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam – phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Bảo Hân
Bên cạnh đó, phong trào nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo trong tổ chức công đoàn chủ yếu là đề tài ở các ban, viện, các trường, trong khi nhiều vấn đề của tổ chức công đoàn rất cần phải được tổng kết thực tiễn, nghiên cứu, giải đáp bằng các cơ sở lý luận, từ đó hình thành những chủ trương, chính sách mới của tổ chức trước những vấn đề rất mới, như: Sự ra đời của tổ chức của người lao động tại cơ sở; cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4; đòi hỏi của người lao động đối với tổ chức công đoàn ngày càng lớn hơn…
“An toàn lao động là một trong những thước đo về văn minh, tiến bộ; khẳng định sự đảm bảo của nhà nước về quyền con người, quyền lao động của người lao động. Nhưng trên thực tế, tình trạng vi phạm an toàn lao động, nghiên cứu đề xuất những chính sách… còn có những khoảng trống”- ông Ngọ Duy Hiểu nhận định.
Đóng góp ý kiến tại hội nghị, PGS.TS Vũ Quang Thọ – nguyên Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) – cho rằng, ngoài những nhiệm vụ liên quan đến khoa học công nghệ, đặc biệt là khoa học nghiên cứu về an toàn lao động, thì trong nghiên cứu về giai cấp công nhân và tổ chức công đoàn cần phải nêu được, định hình được những vấn đề mới, đặc biệt là thời điểm sau dịch COVID-19.
Bên cạnh đó, PGS.TS Vũ Quang Thọ đề nghị, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phải có cơ chế khen chê và có giải thưởng nghiên cứu khoa học đối với những đề tài làm tốt; đặc biệt phải có chế tài đối với những đề tài, nhiệm vụ không hoàn thành được, hoặc hoàn thành chậm…
PGS.TS Vũ Quang Thọ – nguyên Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn – phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Bảo Hân
“Cần vinh danh và tưởng thưởng những cá nhân và tập thể có thành tích tốt trong nghiên cứu khoa học – những đề tài có ý nghĩa trong toàn quốc, trong hệ thống công đoàn” – PGS.TS Vũ Quang Thọ đề xuất và cho rằng, nếu làm được như vậy, sẽ tạo thành đòn bẩy kích thích hoạt động nghiên cứu khoa học và đánh giá đúng thực trạng nghiên cứu khoa học của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam…
Đồng tình, ông Nguyễn Mạnh Kiên – Phó Trưởng ban Tuyên giáo (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) – cho rằng, cần tăng cường công tác khen thưởng, kỷ luật trong hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo của tổ chức công đoàn; định kỳ tổ chức giải thưởng khoa học đổi mới sáng tạo về công nhân công đoàn cấp Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Cùng với đó, ông Nguyễn Mạnh Kiên đề xuất, cần phải rà soát, có cơ chế xử lý các hiện tượng như chậm, không hoàn thành, khuất tất… của công tác nghiên cứu.
Ông Lê Đình Quảng – Phó ban Chính sách pháp luật (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) – cho hay, bộ phận soạn thảo các văn bản tiếp thu tối đa các ý kiến đóng góp, tiếp tục hoàn thiện để Nghị quyết, Quy chế khi ban hành sẽ thúc đẩy được công tác khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo của tổ chức công đoàn lên tầm mới, hiệu quả, chất lượng, đặc biệt là hiệu quả ứng dụng.
Theo laodong.vn