Thay mặt Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Phó Chủ tịch Ngọ Duy Hiểu vừa ký công văn gửi các Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố, các công đoàn ngành Trung ương và tương đương, Công đoàn Tổng Công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về việc đẩy mạnh tuyên truyền phòng, chống dịch COVID-19.
Doanh nghiệp triển khai các biện pháp phòng chống COVID-19. Ảnh: Hà Anh
Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cho biết, trước sự xâm nhập biến chủng mới BA.4, BA.5 của Omicron, số ca mắc COVID-19 trong cộng đồng đang có xu hướng tăng, tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh bùng phát trở lại.
Quán triệt Công văn số 3616-CV/BTGTW ngày 15.8.2022 của Ban Tuyên giáo Trung ương về việc đẩy mạnh tuyên truyền phòng, chống dịch COVID-19, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị các Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành Trung ương và tương đương, Công đoàn Tổng Công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chủ động, tích cực cập nhật thông tin, tuyên truyền trong cán bộ, đoàn viên, công nhân viên chức lao động (CNVCLĐ) về tình hình dịch COVID-19, sự xuất hiện của các biến chủng mới; lợi ích của tiêm đầy đủ vaccine phòng dịch COVID-19 theo khuyến cáo của Bộ Y tế.
Thực hiện tốt, hiệu quả 3 trụ cột phòng, chống dịch (xét nghiệm, cách ly, điều trị) và các giải pháp phòng, chống dịch theo công thức “2K (khẩu trang, khử khuẩn) + vaccine + thuốc + điều trị + công nghệ + ý thức người dân và các biện pháp khác” trước sự xuất hiện của biến thể phụ BA.4, BA.5, tự giác, tích cực tham gia tiêm vaccine phòng COVID-19 kịp thời, đầy đủ: Mũi 3 và mũi 4 cho người từ 12 tuổi trở lên; liều cơ bản cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi theo hướng dẫn của Bộ Y tế, mục tiêu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã đề ra, bảo đảm an toàn, khoa học, hiệu quả.
Rà soát thông tin tiêm chủng COVID-19 của cá nhân (trên ứng dụng PC-Covid, Hồ sơ sức khỏe điện tử, VNEID) và sử dụng chức năng “Phản ánh thông tin tiêm chủng” trên Cổng Thông tin tiêm chủng COVID-19 tại địa chỉ: https://tiemchungcovid19.gov.vn/ nếu thông tin thiếu hoặc sai lệch.
Các cấp công đoàn tập trung nắm chắc và theo dõi chặt chẽ tình hình, diễn biến dịch bệnh, thường xuyên đánh giá, phân tích tình hình và các yếu tố nguy cơ, nhất là ở các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế; chủ động, tích cực xây dựng các kịch bản tuyên truyền, đáp ứng với mọi tình huống có thể xảy ra của dịch.
Tuyên truyền, làm rõ về tác dụng, hiệu quả, lợi ích của vaccine trong phòng dịch bệnh; khuyến khích, vận động đoàn viên, công nhân lao động tích cực tham gia tiêm vaccine để bảo vệ bản thân gia đình, cơ quan, doanh nghiệp và cộng đồng; nhất là đối tượng nguy cơ cao, bệnh lý nền, những người muốn lựa chọn vaccine, người sống ở khu vực có tỉ lệ bao phủ vaccine thấp; tuyên truyền, giải thích “tiêm chủng phòng ngừa COVID-19 là nghĩa vụ, là quyền lợi, trách nhiệm của người dân”; khẳng định “tiêm vaccine là một trong những biện pháp hiệu quả nhất, có ý nghĩa chiến lược trong phòng, chống dịch bệnh”, cần tiêm đầy đủ, đúng hạn các loại vaccine được khuyến nghị; cảnh báo về các biến chủng mới của dịch; tuyên truyền, hướng dẫn đoàn viên, người lao động chăm sóc sức khỏe sau nhiễm và tái nhiễm COVID-19. Phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19.
Tuyên truyền, quán triệt tư tưởng “Kiên trì, kiên định, kiên quyết kiểm soát dịch COVID-19 với tinh thần thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh để thúc đẩy phục hồi kinh tế nhanh và phát triển bền vững”; “đặt sức khỏe, tính mạng của người dân lên trên hết để hành động”; “phòng bệnh hơn chữa bệnh, phòng bệnh từ sớm, từ xa, ngay từ cơ sở”, “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người để vận động tiêm vaccine cũng như phòng, chống dịch COVID-19 và các dịch bệnh khác”…
Theo laodong.vn