03/11/2021 9:54:52

Bảo hiểm PVI – Những chặng đường chông gai: Kỳ I: Khởi đầu gian nan

Ông Lê Văn Hùng – nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Bảo hiểm Dầu khí (Bảo hiểm PVI), một trong những “lão thành” của ngành Dầu khí Việt Nam – chia sẻ với phóng viên những câu chuyện có tính lịch sử của một doanh nghiệp bảo hiểm có doanh thu hàng tỉ USD và đúc kết: “Bảo hiểm là lĩnh vực đầy hấp dẫn và lắm chông gai”.

Nâng chuẩn hệ thống quản lý

Đầu năm 2001, ông Lê Văn Hùng đang là Giám đốc Công ty Chế biến và kinh doanh sản phẩm dầu, với bề bộn công việc kinh doanh dầu mỡ nhờn, nhựa đường, triển khai mạng lưới bán lẻ xăng dầu, xây dựng tổng kho xăng dầu Đình Vũ để chuẩn bị kinh doanh sản phẩm của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, bất ngờ được điều động sang làm Giám đốc Bảo hiểm PVI vào một ngày cuối tháng 4-2001.

Bảo hiểm PVI - Những chặng đường chông gai (Kỳ I): Khởi đầu gian nan

Đoàn công tác của Bảo hiểm PVI tại London

Ở thời điểm đó, sau 5 năm thành lập, ban lãnh đạo Bảo hiểm PVI chỉ có 2 ông Trần Văn Kim và Nguyễn Anh Tuấn, lãnh đạo các phòng ban hầu hết là cấp phó phụ trách, với ba chi nhánh: Vũng Tàu, TP Hồ Chí Minh và miền Trung (chi nhánh này hầu như chưa hoạt động). Tiềm năng kinh doanh của Bảo hiểm PVI rất yếu, tiền vốn 55 tỉ đồng, phương tiện công tác chỉ có 2 chiếc ôtô cũ, doanh thu chỉ khoảng 100 tỉ đồng và vài tỉ đồng lợi nhuận hằng năm…

Với những bỡ ngỡ ban đầu, ông Hùng cùng ban lãnh đạo tích cực tìm hiểu về kinh doanh bảo hiểm và thống nhất nhận định:

Thị trường bảo hiểm Việt Nam tuy đông doanh nghiệp nhưng không mạnh; lĩnh vực bảo hiểm công nghiệp, đặc biệt là hàng không, hàng hải, dầu khí đều do thị trường London quyết định mức phí; các công ty bảo hiểm trong nước chỉ giữ lại trách nhiệm rất ít, hầu hết phải tái bảo hiểm cho doanh nghiệp nước ngoài…

Để Bảo hiểm PVI phát triển phải mở rộng quan hệ với thị trường quốc tế, đặc biệt là trực tiếp quan hệ với thị trường London.

Về nội lực, Bảo hiểm PVI là đơn vị thành viên của Tổng công ty Dầu khí Việt Nam (nay là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam – Petrovietnam), vì vậy phải tập trung triển khai bảo hiểm tất cả tài sản của ngành Dầu khí; phải thay đổi tỷ lệ đồng bảo hiểm (64/36) với Bảo hiểm Bảo Việt để khẳng định vị thế, làm cơ sở đặt quan hệ trực tiếp với thị trường quốc tế (trước thời điểm này, VINARE và Bảo Việt là hai doanh nghiệp bảo hiểm chủ yếu bảo hiểm cho lĩnh vực dầu khí); mở rộng kinh doanh các lĩnh vực khác ở thị trường trong nước.

Từ nhận định đó, Bảo hiểm PVI phải thay đổi phương cách quản lý, kinh doanh. Bảo hiểm PVI bắt tay vào việc áp dụng hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001-2000 để quản lý, điều hành. Kết thúc năm 2001, lần đầu tiên Bảo hiểm PVI đạt doanh thu trên 180 tỉ đồng và sẵn sàng nhận kế hoạch doanh thu năm 2002 trên 202 tỉ đồng, khẳng định quyết tâm “vĩnh biệt đầu 1” (100 tỉ đồng).

Bước ngoặt sau vụ khủng bố 11-9

Để triển khai kế hoạch kinh doanh trên 200 tỉ đồng năm 2002, từ cuối năm 2001, Bảo hiểm PVI đã triển khai việc đấu thầu môi giới để bảo hiểm toàn bộ tài sản cho Xí nghiệp Liên doanh Dầu khí Việt – Xô (nay là Liên doanh Việt – Nga Vietsovpetro – doanh nghiệp chiếm tới 3/4 doanh thu của Bảo hiểm PVI khi đó).

Bảo hiểm PVI - Những chặng đường chông gai (Kỳ I): Khởi đầu gian nan

Ông Dương Quốc Hà – Phó tổng giám đốc Vietsovpetro – người hỗ trợ Bảo hiểm PVI rất lớn sau vụ khủng bố 11-9

Công việc đang “thuận buồm xuôi gió” thì sự kiện khủng bố ngày 11-9-2021 tại Mỹ là “sét đánh ngang tai” đối với thị trường bảo hiểm quốc tế. Sau thời gian choáng váng, các công ty bảo hiểm lớn trên thế giới phải kiểm tra lại mức độ tổn thất của mình. Thị trường tái bảo hiểm quốc tế đóng băng. Bảo hiểm PVI vừa được chấp nhận là nhà bảo hiểm cho Vietsovpetro thì đã nhận được “sự im lặng đáng sợ” của thị trường tái bảo hiểm quốc tế. Bảo Việt, VINARE là những doanh nghiệp bảo hiểm chỉ nhận một phần nhỏ tái bảo hiểm. AON – công ty môi giới bảo hiểm đứng hàng thứ hai thế giới – cũng tìm cách thoái thác trách nhiệm…

Lúc này, Bảo hiểm PVI đứng trước tình thế “tiến thoái lưỡng nan”, nếu nhận bảo hiểm cho Vietsovpetro thì chỉ một rủi ro nhỏ cũng làm cho Bảo hiểm PVI phá sản, mà từ chối thì làm sao Bảo hiểm PVI còn tồn tại được trên thị trường?

Ban lãnh đạo Bảo hiểm PVI trải qua một thời gian dài trăn trở và quyết định triển khai hoạt động theo hai hướng: Đối với Vietsovpetro phải kiên trì thuyết phục để bạn chấp nhận “tự bảo hiểm” và chuyển giao dần từng tỷ lệ nhất định cho Bảo hiểm PVI thu xếp tái bảo hiểm. Mặc dù đây là một việc làm vô cùng khó khăn nhưng cuối cùng ban lãnh đạo Vietsovpetro cũng chấp nhận. Đối với thị trường quốc tế, Bảo hiểm PVI phải tìm môi giới Marsh – công ty môi giới số một thế giới – giúp thuyết phục thị trường về mức độ an toàn của Vietsovpetro, giúp phân tán rủi ro.

Với sự ủng hộ của ngành Dầu khí, Vietsovpetro và sự cố gắng cao độ của tập thể cán bộ, công nhân viên Bảo hiểm PVI, sang đầu năm 2002, Bảo hiểm PVI đã thu xếp tái bảo hiểm an toàn.

Ông Hùng còn nhớ mãi chuyện cùng với đối tác qua London để làm “thuyết khách”, trong tay chỉ có duy nhất bản kế hoạch phát triển ngành Dầu khí Việt Nam và lòng nhiệt huyết. Nhưng với sự chân thành và trung thực, Bảo hiểm PVI đã thuyết phục được các “ông lớn” trong lĩnh vực bảo hiểm thế giới, đặc biệt là được gia nhập thị trường bảo hiểm quốc tế và hướng dẫn để thực hiện các thương vụ tái bảo hiểm quốc tế theo đúng chuẩn mực. Từ đây, uy tín của Bảo hiểm PVI được khẳng định không chỉ với thị trường bảo hiểm quốc tế mà còn với tất cả các công ty dầu khí đang hoạt động tại Việt Nam. Thị trường bảo hiểm đã khẳng định: PVI là nhà bảo hiểm năng lượng duy nhất ở Việt Nam.

Kết thúc năm 2001, lần đầu tiên Bảo hiểm PVI đạt doanh thu trên 180 tỉ đồng và sẵn sàng nhận kế hoạch doanh thu năm 2002 trên 202 tỉ đồng, khẳng định quyết tâm “vĩnh biệt đầu 1” (100 tỉ đồng).

(Xem tiếp kỳ sau)

Tùng Dương