15/10/2013 3:13:53

Bác Hồ và lịch sử nước ta

Bài học sâu xa nhất mà hai cuộc kháng chiến chống giặc Nguyên Mông và giặc Minh để lại được nêu bật trong Việt Nam sử lược là phải coi sức mạnh của nhân dân là vô địch, không kẻ thù nào dù là Nguyên Mông hoặc giặc Minh đánh bại nổi, rõ ràng chúng chỉ có một lối thoát là đầu hàng, rút chạy. 

Cuộc kháng chiến 30 năm chống Pháp rồi chống Mỹ đã bắt đầu với những bài học vô giá ông cha để lại, với bao sự việc rất cụ thể ghi trong sử, chúng ta rất tự hào được sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ, quân đội ta được dân quen gọi là Bộ đội Cụ Hồ, đã tiếp thu trọn vẹn phẩm chất cao đẹp của lực lượng võ trang dưới quyền thống lĩnh của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn và Bình Định Vương Lê Lợi.

Dân tộc ta tồn tại đã ngàn năm, thường xuyên phải đối phó với giông bão về mọi mặt, tích lũy nhiều kinh nghiệm đánh giặc giữ nước và an dân trị nước. Chúng ta không ngạc nhiên khi Bác Hồ về nước sau hơn 30 năm xa cách, Bác đã viết ngay Lịch sử Việt Nam làm tài liệu học tập đào tạo cán bộ Việt Minh. Phải thông thạo lịch sử nước nhà mới có thể thực hiện đoàn kết muôn người như một đúng với truyền thống bao đời của ông cha, dù trong nước có giặc ngoại xâm hoặc không thì lúc nào cũng hòa hợp và đoàn kết không bỏ sót ai, không bao giờ chấp nhận lại có tầng lớp này chống tầng lớp kia.

Bác Hồ thường nêu gương các vị khai quốc công thần, anh hùng dân tộc để giáo dục thế hệ ngày nay. Đặc biệt mỗi lần nhắc đến Nguyễn Trãi, Bác biểu lộ một tấm lòng ưu ái và khâm phục sâu sắc. Chỉ có nhân dân là sức mạnh vô địch dù kẻ thù mạnh đến đâu và vai trò làm chủ đất nước sau khi đã giải phóng đất nước khỏi bọn xâm lược là những tư tưởng lớn của Nguyễn Trãi, đã vượt lên trên thời đại của ông, mãi mãi có sức sống cho đời sau. Lý tưởng của ông là cứu nước và cứu dân. Cứu nước mới là cứu dân thoát khỏi họa đàn áp bóc lột của bọn thống trị nước ngoài. Muốn cho dân thật sự hết lầm than khổ cực, còn phải cứu dân thoát khỏi ách đàn áp bóc lột của bọn thống trị trong nước. Như thế mới thực sự cứu dân, thực sự yêu dân, thực sự vì dân. Một số người chỉ nói giải phóng đất nước, nói cứu nước và thỏa mãn với đất nước không còn bóng tên xâm lược nhưng lại không hề nghĩ đến dân đã được giải phóng chưa? Chính quyền đã về tay ta nhưng ta là ai, là dân hoặc là những người xa dân, quan liêu, tham nhũng, chỉ lo cho cá nhân và phe nhóm mà Nguyễn Trãi gọi là bọn thống trị trong nước.

Bác Hồ rất tâm đắc với tư tưởng lớn của Nguyễn Trãi, ngay sau khi Cách mạng tháng 8 thành công, nước ta được độc lập, Bác Hồ đã nhìn thấy vấn đề cốt lõi của cách mạng là chính quyền, quyền lực chính trị, quyền lực Nhà nước thuộc về ai? Cách mạng thắng lợi, mọi quyền lực phải thuộc về nhân dân và chỉ thuộc về nhân dân. Bác Hồ đã nói: “Chúng ta đã hy sinh làm cách mệnh thì nên làm cho đến nơi, nghĩa là làm sao cách mệnh rồi thì quyền giao cho dân chúng số nhiều, chớ để trong tay một ít người. Thế mới khỏi hy sinh nhiều lần, thế dân chúng mới được hạnh phúc”.

Cho đến cuối đời, lúc nào Bác Hồ cũng đặc biệt quan tâm đến Đảng cầm quyền vì muốn dân thực sự được làm chủ, chỉ có dân mới được làm chủ thì Đảng phải là đầy tớ của dân. Nếu quyền đã được nhân dân giao phó lại không coi dân là chủ còn mình chỉ là người đầy tớ trung thành thì sớm muộn Đảng cũng sẽ xa dân, chưa phải là người lãnh đạo và người đầy tớ thật trung thành của nhân dân như Bác Hồ đã dạy.

Dân là chủ theo quan niệm của Nguyễn Trãi và của Hồ Chí Minh là một. Chính vì vậy Hồ Chí Minh thường xuyên “gần gũi” với Nguyễn Trãi. Mỗi lần Bác Hồ về thăm Côn Sơn, đền thờ Nguyễn Trãi, đồng chí Vũ Kỳ vẫn gọi là Bác Hồ “về thăm” Nguyễn Trãi. Giữa tháng 2-1965, Bác Hồ lại “về thăm” Nguyễn Trãi ở Côn Sơn trước khi Bác bắt đầu viết Di chúc. Trong bài báo “Tài liệu tuyệt đối bí mật” của đồng chí Vũ Kỳ phản ánh quá trình mấy năm Bác viết Di chúc, có một đoạn như sau:

Ngày 15 tháng 2 năm 1965, Bác Hồ “về thăm” Nguyễn Trãi ở Côn Sơn. Bác nghỉ trưa ở đó và xem rất kỹ văn bia trong đền thờ Nguyễn Trãi. Rồi đây các nhà viết sử có lẽ phải dành nhiều trang cho sự kiện không ngẫu nhiên này. Bởi Hồ Chí Minh tìm đến Nguyễn Trãi trong bước ngoặt lịch sử của dân tộc, đâu phải là một sự ngẫu nhiên. Cách nhau hơn năm thế kỷ (1380 – 1890) mà sao có những trùng hợp lạ kỳ, y như cuộc hẹn gặp lịch sử đã định sẵn. Hai nhà chính trị và quân sự kiệt xuất, hai nhà thơ lớn, hai nhân cách lớn và bao trùm lên tất cả là sự gặp nhau ở lòng tin tuyệt đối vào sức mạnh to lớn của nhân dân, là tấm lòng tha thiết đối với hạnh phúc nhân dân. Người đã từng nói: “Chở thuyền cũng là dân, lật thuyền cũng là dân”, cũng chính Nguyễn Trãi là người đã mở đầu “Bình Ngô Đại Cáo” bằng một câu bất hủ “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân”. Hôm nay như hẹn vĩ nhân của thời đại mới với chân lý:

Gốc có vững, cây mới bền

Xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân.

Thái Duy