30/01/2015 8:05:18

Bài 3: Quyền công đoàn theo quy định của pháp luật

I. Giới thiệu chung về quyền công đoàn

Quyền Công đoàn được hiểu theo hai nghĩa: Quyền của người lao động và quyền của tổ chức Công đoàn

Quyền của người lao động: là một trong những quyền cơ bản được pháp luật ghi nhận. Mọi công nhân, viên chức, lao động (gọi chung là người lao động), nếu có đủ điều kiện theo quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam đều có quyền thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn.

Quyền công đoàn: là các quyền của tổ chức công đoàn, với tư cách là tổ chức chính trị-xã hội của giai cấp công nhân và người lao động, được pháp luật ghi nhận. Theo nghĩa này, quyền công đoàn chính là những điều kiện và đảm bảo pháp lý để công đoàn thực hiện các chức năng cơ bản của mình.

Nội dung phần này đề cập đến quyền công đoàn theo nghĩa thứ hai, đó là các quyền của tổ chức công đoàn theo quy định của pháp luật.

1. Khái quát về cơ sở pháp lý của quyền công đoàn

Quyền công đoàn được quy định tại Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội; pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; nghị định, nghị quyết, quyết định, chỉ thị của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ; thông tư, quyết định của Bộ trưởng,, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ v.v…(*)

———————————————-

(*) Một số văn bản pháp luật quan trọng, chủ yếu quy định về quyền Công đoàn:

Hiến pháp 1992;

Luật Công đoàn năm 1990; Nghị định 133HĐBT ngày 20/4/1991 của Hội đồng Bộ trưởng hướng dẫn thi hành Luật Công đoàn; Nghị định số 302/HĐBT ngày 19/8/1992 của Hội đồng Bộ trưởng về quyền và trách nhiệm của Công đoàn cơ sở trong các doanh nghiệp, cơ quan; Chỉ thị số 60/ngày 24/2/1992 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng về thi hành Nghị định 133/HĐBT ngày 20/4/1991 của Hội đồng Bộ trưởng: Quy chế về mối quan hệ công tác giữa Chính phủ với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ban hành theo Quyết định số 465/TTg ngày 27/8/1994 của Thủ tướng Chính phủ.

Bộ luật Lao động năm 1994; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Lao động năm 2002; Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các tranh chấp lao động năm 1996; các văn bản của Chính phủ, Bộ, ngành quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Bộ luật Lao động.

Các luật tổ chức nhà nước; Luật Tổ chức Quốc hội năm 2002, Luật Tổ chức Chính phủ năm 2002, Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân năm 2003

Nội dung các văn bản pháp luật liên quan đến quyền công đoàn chủ yếu quy định về những vấn đề sau:

Ghi nhận về địa vị pháp lý của tổ chức Công đoàn;

Quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Công đoàn;

Quy định về mối quan hệ giữa công đoàn với cơ quan Nhà nước, đơn vị, doanh nghiệp và các tổ chức có liên quan;

Xác định trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc phối hợp, tạo điều kiện hoạt động của công đoàn…

2. Đặc điểm của quyền Công đoàn

Các quyền Công đoàn có 3 đặc điểm cơ bản như sau:

Thứ nhất: Quyền công đoàn không phải do công đoàn quyết định mà do pháp luật quy định.

Đặc điểm này giúp ta phân biệt quyền công đoàn với một số quyền của các cá nhân tổ chức khác; mặt khác, giúp ta phân biệt giữa quyền công đoàn và chức năng công đoàn. Bởi vậy quyền công đoàn là những quyền của tổ chức công đoàn do Nhà nước quy định. Quyền công đoàn là những bảo đảm pháp lý do Nhà nước tạo ra cho công đoàn, để công đoàn sử dụng nhằm thực hiện chức năng của mình. Đó là những điều kiện bảo đảm về pháp lý, được công đoàn sử dụng như là một trong những công cụ quan trọng, không thể thiếu.

Thứ hai: Quyền công đoàn không bao gồm các nghĩa vụ hợp thành

Thông thường, trong các quan hệ pháp lý, chủ thể có quyền thường đi đôi với trách nhiệm gánh vác các nghĩa vụ. Quyền của bên này là nghĩa vụ của bên kia và ngược lại. Tuy nhiên, với Công đoàn, Nhà nước chủ yếu quy định các quyền mà không trực tiếp quy định các nghĩa vụ của công đoàn.

Như vậy không có nghĩa là trong các quan hệ pháp lý, công đoàn không có nghĩa vụ gì mà cần phải hiểu rằng các nghĩa vụ của công đoàn chủ yếu tồn tại dưới dạng các trách nhiệm của công đoàn.

Thứ ba, trong quan hệ lao động, quyền công đoàn góp phần tham gia điều chỉnh quan hệ lao động

Trong quan hệ lao động, công đoàn vừa là một bên quan hệ lao động, vừa tham gia vào việc điều chỉnh quan hệ lao động. Xuất phát từ đặc điểm của quan hệ lao động, người lao động thường có vị thế yếu hơn so với người sử dụng lao động. Do đó, thông qua công cụ pháp luật, Nhà nước quy định cho công đoàn có những quyền với tư cách như một bên quan hệ lao động, đồng thời với tư cách đại diện cho tập thể lao động tham gia điều chỉnh quan hệ lao động, nhằm bảo đảm cho quan hệ lao động được hài hoà, ổn định.

3. Phân loại quyền công đoàn

Tùy theo tiêu trí lựa chọn mà quyền công đoàn được phân chia thành các loại khác nhau.

– Theo lĩnh vực hoạt động nhằm thực hiện chức năng công đoàn, quyền công đoàn được chia thành hai loại:

Các quyền công đoàn nhằm thực hiện chức năng đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động;

Các quyền công đoàn nhằm thực hiện chức năng tham gia quản lý kinh tế-xã hội, quản lý nhà nước, quản lý cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị, kiểm tra, giám sát hoạt động của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp.

 – Theo tính chất của quyền thì quyền công đoàn bao gồm ba loại:

Quyền tham, gia: Công đoàn được tham gia góp ý, được hỏi ý kiến, song không có quyền quyết định. Quyền quyết định thuộc về cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp;

Quyền chung: Là quyền của công đoàn bàn bạc, thỏa thuận, nhất trí với cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp khi quyết định một vấn đề nào đó;

Quyền độc lập: Là quyền của công đoàn trong việc độc lập ra một quyết định. Cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp có nghĩa vụ đáp ứng và không có quyền can thiệp vào việc ra quyết định của công đoàn.

 – Theo phân cấp quản lý của công đoàn, quyền công đoàn bao gồm:

Quyền của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam;

Quyền của Công đoàn cấp trên của công đoàn cơ sở;

Quyền của công đoàn cơ sở.

II. Quyền cụ thể của các cấp công đoàn

1.  Quyền của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là cơ quan Trung ương của Công đoàn Việt Nam, có vị trí, vai trò quan trọng trong việc tham gia giải quyết những vấn đề về chính sách lao động – xã hội ở tầm vĩ mô và tổ chức thực hiện các quyền công đoàn trong toàn hệ thống.

Theo quy định của pháp luật, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam có các quyền sau đây:

1.1. Quyền tham gia

Quyền sáng kiến pháp luật: Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam có quyền trình dự án Luật, dự án Pháp lệnh ra trước Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội;

Quyền tham gia với cơ quan nhà nước xây dựng pháp luật, chính sách, chế độ liên quan đến quyền, lợi ích của người lao động;

Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam có quyền tham dự phiên họp của Chính phủ khi bàn đến những vấn đề liên quan trực tiếp tới quyền, nghĩa vụ, lợi ích của người lao động;

Quyền tham gia các đoàn kiểm tra, giám sát thực hiện pháp luật liên quan đến quyền và lợi ích người lao động do Chính phủ, Bộ, ngành tổ chức;

Quyền kiến nghị với cơ quan nhà nước về những vấn đề phát sinh trong việc thực hiện pháp luật, chế độ, chính sách với người lao động;

Quyền tham gia với cơ quan nhà nước giải quyết khiếu nại tố cáo của người lao động;

Quyền tham gia ý kiến khi Chính phủ quyết định và công bố mức lương tối thiểu chung, mức lương tối thiểu vùng, mức lương tối thiểu ngành, mức lương tối thiểu trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cho từng thời kỳ (Điều 56, Điều 132 Bộ luật Lao động);

Quyền tham gia ý kiến khi Chính phủ quy định nguyên tắc xây dựng thang lương, bảng lương, định mức lao động; quy định thang lương; bảng lương đối với doanh nghiệp nhà nước;

Quyền tham gia ý kiến khi Chính phủ quy định các trường hợp đặc biệt được làm thêm không quá 300 giờ trong một năm;

Quyền tham gia với Chính phủ trong việc xây dựng chương trình quốc gia về bảo hộ lao động, an toàn lao động, vệ sinh lao động, xây dựng chương trình nghiên cứu khoa học và xây dựng pháp luật về bảo hộ lao động, an toàn lao động, vệ sinh lao động;

Quyền tham gia ý kiến về danh mục các loại bệnh nghề nghiệp trước khi Chính phủ hoặc cơ quan nhà nước ban hành.

1.2 Quyền chung, quyền độc lập

Quyền phối hợp tổ chức các phong trào thi đua;

Quyền phối hợp tổ chức nâng cao đời sống của người lao động, quản lý và sử dụng quỹ phúc lợi;

Quyền kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật, chính sách, chế độ liên quan đến quyền, nghĩa vụ, lợi ích của người lao động;

Quyền tham gia quản lý Bảo hiểm xã hội;

Quyền phối hợp, thống nhất với Chính phủ ban hành quy định hướng dẫn việc thành lập công đoàn cơ sở, việc chỉ định Ban Chấp hành công đoàn lâm thời tại doanh nghiệp;

Quyền thành lập các tổ chức dịch vụ việc làm, dạy nghề, tương tế, tư vấn pháp luật và các cơ sở phúc lợi chung cho người lao động;

Quyền khởi kiện vụ án lao động trong trường hợp cần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tập thể người lao động.

2. Quyền của công đoàn cấp trên cơ sở

Công đoàn cấp trên cơ sở bao gồm Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố; Công đoàn ngành Trung ương; Công đoàn Tổng Công ty, Công đoàn các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao; Liên đoàn Lao động quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; Công đoàn ngành địa phương…Đây là cấp công đoàn vừa chịu sự chi phối của công đoàn cấp trên, vừa trực tiếp với cơ sở, vừa có mối quan hệ với các cơ quan nhà nước, tổ chức hữu quan đồng cấp. Quyền của công đoàn đề cập ở phần này chủ yếu là các quyền công đoàn trong mối quan hệ với các cơ quan, tổ chức hữu quan ở địa phương, ngành.

2.1. Quyền tham gia

Quyền tham gia với cơ quan nhà nước xây dựng pháp luật, chính sách chế độ liên quan đến quyền, lợi ích của người lao động;

Quyền tham dự hội nghị của các cơ quan nhà nước, đơn vị, tổ chức hữu quan khi bàn về những vấn đề liên quan trực tiếp đến quyền, nghĩa vụ, lợi ích của người lao động;

Quyền kiến nghị với cơ quan nhà nước về những vấn đề phát sinh trong việc thực hiện pháp luật, chế độ, chính sách với người lao động;

Quyền tham gia với cơ quan nhà nước giải quyết khiếu nại, tố cáo của người lao động;

Giúp đỡ công đoàn cơ sở thực hiện việc thương lượng, ký kết và thực hiện thoả ước lao động tập thể;

Tham gia với các cơ quan nhà nước và đại diện người sử dụng lao động bàn bạc, giải quyết các vấn đề về quan hệ lao động;

2.2 Quyền chung, quyền độc lập

Quyền phối hợp tổ chức các phong trào thi đua trong từng ngành, địa phương và đơn vị;

Quyền phối hợp tổ chức nâng cao đời sống của người lao động, quản lý và sử dụng quỹ phúc lợi;

Quyền kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật, chính sách, chế độ liên quan đến quyền, nghĩa vụ, lợi ích của người lao động;

Quyền thành lập công đoàn cơ sở, chỉ định Ban Chấp hành công đoàn lâm thời tại doanh nghiệp;

Quyền thành lập các tổ chức dịch vụ việc làm, dạy nghề, tương tế, tư vấn pháp luật và các cơ sở phúc lợi chung cho người lao động;

Quyền thỏa thuận với Thủ trưởng cơ quan đơn vị, doanh nghiệp về việc sa thải, đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với Chủ tịch công đoàn cấp dưới;

Quyền tham gia Hội đồng trọng tài lao động cấp tỉnh (cấp huyện);

Quyền gửi văn bản đến Toà án yêu cầu kết luận cuộc đình công hợp pháp hoặc bất hợp pháp;

Quyền khởi kiện vụ án lao động trong trường hợp cần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tập thể người lao động.

3. Quyền của công đoàn cơ sở

Theo quy định của pháp luật, các quyền của công đoàn cơ sở bao gồm:

3.1. Quyền tham gia

Chủ tịch công đoàn cơ sở được mời dự các cuộc họp của doanh nghiệp, cơ quan bàn những vấn đề có liên quan đến nghĩa vụ, quyền và lợi ích của người lao động. Được doanh nghiệp, cơ quan cung cấp các tài liệu, thông tin cần thiết về những vấn đề nói trên;

Tham gia ý kiến với người đứng đầu doanh nghiệp, cơ quan trong việc thực hiện pháp luật, chính sách, chế độ liên quan đến quyền, nghĩa vụ, và lợi ích của người lao động;

Tham gia với Thủ trưởng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp giải quyết khiếu nại, tố cáo của người lao động;

Tham gia ý kiến khi doanh nghiệp xây dựng thang lương, bảng lương, quy chế thưởng, định mức lao động, lịch nghỉ hàng năm, nội quy lao động;

Tham gia ý kiến với người sử dụng lao động trong quá trình xử lý kỷ luật lao động, trách nhiệm vật chất đối với người lao động.

3.2 Quyền chung, quyền độc lập

Quyền kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền, hoặc Toà án xử lý những hành vi, vi phạm quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động;

Tổ chức kiểm tra, hoặc phối hợp với người đứng đầu doanh nghiệp, cơ quan kiểm tra việc chấp hành các chế độ, chính sách, pháp luật liên quan đến người lao động tại doanh nghiệp, cơ quan;

Yêu cầu người có trách nhiệm tạm ngừng hoạt động của doanh nghiệp nếu thấy cần thiết, khi phát hiện nơi làm việc có dấu hiệu nguy hiểm đến tính mạng người lao động;

Phối hợp với người đứng đầu doanh nghiệp, cơ quan giải quyết các tranh chấp lao động;

Thảo luận với người sử dụng lao động trước khi người sử dụng lao động khấu trừ lương của người lao động;

Thảo luận với người sử dụng lao động khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với người lao động;

Thoả thuận với người sử dụng lao động về việc sa thải hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với người là ủy viên Ban Chấp hành công đoàn cơ sở;

Thoả thuận về thời giờ làm việc của cán bộ công đoàn không chuyên trách;

Đại diện tập thể lao động thương lượng và ký kết Thỏa ước lao động tập thể với người sử dụng lao động tại doanh nghiệp;

Tham gia Hội đồng hòa giải lao động cơ sở để giải quyết tranh chấp lao động tập thể;

Yêu cầu và tham gia trong quá trình giải quyết tranh chấp lao động theo quy định của pháp luật;

Quyết định đình công sau khi quá nửa tập thể lao động tán thành bằng cách bỏ phiếu kín hoặc lấy chữ ký;

Nộp đơn yêu cầu Toà án kết luận tính hợp pháp của cuộc đình công;

Khiếu nại đối với các quyết định của Toà án trong quá trình giải quyết đình công.