03/04/2017 2:20:16

Bộ đề thi Cán bộ Công đoàn giỏi năm 2017 ngành Dầu khí

BẢNG DANH MỤC CÁC TỪ VIẾT TẮT

STT NỘI DUNG VIẾT TẮT
1 Bộ luật lao động năm 2012 BLLĐ 2012
2 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 Luật BHXH 2014
3 Luật công đoàn năm 2012 LCĐ 2012
4 Luật việc làm năm 2013 LVL
5 Nghị định 05/2015/NĐ-CP ngày 22/1/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung của Bộ luật lao động NĐ05CP
6 Nghị định 46/2013/NĐ-CP ngày 10 tháng 5 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật lao động về tranh chấp lao động NĐ46CP
7 Thông tư số 08 ngày 10/6/2013 hướng dẫn Nghị định 46/2013/NĐ-CP ngày 10 tháng 5 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật lao động về tranh chấp lao động TT08
8 Nghị định số 115/2015/NĐ-CP ngày 11/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật BHXH về BHXH bắt buộc NĐ115CP
9 Nghị Định 95/2013/NĐ-CP, ngày 22 tháng 08 năm 2013 Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội,đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. NĐ95CP
10 Nghị Định 88/2015/NĐ-CP, ngày 07 tháng 10 năm 2015 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị Định 95/2013/NĐ-CP, ngày 22 tháng 08 năm 2013 Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội,đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng NĐ88CP
11 Nghị định 45/2013/NĐ-CP ngày 10 tháng 05 năm 2013của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật lao động về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, an toàn lao động, vệ sinh lao động NĐ 45CP
12 Nghị định 28/2015/NĐ-CP ngày 12 tháng 03 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật việc làm về bảo hiểm thất nghiệp NĐ28CP
13 Thông tư số 59/2015/TT-BLĐTBXH ngày 29/12/2015 định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc TT59
14 Thông tư số 47/2015/TT-BLĐTBXH ngày 16/11/2015 hướng dẫn thực hiện một số điều về hợp đồng, kỷ luật lao động, trách nhiệm vật chất của Nghị định 05/2015/NĐ-CP ngày 22/1/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung của Bộ luật lao động TT47
15 Thông tư số 23/2015/TT-BLĐTBXH ngày 23/6/2015 hướng dẫn thực hiện một số điều về tiền lương của Nghị định 05/2015/NĐ-CP ngày 22/1/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung của Bộ luật lao động TT23

Câu 1:

a/ Người sử dụng lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong những trường hợp nào? (10 điểm)

b/ Với tư cách là cán bộ công đoàn, anh (chị) hãy cho biết ý kiến của mình về tình huống sau:

Nội quy lao động tại doanh nghiệp quy định “Cán bộ công đoàn không chuyên trách của doanh nghiệp được sử dụng 12 giờ làm việc trong một tháng làm công tác công đoàn và được trả lương đầy đủ. Những ngày tham dự cuộc họp, tập huấn do công đoàn cấp trên triệu tập vượt quá số thời gian quy định này thì không được hưởng lương” (20 điểm).

Gợi ý trả lời:

a/ Người sử dụng lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong các trường hợp sau (khoản 1, Điều 38, BLLĐ2012; Điều 12, NĐ05CP):

– Người lao động thường xuyên không hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động. Người sử dụng lao động phải quy định cụ thể tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành công việc trong quy chế của doanh nghiệp, làm cơ sở đánh giá người lao động thường xuyên không hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động. Quy chế đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ do người sử dụng lao động ban hành sau khi có ý kiến của tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở (2.5 điểm);

– Người lao động bị ốm đau, tai nạn đã điều trị 12 tháng liên tục đối với người làm theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, đã điều trị 06 tháng liên tục, đối với người lao động làm theo hợp đồng lao động xác định thời hạn và quá nửa thời hạn hợp đồng lao động đối với người làm theo hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng mà khả năng lao động chưa hồi phục.

Khi sức khỏe của người lao động bình phục, thì người lao động được xem xét để tiếp tục giao kết hợp đồng lao động (2.5 điểm);

– Do thiên tai, hỏa hoạn hoặc những lý do bất khả kháng khác theo quy định của pháp luật, mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng vẫn buộc phải thu hẹp sản xuất, giảm chỗ làm việc. Lý do bất khả kháng thuộc một trong các trường hợp: do địch họa, dịch bệnh; di dời hoặc thu hẹp địa điểm sản xuất, kinh doanh theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền (2.5 điểm);

– Người lao động không có mặt tại nơi làm việc sau thời hạn 15 ngày kể từ thời điểm hết thời giam tạm hoãn hợp đồng  (2.5 điểm).

b/ Ý kiến về tình huống:

– Dựa trên các căn cứ:

+ Điều 193 của BLLĐ 2012: “Cán bộ công đoàn không chuyên trách được sử dụng thời gian trong giờ làm việc để hoạt động công đoàn theo quy định của Luật công đoàn và được người sử dụng lao động trả lương”.

+ Khoản 2, Điều 24, LCĐ 2012: “Cán bộ công đoàn không chuyên trách được sử dụng 24 giờ làm việc trong một tháng đối với Chủ tịch, Phó Chủ tịch công đoàn cơ sở; 12 giờ làm việc trong 01 tháng đối với Ủy viên Ban chấp hành, Tổ trưởng, Tổ phó tổ công đoàn để làm công tác công đoàn và được đơn vị sử dụng lao động trả lương. Tuỳ theo quy mô cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp mà Ban Chấp hành công đoàn cơ sở và đơn vị sử dụng lao động thoả thuận về thời gian tăng thêm”

Thì:

+ Nội quy lao động tại doanh nghiệp quy định “Cán bộ công đoàn không chuyên trách của doanh nghiệp được sử dụng 12 giờ làm việc trong một tháng làm công tác công đoàn…” là sai. Bởi vì, tùy thuộc vào cán bộ công đoàn không chuyên trách là Chủ tịch, Phó chủ tịch hay Ủy viên BCHCĐCS để xác định họ được sử dụng bao nhiêu thời gian làm việc trong tháng cho hoạt động công đoàn.

+ Nếu không có thỏa thuận về thời gian tăng thêm thì mức thời gian tối thiểu cho hoạt động công đoàn cũng phải bằng quy định tại khoản 2, Điều 24 của Luật công đoàn (5 điểm).

– Thứ hai, căn cứ khoản 3, Điều 24, LCĐ thì cán bộ công đoàn không chuyên trách đương nhiên được hưởng lương do đơn vị sử dụng lao động chi trả trong những ngày tham dự cuộc họp, tập huấn do công đoàn cấp trên triệu tập (5 điểm).

– Thứ ba, căn cứ khoản 2, Điều 119, BLLĐ, nội dung nội quy lao động không được trái với pháp luật về lao động và quy định khác của pháp luật có liên quan (5 điểm).

Như vậy, việc Nội quy lao động tại doanh nghiệp quy định như đã phân tích là trái với Điều 193 của BLLĐ và khoản 2 và khoản 3 Điều 24 LCĐ nên quy định này người lao động không phải chấp hành và người sử dụng lao động phải sửa đổi, bổ sung và đăng ký lại (5 điểm).

Câu 2:

a/ Anh (chị) hãy tóm tắt trình tự giải quyết tranh chấp lao động cá nhân? (15 điểm)

b/ Với tư cách là cán bộ công đoàn, anh (chị) hãy cho biết ý kiến của mình về tình huống sau:

 Anh Q là nhân viên kế toán của Công ty M làm việc theo hợp đồng lao động không thời hạn. Tháng 7/2013, anh Q giao kết hợp đồng lao động có thời hạn 06 tháng với Công ty H, vị trí là nhân viên kế toán để thay thế một nhân viên kế toán của công ty này đang trong thời kỳ nghỉ thai sản. Thời gian thực hiện hợp đồng lao động với Công ty H, anh Q vẫn tiếp tục làm việc tại Công ty M và hoàn thành đầy đủ các yêu cầu được giao. Tuy vậy, sau khi biết tin anh Q làm việc cho công ty khác, Ban lãnh đạo Công ty M đã họp và quyết định khiển trách đối với anh Q. Lý do mà Ban lãnh đạo công ty đưa ra là anh Q tự ý giao kết hợp đồng lao động với Công ty khác mà không được sự cho phép của Công ty M. Anh Q cho rằng Công ty M làm vậy là không phù hợp với quy định của pháp luật và nội quy của Công ty M không có quy định nào về việc khi người lao động giao kết hợp đồng với người sử dụng lao động khác phải được sự đồng ý của Công ty M (15 điểm).

Gợi ý trả lời:

a/ Tóm tắt trình tự giải quyết tranh chấp lao động cá nhân:

– Khi tranh chấp lao động cá nhân xảy ra, về mặt nguyên tắc, đầu tiên các bên tranh chấp phải thương lượng trực tiếp để giải quyết tranh chấp (khoản 1 và khoản 5, Điều 194, BLLĐ 2012) (5 điểm).

– Nếu một bên từ chối thương lượng hoặc thương lượng không thành, hoặc thương lượng thành nhưng một trong hai bên không thực hiện thì mỗi bên tranh chấp có quyền gửi đơn yêu cầu hòa giải viên giải quyết tranh chấp (khoản 6, Điều 194, BLLĐ 2012) (tiếp nhận yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động và cử hòa giải viên lao động tham gia giải quyết tranh chấp được quy định cụ thể tại Điều 7, TT08) (5 điểm).

– Trường hợp hoà giải viên hòa giải không thành hoặc một trong hai bên không thực hiện các thỏa thuận trong biên bản hòa giải thành hoặc hết thời hạn giải quyết theo quy định của pháp luật mà hoà giải viên lao động không tiến hành hoà giải thì mỗi bên tranh chấp có quyền yêu cầu Toà án giải quyết (khoản 4, Điều 201, BLLĐ 2012) (5 điểm).

Lưu ý: Về nguyên tắc, tranh chấp lao động cá nhân phải thông qua thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động trước khi yêu cầu tòa án giải quyết. Riêng các tranh chấp lao động cá nhân được quy định tại Điều 201, BLLĐ 2012 không bắt buộc phải qua thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động trước khi yêu cầu tòa án giải quyết.

b/ Ý kiến về tình huống:

– Thứ nhất, căn cứ Điều 21, BLLĐ 2012, người lao động có quyền giao kết hợp đồng lao động với nhiều người sử dụng lao động, nhưng phải đảm bảo thực hiện đầy đủ các nội dung đã giao kết (3 điểm).

– Thứ hai, pháp luật lao động hiện hành không có bất kỳ một quy định nào xác định nghĩa vụ phải xin phép và được sự đồng ý của NSDLĐ trong trường hợp giao kết hợp đồng lao động đồng thời với nhiều NSDLĐ (3 điểm).

– Thứ ba, căn cứ khoản 3, Điều 128, BLLĐ 2012, Công ty M không được xử lý kỷ luật lao động với các hành vi không được quy định trong nội quy lao động của Công ty (3 điểm).

– Căn cứ áp dụng trách nhiệm kỷ luật lao động đòi hỏi người lao động phải có hành vi vi phạm kỷ luật lao động và có lỗi khi thực hiện hành vi vi phạm đó (3 điểm).

Như vậy, việc anh Q giao kết hợp đồng lao động với Công ty khác không cần sự cho phép của Công ty M là quyền hợp pháp được pháp luật lao động ghi nhận, không phải là hành vi vi phạm kỷ luật lao động. Và trong thời gian thực hiện hợp đồng lao động với Công ty H, anh Q vẫn tiếp tục làm việc tại Công ty M và hoàn thành đầy đủ các yêu cầu được giao. Do vậy việc Công ty M xử lý kỷ luật lao động với anh Q trong trường hợp này là không có căn cứ và không phù hợp với quy định của pháp luật (3 điểm).

Câu 3:

a/ Hợp đồng lao động vô hiệu toàn bộ trong những trường hợp nào?(10 điểm)

b/ Với tư cách là cán bộ công đoàn, anh (chị) hãy cho biết ý kiến của mình về tình huống sau:

 Anh P, sinh năm 1966, làm việc tại công ty X trên địa bàn quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội từ 01/1/1990. Tháng 9/2016, anh được cử đi công tác tại tỉnh Lào Cai. Trên đường đi, anh bị tai nạn giao thông, phải vào viện điều trị mất 10 ngày. Khi ra viện, anh được Hội đồng giám định y khoa kết luận suy giảm 8% khả năng lao động. Tháng 10/2016, do vết thương tai nạn tái phát, anh lại phải vào viện điều trị 01 tháng. Sau điều trị tái phát, anh được giám định lại mức suy giảm khả năng lao động và Hội đồng giám định y khoa kết luận anh bị suy giảm 61% khả năng lao động. Do sức khỏe yếu nên anh có nguyện vọng nghỉ hưu vào tháng 1/2017. Bản thân anh rất quan tâm và mong muốn công đoàn tư vấn cho anh biết những quyền lợi về bảo hiểm xã hội mà anh được hưởng (20 điểm).

Gợi ý trả lời:

a/ Hợp đồng lao động vô hiệu toàn bộ khi thuộc một trong các trường hợp được sau (khoản 1, Điều 50, BLLĐ):

– Toàn bộ nội dung của hợp đồng lao động trái pháp luật (2.5 điểm);

– Người ký kết hợp đồng lao động không đúng thẩm quyền (2.5 điểm);

– Công việc mà hai bên đã giao kết trong hợp đồng lao động là công việc bị pháp luật cấm (2.5 điểm);

– Nội dung của hợp đồng lao động hạn chế hoặc ngăn cản quyền thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn của người lao động (2.5 điểm).

b/ Ý kiến về tình huống:

– Thứ nhất, theo khoản 1, Điều 142, BLLĐ 2012 và khoản 1, khoản 2, Điều 12, NĐ45CP: tai nạn lao động là tai nạn gây tổn thương cho bất kỳ bộ phận, chức năng nào của cơ thể hoặc gây tử vong cho người lao động, xảy ra trong quá trình lao động, gắn liền với việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động. Tai nạn được coi là tai nạn lao động là tai nạn xảy ra tại địa điểm và thời gian hợp lý khi người lao động từ nơi ở đến nơi làm việc, từ nơi làm việc về nơi ở. Theo đó, tai nạn giao thông xảy ra đối với anh P trên đường đi công tác được coi là tai nạn lao động (5 điểm).

– Thứ hai, theo quy định tại điểm c, khoản 1 và khoản 2, Điều 43, Luật BHXH 2014, người lao động được hưởng chế độ tai nạn khi có đủ các điều kiện: bị tai nạn lao động trên tuyến đường đi và về từ nơi ở đến nơi làm việc trong khoảng thời gian và tuyến đường hợp lý và suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên do bị tai nạn lao động. Đồng thời, khoản 1, Điều 46, Luật BHXH 2014 quy định về đối tượng áp dụng trợ cấp một lần đối với tai nạn lao động là: NLĐ suy giảm khả năng lao động  từ 5% – 30%. Theo đó, ở lần điều trị đầu tiên sau tai nạn, anh P được giám định mức suy giảm khả năng lao động sau khi thương tật đã được điều trị ổn định (điểm a, khoản 1, Điều 45, Luật BHXH 2014); được trợ cấp một lần với mức trợ cấp được quy định tại khoản 2, Điều 46, Luật BHXH 2014; được dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau khi điều trị thương tật nếu đủ điều kiện theo quy định tại Điều 25, Luật BHXH 2014 (5 điểm).

– Thứ ba, khoản 1, Điều 3, TT59 quy định điều kiện hưởng chế độ ốm đau đối với bản thân người lao động bị ốm đau đó là:  người lao động “…điều trị thương tật, bệnh tật tái phát do TNLĐ…” phải nghỉ việc và có xác nhận của cơ sở khám, chữa bệnh có thẩm quyền. Theo đó, đối với lần điều trị tái phát do tai nạn (01 tháng), anh P được hưởng chế độ ốm đau (vẫn trong thời gian tối đa nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau theo quy định), được giám định lại mức suy giảm khả năng lao động sau khi thương tật tái phát đã được điều trị ổn định (điểm b, khoản 1, Điều 45, Luật BHXH 2014), được hưởng trợ cấp thương tật hàng tháng theo mức trợ cấp quy định tại khoản 2, Điều 47, Luật BHXH 2014 tính từ tháng có kết luận của Hội đồng giám định y khoa do mức suy giảm khả năng lao động sau điều trị tái phát >31% (khoản 2, Điều 48, Luật BHXH 2014); được dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau khi điều trị tái phát thương tật nếu đủ điều kiện theo quy định tại Điều 25, Luật BHXH 2014 (5 điểm).

– Thứ tư, theo quy định tại Điều 55, Luật BHXH 2014 và khoản 1, Điều 16, TT59 thì điều kiện hưởng lương hưu khi người lao động bị suy giảm từ 61% đến dưới 81% khả năng lao động là: nam đủ 51 tuổi, nữ đủ 46 tuổi áp dụng từ năm 2016, sau đó cứ mỗi năm tăng thêm một tuổi cho đến năm 2020: nam từ đủ 55 tuổi, nữ từ đủ 50 tuổi; có đủ 20 năm đóng BHXH trở lên. Theo đó, đến thời điểm tháng 1/2017, anh P 51 tuổi, có 27 năm tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bị suy giảm khả năng lao động 61%, anh chưa đủ điều kiện hưởng lương hưu khi suy giảm khả năng lao động do thiếu tuổi (anh mong muốn nghỉ hưu vào năm 2017 phải đủ 52 tuổi). Phương án tốt nhất đối với anh P khi sức khỏe của anh yếu và anh không muốn tiếp tục làm việc nữa là anh có thể bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội đến lúc anh đủ tuổi hưởng chế độ hưu trí khi suy giảm khả năng lao động thì làm hồ sơ hưởng chế độ hưu trí (Điều 61, Luật BHXH 2014) (5 điểm).

 

Câu 4:

a/ Tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc được quy định như thế nào? (15 điểm)

b/ Với tư cách là cán bộ công đoàn, anh (chị) hãy cho biết ý kiến của mình về tình huống sau:

Chị N là nhân viên phòng nhân sự của công ty được bầu làm Chủ tịch công đoàn cơ sở của công ty. Khi đảm đương vị trí này, chị đã nhiều lần xuống gặp gỡ trực tiếp người lao động tại các phân xưởng để nắm bắt tâm tư nguyện vọng của người lao động và kịp thời hỗ trợ người lao động trong phạm vi trách nhiệm của cán bộ công đoàn. Sau một thời gian hoạt động, lãnh đạo công ty đã gặp gỡ chị L và yêu cầu: công đoàn không xuống trực tiếp gặp gỡ công nhân tại nơi làm việc. Khi nào công nhân cần thì để họ lên trực tiếp gặp công đoàn tại văn phòng công đoàn (15 điểm).

Gợi ý trả lời:

a/ Theo quy định tại Điều 89, Luật BHXH 2014 và Điều 17, NĐ115CP, tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc được quy định như sau:

– Đối với người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do nhà nước quy định: là tiền lương theo ngạch, bậc, cấp bậc, quân hàm và các khoản phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niêm vượt khung, phụ cấp nghề (nếu có) (2,5 điểm);

– Đối với người lao động không hưởng lương (hưởng phụ cấp): tính trên mức lương cơ sở (2,5 điểm);

– Đối với người lao động đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do NSDLĐ quyết định: từ ngày 01/01/2016 đến ngày 31/12/2017 là mức lương và phụ cấp lương theo quy định của pháp luật về lao động ghi trong hợp đồng lao động; từ ngày 01/01/2018 trở đi là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác theo quy định của pháp luật về lao động ghi trong hợp đồng lao động (2,5 điểm).

Mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác ghi trong hợp đồng lao động bao gồm (Điều 4, TT47):

+ Mức lương, ghi mức lương tính theo thời gian của công việc hoặc chức danh theo thang lương, bảng lương do người sử dụng lao động xây dựng theo quy định của pháp luật lao động mà hai bên đã thỏa thuận. Đối với người lao động hưởng lương theo sản phẩm hoặc lương khoán thì ghi mức lương tính theo thời gian để xác định đơn giá sản phẩm hoặc lương khoán (2,5 điểm);

+ Phụ cấp lương, ghi các khoản phụ cấp lương mà hai bên đã thỏa thuận, cụ thể gồm: Các khoản phụ cấp lương để bù đắp yếu tố về điều kiện lao động, tính chất phức tạp công việc, điều kiện sinh hoạt, mức độ thu hút lao động mà mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động chưa được tính đến hoặc tính chưa đầy đủ; Các khoản phụ cấp lương gắn với quá trình làm việc và kết quả thực hiện công việc của người lao động (2,5 điểm);

+ Các khoản bổ sung khác, ghi các khoản bổ sung mà hai bên đã thỏa thuận, cụ thể gồm: Các khoản bổ sung xác định được mức tiền cụ thể cùng với mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động và trả thường xuyên trong mỗi kỳ trả lương; Các khoản bổ sung không xác định được mức tiền cụ thể cùng với mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động, trả thường xuyên hoặc không thường xuyên trong mỗi kỳ trả lương gắn với quá trình làm việc, kết quả thực hiện công việc của người lao động; Các khoản bổ sung khác không bao gồm: Tiền thưởng theo quy định tại Điều 103 của Bộ luật Lao động; tiền ăn giữa ca; các khoản hỗ trợ khi người lao động có thân nhân bị chết, người lao động có người thân kết hôn, sinh nhật của người lao động, trợ cấp cho người lao động gặp hoàn cảnh khó khăn khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và các khoản hỗ trợ, trợ cấp khác không liên quan đến thực hiện công việc hoặc chức danh trong hợp đồng lao động (2,5 điểm).

b/ Ý kiến về tình huống:

– Thứ nhất, việc lãnh đạo công ty đã gặp gỡ chị L và yêu cầu: công đoàn không xuống trực tiếp gặp gỡ công nhân tại nơi làm việc là sai. Bởi vì theo quy định tại khoản 2, Điều 191, BLLĐ, cán bộ công đoàn cơ sở có quyền: “Đến các nơi làm việc để gặp gỡ người lao động trong phạm vi trách nhiệm mà mình đại diện” và chị L gặp gỡ người lao động tại phân xưởng là trong phạm vi trách nhiệm của cán bộ công đoàn (5 điểm).

– Thứ hai, Luật công đoàn quy định trách nhiệm của doanh nghiệp đối với công đoàn là “…tạo điều kiện để công đoàn cơ sở thực hiện quyền, trách nhiệm theo quy định của pháp luật” (khoản 4, Điều 22) và nghiêm cấm hành vi “Cản trở, gây khó khăn trong việc thực hiện quyền công đoàn” (khoản 1, Điều 9). Yêu cầu của lãnh đạo công ty đối với chị L biểu hiện của sự “không tạo điều kiện” và “gây khó khăn” nhất định cho hoạt động công đoàn của chị L. Và như vậy công ty không thực hiện đầy đủ trách nhiệm của mình đối với công đoàn theo quy định của Luật công đoàn (10 điểm).

– Thứ ba, khoản 17, Điều 1, Nghị định số 88/2015/NĐ-CP, ngày 07/10/2015 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 95/2013/NĐ-CP, ngày 22/8/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành hính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng quy định “phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động khi có hành vi không “tạo điều kiện thuận lợi để công đoàn thực hiện quyền, trách nhiệm đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động (5 điểm).

Câu 5:

a/ Mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội để tính lương hưu theo Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 được xác định như thế nào? (20 điểm)

b/ Với tư cách là cán bộ công đoàn, anh (chị) hãy cho biết ý kiến của mình về tình huống sau:

Ban chấp hành công đoàn cơ sở của công ty X do đại hội công đoàn công ty bầu gồm 5 ủy viên, nhưng hiện tại có một ủy viên đã thôi việc và 01 ủy viên đã chuyển công tác (10 điểm).

Gợi ý trả lời:

a/ Theo quy định tại Điều 62, Luật BHXH 2014, Điều 9, NĐ115CP, Điều 20TTư 59, mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội để tính lương hưu được xác định như sau:

– Người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định có toàn bộ thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương này thì tính bình quân tiền lương tháng của số năm đóng bảo hiểm xã hội trước khi nghỉ hưu như sau:

+ Bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội trước ngày 01 tháng 01 năm 1995 thì tính bình quân của tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 05 năm cuối trước khi nghỉ hưu (2 điểm);

+ Bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội trong khoảng thời gian từ ngày 01 tháng 01 năm 1995 đến ngày 31 tháng 12 năm 2000 thì tính bình quân của tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 06 năm cuối trước khi nghỉ hưu (2 điểm);

+ Bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội trong khoảng thời gian từ ngày 01 tháng 01 năm 2001 đến ngày 31 tháng 12 năm 2006 thì tính bình quân của tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 08 năm cuối trước khi nghỉ hưu (2 điểm);

+ Bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội trong khoảng thời gian từ ngày 01 tháng 01 năm 2007 đến ngày 31 tháng 12 năm 2015 thì tính bình quân của tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 10 năm cuối trước khi nghỉ hưu (2 điểm);

+ Bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội từ ngày 01 tháng 01 năm 2016 đến ngày 31 tháng 12 năm 2019 thì tính bình quân của tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 15 năm cuối trước khi nghỉ hưu (2 điểm);

+ Bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội từ ngày 01 tháng 01 năm 2020 đến ngày 31 tháng 12 năm 2024 thì tính bình quân của tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 20 năm cuối trước khi nghỉ hưu (2 điểm);

+ Bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội từ ngày 01 tháng 01 năm 2025 trở đi thì tính bình quân của tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của toàn bộ thời gian (2 điểm).

– Người lao động có toàn bộ thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do NSDLĐ quyết định thì tính bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của toàn bộ thời gian (3 điểm).

– Người lao động vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định, vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do NSDLĐ quyết định thì tính bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội chung của các thời gian, trong đó thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định được tính bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội như đã nêu ở trên căn cứ vào thời điểm bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Trường hợp chưa đủ số năm quy định như đã nêu ở trên thì tính bình quân tiền lương tháng của các tháng đã đóng bảo hiểm xã hội (3 điểm).

Lưu ý: Cần phải chú ý các trường hợp đặc biệt liên quan đến việc xác định mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội để tính lương hưu được quy định tại khoản 4, 5, 6, Điều 9, NĐ115CP.

b/ Ý kiến về tình huống:

– Thứ nhất, căn cứ điểm a, khoản 3, Điều 13 Điều lệ công đoàn Việt Nam năm 2013, khi một ủy viên đã thôi việc và 01 ủy viên đã chuyển công tác thì thì đương nhiên thôi tham gia ban chấp hành kể từ thời điểm nghỉ hưu, thôi việc, chuyển công tác ghi trong quyết định và ban chấp hành công đoàn cơ sở của công ty X đã khuyết 2 ủy viên (5 điểm).

– Thứ hai, căn cứ điểm b, khoản 3, Điều 13 Điều lệ công đoàn Việt Nam năm 2013, trường hợp ban chấp hành công đoàn cơ sở của công ty X do đại hội công đoàn công ty bầu gồm 5 ủy viên, nhưng hiện tại đã khuyết 2 ủy viên thì ban chấp hành công đoàn cơ sở của công ty X có thể bầu bổ sung 02 ủy viên (không vượt quá ½ số lượng ủy viên ban chấp hành do đại hội quyết định) sau khi đã báo cáo với công đoàn cấp trên trực tiếp (5 điểm).

Lưu ý, khi số ủy viên ban chấp hành khuyết trên 1/2 thì phải tổ chức đại hội công đoàn cơ sở bất thường để bầu bổ sung (điểm a, mục 8.3 Hướng dẫn thi hành Điều lệ công đoàn Việt Nam). Khi không tổ chức được đại hội bất thường thì công đoàn cấp trên trực tiếp có quyền chỉ định ban chấp hành lâm thời công đoàn (mục 9.3, Hướng dẫn thi hành Điều lệ công đoàn Việt Nam).

Câu 6:

a/ Điều kiện hưởng lương hưu khi suy giảm khả năng lao động  theo Luật bảo hiểm xã hội năm 2014? (20 điểm)

b/ Với tư cách là cán bộ công đoàn, anh (chị) hãy cho biết ý kiến của mình về tình huống sau:

Đại hội công đoàn cơ sở biểu quyết bầu số lượng Ban chấp hành công đoàn là 05 ủy viên. Kết quả bầu lần thứ nhất chỉ có 04 đồng chí có số phiếu bầu đạt quá ½ so với tổng số phiếu ban bầu cử thu về (10 điểm).

Gợi ý trả lời:

a/ Điều 55 Luật BHXH năm 2014 quy định điều kiện hưởng lương hưu khi suy giảm khả năng lao động cụ thể như sau (áp dụng từ ngày 01/01/2016):

 

– Trường hợp 1 (5 điểm):

+ Nam đủ 51 tuổi, nữ đủ 46 tuổi áp dụng từ năm 2016, sau đó cứ mỗi năm tăng thêm một tuổi cho đến năm 2020: nam từ đủ 55 tuổi, nữ từ đủ 50 tuổi;

+ Bị suy giảm từ 61% đến dưới 81% khả năng lao động;

+ Có đủ 20 năm đóng BHXH trở lên.

Trường hợp 2 (5 điểm):

+ Nam đủ 50 tuổi, nữ đủ 45 tuổi;

+ Bị suy giảm từ 81% khả năng lao động trở lên.

+ Có đủ 20 năm đóng BHXH trở lên;

Trường hợp 3 (5 điểm):

+ Có đủ 20 năm đóng BHXH trở lên;

+ Có đủ 15 năm làm công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm;

+ Bị suy giảm từ 61% khả năng lao động trở lên.

Trường hợp 4: Với những người công tác trong lực lượng vũ trang được hưởng lương hưu ở mức thấp hơn khi thuộc một trong hai trường hợp sau (5 điểm):

+ Có đủ 20 năm đóng BHXH trở lên; nam đủ 50 tuổi, nữ đủ 45 tuổi, suy giảm 61% khả năng lao động trở lên;

+ Có đủ 20 năm đóng BHXH trở lên; có đủ 15 năm trở lên làm nghề hoặc công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại hoặc nguy hiểm, suy giảm 61% khả năng lao động trở lên.

Lưu ý: Theo quy định chuyển tiếp tại khoản 2 Điều 28 Nghị định số 115/2015/NĐ-CP ngày 11/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật BHXH về BHXH bắt buộc thì lao động nữ sinh từ ngày 31 tháng 12 năm 1970 trở về trước, nam sinh từ ngày 31 tháng 12 năm 1965 trở về trước và có kết luận của Hội đồng giám định y khoa bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên trước ngày 01 tháng 01 năm 2016 mà đề nghị được hưởng lương hưu kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2016 thì chế độ hưu trí vẫn được thực hiện theo quy định của pháp luật trước ngày 01 tháng 01 năm 2016.

b/ Ý kiến về tình huống:

Mục 8.14, Hướng dẫn thi hành Điều lệ công đoàn Việt Nam quy định: “Trường hợp số người có số phiếu quá ½ ít hơn số lượng cần bầu, thì đại hội thảo luận và quyết định bầu tiếp cho đủ số lượng ban chấp hành, hoặc không bầu mà lấy số lượng đã trúng cử (ít hơn số lượng đại hội đã quyết định)”. Theo đó, trường hợp đại hội công đoàn cơ sở biểu quyết bầu số lượng Ban chấp hành công đoàn là 05 ủy viên mà kết quả bầu lần thứ nhất chỉ có 04 đồng chí có số phiếu bầu đạt quá ½ so với tổng số phiếu ban bầu cử thu về thì người điều hành đại hội sẽ phải xin ý kiến đại hội quyết định một trong hai phư­­ơng án sau (2,5 điểm):

– Biểu quyết để bầu tiếp lần 2 cho đủ số lư­­ợng 05 ủy viên (2,5 điểm).

– Không bầu mà lấy số lượng 04 đồng chí có số phiếu bầu đạt quá ½ so với tổng số phiếu ban bầu cử thu về (2,5 điểm).

– Trư­ờng hợp bầu lần thứ 2, người trúng cử cũng phải là người có số phiếu bầu đạt quá ½ so với tổng số phiếu ban bầu cử thu về (2,5 điểm).

Câu 7:

a/ Đại diện của tập thể lao động thương lượng và ký kết thỏa ước lao động tập thể? (10 điểm)

b/ Với tư cách là cán bộ công đoàn, anh (chị) hãy cho biết ý kiến của mình về tình huống sau:

A làm việc cho doanh nghiệp X theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn. Sau 3 năm, công ty cử A đi đào tạo chuyên gia tại Nga trong thời hạn 6 tháng, tổng kinh phí 8.000$ do doanh nghiệp đài thọ, với cam kết học xong A sẽ phải làm việc cho doanh nghiệp ít nhất 5 năm. Hai bên đã xác lập quan hệ học nghề bằng hình thức lập phụ lục hợp đồng bổ sung hợp đồng lao động không xác định thời hạn đã ký kết. Sau khi hoàn thành xong khóa học, làm việc cho công ty thêm được 1 năm thì A làm đơn xin chấm dứt hợp đồng lao động. Sau 45 ngày kể từ thời điểm gửi đơn xin nghỉ việc lên lãnh đạo công ty, A nghỉ việc. Công ty đã yêu cầu A phải bồi thường toàn bộ phí đào tạo nghề cho công ty thì công ty mới trả lại Sổ Bảo hiểm xã hội cho A (20 điểm).

 Gợi ý trả lời:

a/ Thỏa ước lao động tập thể theo quy định của pháp luật lao động Việt Nam hiện hành gồm thỏa ước lao động tập thể doanh nghiệp và thỏa ước lao động tập thể ngành. Mỗi một loại thỏa ước, đại diện thương lượng và ký kết bên phía tập thể lao động là khác nhau:

– Đại diện thương lượng bên tập thể lao động (điểm a, khoản 1, Điều 69, BLLĐ):

+ Thương lượng tập thể phạm vi doanh nghiệp là tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở, đó là BCHCĐ cơ sở hoặc BCHCĐ cấp trên trực tiếp cơ sở nơi chưa thành lập ông đoàn cơ sở;

+ Thương lượng tập thể phạm vi ngành là đại diện Ban chấp hành công đoàn ngành (5 điểm).

– Đại diện ký kết bên tập thể lao động:

+ Đối với thỏa ước lao động tập thể doanh nghiệp: là Chủ tịch công đoàn cơ sở hoặc Chủ tịch ông đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở ở nơi chưa thành lập công đoàn cơ sở hoặc người được ủy quyền hợp pháp bằng văn bản (điểm a, khoản 1, Điều 83, BLLĐ; điểm a, khoản 1, khoản 2, Điều 18, NĐ05CP).

+ Đối với thỏa ước lao động tập thể ngành: là Chủ tịch công đoàn ngành (điểm a, khoản 1, Điều 87, BLLĐ) (5 điểm).

b/ Ý kiến về tình huống:

– Thứ nhất, căn cứ khoản 3, Điều 37, BLLĐ 2012, anh A làm việc tại công ty theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, anh đã báo trước bằng văn bản cho lãnh đạo công ty đủ 45 ngày trước khi nghỉ việc là hành vi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động hợp pháp (5 điểm).

– Thứ hai, căn cứ Điều 41, BLLĐ 2012, hành vi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của anh A không vi phạm Điều 37, BLLĐ 2012 nên không phải là hành vi chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật (5 điểm).

– Thứ ba, căn cứ Khoản 3, Điều 43, BLLĐ 2012, anh A không chấm dứt hợp đồng lao động bất hợp pháp nên không phải bồi thường phí đào tạo nghề cho công ty và việc Công ty đã yêu cầu A phải hoàn trả toàn bộ phí đào tạo nghề cho công ty là không có cơ sở pháp lý (5 điểm).

– Thứ tư, căn cứ khoản 2 và khoản 3, Điều 47, BLLĐ 2012 quy định trách nhiệm của NSDLĐ khi chấm dứt hợp đồng lao động, việc công ty giữ lại Sổ bảo hiểm xã hội của anh A với bất kỳ lý do gì cũng không hợp pháp. Do vậy, công ty phải hoàn thành thủ tục xác nhận và trả lại sổ bảo hiểm xã hội cho anh A theo quy định của pháp luật (5 điểm).

Câu 8:

a/ Điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định của pháp luật hiện hành? (20 điểm)

b/ Với tư cách là cán bộ công đoàn, anh (chị) hãy cho biết ý kiến của mình về tình huống sau:

Trong thời gian chưa tổ chức phiên họp thứ nhất của BCHCĐ cơ sở khóa mới, Chủ tịch công đoàn khóa trước liền kề đã tiếp tục điều hành các công việc của BCHCĐCS khóa mới (10 điểm).

Gợi ý trả lời:

a/ Theo quy định tại Điều 49, LVL 2013, người lao động thuộc diện tham gia bảo hiểm thất nghiệp đang đóng bảo hiểm thất nghiệp được hưởng trợ cấp thất nghiệp khi có đủ các điều kiện sau:

– Chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, trừ các trường hợp: người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc trái pháp luật; hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng (4 điểm);

– Đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đối với trường hợp người lao động làm việc theo hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc không xác định thời hạn và hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc xác định thời hạn; đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 36 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động đối với trường hợp người lao động làm việc theo hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng (4 điểm);

– Đã nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm do cơ quan quản lý nhà nước về việc làm thành lập trong thời thời hạn 03 tháng, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc (4 điểm);

– Chưa tìm được việc làm sau 15 ngày, kể từ ngày nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp, trừ các trường hợp sau đây: thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an; đi học tập có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên; chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc; bị tạm giam; chấp hành hình phạt tù; ra nước ngoài định cư; đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng; chết (4 điểm).

Lưu ý: Trường hợp người lao động được coi là đang đóng bảo hiểm thất nghiệp theo quy định tại khoản 2, Điều 12, NĐ28CP là người lao động có tháng liền kề trước thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đã đóng bảo hiểm thất nghiệp và được tổ chức bảo hiểm xã hội xác nhận. Tháng liền kề bao gồm cả thời gian sau (4 điểm):

+ Người lao động có tháng liền kề trước thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc nghỉ việc hưởng chế độ thai sản hoặc ốm đau từ 14 ngày làm việc trở lên không hưởng tiền lương tháng tại đơn vị mà hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội;

+ Người lao động có tháng liền kề trước thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc mà tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đã giao kết theo quy định của pháp luật không hưởng tiền lương tháng tại đơn vị.

b/ Ý kiến về tình huống:

Căn cứ mục 11, Hướng dẫn thi hành Điều lệ công đoàn Việt Nam: sau khi công bố kết quả bầu cử ban chấp hành mới, đoàn chủ tịch đại hội chỉ định một đồng chí trong ban chấp hành làm triệu tập viên để triệu tập hội nghị lần thứ nhất của ban chấp hành để bầu ban thường vụ, chủ tịch, phó chủ tịch, ủy ban kiểm tra và chủ nhiệm ủy ban kiểm tra. Hội nghị lần thứ nhất của ban chấp hành cần được tiến hành trong thời gian đại hội. Trường hợp chậm lại cũng không quá 15 ngày kể từ ngày bế mạc đại hội. Trong thời gian chưa tổ chức được hội nghị lần thứ nhất để bầu các chức danh trong ban chấp hành thì đồng chí triệu tập viên do đoàn chủ tịch đại hội chỉ định trực tiếp điều hành các công việc của ban chấp hành khóa, thì:

+ Trường hợp trong thời gian chưa tổ chức phiên họp thứ nhất của BCHCĐ cơ sở khóa mới mà Chủ tịch công đoàn khóa trước liền kề đã tiếp tục điều hành các công việc của BCHCĐCS khóa mới là trái với quy định (trừ trường hợp Chủ tịch công đoàn khóa trước liền kề đồng thời cũng là đồng chí triệu tập viên do đoàn chủ tịch đại hội chỉ định) (5 điểm).

+ Trường hợp này phải do đồng chí triệu tập viên mà đoàn chủ tịch đại hội chỉ định trực tiếp điều hành các công việc của ban chấp hành khóa mới (5 điểm).

Câu 9:

a/ Các hình thức kỷ luật lao động và các quy định cấm khi xử lý kỷ luật lao động theo quy định của pháp luật lao động Việt Nam hiện hành? (10 điểm)

b/ Với tư cách là cán bộ công đoàn, anh (chị) hãy cho biết ý kiến của mình về tình huống sau:

Chị H làm việc tại doanh nghiệp X theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn từ ngày 1/1/2008, có tham gia bảo hiểm xã hội bắt đầy đủ. Tháng 8/2016, do doanh nghiệp thực hiện tái cấu trúc theo hướng tinh giảm bộ máy tổ chức nên đã đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với chị. Tuy nhiên, từ thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động cho đến nay, doanh nghiệp vẫn chưa trả sổ bảo hiểm xã hội cho chị H vì lý do doanh nghiệp chậm đóng BHXH nên không chốt được sổ bảo hiểm xã hội cho chị (20 điểm).

Gợi ý trả lời:

a/ Các hình thức kỷ luật lao động và các quy định cấm khi xử lý kỷ luật lao động theo quy định của pháp luật lao động Việt Nam hiện hành:

– Điều 125, BLLĐ 2012 quy định ba hình thức kỷ luật lao động như sau (5 điểm):

+ Khiển trách.

+ Kéo dài thời hạn nâng lương không quá 06 tháng hoặc cách chức

+ Sa thải.

– Các quy định cấm khi xử lý kỷ luật lao động bao gồm (Điều 128; khoản 4, Điều 219, BLLĐ 2012) (5 điểm):

+ Xâm phạm thân thể, nhân phẩm của người lao động.

+ Dùng hình thức phạt tiền, cắt lương thay cho việc xử lý kỷ luật lao động.

+ Xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động có hành vi vi phạm không được quy định trong nội quy lao động.

+ Xử lý kỷ luật lao động vì lý do chuẩn bị đình công hoặc tham gia đình công.

b/ Ý kiến về tình huống:

– Thứ nhất, theo Khoản 2, Điều 21, Luật BHXH 2014, NSDLĐ có trách nhiệm đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật và hàng tháng trích từ tiền lương của người lao động theo quy định của pháp luật để đóng cùng một lúc vào quã bảo hiểm xã hội. Đồng thời, khoản 2, Điều 17, Luật BHXH 2014 quy định cấm đối với hành vi “chậm đóng tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp”. Theo đó, trường hợp doanh nghiệp nơi chị H làm việc chậm đóng tiền BHXH cho chị là vi phạm quy định của pháp luật về BHXH, làm ảnh hưởng tới quyền lợi về BHXH của chị (5 điểm).

– Thứ hai, dựa trên các căn cứ pháp lý:

+ Khoản 3, Điều 47, BLLĐ và khoản 5, Điều 21, Luật BHXH 2014, NSDLĐ có trách nhiệm phối hợp với cơ quan bảo hiểm xã hội trả sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động, xác nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội khi người lao động chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc thôi việc theo quy định của pháp luật (5 điểm).

+ Khoản 3, Điều 122, Luật BHXH 2014 quy định trường hợp doanh nghiệp chậm đóng bảo hiểm xã hội và bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động từ 30 ngày trở lên thì ngoài việc phải đóng đủ số tiền chưa đóng, chậm đóng và bị xử lý theo quy định của pháp luật, còn phải nộp số tiền lãi bằng 02 lần mức lãi suất đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội bình quân của năm trước liền kề tính trên số tiền, thời gian chậm đóng (mức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định tại khoản 2 và khoản 4, Điều 26, NĐ95CP); nếu không thực hiện thì theo yêu cầu của người có thẩm quyền, ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, kho bạc nhà nước có trách nhiệm trích từ tài khoản tiền gửi của NSDLĐ để nộp số tiền chưa đóng, chậm đóng và lãi của số tiền này vào tài khoản của cơ quan bảo hiểm xã hội (5 điểm).

+ Khoản 8 Điều 18, Luật BHXH 2014, người lao động có quyền khiếu nại, tố cáo và khởi kiện về bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật. Và điểm c, d, khoản 1, Điều 14, Luật BHXH, tổ chức công đoàn có quyền giám sát, kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội; khởi kiện ra tòa án đối với hành vi vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp cả người lao động.

Theo đó, chị H có quyền yêu cầu doanh nghiệp thực hiện các nghĩa vụ theo quy định của pháp luật đối với hành vi chậm đóng BHXH cho chị để cơ quan BHXH có căn cứ ghi, xác nhận thời gian đóng BHXH trên sổ BHXH và trả lại sổ bảo hiểm xã hội theo quy định cho chị. Trường hợp phía doanh nghiệp không thực hiện các nghĩa vụ của mình theo quy định của pháp luật, chị H có thể khiếu nại, tố cáo công ty với các cơ quan có thẩm quyền. Trình tự, thủ tục khiếu nại tố cáo theo quy định tại Luật khiếu nại, Luật tố cáo và các văn bản hướng dẫn. Hoặc tổ chức công đoàn có quyền kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm; khởi kiện ra tòa án đối với hành vi chậm đóng bảo hiểm xã hội và không cốt và trả sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động khi chấm dứt hợp đồng lao động (5 điểm).

Câu 10:

a/ Khi điều chuyển người lao động làm công việc khác với hợp đồng lao động đã giao kết, người sử dụng lao động phải đảm bảo những điều kiện gì? (15 điểm)

b/ Với tư cách là cán bộ công đoàn, anh (chị) hãy cho biết ý kiến của mình về tình huống sau:

Trong cuộc họp bàn về thực hiện đổi mới công nghệ xản xuất và xây dựng phương án sử dụng lao động để sắp xếp lại lao động của công ty, có ý kiến cho rằng đây là cuộc họp chuyên môn, không cần đại diện công đoàn tham dự nên Giám đốc công ty đã không mời Chủ tịch công đoàn tham dự cuộc họp (15 điểm).

Gợi ý trả lời:

a/ Khi điều chuyển người lao động làm công việc khác với hợp đồng lao động đã giao kết, người sử dụng lao động phải đảm bảo những điều kiện sau (Điều 31, BLLĐ 2012; Điều 8, NĐ05CP):

– Chỉ được điều chuyển trong các trường hợp:

+ Khi doanh nghiệp gặp khó khăn đột xuất do thiên tai, hoả hoạn, dịch bệnh;

+ Áp dụng biện pháp ngăn ngừa, khắc phục tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;

+ Sự cố điện, nước;

+ Do nhu cầu sản xuất, kinh doanh (trường hợp này người sử dụng lao động quy định cụ thể trong nội quy của doanh nghiệp) (3 điểm).

– Thời gian điều chuyển không được quá 60 ngày làm việc cộng dồn trong một năm. Trường hợp người sử dụng lao động đã tạm thời điều chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động đủ 60 ngày làm việc cộng dồn trong một năm, nếu tiếp tục tạm thời điều chuyển người lao động đó làm công việc khác so với hợp đồng lao động thì phải được sự đồng ý của người lao động bằng văn bản. Nếu người lao động không đồng ý mà phải ngừng việc thì người sử dụng lao động phải trả lương ngừng việc theo khoản 1, Điều 98 của BLLĐ (3 điểm).

– Người sử dụng lao động phải báo cho người lao động biết trước ít nhất 03 ngày làm việc, thông báo rõ thời hạn làm tạm thời (3 điểm).

– Phải bố trí công việc phù hợp với sức khoẻ, giới tính của người lao động (3 điểm).

– Tiền lương của người lao động được trả lương theo công việc mới; nếu tiền lương của công việc mới thấp hơn tiền lương công việc cũ thì được giữ nguyên mức tiền lương cũ trong thời hạn 30 ngày làm việc. Tiền lương theo công việc mới ít nhất phải bằng 85% mức tiền lương công việc cũ nhưng không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định  (3 điểm).

b/ Ý kiến về tình huống:

Thứ nhất, Điều 13, LCĐ quy định: “…chủ tịch công đoàn các cấp có quyền, trách nhiệm tham dự các phiên họp, cuộc họp, kỳ họp và hội nghị của các cơ quan, tổ chức hữu quan cùng cấp khi bàn và quyết định những vấn đề liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người lao động”. Theo đó, Doanh nghiệp tổ chức cuộc họp bàn về việc đổi mới công nghệ sản xuất và xây dựng phương án sử dụng lao động là nội dung quan trọng, liên quan trực tiếp đến quyền thiết thực nhất của người lao động – quyền việc làm, nên chủ tịch công đoàn cơ sở có quyền và trách nhiệm tham dự cuộc họp này (7.5 điểm).

Thứ hai, cứ căn khoản 2, Điều 46 của BLLĐ năm 2012, khi xây dựng phương án sử dụng lao động trong trường hợp doanh nghiệp có sự thay đổi cơ cấu, công nghệ thì phải có sự tham gia của tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở, theo đó, kiến cho rằng đây là cuộc họp chuyên môn, không cần đại diện công đoàn tham dự và Giám đốc công ty đã không mời Chủ tịch công đoàn tham dự cuộc họp là không đúng với quy định của pháp luật hiện hành (7.5 điểm).

Câu 11:

a/ Các trường hợp tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật lao động Việt Nam hiện hành? (15 điểm)

b/ Với tư cách là cán bộ công đoàn, anh (chị) hãy cho biết ý kiến của mình về tình huống sau:

Tại đại hội công đoàn cấp cơ sở của một công ty, sau khi Đoàn chủ tịch đại hội thông qua chương trình đại hội, một đoàn viên là đại biểu chính thức của đại hội đề nghị bổ sung vào chương trình nội dung bầu trực tiếp Chủ tịch công đoàn cơ sở tại đại hội (15 điểm).

Gợi ý trả lời:

a/ Các trường hợp tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật lao động Việt Nam hiện hành (Điều 32, BLLĐ; Điều 9, NĐ05P; Điều 6, TT47):

– Người lao động đi làm nghĩa vụ quân sự (2 điểm).

– Người lao động bị tạm giữ, tạm giam theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự (2 điểm).

– Người lao động phải chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc (2 điểm).

– Lao động nữ mang thai có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền chứng nhận tiếp tục làm việc sẽ ảnh hưởng xấu tới thai nhi (2 điểm).

– Người sử dụng lao động và người lao động trong công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do nhà nước làm chủ sở hữu, công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do công ty mẹ Tập đoàn kinh tế nhà nước, Tổng công ty nhà nước, công ty mẹ trong mô hình công ty mẹ – công ty con làm chủ sở hữu thỏa thuận tạm hoãn hợp đồng lao động trong các trường hợp: người lao động được cấp có thẩm quyền bổ nhiệm làm thành viên Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty, Kiểm soát viên, Tổng giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng giám đốc (Phó Giám đốc), Kế toán trưởng; người lao động được cấp có thẩm quyền cử làm người đại diện phần vốn và làm việc tại doanh nghiệp có vốn góp của nhà nước hoặc của công ty mẹ hoạt động theo mô hình công ty mẹ – công ty con (văn bản tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động trong trường hợp này phải có các nội dung chủ yếu được quy định tại khoản 1, Điều 6, Ttư 47) (5 điểm)

– Các trường hợp khác do hai bên thoả thuận (2 điểm).

b/ Ý kiến về tình huống:

Căn cứ vào mục 11.4, Hướng dẫn thi hành Điều lệ công đoàn Việt Nam: “…Khi có quá ½ số thành viên dự đại hội yêu cầu bầu trực tiếp chủ tịch công đoàn cơ sở, nghiệp đoàn tại đại hội thì đoàn chủ tịch đại hội báo cáo công đoàn cấp trên và thực hiện trình tự, thủ tục bầu cử như bầu cử ban chấp hành”. Do vậy ở tình huống này, cách thức giải quyết như sau:

– Ghi nhận ý kiến đề nghị của đoàn viên và hội ý đoàn chủ tịch đại hội để thống nhất việc lấy biểu quyết của đại hội về việc bầu trực tiếp chủ tịch công đoàn cơ sở (3 điểm).

– Tiến hành lấy biểu quyết của đại hội về việc bầu trực tiếp chủ tịch công đoàn cơ sở (3 điểm).

–  Nếu có trên ½ đoàn viên tán thành thì đoàn chủ tịch báo cáo công đoàn cấp trên trực thuộc (3 điểm).

– Sau khi báo cáo công đoàn cấp trên thì bổ sung vào chương trình đại hội nội dung bầu trực tiếp chủ tịch công đoàn cơ sở (3 điểm).

– Đại hội tiến hành trình tự, thủ tục bầu trực tiếp chủ tịch CĐCS như bầu cử ban chấp hành sau phần công bố kết quả bầu cử ban chấp hành CĐCS (3 điểm).

Câu 12:

a/ Trong trường hợp ngừng việc, người lao động có được hưởng lương hay không? (15 điểm)

b/ Với tư cách là cán bộ công đoàn, anh (chị) hãy cho biết ý kiến của mình về tình huống sau:

Chị H là nhân viên kế toán làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn tại doanh nghiệp X. Tháng 7 năm 2013, chị nghỉ sinh con theo chế độ bảo hiểm xã hội. Tháng 2 năm 2014, khi chị trở lại doanh nghiệp làm việc sau thời gian nghỉ thai sản, phòng tổ chức nhân sự của doanh nghiệp có thông báo cho chị biết là hiện nay vị trí kế toán của chị đã có người khác thay thế nên bố trí chị làm nhân viên văn thư thuộc phòng hành chính tổng hợp. Theo đó, hợp đồng lao động của chị sẽ phải sửa đổi lại điều khoản công việc và tiền lương. Tiền lương của chị được xác định theo công việc mới thấp hơn tiền lương của công việc cũ 1.200.000 đồng/ tháng (15 điểm).

Gợi ý trả lời

a/ Trường hợp ngừng việc, người lao động có được hưởng lương hay không tùy thuộc vào yếu tố sự ngừng việc đó do lỗi của ai. Lương của người lao động trong trường hợp ngừng việc được xác định như sau (Điều 98, BLLĐ):

– Nếu do lỗi của người sử dụng lao động, thì người lao động được trả đủ tiền lương (lư ý: tiền lương làm căn cứ để trả lương cho người lao động trong trường hợp này là tiền lương ghi trong hợp đồng lao động – được xác định theo căn cứ khoản 1, Điều 21, NĐ05CP và khoản 1, Điều 3, TTư23) (5 điểm);

– Nếu do lỗi của người lao động thì người đó không được trả lương; những người lao động khác trong cùng đơn vị phải ngừng việc được trả lương theo mức do hai bên thoả thuận nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định (5 điểm);

– Nếu vì sự cố về điện, nước mà không do lỗi của người sử dụng lao động, người lao động hoặc vì các nguyên nhân khách quan khác như thiên tai, hoả hoạn, dịch bệnh nguy hiểm, địch hoạ, di dời địa điểm hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc vì lý do kinh tế, thì tiền lương ngừng việc do hai bên thoả thuận nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định (5 điểm).

Lưu ý: Nếu người lao động ngừng việc để tham gia đình công, không được trả lương và các quyền lợi khác theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp hai bên có thỏa thuận khác. Người lao động không tham gia đình công nhưng phải ngừng việc vì lý do đình công thì được trả lương theo mức do hai bên thoả thuận nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định và các quyền lợi khác theo quy định của pháp luật về lao động…..

b/ Ý kiến về tình huống:

Căn cứ Điều 158 của BLLĐ quy định về đảm bảo việc làm cho lao động nữ nghỉ thai sản: “Lao động nữ được bảo đảm việc làm cũ khi trở lại làm việc sau khi nghỉ hết thời gian thai sản; trường hợp việc làm cũ không còn thì người sử dụng lao động phải bố trí việc làm khác cho họ với mức lương không thấp hơn mức lương trước khi nghỉ thai sản”, theo đó:

– Sau thời gian nghỉ thai sản trở lại doanh nghiệp làm việc, chị H phải được bảo đảm việc làm cũ là nhân viên kế toán. Tuy nhiên, vị trí này đã có người khác thay thế nên doanh nghiệp bố trí việc làm khác cho chị và tiến hành sửa đổi, bổ sung hợp đồng lao động là đúng (7.5 điểm).

– Tiền lương của chị được xác định theo việc làm mới thấp hơn tiền lương của việc làm cũ là 1.200.000 đồng là sai so với quy định của pháp luật. Tiền lương của chị H theo việc làm mới này phải không thấp hơn mức lương trước khi chị nghỉ thai sản (7.5 điểm).

 

Câu 13:

a/ Hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp được quy định như thế nào? (10 điểm)

b/ Với tư cách là cán bộ công đoàn, anh (chị) hãy cho biết ý kiến của mình về tình huống sau:

Do đầu tư thêm dây chuyền sản xuất mới nên tài chính của doanh nghiệp có khó khăn. Trước tình hình đó, Giám đốc doanh nghiệp đã ra Thông báo và niêm iết tại bản tin công cộng của công ty trong đó có nội dung sau: “Giám đốc công ty quyết định:

1/ Từ tháng sau, cán bộ, nhân viên và người lao động trong công ty chỉ được tạm ứng 70% tiền lương hàng tháng. Số tiền lương còn lại, công ty sẽ quyết toán vào cuối năm dương lịch.

2/ Mức tiền thưởng theo quý được quy định trong Thỏa ước lao động tập thể của công ty tạm thời không thực hiện trong quý này” (20 điểm).

Gợi ý trả lời:

a/ Theo quy định tại Điều 16, NĐ28CP, hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp bao gồm:

–  Đơn đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp (theo mẫu do Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội quy định) (2,5 điểm);

– Các giấy tờ liên quan đến chấm dứt hợp đồng (Bản chính hoặc bản sao có chứng thực: Quyết định thôi việc, Quyết định sa thải, Quyết định kỷ luật buộc thôi việc, Thông báo hoặc thỏa thuận chấm dứt hợp đồng, hợp đồng đã hết hạn hoặc đã hoàn thành công việc. Trường hợp người lao động làm việc theo hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng tham gia bảo hiểm thất nghiệp thì giấy tờ xác nhận về việc chấm dứt hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng là bản chính hoặc bản sao có chứng thực của hợp đồng đó) (2,5 điểm);

– Sổ bảo hiểm xã hội (tổ chức bảo hiểm xã hội thực hiện xác nhận việc đóng bảo hiểm thất nghiệp và trả sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động trong thời hạn 05 ngày hoặc 30 ngày làm việc đối với các đơn vị Bộ công an, Bộ qốc phòng kể từ ngày nhận được đề nghị của đơn vị sử dụng lao động) (2,5 điểm);

– Chứng minh nhân dân và số tài khoản ngân hàng hoặc nộp 2 anh 3×4 để mở tài khoản ngân hàng (2,5 điểm).

b/ Ý kiến về tình huống:

– Về nội dung thứ nhất trong Thông báo của Giám đốc công ty: “Từ tháng sau, cán bộ, nhân viên và người lao động trong công ty chỉ được tạm ứng 70% tiền lương hàng tháng. Số tiền lương còn lại, công ty sẽ quyết toán vào cuối năm dương lịch”:

 Căn cứ Điều 96 của BLLĐ 2012, điểm b, khoản 2, Điều 24, NĐ05CP thì việc giữ lại 30% tiền lương hàng tháng của người lao động là không được phép. Trường hợp doanh nghiệp có khó khăn do đầu tư thêm dây chuyền sản xuất mới mà chậm trả 30% lương cho người lao động thì không được chậm quá một tháng và nếu trả lương chậm từ 15 ngày trở lên thì người sử dụng lao động phải trả thêm cho người lao động một khoản tiền ít nhất bằng số tiền trả chậm nhân với lãi suất trần huy động tiền gửi có kỳ hạn 01 tháng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm trả lương (10 điểm).

– Về nội dung thứ hai trong Thông báo của Giám đốc công ty: “Mức tiền thưởng theo quý được quy định trong Thỏa ước lao động tập thể của công ty tạm thời không thực hiện trong quý này”:

Việc đơn phương ra thông báo nhằm tạm hoãn thực hiện nội dung về tiền thưởng đã được thỏa thuận và ghi nhận trong thỏa ước lao động tập thể hiện hành của công ty là không phù hợp pháp luật. Bởi vì:

+ Quá trình thực hiện thỏa ước lao động tập thể, pháp luật không ghi nhận quyền tạm hoãn thực hiện thỏa ước lao động tập thể trong bất kỳ trường hợp nào (5 điểm).

+ Nếu muốn thay đổi bất kỳ một vấn đề gì liên quan đến nội dung thỏa ước lao động tập thể thì các bên có quyền yêu cầu sửa đổi, bổ sung thoả ước lao động tập thể trong thời hạn sau 03 tháng thực hiện đối với thoả ước lao động tập thể có thời hạn dưới 01 năm; sau 06 tháng thực hiện đối với thoả ước lao động tập thể có thời hạn từ 01 năm đến 03 năm. Và việc sửa đổi, bổ sung thỏa ước lao động tập thể phải được tiến hành như việc ký kết thoả ước lao động tập thể (khoản 1 và khoản 3, Điều 77, BLLĐ).

Như vậy, công ty vẫn phải tiếp tục thực hiện mức tiền thưởng theo quý được quy định trong Thỏa ước lao động tập thể của công ty (5 điểm).

Câu 14:

a/ Điều kiện hưởng lương hưu theo pháp luật hiện hành?
(20 điểm)

b/ Với tư cách là cán bộ công đoàn, anh (chị) hãy cho biết ý kiến của mình về tình huống sau:

Công ty X cần tuyển một số lao động cho vị trí công nhân khoan thăm dò giếng dầu và khí. Với mong muốn có cơ hội về việc làm, chị Y đã đến phòng nhân sự của công ty để nộp hồ sơ dự tuyển. Tuy nhiên, công ty đã không nhận hồ sơ của chị Y với lý do vị trí làm việc này chỉ tuyển nam giới. Chị Y đã cho rằng công ty X có sự phân biệt, đối xử giữa nam – nữ trong tuyển dụng lao động (10 điểm).

Gợi ý trả lời:

a/ Theo quy định của pháp luật hiện hành, khi người lao động phải đáp ứng đầy đủ điều kiện về tuổi đời và thời gian đóng bảo hiểm xã hội thì được lương hưu hàng tháng (áp dụng từ ngày 01/01/2016 trở đi theo quy định tại Điều 54, Luật BHXH 2014; Điều 6, NĐ 115CP; Điều 15, TTư 59). Cụ thể:

– Trường hợp 1 (3 điểm):

+ Nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi khi nghỉ việc;

+ Có đủ 20 năm đóng BHXH trở lên.

– Trường hợp 2 (3 điểm):

+ Nam từ đủ 55 tuổi – đủ 60 tuổi, nữ từ đủ 50 tuổi – đủ 55 tuổi khi nghỉ việc;

+ Có đủ 15 năm làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực từ 0,7 trở lên;

+ Có đủ 20 năm đóng BHXH trở lên.

Trường hợp 3 (3 điểm):

+ NLĐ từ đủ 50 tuổi – đủ 55 tuổi khi nghỉ việc;

+ Có đủ 15 năm làm công việc khai thác than trong hầm lò (theo danh mục kèm TT59);

+ Có đủ 20 năm đóng BHXH trở lên.

Trường hợp 4 (3 điểm):

+ Có đủ 20 năm đóng BHXH trở lên;

+ Bị nhiễm HIV/AIDS do tai nạn rủi ro nghề nghiệp (không bị trừ mức hưởng do thiếu tuổi).

Trường hợp 5 (3 điểm):

+ Người công tác trong lực lượng vũ trang trừ đi 5 tuổi đối với điều kiện về độ tuổi tương ứng với các trường hợp từ trường hợp 1 – trường hợp 4;

+ Riêng đối với sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam trong trường hợp chưa đủ điều kiện nghỉ hưu nêu trên và Quân đội không còn nhu cầu sử dụng hoặc không chuyển ngành được thì điều kiện hưởng lương hưu là: sĩ quan nam có đủ 25 năm và sĩ quan nữ có đủ 20 năm phục vụ trong quân đội trở lên (Đ26 – Luật sĩ quan 2008, sửa đổi, bổ sung 2014).

Trường hợp 6 (3 điểm):

+ Lao động nữ hoạt động chuyên trách hoặc không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn tại thời điểm trước khi nghỉ việc hưởng chế độ BHXH;

+ Có từ đủ 15 năm – dưới 20 năm đóng BHXH bắt buộc;

+ Đủ 55 tuổi.

Lưu ý: NLĐ đủ điều kiện về tuổi hưởng lương hưu mà thời gian đóng BHXH bắt buộc còn thiếu tối đa 06 tháng thì NLĐ được lựa chọn đóng một lần cho số tháng còn thiếu với mức đóng hàng tháng bằng tổng mức đóng của NLĐ và NSDLĐ theo mức tiền lương tháng đóng BHXH trước khi nghỉ việc vào quỹ hưu trí và tử tuất để hưởng lương hưu (2 điểm).

 b/ Ý kiến về tình huống:

 – Khoản 1 Điều 8 Bộ luật Lao động 2012 nghiêm cấm hành vi: “Phân biệt đối xử về giới tính, dân tộc, màu da, thành phần xã hội, tình trạng hôn nhân, tín ngưỡng, tôn giáo, nhiễm HIV, khuyết tật hoặc vì lý do thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn” (3 điểm).

– Căn cứ Danh mục công việc không được sử dụng lao động nữ được ban hành kèm theo Thông tư 26/2013/TT-BLĐTBXH ngày 18 tháng 10 năm 2013 của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, tại điểm 1 Mục I Phần A về Các công việc không được sử dụng lao động nữ theo quy định tại khoản 1, Điều 160 Bộ luật Lao động 2012 thì với vị trí công nhân “Khoan thăm dò giếng dầu và khí”, người sử dụng lao động không được sử dụng lao động nữ (3 điểm).

– Việc chỉ tuyển nam giới mà không tuyển dụng lao động nữ đối với công việc “Khoan thăm dò giếng dầu và khí” không được xem là phân biệt đối xử về giới tính trong quan hệ lao động mà để bảo vệ sức khỏe cho lao động nữ vì công việc “Khoan thăm dò giếng dầu và khí” là công việc đòi hỏi phải làm việc trong môi trường khắc nghiệt.

Như vậy, trong trường hợp này, việc Công ty X không tuyển lao động nữ làm việc tại vị trí công nhân khoan thăm dò giếng dầu và khí là hoàn toàn đúng quy định của pháp luật lao động (4 điểm).

Câu 15:

a/ Mức hưởng, thời gian hưởng và thời điểm hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng được quy định như thế nào? (15 điểm)

b/ Với tư cách là cán bộ công đoàn, anh (chị) hãy cho biết ý kiến của mình về tình huống sau:

Khi phát hiện nơi làm việc có nguy cơ xảy ra tai nạn lao động, Anh A đã rời bỏ nơi làm việc và báo ngay cho quản đốc trực tiếp quản lý mình biết. Tuy nhiên, quản đốc đã yêu cầu anh phải trở lại làm việc chờ ý kiến của Giám đốc. Anh A đã từ chối yêu cầu này. Sau đó anh đã bị sa thải vì lý do không chấp hành điều hành sản xuất kinh doanh của quản đốc (15 điểm).

Gợi ý trả lời:

a/ Theo quy định tại Điều 50, LVL thì mức hưởng, thời gian hưởng và thời điểm hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng được tính như sau:

– Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 06 tháng liền kề trước khi thất nghiệp nhưng tối đa không quá 05 lần mức lương cơ sở đối với người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định hoặc không quá 05 lần mức lương tối thiểu vùng theo quy định của Bộ luật lao động đối với người lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định tại thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc (5 điểm).

– Thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính theo số tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp, cứ đóng đủ 12 tháng đến đủ 36 tháng thì được hưởng 03 tháng trợ cấp thất nghiệp, sau đó, cứ đóng đủ thêm 12 tháng thì được hưởng thêm 01 tháng trợ cấp thất nghiệp nhưng tối đa không quá 12 tháng (5 điểm).

– Thời điểm hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính từ ngày thứ 16, kể từ ngày nộp đủ hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp (Lưu ý: Trong thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp, hàng tháng NLĐ phải thông báo về tình hình tìm kiếm việc làm với Trung tâm dịch vụ việc làm, nơi đang hưởng trợ cấp thất nghiệp) (5 điểm).

b/ Ý kiến về tình huống:

– Thứ nhất, căn cứ khoản 2, Điều 140 của BLLĐ: “Người lao động có quyền từ chối làm công việc hoặc rời bỏ nơi làm việc mà vẫn được trả đủ tiền lương và không bị coi là vi phạm kỷ luật lao động khi thấy rõ có nguy cơ xảy ra tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, đe dọa nghiêm trọng tính mạng hoặc sức khỏe của mình và phải báo ngay với người phụ trách trực tiếp. Người sử dụng lao động không được buộc người lao động tiếp tục làm công việc đó hoặc trở lại nơi làm việc đó nếu nguy cơ chưa được khắc phục” thì:

+ Khi phát hiện nơi làm việc có nguy cơ xảy ra tai nạn lao động, anh A có quyền rời bỏ nơi làm việc.

+ Việc anh A thực hiện nghĩa vụ báo với người phụ trách trực tiếp và từ chối yêu cầu của quản đốc phải trở lại làm việc chờ ý kiến của Giám đốc là hoàn toàn phù hợp với quy định của pháp luật.

+ Trong thời gian rời bỏ nơi làm việc vì lý do phát hiện nơi làm việc có nguy cơ xảy ra tai nạn lao động này, anh A vẫn được trả đủ tiền lương và không bị coi là vi phạm kỷ luật lao động (5 điểm).

– Thứ hai, khoản 1, Điều 123 của BLLĐ quy định về mặt nguyên tắc xử lý kỷ luật lao động là “Người sử dụng lao động phải chứng minh được lỗi của người lao động”. Việc không chấp hành điều hành sản xuất kinh doanh của quản đốc trong trường hợp này anh A không có lỗi bởi đây là yêu cầu mà pháp luật bắt buộc nhằm bảo vệ sức khỏe và tính mạng cho người lao động (5 điểm).

– Thứ ba, như đã lý giải việc anh A “không chấp hành điều hành sản xuất kinh doanh của quản đốc” trong trường hợp này không phải là hành vi vi phạm kỷ luật lao động. Và trong các trường hợp sa thải được quy định tại Điều 126 của BLLĐ, không quy định trường hợp người lao động rời bỏ nơi làm việc khi thấy rõ có nguy cơ xảy ra tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, đe dọa nghiêm trọng tính mạng hoặc sức khỏe của mình. Do vậy, công ty sa thải anh A trong trường hợp này là không có căn cứ và trái pháp luật (5 điểm).

Câu 16:

a/ Nghĩa vụ của người sử dụng lao động khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật? (15 điểm)

b/ Với tư cách là cán bộ công đoàn, anh (chị) hãy cho biết ý kiến của mình về tình huống sau:

Chủ tịch Công đoàn cơ sở nhận được 3 giấy mời họp, có thời gian trùng nhau: (1) Họp BCH Công đoàn tập đoàn Dầu khí (vì đồng chí là Ủy viên Ban chấp hành Công đoàn tập đoàn); (2) Họp triển khai Nghị quyết Hội nghị người lao động của Công ty; (3) Họp Hội đồng xét nâng lương cho người lao động trong Công ty (15 điểm).

Gợi ý trả lời:

a/ Nghĩa vụ của người sử dụng lao động khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật (Điều 42, BLLĐ 2012):

– Phải nhận người lao động trở lại làm việc theo hợp đồng lao động đã giao kết và phải trả tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trong những ngày người lao động không được làm việc cộng với ít nhất 02 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động. Nếu không còn vị trí, công việc đã giao kết trong hợp đồng lao động mà người lao động vẫn muốn làm việc thì hai bên thương lượng để sửa đổi, bổ sung hợp đồng lao động (6 điểm).

– Trường hợp người lao động không muốn tiếp tục làm việc, thì ngoài khoản tiền bồi thường nêu trên, người sử dụng lao động phải trả trợ cấp thôi việc theo quy định tại Điều 48 của BLLĐ 2012 (3 điểm).

– Trường hợp người sử dụng lao động không muốn nhận lại người lao động và người lao động đồng ý, thì ngoài khoản tiền bồi thường nêu trên và trợ cấp thôi việc, hai bên thỏa thuận khoản tiền bồi thường thêm nhưng ít nhất phải bằng 02 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động để chấm dứt hợp đồng lao động (3 điểm).

– Trường hợp vi phạm quy định về thời hạn báo trước thì phải bồi thường cho người lao động một khoản tiền tương ứng với tiền lương của người lao động trong những ngày không báo trước (3 điểm).

b/ Ý kiến về tình huống:

Chủ tịch Công đoàn cơ sở nên giải quyết việc bố trí đi họp theo giấy mời như sau:

– Cử đồng chí Phó Chủ tịch đi họp triển khai Nghị quyết Hội nghị người lao động của Công ty để nắm bắt kế hoạch triển khai Nghị quyết Hội nghị người lao động của Lãnh đạo Công ty (5 điểm).

– Xin phép vắng mặt tại Hội nghị Ban chấp hành Công đoàn tập đoàn Dầu khí (họp BCH không ai có thể thay được) và có kế hoạch tiếp thu Nghị quyết Hội nghị Ban chấp hành Công đoàn tập đoàn Dầu khí sau (5 điểm).

– Chủ tịch Công đoàn trực tiếp tham dự họp xét nâng lương cho người lao động vì đây là cuộc họp quan trọng, liên quan trực tiếp đến việc bảo vệ quyền lợi của người lao động, rất cần phải có tiếng nói của người đứng đầu BCH Công đoàn công ty (5 điểm).

Câu 17:

a/ Khi làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm, tiền lương của người lao động được xác định như thế nào? (15 điểm)

b/ Với tư cách là cán bộ công đoàn, anh (chị) hãy cho biết ý kiến của mình về tình huống sau:

Ông A làm việc tại một doanh nghiệp đã được 32 năm trong điều kiện lao động bình thường, và đã hoàn thành nghĩa vụ đóng tiền bảo hiểm xã hội bắt buộc được 32 năm. Nay ông A 52 tuổi và vì gia đình ông chuyển ra nước ngoài định cư nên ông thực hiện thủ tục chấm dứt hợp đồng lao động. Sau đó, ông có làm hồ sơ gửi cơ quan BHXH đề nghị giải quyết chế độ bảo hiểm 1 lần, tuy nhiên cơ quan BHXH có thông báo phản hồi về việc không giải quyết yêu cầu của ông vì lý do ông không thuộc một trong các trường hợp được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội một lần (15 điểm).

Gợi ý trả lời:

a/ Tiền lương của người lao động khi làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm:

– Người lao động làm thêm giờ vào ban ngày được trả lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc đang làm như sau (Điều 97, BLLĐ; Đ25, NĐ05CP; Điều 6, Điều 7, Điều 8, TTư 23/2015/TT-BLĐTBXH):

+ Vào ngày thường, ít nhất bằng 150% (3 điểm);

+ Vào ngày nghỉ hằng tuần, ít nhất bằng 200% (3 điểm);

+ Vào ngày nghỉ lễ, ngày nghỉ có hưởng lương, ít nhất bằng 300% chưa kể tiền lương ngày lễ, ngày nghỉ có hưởng lương đối với người lao động hưởng lương ngày (người lao động hưởng lương ngày là những người có tiền lương thỏa thuận ghi trong hợp đồng lao động theo ngày và chưa bao gồm tiền lương của ngày nghỉ lể, tết, ngày nghỉ có hưởng lương theo quy định của BLLĐ) (3 điểm).

– Người lao động làm việc vào ban đêm, thì được trả thêm ít nhất bằng 30% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc của ngày làm việc bình thường (3 điểm).

– Người lao động làm thêm giờ vào ban đêm thì ngoài việc trả lương theo quy định tại hai trường hợp trên, người lao động còn được trả thêm 20% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương thực trả theo công việc làm vào ban ngày của ngày làm việc bình thường hoặc của ngày nghỉ hàng tuần hoặc của ngày lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương (3 điểm).

b/ Ý kiến về tình huống:

– Thứ nhất, theo quy định tại khoản 1, Điều 60, Luật BHXH 2014; Nghị quyết số 93/2015/QH13 ngày 22/6/2015 của Quốc hội về việc thực hiện chính sách hưởng bảo hiểm xã hội một lần đối với người lao động và Điều 8, NĐ115CP thì người lao động được hưởng bảo hiểm xã hội một lần trong các trường hợp sau:

+ Đủ tuổi hưởng lương hưu mà chưa đủ số năm đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật để hưởng chế độ hưu trí hàng tháng và không tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện;

+ Sau một năm nghỉ việc mà chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội và không tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội;

+ Ra nước ngoài để định cư;

+ Người đang bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng như ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, phong, lao nặng, nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS và những bệnh khác theo quy định của Bộ Y tế (5 điểm);

Theo đó, ông A đã có đủ thời gian đóng bảo hiểm xã hội, chưa đủ tuổi đời hưởng lương hưu hàng tháng, tuy nhiên do ông ra nước ngoài định cư nên thuộc đối tượng được hưởng bảo hiểm xã hội một lần. Do vậy, việc cơ quan bảo hiểm xã hội không giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội một ông cho ông là trái với quy định của pháp luật hiện hành (5 điểm).

– Thứ hai, căn cứ tại khoản 1, Điều 118, Luật BHXH 2014: “Người lao động…có quyền đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét lại quyết định, hành vi của cơ quan tổ chức, cá nhân khi có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi đó vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội, xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của mình” và khoản 1, Điều 119, Luật BHXH 2014: “Việc khiếu nại đối với quyết định, hành vi hành chính về bảo hiểm xã hội được thực hiện theo quy định của pháp luật về khiếu nại” thì ông A có quyền khiếu nại theo quy định của pháp luật về khiếu nại để bảo vệ cho quyền lợi của mình (5 điểm).

  Câu 18:

a/ Khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động người lao động có cần phải nêu lý do hay không? (15 điểm)

b/ Với tư cách là cán bộ công đoàn, anh (chị) hãy cho biết ý kiến của mình về tình huống sau:

Bà H là công nhân tại doanh nghiệp X, làm việc trong điều kiện độc hại, đã có 24 năm đóng BHXH. Tháng 1 – tháng 10/2016, do sức khỏe không tốt, bà đã nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau 42 ngày. Tháng 11/2016, bà H chuyển sang làm công việc trong điều kiện làm việc bình thường. Ngày 8/12/2016, bà bị ốm phải nghỉ việc để điều trị 9 ngày (có xác nhận của cơ sở khám, chữa bệnh có thẩm quyền) và 9 ngày nghỉ việc này doanh nghiệp không tính là thời gian nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau cho bà (15 điểm).

Gợi ý trả lời:

a/ Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động phải viện dẫn được một trong các lý do  như sau (khoản 1, Điều 37, BLLĐ 2012 và Điều 11, NĐ05CP):

– Không được bố trí theo đúng công việc, địa điểm làm việc hoặc không được bảo đảm điều kiện làm việc đã thỏa thuận trong hợp đồng lao động (2 điểm);

– Không được trả lương đầy đủ hoặc trả lương không đúng thời hạn đã thỏa thuận trong hợp đồng lao động (2 điểm);

– Bị ngược đãi, quấy rối tình dục, cưỡng bức lao động (1 điểm);

– Bản thân hoặc gia đình có hoàn cảnh khó khăn không thể tiếp tục thực hiện hợp đồng lao động (2 điểm);

– Được bầu làm nhiệm vụ chuyên trách ở cơ quan dân cử hoặc được bổ nhiệm giữ chức vụ trong bộ máy nhà nước (2 điểm);

– Lao động nữ mang thai phải nghỉ việc theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền (2 điểm);

– Người lao động bị ốm đau, tai nạn đã điều trị 90 ngày liên tục đối với người làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn và một phần tư thời hạn hợp đồng đối với người làm việc theo hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng mà khả năng lao động chưa được hồi phục (2 điểm).

Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, muốn đơn phương chấm dứt hợp đồng hợp pháp không cần viện dẫn lý do mà chỉ cần đảm bảo thời gian báo trước được quy định tại khoản 3, Điều 37, BLLĐ năm 2012 (2 điểm).

b/ Ý kiến về tình huống:

Dựa trên các cơ sở pháp lý:

– Khoản 1, Điều 25, Luật BHXH 2014 và khoản 1, Điều 3, TTư 59 quy định điều kiện hưởng chế độ ốm đau đối với bản thân người lao động bị ốm đau đó là  người lao động bị ốm đau, tai nạn mà không phải là tai nạn lao động hoặc điều trị thương tật, bệnh tật tái phát do TNLĐ, BNN phải nghỉ việc và có xác nhận của cơ sở khám, chữa bệnh có thẩm quyền (3 điểm);

– Điều 26, Luật BHXH 2014 quy định về thời gian hưởng chế độ ốm đau trong trường hợp người lao động bị ốm đau như sau:

NLĐ làm việc trong điều kiện bình thường, thời gian hưởng tối đa trong một năm:

+ 30 ngày nếu đã đóng BHXH dưới 15 năm;

+ 40 ngày nếu đã đóng BHXH từ đủ 15 – dưới 30 năm;

+ 60 ngày nếu đã đóng BHXH từ đủ 30 năm trở lên (3 điểm).

NLĐ làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, hoặc làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên, thời gian hưởng tối đa trong một năm:

+ 40 ngày nếu đã đóng BHXH dưới 15 năm;

+ 50 ngày nếu đã đóng BHXH từ đủ 15 – dưới 30 năm;

+ 70 ngày nếu đã đóng BHXH từ đủ 30 năm trở lên (3 điểm).

– Khoản 1, 2 Điều 4, TTư 59 quy định thời gian hưởng chế độ ốm đau trong một năm được tính theo năm dương lịch và theo ngày làm việc, không kể ngày nghỉ lễ, tết, nghỉ hàng tuần theo quy định của pháp luật về lao động. Thời gian này được tính kể từ ngày 01/1 đến ngày 31/12 cả năm dương lịch, không phụ thuộc vào thời điểm bắt đầu tham gia BHXH của NLĐ; Việc xác định nghề, công việc, nơi làm việc của NLĐ để tính thời gian tối đa hưởng chế độ ốm đau trong một năm được thực hiện tại thời điểm NLĐ bị ốm đau, tai nạn (3 điểm).

Theo đó, trường hợp ốm đau của bà H phải nghỉ việc để điều trị 9 ngày (có xác nhận của cơ sở khám, chữa bệnh có thẩm quyền) mặc dù nằm trong trường hợp được hưởng chế độ ốm đau nhưng thời gian ốm nghỉ việc để điều trị này nằm trong giai đoạn bà đã chuyển sang làm công việc trong điều kiện làm việc bình thường (không có yếu tố độc hại) nên thời gian hưởng chế độ ốm đau tối đa trong một năm là 40 ngày (vì bà đã đóng BHXH 24 năm) và như vậy trước đó bà đã nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau 42 ngày đã vượt quá quy định nên 9 ngày nghỉ này bà không được tính để hưởng chế độ ốm đau (3 điểm).

Câu 19:

a/ Người sử dụng lao động có quyền huy động bất kỳ người lao động nào làm thêm giờ khi cần thiết hay không? (10 điểm)

b/ Với tư cách là cán bộ công đoàn, anh (chị) hãy cho biết ý kiến của mình về tình huống sau:

Nhận thấy hợp đồng lao động giữa doanh nghiệp và chị A thỏa thuận về tiền lương của chị A thấp hơn mức lương thấp nhất của người lao động được quy định trong Thỏa ước tập thể của doanh nghiệp vừa mới được ký kết và có hiệu lực, một ủy viên Ban chấp hành công đoàn cơ sở của doanh nghiệp đã hướng dẫn cho chị A thỏa thuận lại với người sử dụng lao động về tiền lương của chị trong hợp đồng lao động. Giám đốc doanh nghiệp đã phê bình tổ chức công đoàn can thiệp quá sâu vào công việc của Ban lãnh đạo vì cho rằng việc ký kết hợp đồng lao động là việc giữa chị A và doanh nghiệp, không liên quan đến công đoàn (20 điểm).

Gợi ý trả lời:

a/ Người sử dụng lao động không được huy động những đối tượng người lao động sau đây làm thêm giờ:

– Lao động nữ mang thai từ tháng thứ 07 hoặc từ tháng thứ 06 nếu làm việc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi (khoản 1, Điều 55, BLLĐ 2012) (5 điểm).

– Lao động dưới 15 tuổi (khoản 2, Điều 163, BLLĐ 2012) (2.5 điểm).

– Lao động là người khuyết tật suy giảm khả năng lao động từ 51% trở (Điều 178 BLLĐ 2012) (2.5 điểm).

b/ Ý kiến về tình huống:

– Căn cứ Điều 17 của BLLĐ năm 2012, hợp đồng lao động “không trái pháp luật, thỏa ước lao động tập thể và đạo đức xã hội” và khoản 2, Điều 84, BLLĐ năm 2012: “Trong trường hợp quyền, nghĩa vụ, lợi ích của các bên trong hợp đồng lao động đã giao kết trước ngày thoả ước lao động tập thể có hiệu lực thấp hơn các quy định tương ứng của thỏa ước lao động tập thể, thì phải thực hiện những quy định tương ứng của thoả ước lao động tập thể. Các quy định của người sử dụng lao động về lao động chưa phù hợp với thỏa ước lao động tập thể, thì phải được sửa đổi cho phù hợp với thoả ước lao động tập thể trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày thỏa ước lao động tập thể có hiệu lực” thì:

+ Khi tiền lương của chị A trong hợp đồng lao động đã được ký kết trước đó giữa chị và Công ty thấp hơn mức lương thấp nhất của người lao động được quy định trong Thỏa ước tập thể vừa mới ký kết và có hiệu lực của doanh nghiệp thì tiền lương của chị A phải được thực hiện theo quy định của thỏa ước lao động tập thể kể từ thời điểm thỏa ước có hiệu lực (5 điểm).

+ Hai bên – chị A và doanh nghiệp phải tiến hành thỏa thuận để sửa đổi điều khoản về tiền lương của chị H trong hợp đồng lao động trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày thỏa ước lao động tập thể của doanh nghiệp có hiệu lực. Và mức lương đó ít nhất cũng phải bằng hoặc cao hơn mức lương thấp nhất của người lao động trong doanh nghiệp được quy định trong thỏa ước lao động tập thể (5 điểm).

+ Tình huống này có sự liên quan đến quyền lợi rất quan trọng của người lao động – đó là tiền lương (5 điểm).

– Căn cứ khoản 1, Điều 10, LCĐ quy định quyền và trách nhiệm của công đoàn trong việc đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động và khoản 3, Điều 3, Nghị định số 43/2013/NĐ-CP, ngày 10 tháng 05 năm 2013, quy định chi tiết thi hành Điều 10 của Luật công đoàn về quyền, trách nhiệm của công đoàn trong việc đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động quy định thì một ủy viên Ban chấp hành công đoàn cơ sở của doanh nghiệp đã hướng dẫn cho chị A thỏa thuận lại với người sử dụng lao động về tiền lương của chị trong hợp đồng lao động là hoạt động nằn trong quyền và trách nhiệm của công đoàn nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động. Do vậy, việc Giám đốc công ty đã phê bình tổ chức công đoàn can thiệp quá sâu vào công việc của Ban lãnh đạo vì cho rằng việc ký kết hợp đồng lao động là việc giữa chị A và công ty, không liên quan đến công đoàn là không có căn cứ pháp luật (5 điểm).

Câu 20:

a/ Các loại hợp đồng lao động và cách thức áp dụng? (10 điểm)

b/ Với tư cách là cán bộ công đoàn, anh (chị) hãy cho biết ý kiến của mình về tình huống sau:

Thực hiện chủ trương của Tổng công ty về giảm chi phí cho bộ máy hành chính, tháng 10 năm 2013, lãnh đạo công ty và công đoàn đã họp bàn và đi đến thống nhất phương án giải sáp nhập phòng điều tra thị trường vào phòng kinh doanh của công ty, theo đó có 22 lao động dôi dư. Tháng 12/2013, công ty công bố công khai phương án sắp xếp lại lao động, trong đó nêu rõ việc sáp nhập phòng điều tra thị trường vào phòng kinh doanh của công ty và danh sách 22 lao động dôi dư thuộc diện thôi việc, đồng thời gửi văn bản báo cáo lên sở Lao động – Thương binh – Xã hội. Tháng 2/2014, công ty ra quyết định chấm dứt hợp đồng lao động đối với số lao động này và chi trả trợ cấp thôi việc cho họ (20 điểm).

Gợi ý trả lời:

a/ – Căn cứ vào thời hạn, hợp đồng lao động có 3 loại (Điều 22, BLLĐ năm 2012):

+ Hợp đồng lao động không xác định thời hạn (2 điểm);

+ Hợp đồng lao động xác định thời hạn (2 điểm);

+ Hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng (2 điểm).

– Cách thức áp dụng (4 điểm):

+ Không được giao kết hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng để làm những công việc có tính chất thường xuyên từ 12 tháng trở lên, trừ trường hợp phải tạm thời thay thế người lao động đi làm nghĩa vụ quân sự, nghỉ theo chế độ thai sản, ốm đau, tai nạn lao động hoặc nghỉ việc có tính chất tạm thời khác;

+ Khi hợp đồng lao động xác định thời hạn và hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng hết hạn mà người lao động vẫn tiếp tục làm việc thì trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày hợp đồng hết hạn, hai bên phải ký kết hợp đồng lao động mới; nếu không ký kết hợp đồng lao động mới thì hợp đồng lao động xác định thời hạn đã giao kết trở thành hợp đồng lao động không xác định thời hạn và hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng đã giao kết trở thành hợp đồng lao động có thời hạn 24 tháng. Trường hợp hai bên ký kết hợp đồng lao động mới là hợp đồng xác định thời hạn thì cũng chỉ được ký thêm một lần, sau đó nếu người lao động vẫn tiếp tục làm việc thì phải ký kết hợp đồng lao động không xác định thời hạn.

b/ Ý kiến về tình huống:

Trên cơ sở các căn cứ pháp lý:

+ Khoản 1, Điều 44, BLLĐ năm 2012:Trường hợp thay đổi cơ cấu, công nghệ mà ảnh hưởng đến việc làm của nhiều người lao động, thì người sử dụng lao động có trách nhiệm xây dựng và thực hiện phương án sử dụng lao động theo quy định tại Điều 46 của Bộ luật này; trường hợp có chỗ làm việc mới thì ưu tiên đào tạo lại người lao động để tiếp tục sử dụng. Trong trường hợp người sử dụng lao động không thể giải quyết được việc làm mới mà phải cho người lao động thôi việc thì phải trả trợ cấp mất việc làm cho người lao động theo quy định tại Điều 49 của Bộ luật này” (xem thêm khoản 1, Điều 13, NĐ05CP về các trường hợp được coi là doanh nghiệp thay đổi cơ cấu, công nghệ) (2.5 điểm);

+ Khoản 3, Điều 44, BLLĐ 2012 và khoản 1, Điều 7, TT47: Việc cho thôi việc đối với từ 02 người lao động trở lên chỉ được tiến hành sau khi đã trao đổi với tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở và thông báo bằng văn bản trước 30 ngày cho cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp tỉnh (xem thêm nội dung chủ yếu của văn bản thông báo được quy định tại khoản 2, Điều 7, TTư47) (2.5 điểm).

+ Điều 46 của BLLĐ năm 2012: “1. Phương án sử dụng lao động phải có những nội dung chủ yếu sau đây:

  1. a) Danh sách và số lượng người lao động tiếp tục được sử dụng, người lao động đưa đi đào tạo lại để tiếp tục sử dụng;
  2. b) Danh sách và số lượng người lao động nghỉ hưu;
  3. c) Danh sách và số lượng người lao động được chuyển sang làm việc không trọn thời gian; người lao động phải chấm dứt hợp đồng lao động;
  4. d) Biện pháp và nguồn tài chính bảo đảm thực hiện phương án.
  5. Khi xây dựng phương án sử dụng lao động phải có sự tham gia của tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở” (2.5 điểm);

+ Khoản 1, Điều 49, BLLĐ năm 2012: “Người sử dụng lao động trả trợ cấp mất việc làm cho người lao động đã làm việc thường xuyên cho mình từ 12 tháng trở lên mà bị mất việc làm theo quy định tại Điều 44 và Điều 45 của Bộ luật này, mỗi năm làm việc trả 01 tháng tiền lương nhưng ít nhất phải bằng 02 tháng tiền lương” (2.5 điểm)

Thì:

+ Việc 22 lao động dôi dư thuộc diện thôi việc trong tình huống này là do có sự thay đổi về cơ cấu của công ty khi sáp nhập phòng điều tra thị trường vào phòng kinh doanh nhằm thực hiện chủ trương của Tổng công ty về giảm chi phí cho bộ máy hành chính. Công ty đã công bố công khai phương án sắp xếp lại lao động (sau khi đã bàn bạc và đi đến thống nhất ý kiến với công đoàn), trong đó nêu rõ việc sáp nhập phòng điều tra thị trường vào phòng kinh doanh của công ty và danh sách 22 lao động dôi dư thuộc diện thôi việc, báo cáo lên sở Lao động – Thương binh – Xã hội và sau hơn 30 ngày kể từ thời điểm báo cáo lên Sở LĐ-TB-XH, công ty mới chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động là hoàn toàn đúng pháp luật (5 điểm).

+ Trường hợp này công ty có trách nhiệm chi trả trợ cấp mất việc làm nếu người lao động bị mất việc làm đã làm việc thường xuyên cho mình từ 12 tháng trở lên. Do vậy, việc công ty chi trả trợ cấp thôi việc cho họ là không đúng so với quy định của pháp luật (5 điểm).

Câu 21:

a/ Nhiệm vụ cơ bản của Ủy ban kiểm tra công đoàn? (15 điểm)

b/ Với tư cách là cán bộ công đoàn, anh (chị) hãy cho biết ý kiến của mình về tình huống sau:

Hợp đồng thử việc của P với công ty X có thời hạn 02 tháng và đã hết hạn từ tháng 2. P không thấy công ty có thông báo gì với mình cả nên P vẫn tiếp tục làm việc ở công ty cho đến hết tháng 3. Tháng 3 công ty vẫn trả lương thử việc cho P với lý do công ty chưa giao kết hợp đồng lao động với P nên P vẫn đang trong thời gian thử việc (15 điểm).

Gợi ý trả lời:

a/  Theo Điều 41, Điều lệ công đoàn Việt Nam năm 2013, Ủy ban kiểm tra công đoàn có 5 nhiệm vụ cơ bản sau:

– Giúp ban chấp hành, ban thường vụ thực hiện kiểm tra việc chấp hành Điều lệ Công đoàn đối với công đoàn cùng cấp và cấp dưới (5 điểm).

– Kiểm tra công đoàn cùng cấp và cấp dưới khi tổ chức hoặc đoàn viên có dấu hiệu vi phạm Điều lệ, nghị quyết, chỉ thị và các quy định của công đoàn (5 điểm).

– Kiểm tra việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản và hoạt động kinh tế của công đoàn cùng cấp và cấp dưới (5 điểm).

– Giúp ban chấp hành, ban thường vụ: giải quyết các khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của công đoàn; tham gia với các cơ quan chức năng nhà nước và người sử dụng lao động giải quyết khiếu nại, tố cáo của đoàn viên, CNVCLĐ theo quy định cuả pháp luật (5 điểm).

– Tổ chức bồi dưỡng, hướng dẫn nghiệp vụ công tác kiểm tra đối với ủy viên ủy ban kiểm tra công đoàn cùng cấp và cấp dưới (5 điểm).

Những nhiệm vụ cơ bản này được quy định một cách cụ thể, chi tiết tại mục 29 của Hướng dẫn thi hành Điều lệ công đoàn Việt Nam.

b/ Ý kiến về tình huống:

– Thứ nhất, căn cứ vào khoản 1, Điều 29, BLLĐ năm 2012 và Điều 7, NĐ05CP: Trong thời hạn 03 ngày trước khi kết thúc thời gian thử việc đối với người lao động làm công việc có thời gian thử việc theo quy định của pháp luật không quá 60 ngày hoặc 30 ngày và khi kết thúc thời gian thử việc đối với người lao động làm công việc có thời gian thử việc theo quy định của pháp luật không quá 06 ngày, NSDLĐ phải thông báo cho người lao động kết quả công việc người lao động đã làm thử và nếu làm thử đạt yêu cầu thì khi kết thúc thời gian thử việc, NSDLĐ phải giao kết ngay hợp đồng lao động với người lao động. Theo đó, nếu đối với công việc mà P đảm nhận theo quy định của pháp luật có thời gian thử việc không quá 60 ngày thì trong thời hạn 03 ngày trước khi kết thúc thời gian thử việc, công ty X phải thông báo cho P về kết quả thử việc và nếu làm thử đạt yêu cầu thì khi kết thúc thời gian thử việc, công ty phải giao kết ngay hợp đồng lao động với người lao động. Như vậy, việc hợp đồng thử việc của P với công ty đã hết hạn từ tháng 2 mà công ty không thông báo kết quả thử việc trong thời gian luật định và P vẫn tiếp tục làm việc ở công ty cho đến hết tháng 3 mà công ty chưa giao kết hợp đồng lao động với P là không đúng với quy định của pháp luật (5 điểm).

– Thứ hai, mặc dù công ty không có thông báo gì về kết quả thử việc, nhưng với việc công ty vẫn trả lương thử việc tháng 3 cho P và với lý do công ty đưa ra khi lý giải việc tháng 3 công ty vẫn trả lương thử việc cho P là “chưa giao kết hợp đồng lao động với P nên P vẫn đang trong thời gian thử việc” thì công ty đã mặc nhiên cho rằng tháng 3 vẫn là thời gian thử việc của P. Như vậy, công ty đã vi phạm thời gian thử việc đã được hai bên thỏa thuận, xác lập trong hợp đồng thử việc (5 điểm).

– Theo quy định tại khoản 5, NĐ88CP: “1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động khi có một trong các hành vi sau: …b/ Không thông báo kết quả công việc người lao động đã làm thử theo quy định của pháp luật”; “2. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau: …b/ Thử việc quá thời gian quy định” và “3. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc trả đủ 100% tiền lương của công việc đó cho người lao động…”. Theo đó, ngoài việc người sử dụng lao động phải gánh chịu tiền xử phạt thì người sử dụng lao động còn phải trả đủ 100% tiền lương (không phải là tiền lương thử việc) cho anh P trong tháng 3 (là tháng mà anh P phải thử việc vượt quá thời gian quy định) (5 điểm).

Câu 22:

a/ Trình tự xử lý kỷ luật lao động? (20 điểm)

b/ Với tư cách là cán bộ công đoàn, anh (chị) hãy cho biết ý kiến của mình về tình huống sau:

Chị M làm việc tại doanh nghiệp X theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn từ ngày 01/6/2012 và thực hiện việc đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc đầy đủ hết tháng 2/2016. Đến ngày 01/3/2016, chị làm thủ tục chấm dứt hợp đồng lao động vì theo chỉ định của  của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền, chị mang thai bệnh lý nên phải nghỉ ngơi hoàn toàn và không thể tiếp tục làm việc. Ngày 06/12/2016, chị sinh con và băn khoăn không biết khi sinh con có được hưởng chế độ thai sản hay không (15 điểm).

Gợi ý trả lời:

a/ Trình tự xử lý kỷ luật lao động được tiến hành như sau (khoản 1, Điều 123, BLLĐ năm 2012; Điều 30, NĐ05CP; Điều 12, TT47):

– Triệu tập phiên họp xử lý kỷ luật lao động (5 điểm):

+ NSDLĐ hoặc người được NSDLĐ ủy quyền hợp pháp bằng văn bản trong giao kết hợp đồng lao động tiến hành triệu tập phiên họp xét kỷ luật lao động.

+ Văn bản thông báo triệu tập cuộc họp phải được gửi cho BCHCĐ cơ sở hoặc BCHCĐ cấp trên cơ sở nơi chưa thành lập công đoàn cơ sở, người lao động, cha, mẹ hoặc người đại diện theo pháp luật của người lao động dưới 18 tuổi ít nhất 5 ngày làm việc trước khi tiến hành cuộc họp. Cuộc họp xử lý kỷ luật chỉ được tiến hành khi có mặt đầy đủ các thành phần tham dự này. Trường hợp NSDLĐ đã thông báo bằng văn bản về việc tham dự cuộc họp xử lý kỷ luật lao động mà một trong các thành phần tham dự không có mặt thì NSDLĐ tiếp tục thông báo lần kế tiếp. Sau 03 lần thông báo bằng văn bản (không tính các lần hoãn hoặc hủy hoặc thay đổi địa điểm cuộc họp) mà một trong các thành phần tham dự vẫn vắng mặt thì cuộc họp vẫn được tiến hành hợp lệ (trừ trường hợp người lao động đang trong thời gian không được xử lý kỷ luật quy định tại khoản 4, Điều 123, BLLĐ).

– Tổ chức phiên họp xử lý kỷ luật lao động (7.5 điểm):

+ NSDLĐ hoặc người được NSDLĐ ủy quyền hợp pháp bằng văn bản trong giao kết hợp đồng lao động tiến hành chủ trì phiên họp xét kỷ luật lao động.

+ Người sử dụng lao động phải chứng minh được lỗi của người lao động;

+ Người lao động có quyền tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc người khác bào chữa;

+ Ý kiến của tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở;

+ Cuộc họp xử lý kỷ luật lao động phải được lập thành biên bản và được thông qua các thành viên tham dự trước khi kết thúc cuộc họp. Biên bản phải có đầy đủ chữ ký của các thành phần tham dự cuộc họp và người lập biên bản, nếu một trong các thành phần tham dự cuộc họp không ký vào biên bản thì phải ghi rõ lý do.

– Ban hành quyết định xử lý kỷ luật lao động (7.5 điểm):

+ NSDLĐ có thẩm quyền ra quyết định xử lý kỷ luật lao động. Đối với người được ủy quyền giao kết hợp đồng lao động chỉ có thẩm quyền ra quyết định xử lý kỷ luật lao động theo hình thức khiển trách. Riêng các hình thức kỷ luật lao động khác thì sau khi kết thúc cuộc họp xử lý kỷ luật, người được ủy quyền giao kết hợp đồng lao động có trách nhiệm hoàn thiện hồ sơ, đề nghị NSDLĐ xem xét, ra quyết định và tổ chức thực hiện theo quyết định xử lý kỷ luật lao động được ban hành.

+ Nếu quá trình xử lý kỷ luật lao động mà áp dụng hình thức kỷ luật sa thải đối với người lao động là cán bộ công đoàn không chuyên trách thì phải thỏa thuận bằng văn bản với Ban chấp hành công đoàn cơ sở hoặc Ban chấp hành cấp trên trực tiếp cơ sở. Trong trường hợp không thỏa thuận được, hai bên phải báo cáo với cơ quan, tổ chức có thẩm quyền. Sau 30 ngày, kể từ ngày báo cho cơ quan quản lý nhà nước về lao động địa phương biết, người sử dụng lao động mới có quyền quyết định và phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình. Trường hợp không nhất trí với quyết định của người sử dụng lao động, Ban chấp hành công đoàn cơ sở và người lao động có quyền yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động theo thủ tục, trình tự do pháp luật quy định (khoản 7, Điều 192, BLLĐ 2012).

b/ Ý kiến về tình huống:

– Thứ nhất, khoản 3, Điều 31, Luật BHXH 2014 quy định điều kiện hưởng chế độ thai sản đối với trường hợp lao động nữ sinh con mà khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền là: đã đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 12 tháng trở lên và phải đóng BHXH từ đủ 03 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con (3 điểm).

– Thứ hai, thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi được quy định  như sau (tại khoản 1, Điều 9, TT 59):

+ Nếu sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi trước ngày 15 của tháng hoặc từ ngày 15 của tháng trở đi và tháng đó không đóng BHXH thì tháng sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi không tính vào thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi;

+ Nếu sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi từ ngày 15 của tháng trở đi và tháng đó có đóng BHXH thì tháng sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi được tính vào thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi (3 điểm);

– Đối chiếu với các quy định trên, chị M hoàn toàn đủ điều kiện để được hưởng chế độ thai sản khi sinh con (Lưu ý: trường hợp người lao động đã chấm dứt HĐLĐ trước trước thời điểm sinh con không liên quan đến điều kiện hưởng chế độ thai sản) (4 điểm).

Câu 23:

a/ Nhiệm vụ và quyền hạn của Ban nữ công quần chúng? (15 điểm)

b/ Với tư cách là cán bộ công đoàn, anh (chị) hãy cho biết ý kiến của mình về tình huống sau:

Chị T làm việc tại doanh nghiệp X theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn từ ngày 01/3/2016, có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc đầy đủ theo quy định của pháp luật. Ngày 20/8/2016, chị sinh con và băn khoăn không biết khi sinh con có được hưởng chế độ thai sản hay không (15 điểm).

Gợi ý trả lời:

a/ Nhiệm vụ, quyền hạn của ban nữ công quần chúng được quy định cụ thể tại điểm d, mục 25.2, Hướng dẫn thi hành Điều lệ công đoàn Việt Nam. Theo đó ban nữ công quần chúng có các nhiệm vụ và quyền hạn sau:

– Tham mưu giúp Ban chấp hành công đoàn cùng cấp xây dựng chương trình, nội dung, kinh phí tổ chức các hoạt động triển khai công tác nữ công trong nhiệm kỳ và hang năm (5 điểm).

– Nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nữ đoàn viên, người lao động và phản ánh, đề xuất, kiến nghị với ban chap hành công đoàn cùng cấp; tham gia thanh tra, kiểm tra, giám sát thực hện chế độ, chính sách lao động nữ, tham gia giải quyết các vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nữ đoàn viên, người lao động. Phát hiện bồi dưỡng đoàn viên nữ ưu tú để giới thiệu cho ban chấp hành công đoàn trong quá trình tham gia công tác quy hoạch, đào tạo và xem xét giới thiệu bổ nhiệm vào chức danh lãnh đạo các cấp. Đại diện cho nữ đoàn viên, người lao động tham gia các tổ chức hợp pháp có liên quan đến lao động nữ, trẻ em, dân số, gia đình, bình đẳng giới và vì sự phát triển của phụ nữ (5 điểm).

– Tuyên truyền, giáo dục nữ đoàn viên, người lao động về đường lối, chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước nói chung và những nội dung có liên quan đến lao động nữ nói riêng. Tổ chức phong trào thi đua giỏi việc nước, đảm việc nhà trong nữ đoàn viên, người lao động. Vận động nữ đoàn viên, người lao động tham gia các hoạt động xã hội và các phong trào thi đua chung do công đoàn phát động (5 điểm).

b/ Ý kiến về tình huống:

– Thứ nhất, khoản 1, khoản 2, Điều 31, Luật BHXH 2014 quy định điều kiện hưởng chế độ thai sản như sau (5 điểm):

+ Lao động trong các trường hợp: lao động nữ mang thai, sinh con, mang thai hộ; người mẹ nhờ mang thai hộ; người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi; lao động nữ đặt vòng tránh thai, NLĐ thực hiện biện pháp triệt sản; lao động nam đang đóng BHXH có vợ sinh con;

+ Đối với lao động nữ sinh con, mang thai hộ, người mẹ nhờ mang thai hộ, người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi: phải đóng BHXH từ đủ 6 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con, nhận con hoặc nhận con nuôi.

– Thứ hai, thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi được xác định theo quy định tại khoản 1, Điều 9, TT59 như sau (5 điểm):

+ Nếu sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi trước ngày 15 của tháng hoặc từ ngày 15 của tháng trở đi và tháng đó không đóng BHXH thì tháng sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi không tính vào thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi;

+ Nếu sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi từ ngày 15 của tháng trở đi và tháng đó có đóng BHXH thì tháng sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi được tính vào thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi.

– Đối chiếu với các quy định trên: chị M sinh con vào ngày 20/8/2016 (từ ngày 15 của tháng trở đi), nếu tháng 8/2016 chị đã đóng bảo hiểm xã hội theo quy định thì chị hoàn toàn đủ điều kiện để được hưởng chế độ thai sản khi sinh con. Trường hợp tháng 8/2016 chị chưa đóng bảo hiểm xã hội theo quy định thì chị không đủ điều kiện để được hưởng chế độ thai sản khi sinh con do chưa đóng bảo hiểm xã hội đủ 6 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con (5 điểm).

Câu 24:

a/ Giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp được quy định trong pháp luật hiện hành như thế nào? (15 điểm)

b/ Với tư cách là cán bộ công đoàn, anh (chị) hãy cho biết ý kiến của mình về tình huống sau:

Khủng hoảng kinh tế tác động và làm giảm đáng kể hiệu quả sản xuất kinh doanh của công ty. Trước tình hình đó, Ban lãnh đạo công ty đã bàn bạc, thống nhất phương án thu hẹp sản xuất. Thực hiện phương án này, Giám đốc công ty đã ra quyết định chấm dứt hợp đồng lao động đối với 30 người lao động ở các bộ phận khác nhau trong công ty và chi trả trợ cấp mất việc làm cho họ (15 điểm).

Gợi ý trả lời:

a/ Theo quy định tại khoản 1, khoản 2, Điều 18 NĐ28CP, giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp được quy định như sau:

– NLĐ nộp Hồ sơ tại Trung tâm dịch vụ việc làm ở địa phương nơi NLĐ muốn nhận trợ cấp trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày chấm dứt hợp đồng (2 điểm).

– Trung tâm dịch vụ việc làm tiếp nhận, ghi phiếu hẹn trả kết quả theo mẫu nếu hồ sơ hợp lệ (2 điểm);

– Trung tâm dịch vụ việc làm xem xét trình Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội quyết định về việc hưởng trợ cấp trong thời hạn 20 ngày  kể từ ngày nhận được hồ sơ (2 điểm);

– Sau 15 ngày kể từ ngày nộp hồ sơ mà người lao động vẫn chưa tìm được việc làm, được Giám đốc sở Sở Lao động, Thương binh và Xã hội quyết định hưởng trợ cấp thì Trung tâm dịch vụ việc làm xác nhận đã giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp vào sổ bảo hiểm xã hội và gửi lại người lao động cùng quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp (chụp sổ bảo hiểm xã hội lưu hồ sơ) (2 điểm);

– Trường hợp không đủ điều kiện, Trung tâm dịch vụ việc làm phải trả lời bằng văn bản cho người lao động (2 điểm);

– Trung tâm dịch vụ việc làm gửi quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp 01 bản đến bảo hiểm xã hội cấp tỉnh, 01 bản cho NLĐ (2 điểm);

– Tổ chức bảo hiểm xã hội thực hiện chi trả trợ cấp thất nghiệp tháng đầu tiên cho người lao động trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày nhận được quyết định; Từ tháng thứ 02 trở đi, trong thời hạn 05 ngày làm việc tính từ thời điểm ngày thứ 07 của tháng hưởng trợ cấp thất nghiệp đó nếu không nhận được quyết định tạm dừng hoặc chấm dứt hưởng trợ cấp đối với người lao động (3 điểm).

b/ Ý kiến về tình huống:

– Trên cơ sở các căn cứ pháp lý sau:

+ Khoản 2, Điều 13, NĐ05CP quy định được xem là lý do kinh tế khi thuộc một trong các trường hợp: “khủng hoảng hoặc suy thoái kinh tế…”

 + Khoản 2, Điều 44, BLLĐ 2012: “Trong trường hợp vì lý do kinh tế mà nhiều người lao động có nguy cơ mất việc làm, phải thôi việc, thì người sử dụng lao động phải xây dựng và thực hiện phương án sử dụng lao động theo quy định tại Điều 46 của Bộ luật này. Trong trường hợp người sử dụng lao động không thể giải quyết được việc làm mà phải cho người lao động thôi việc thì phải trả trợ cấp mất việc làm cho người lao động theo quy định tại Điều 49 của Bộ luật này” (2.5 điểm);

+ Điều 46 của BLLĐ 2012: “1. Phương án sử dụng lao động phải có những nội dung chủ yếu sau đây:

  1. a) Danh sách và số lượng người lao động tiếp tục được sử dụng, người lao động đưa đi đào tạo lại để tiếp tục sử dụng;
  2. b) Danh sách và số lượng người lao động nghỉ hưu;
  3. c) Danh sách và số lượng người lao động được chuyển sang làm việc không trọn thời gian; người lao động phải chấm dứt hợp đồng lao động;
  4. d) Biện pháp và nguồn tài chính bảo đảm thực hiện phương án.
  5. Khi xây dựng phương án sử dụng lao động phải có sự tham gia của tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở” (2.5 điểm);

+ Khoản 3, Điều 44, BLLĐ 2012 và khoản 1, Điều 7, TT47: Việc cho thôi việc đối với từ 02 người lao động trở lên trong trường hợp vì lý do kinh tế chỉ được tiến hành sau khi đã trao đổi với tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở và thông báo bằng văn bản trước 30 ngày cho cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp tỉnh (xem thêm nội dung chủ yếu của văn bản thông báo được quy định tại khoản 2, Điều 7, TT47) (2.5 điểm).

Thì:

+ Nếu khủng hoảng kinh tế tác động và làm giảm đáng kể hiệu quả sản xuất kinh doanh của công ty buộc Ban lãnh đạo công ty phải  quyết định cho 30 người lao động ở các bộ phận khác nhau trong công ty thôi việc thì trước hết công ty phải xây dựng phương án sử dụng lao động theo quy định tại Điều 46 của BLLĐ. Khi xây dựng phương án sử dụng lao động phải có sự tham gia của tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở và nội dung của phương án sử dụng lao động phải nêu rõ danh sách 30 người lao động thuộc diện chấm dứt hợp đồng lao động (4 điểm).

+ Việc chấm dứt hợp đồng lao động đối với 30 người lao động này chỉ được tiến hành sau khi đã trao đổi với tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở và thông báo bằng văn bản trước 30 ngày cho sở Lao động – Thương binh – Xã hội (4 điểm).

+ Công ty phải chi trả trợ cấp mất việc làm cho 30 lao động này trong thời gian 7 ngày, tối đa không được quá 30 ngày kể từ thời điểm hợp đồng lao động chấm dứt nếu họ đủ điều kiện hưởng trợ cấp mất việc làm (theo quy định tại khoản 1, Điều 49, BLLĐ 2012; Điều 14, NĐ05CP và Điều 8, TT47).

Như vậy, Ban lãnh đạo công ty ra quyết định chấm dứt hợp đồng lao động đối với 30 người lao động ở các bộ phận khác nhau trong công ty khi chưa thực hiện các thủ tục nêu trên là trái với quy định của pháp luật mặc dù quyền lợi về trợ cấp mất việc làm mà công ty chi trả cho người lao động là đúng theo quy định của pháp luật (4 điểm).

Câu 25:

a/ Cán bộ công đoàn không chuyên trách đang trong nhiệm kỳ công đoàn mà hết hạn hợp đồng lao động thì có phải đương nhiên thôi đảm đương nhiệm vụ của cán bộ công đoàn không chuyên trách hay không? (10 điểm)

b/ Với tư cách là cán bộ công đoàn, anh (chị) hãy cho biết ý kiến của mình về tình huống sau:

Công ty X có 05 lao động đã đủ tuổi để hưởng chế độ hưu trí hàng tháng nhưng số năm đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 20 năm. Trong số những lao động này, công ty có nhu cầu tiếp tục sử dụng 02 lao động nên đã thỏa thuận ký hợp đồng lao động mới, nhưng chỉ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế mà không đóng bảo hiểm thất nghiệp cho họ vì cho rằng họ không thuộc diện tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Đối với 03 lao động còn lại, công ty đã làm thủ tục chấm dứt hợp đồng lao động (20 điểm).

Gợi ý trả lời:

a/ Khoản 6, Điều 192 của BLLĐ quy định: “Khi người lao động là cán bộ công đoàn không chuyên trách đang trong nhiệm kỳ công đoàn mà hết hạn hợp đồng lao động thì được gia hạn hợp đồng lao động đã giao kết đến hết nhiệm kỳ” (5 điểm). Do vậy, Cán bộ công đoàn không chuyên trách đang trong nhiệm kỳ công đoàn mà hết hạn hợp đồng lao động thì được gia hạn hợp đồng lao động đã giao kết đến hết nhiệm kỳ công đoàn để hoàn thành hết nhiệm kỳ của cán bộ công đoàn (5 điểm).

b/ Ý kiến về tình huống:

– Thứ nhất, dựa trên các căn cứ pháp lý:

+ Điều 187, BLLĐ 2012 và Khoản 1, Điều 5, TT47 quy định người lao động cao tuổi là người tiếp tục lao động sau độ tuổi đủ điều kiện để hưởng lương hưu (5 điểm);

+ Khoản 1, Điều 167, BLLĐ 2012 và Điều 6, NĐ05CP quy định: Khi NSDLĐ có nhu cầu và người lao động cao tuổi có đủ sức khỏe theo kết luận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật thì hai bên có thể thỏa thuận kéo dài thời hạn hợp đồng lao động hoặc giao kết hợp đồng lao động mới. Khi NSDLĐ không có nhu cầu hoặc người lao động cao tuổi không có đủ sức khỏe thì hai bên thực hiện chấm dứt hợp đồng lao động” (5 điểm);

Theo đó, 05 lao động đủ tuổi hưởng chế độ hưu trí được coi là lao động cao tuổi. Đối với 02 lao động cao tuổi công ty có nhu cầu tiếp tục sử dụng nên hai bên thỏa thuận ký hợp đồng lao động mới và đối với 03 lao động cao tuổi còn lại, công ty không có nhu cầu tiếp tục sử dụng nên thực hiện chấm dứt hợp đồng lao động là hoàn toàn đúng với quy định của pháp luật . Tuy nhiên, cần phải lưu ý: hợp đồng lao động mới với 02 lao động cao tuổi phải đảm bảo các nội dung quy định tại khoản 2, khoản 3, Điều 166 và khoản 2, khoản 3, khoản 4, Điều 167 của BLLĐ và phải phù hợp với quy định của pháp luật về lao động đối với người lao động cao tuổi (5 điểm).

– Thứ hai, theo quy định tại Khoản 1 Điều 43 Luật Việc làm thì người lao động phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp khi làm việc theo hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc như sau: Hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc không xác định thời hạn; hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc xác định thời hạn; hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng (trừ trường hợp người lao động đang hưởng lương hưu, giúp việc gia đình thì không phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp). Theo đó, với 02 lao động công ty có nhu cầu tiếp tục sử dụng và đã giao kết hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc theo quy định nêu trên thì vẫn thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp (họ không thuộc đối tượng đang hưởng lương hưu). Và việc công ty không đóng bảo hiểm thất nghiệp cho họ là trái với quy định của pháp luật (5 điểm).

   Câu 26:

a/ Người sử dụng lao động có quyền áp dụng hình thức xử lý kỷ luật sa thải trong những trường hợp nào? (15 điểm)

b/ Với tư cách là cán bộ công đoàn, anh (chị) hãy cho biết ý kiến của mình về tình huống sau:

Trong kết luận kiểm tra đồng cấp, một số nội dung kết luận và kiến nghị của Ủy ban kiểm tra công đoàn không được thường vụ của Ban chấp hành công đoàn cấp đó công nhận với lý do ủy ban kiểm tra không phải là cơ quan lãnh đạo, chỉ đạo (15 điểm).

Gợi ý trả lời:

a/ Hình thức xử lý kỷ luật sa thải được người sử dụng lao động áp dụng trong các trường hợp sau (Điều 126, BLLĐ 2012; Điều 31, NĐ05CP; Điều 13, TT47):

+ Người lao động có hành vi trộm cắp, tham ô, đánh bạc, cố ý gây thương tích, sử dụng ma tuý trong phạm vi nơi làm việc, tiết lộ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của người sử dụng lao động, có hành vi gây thiệt hại nghiêm trọng hoặc đe doạ gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về tài sản, lợi ích của người sử dụng lao động (5 điểm);

+ Người lao động bị xử lý kỷ luật kéo dài thời hạn nâng lương mà tái phạm trong thời gian chưa xoá kỷ luật hoặc bị xử lý kỷ luật cách chức mà tái phạm (3 điểm).

+ Người lao động tự ý bỏ việc 05 ngày làm việc cộng dồn trong phạm vi 30 ngày kể từ ngày đầu tiên tự ý bỏ việc hoặc 20 ngày làm việc cộng dồn trong phạm vi 365 ngày kể từ ngày đầu tiên tự ý bỏ việc mà không có lý do chính đáng. Người lao động nghỉ việc có lý do chính đáng khi thộc một trong các trường hợp:

+ Do thiên tai, hỏa hoạn mà người lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng không thể có mặt để làm việc;

+ Bản thân, bố đẻ, mẹ đẻ, bố nuôi, mẹ nuôi, bố vợ, mẹ vợ, bố chồng, mẹ chồng, vợ hoặc chồng, con đẻ, con nuôi hợp pháp, đứa trẻ mà người lao động mang thai hộ đang nuôi theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình bị ốm có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật (7 điểm).

(Lưu ý: khi áp dụng hình thức sa thải nói riêng, các hình thức kỷ luật lao động nói chung, cần phải lưu ý các trường hợp: người lao động đang trong thời gian không được xử lý kỷ luật lao động và việc kéo dài thời hiệu xử lý kỷ luật lao động khi hết những khoảng thời gian này (khoản 4, Điều 123 và khoản 2, Điều 124, BLLĐ 2012; Điều 29, NĐ05CP và Điều 11, TT47), thủ tục sa thải đối với người lao động là cán bộ công đoàn không chuyên trách (khoản 7, Điều 192, BLLĐ 2012)

b/ Ý kiến về tình huống:

Dựa trên các căn cứ pháp lý:

+ Khoản 4, Điều 42, Điều lệ công đoàn Việt Nam năm 2013: Ủy ban kiểm tra công đoàn có quyền “Báo cáo kết luận kiểm tra và đề xuất các hình thức xử lý với cơ quan thường trực của ban chấp hành công đoàn cùng cấp. Những kiến nghị của ủy ban kiểm tra không được cơ quan thường trực giải quyết thì ủy ban kiểm tra có quyền báo cáo với ban chấp hành công đoàn cùng cấp và báo cáo lên ủy ban kiểm tra công đoàn cấp trên”;

+ Khoản 1, Điều 5, Điều lệ công đoàn Việt Nam năm 2013: “..ban thường vụ công đoàn các cấp là cơ quan thường trực của ban chấp hành mỗi cấp”;

Thì:

+ Trong kết luận kiểm tra đồng cấp, Ủy ban kiểm tra công đoàn báo cáo kết luận kiểm tra và đề xuất kiến nghị với thường vụ của Ban chấp hành công đoàn – là cơ quan thường trực của ban chấp hành cấp đó là hoàn toàn đúng với quy định của Điều lệ công đoàn hiện hành (5 điểm).

+ Việc thường vụ của Ban chấp hành công đoàn cấp đó không công nhận một số nội dung kết luận và kiến nghị của Ủy ban kiểm tra công đoàn cùng cấp với lý do ủy ban kiểm tra không phải là cơ quan lãnh đạo, chỉ đạo là không có cơ sở (5 điểm).

+ Trường hợp này, ủy ban kiểm tra có quyền báo cáo với ban chấp hành công đoàn cùng cấp và báo cáo lên ủy ban kiểm tra công đoàn cấp trên (5 điểm).

Câu 27:

a/ Quyền hạn và nhiệm vụ của đoàn chủ tịch đại hội? (10 điểm)

b/ Với tư cách là cán bộ công đoàn, anh (chị) hãy cho biết ý kiến của mình về tình huống sau:

Nội quy lao động của Công ty thăm dò dầu khí ES (100% vốn nước ngoài) có quy định: “Người lao động bị sa thải nếu có hành vi vi phạm kỷ luật lao động gây mất an toàn cao về người và tài sản của Công ty”. Trên giàn khoan thăm dò dầu khí cách đất liền 127 hải lý của công ty có 52 lao động thường xuyên làm việc và một số người lao động trong đó có ông P đã có khiếu nại về tiền lương và chế độ phụ cấp nhưng chưa được giải quyết dứt điểm. Để gây sức ép với công ty, ông P gửi đơn khiếu nại qua mail cho Giám đốc công ty, trong đó có thông báo sẽ tuyệt thực nếu không được giải quyết yêu cầu. Khiếu nại của ông đã không được trả lời nên ông bắt đầu tuyệt thực. Trong thời gian tuyệt thực, ông vẫn thực hiện công việc bình thường. Sau 3 ngày, lo sợ việc tuyệt thực ảnh hưởng tới tính mạng của ông P nên công ty đã thuê máy bay trực thăng ra giàn khoan đưa ông vào đất liền để chăm sóc y tế. Phiên họp xét kỷ luật lao động được tổ chức sau đó và giám đốc công ty đã ra quyết định sa thải ông P theo quy định của nội quy lao động công ty (20 điểm).

Gợi ý trả lời:

a/ Theo quy định tại điểm b, mục 8.8, Hướng dẫn thi hành Điều lệ công đoàn Việt Nam, đoàn chủ tịch đại hội có quyền hạn và nhiệm vụ sau:

– Điều hành công việc của đại hội, làm việc theo ngyên tắc tập trung dân chủ, quyết định theo đa số (2.5 điểm).

– Phân công thành viên điều hành công việc của đại hội theo chương trình, quy chế làm việc đã được đại hội biểu quyết thông qua, chuẩn bị nội dung để đại hội thảo luận, biểu quyết, lãnh đạo, điều hành các hoạt động của đại hội (2.5 điểm).

– Điều hành việc bầu cử, quyết định các trường hợp cho rút hoặc không cho rút khỏi danh sách đề cử (2.5 điểm).

– Nhận biên bản kết quả bầu cử và phiếu bầu đã niêm phong từ ban bầu cử để bàn giao cho ban chấp hành công đoàn khóa mới (2.5 điểm).

– Chỉ định triệu tập viên kỳ họp thứ nhất của ban chấp hành sau khi công bố kết quả bầu cử ban chấp hành công đoàn (2.5 điểm).

b/ Ý kiến về tình huống:

– Khi người lao động đã có khiếu nại về tiền lương và chế độ phụ cấp nhưng chưa được giải quyết dứt điểm mà bản thân họ thấy rằng quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị vi phạm hoặc không được đảm bảo một cách bình đẳng như những lao động khác, hay không đúng theo quy định của pháp luật, của thỏa ước lao động tập thể mà việc thương lượng, kiếu nại khó có thể đạt được kết quả thì họ có quyền yêu cầu công đoàn bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ hoặc có quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động cá nhân theo trình tự, thủ tục pháp luật quy định (5 điểm).

– Việc ông P gây sức ép với công ty bằng hành động tuyệt thực từ ngày 10/8/2013 mặc dù pháp luật không cấm, nhưng đó là hành động tiêu cực, không nên bởi gây ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của ông, đặc biệt trong điều kiện làm việc ở giàn khoan cách xa đất liền (5 điểm).

– Việc công ty thuê máy bay trực thăng ra giàn khoan đưa ông P vào đất liền để chăm sóc ý tế khi thấy hành vi tuyệt thực của ông P có thể nguy hiểm đến sức khỏe và tính mạng của ông là việc làm cần thiết theo quy định của Bộ luật hình sự năm 1999, sửa đổi năm 2009 (Điều 102) (5 điểm).

 – Căn cứ Điều 126 của BLLĐ về những trường hợp người sử dụng lao động  có quyền áp dụng hình thức xử lý kỷ luật sa thải thì ông P hoàn toàn không có một trong các hành vi dẫn đến trường hợp người sử dụng lao động có quyền áp dụng hình thức sa thải đối với ông. Chưa kể, ông cũng hoàn toàn không có hành vi vi phạm kỷ luật bởi trong thời gian tuyệt thực, ông vẫn thực hiện công việc bình thường. Do vậy, việc giám đốc công ty đã ra quyết định sa thải ông P dựa trên quy định: “Người lao động bị sa thải nếu có hành vi vi phạm kỷ luật lao động gây mất an toàn cao về người và tài sản của Công ty” trong Nội quy lao động của Công ty  là không có cơ sở và trái pháp luật (5 điểm).

Câu 28:

a/ Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đối với công đoàn theo quy định của Luật công đoàn năm 2012? (18 điểm).

b/ Với tư cách là cán bộ công đoàn, anh (chị) hãy cho biết ý kiến của mình về tình huống sau:

Anh M là nhân viên kỹ thuật, đã làm việc 06 năm tại Công ty X. Ngày 04/9/2013, trong giờ làm việc, M có hành vi sử dụng ma túy trong nhà vệ sinh của Công ty. Sau khi họp kỷ luật anh M, Công ty X đã có quyết định sa thải M. Sau 04 tháng kể từ ngày bị sa thải, anh M đã khiếu nại Công ty X do không thanh toán trợ cấp thôi việc cho anh (12 điểm).

Gợi ý trả lời:

a/ Theo quy định của Luật công đoàn năm 2012 (Điều 22), trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đối với công đoàn bao gồm:

– Phối hợp với Công đoàn thực hiện chức năng, quyền, nghĩa vụ của các bên theo quy định của pháp luật (2 điểm).

– Tạo điều kiện cho người lao động thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn (2 điểm).

– Phối hợp với công đoàn cùng cấp xây dựng, ban hành và thực hiện quy chế phối hợp hoạt động (2 điểm).

– Thừa nhận và tạo điều kiện để công đoàn cơ sở thực hiện quyền, trách nhiệm theo quy định của pháp luật (2 điểm).

– Trao đổi, cung cấp đầy đủ, chính xác, kịp thời thông tin liên quan đến tổ chức, hoạt động của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp theo quy định của pháp luật khi Công đoàn đề nghị (2 điểm).

– Phối hợp với Công đoàn tổ chức đối thoại, thương lượng, ký kết, thực hiện thoả ước lao động tập thể và quy chế dân chủ cơ sở (2 điểm).

– Lấy ý kiến của công đoàn cùng cấp trước khi quyết định những vấn đề liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người lao động (2 điểm).

– Phối hợp với Công đoàn giải quyết tranh chấp lao động và những vấn đề liên quan đến việc thực hiện pháp luật về lao động (2 điểm).

– Bảo đảm điều kiện hoạt động công đoàn, cán bộ công đoàn và đóng kinh phí công đoàn theo quy định của Luật công đoàn (2 điểm).

b/ Ý kiến về tình huống:

Khoản 1 Điều 126, BLLĐ quy định hình thức xử lý kỷ luật sa thải được người sử dụng lao động áp dụng trong những trường hợp sau đây: “Người lao động có hành vi … sử dụng ma tuý trong phạm vi nơi làm việc…”, theo đó, việc công ty X sa thải M vì lý do M có hành vi sử dụng ma túy trong nhà vệ sinh của Công ty là đảm bảo căn cứ pháp luật (5 điểm).

– Căn cứ khoản 1 Điều 48 Bộ luật Lao động 2012: “Khi hợp đồng lao động chấm dứt theo quy định tại các khoản 1, 2, 3, 5, 6, 7, 9 và 10 Điều 36 của Bộ luật này thì người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc cho người lao động đã làm việc thường xuyên từ đủ 12 tháng trở lên, mỗi năm làm việc được trợ cấp một nửa tháng tiền lương” thì trường hợp hợp đồng lao động giữa M và Công ty X chấm dứt theo khoản 8 Điều 36 Bộ luật Lao động 2012 (người lao động bị xử lý kỷ luật sa thải theo quy định tại khoản 3 Điều 125 của Bộ luật này) không thuộc một trong các trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động mà người lao động được chi trả trợ cấp thôi việc. Do vậy, Công ty X không chi trả trợ cấp thôi việc cho anh M là đúng với quy định của pháp luật (7 điểm).

Câu 29:

a Các đối tượng nào phải đóng kinh phí Công đoàn theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành? (15 điểm)

b/ Với tư cách là cán bộ công đoàn, anh (chị) hãy cho biết ý kiến của mình về tình huống sau:

Trong hợp đồng lao động ký kết với công ty, chị H đã cam kết không sinh con trong 3 năm đầu thực hiện hợp đồng. Tuy nhiên, vào làm việc tại công ty được hơn 2 năm, chị H đã sinh con đầu lòng. Cho rằng chị H đã vi phạm cam kết đã được xác lập trong hợp đồng lao động nên công ty quyết định chấm dứt hợp đồng lao động đối với chị (15 điểm).

Gợi ý trả lời:

a/ Khoản 2, Điều 26, LCĐ 2012 quy định: “Kinh phí công đoàn do cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đóng bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động” (1 điểm).

Theo Điều 4, NĐ191, đối tượng đóng kinh phí công đoàn theo quy định tại Khoản 2 Điều 26 Luật công đoàn là cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp mà không phân biệt cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đó đã có hay chưa có tổ chức công đoàn cơ sở, bao gồm:

  1. Cơ quan nhà nước (kể cả Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn), đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân (2 điểm).
  2. Tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp (2 điểm).
  3. Đơn vị sự nghiệp công lập và ngoài công lập (2 điểm).
  4. Doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế thành lập, hoạt động theo Luật doanh nghiệp, Luật đầu tư (2 điểm).
  5. Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã thành lập, hoạt động theo Luật hợp tác xã (2 điểm).
  6. Cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam có liên quan đến tổ chức và hoạt động công đoàn, văn phòng điều hành của phía nước ngoài trong hợp đồng hợp tác kinh doanh tại Việt Nam có sử dụng lao động là người Việt Nam (2 điểm).
  7. Tổ chức khác có sử dụng lao động theo quy định của pháp luật về lao động” (2 điểm).

b/ Ý kiến về tình huống:

– Quyền làm mẹ là một trong những quyền cơ bản của con người. Pháp luật quốc gia cũng như pháp luật quốc tế đều hướng tới việc bảo vệ quyền con người. Không thể có bất kỳ một quy định nào, kể cả quy định của luật pháp được phép xâm phạm đến nó.

Khoản 2, Điều 36, Hiến pháp Việt Nam năm 2013 quy định: “Nhà nước…bảo hộ quyền lợi của người mẹ…” và khoản 1, Điều 4, Luật hôn nhân gia và đình năm 2014 quy định trách nhiệm của nhà nước và xã hội là tạo điều kiện để nam, nữ “thực hiện đầy đủ chức năng của mình”. Theo đó, khi hợp đồng lao động của chị H ghi nhận cam kết chị H  không sinh con trong 2 năm đầu thực hiện hợp đồng vừa trái với đạo đức xã hội, vừa trái với Hiến pháp và Luật hôn nhân gia đình (3 điểm).

– Khoản 2, Điều 17, BLLĐ 2012 quy định về nguyên tắc: “Tự do giao kết hợp đồng lao động nhưng không được trái pháp luật, thỏa ước lao động tập thể và đạo đức xã hội” và khoản 3, Điều 50, BLLĐ năm 2012 quy định: “Trong trường hợp…nội dung của hợp đồng lao động hạn chế các quyền khác của người lao động thì một phần hoặc toàn bộ nội dung đó bị vô hiệu”. Theo đó, cam kết không sinh con trong 2 năm đầu vào làm việc được ghi nhận trong hợp đồng lao động của chị H hạn chế quyền làm mẹ của chị nên vô hiệu (3 điểm).

 – Căn cứ khoản 1, Điều 38, BLLĐ 2012 quy định về những trường hợp người sử dụng lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động thì lý do công ty chấm dứt hợp đồng lao động với chị H là vì chị vi phạm cam kết không sinh con trong 2 năm đầu vào làm việc là không có căn cứ được quy định tại khoản 1, Điều 38, BLLĐ 2012 (3 điểm).

– Điều 41, BLLĐ 2012 quy định: “Đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật là các trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động không đúng quy định tại các…38…của Bộ luật này”. Theo đó, hành vi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của công ty trong trường hợp này là hành vi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật vì chấm chấm dứt hợp đồng lao động không đúng quy định tại khoản 1, Điều 38, BLLĐ 2012 (3 điểm).

– Do đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật nên trường hợp này công ty phải thực hiện nghĩa vụ của người sử dụng lao động khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật đối với chị H được quy định tại Điều 42 của BLLĐ 2012 (3 điểm).

Câu 30:

a/ Quyền và trách nhiệm tham gia quản lý doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp ngoài công lập của công đoàn? (15 điểm)

b/ Với tư cách là cán bộ công đoàn, anh (chị) hãy cho biết ý kiến của mình về tình huống sau:

Hợp đồng lao động của anh P với công ty M được ký kết và có hiệu lực từ ngày 01/1/2016, trong đó phần thu nhập của anh P được ghi như sau: Mức lương chính; Phụ cấp lương (gồm: Phụ cấp cấp bậc, Phụ cấp chức vụ, Phụ cấp độc hại); Phụ cấp khác (Thưởng chuyên cần, Phụ cấp tiền lương ca 3). Khi thực hiện đóng BHXH cho anh P, công ty chỉ dựa trên cơ sở mức lương chính ghi trong hợp đồng lao động (15 điểm).

Gợi ý trả lời:

a/ Quyền, trách nhiệm của công đoàn cơ sở trong doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp ngoài công lập tham gia quản lý doanh nghiệp, đơn vị được quy định chi tiết tại Điều 10, Nghị định số 200/2013/NĐ-CP, ngày 26 tháng 11 năm 2013 quy định chi tiết Điều 11 Luật công đoàn về quyền, trách nhiệm của công đoàn trong việc tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế – xã hội như sau:

– Tham gia với người sử dụng lao động trong việc xây dựng chính sách pháp luật, tuyên truyền, giáo dục, vận động người lao động thực hiện chính sách pháp luật, thực hiện thỏa ước lao động tập thể và các quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng liên quan đến người lao động nhằm ổn định và phát triển doanh nghiệp (2.5 điểm).

– Tham gia với người sử dụng lao động thực hiện ứng dụng khoa học, công nghệ, kỹ thuật bảo hộ lao động; xây dựng các tiêu chuẩn, quy phạm an toàn, vệ sinh lao động, phòng ngừa bệnh nghề nghiệp, vệ sinh công nghiệp, bảo vệ môi trường tại nơi làm việc (2.5 điểm).

– Tham gia với người sử dụng lao động giải quyết kịp thời các khiếu nại, tố cáo của người lao động theo quy định của pháp luật (2.5 điểm).

– Tham gia với người sử dụng lao động cải thiện điều kiện làm việc; xây dựng quan hệ lao động hài hòa trong doanh nghiệp (2.5 điểm).

– Tham gia các hội đồng xét và giải quyết các quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động theo quy định của pháp luật (2.5 điểm).

– Phối hợp với người sử dụng lao động tổ chức các phong trào thi đua và thực hiện quy chế dân chủ trong doanh nghiệp theo quy định của pháp luật (2.5 điểm).

b/ Ý kiến về tình huống:

– Thứ nhất, theo quy định tại Điều 89, Luật BHXH 2014 và Điều 17 NĐ115CP, tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc được quy định như sau (5 điểm):

+ Đối với người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do nhà nước quy định: là tiền lương theo ngạch, bậc, cấp bậc, quân hàm và các khoản phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niêm vượt khung, phụ cấp nghề (nếu có);

+ Người lao động không hưởng lương (hưởng phụ cấp): tính trên mức lương cơ sở;

+ Người lao động đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do NSDLĐ quyết định: từ ngày 01/01/2016 đến ngày 31/12/2017 là mức lương và phụ cấp lương theo quy định của pháp luật về lao động ghi trong hợp đồng lao động; từ ngày 01/01/2018 trở đi là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác theo quy định của pháp luật về lao động ghi trong hợp đồng lao động.

– Thứ hai, mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác ghi trong hợp đồng lao động bao gồm (Điều 4, TT47) (5 điểm):

+ Mức lương, ghi mức lương tính theo thời gian của công việc hoặc chức danh theo thang lương, bảng lương do người sử dụng lao động xây dựng theo quy định của pháp luật lao động mà hai bên đã thỏa thuận. Đối với người lao động hưởng lương theo sản phẩm hoặc lương khoán thì ghi mức lương tính theo thời gian để xác định đơn giá sản phẩm hoặc lương khoán;

+ Phụ cấp lương, ghi các khoản phụ cấp lương mà hai bên đã thỏa thuận, cụ thể: Các khoản phụ cấp lương để bù đắp yếu tố về điều kiện lao động, tính chất phức tạp công việc, điều kiện sinh hoạt, mức độ thu hút lao động mà mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động chưa được tính đến hoặc tính chưa đầy đủ; Các khoản phụ cấp lương gắn với quá trình làm việc và kết quả thực hiện công việc của người lao động;

+ Các khoản bổ sung khác, ghi các khoản bổ sung mà hai bên đã thỏa thuận, cụ thể: Các khoản bổ sung xác định được mức tiền cụ thể cùng với mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động và trả thường xuyên trong mỗi kỳ trả lương; Các khoản bổ sung không xác định được mức tiền cụ thể cùng với mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động, trả thường xuyên hoặc không thường xuyên trong mỗi kỳ trả lương gắn với quá trình làm việc, kết quả thực hiện công việc của người lao động. Các khoản bổ sung khác không bao gồm: Tiền thưởng theo quy định tại Điều 103 của Bộ luật Lao động; tiền ăn giữa ca; các khoản hỗ trợ khi người lao động có thân nhân bị chết, người lao động có người thân kết hôn, sinh nhật của người lao động, trợ cấp cho người lao động gặp hoàn cảnh khó khăn khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và các khoản hỗ trợ, trợ cấp khác không liên quan đến thực hiện công việc hoặc chức danh trong hợp đồng lao động.

– Đối chiếu quy định nêu trên thì các khoản phụ cấp cấp bậc, chức vụ, độc hại được xác định là khoản phụ cấp lương được cộng với mức lương chính hoặc tiền công để đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc từ tháng 01/2016; khoản thưởng chuyên cần, phụ cấp tiền lương ca 3 (mà không phải là tiền ăn ca 3) được xác định là các khoản bổ sung khác được cộng với mức lương chính hoặc tiền công, phụ cấp lương để đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc từ năm 2018 trở đi (5 điểm).

Câu 31:                         

a/ Các quyền của đoàn viên công đoàn? (10 điểm)

b/ Với tư cách là cán bộ công đoàn, anh (chị) hãy cho biết ý kiến của mình về tình huống sau:

Chị A làm việc tại công ty X theo hợp đồng lao động có thời hạn 06 tháng. Ngày 01/6/2016, hợp đồng lao động lao động hết hạn và công ty không thông báo gì về việc chấm dứt hợp đồng lao động nên chị vẫn tiếp tục làm việc. Tiền lương tháng 6 của chị, công ty vẫn thanh toán đầy đủ và bình thường. Ngày 15/7/2016, lấy lý do công ty đã hoàn tất thủ tục tuyển thêm nhân lực để đảm đương vị trí công việc của chị và hợp đồng lao động giữa chị và công ty đã hết hạn từ tháng trước nên công ty chấm dứt hợp đồng lao động với chị. Công ty sẽ thanh toán đầy đủ tiền lương của 15 ngày làm việc trong tháng 7 còn lại cho chị (20 điểm).

Gợi ý trả lời:

a/ Đoàn viên công đoàn có các quyền sau:

– Yêu cầu Công đoàn đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng khi bị xâm phạm (1 điểm).

– Được thông tin, thảo luận, đề xuất và biểu quyết công việc của Công đoàn; được thông tin về đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước liên quan đến Công đoàn, người lao động; quy định của Công đoàn (2 điểm).

– Ứng cử, đề cử, bầu cử cơ quan lãnh đạo công đoàn theo quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam; chất vấn cán bộ lãnh đạo công đoàn; kiến nghị xử lý kỷ luật cán bộ công đoàn có sai phạm (2 điểm).

– Được Công đoàn tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý miễn phí pháp luật về lao động, công đoàn (1 điểm).

– Được Công đoàn hướng dẫn giúp đỡ tìm việc làm, học nghề; thăm hỏi, giúp đỡ lúc ốm đau hoặc khi gặp hoàn cảnh khó khăn (1 điểm).

– Tham gia hoạt động văn hoá, thể thao, du lịch do Công đoàn tổ chức (1 điểm).

– Đề xuất với Công đoàn kiến nghị cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp về việc thực hiện chế độ, chính sách, pháp luật đối với người lao động (Điều 18, LCĐ) (2 điểm).

b/ Ý kiến về tình huống:

– Căn cứ khoản 1, Điều 47, BLLĐ năm 2012:Ít nhất 15 ngày trước ngày hợp đồng lao động xác định thời hạn hết hạn, người sử dụng lao động phải thông báo bằng văn bản cho người lao động biết thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động” thì khi hợp đồng lao động của chị A hết hạn, công ty không thông báo gì về việc chấm dứt hợp đồng lao động là trái với quy định của pháp luật (4 điểm).

– Việc công ty thanh toán tiền lương của tháng 6 và 15 ngày làm việc trong tháng 7/2016 sau khi hợp đồng hết hạn cho chị chứng tỏ công ty hoàn toàn biết việc chị vẫn tiếp tục làm việc sau khi hợp đồng lao động của chị đã hết hiệu lực nhưng công ty đã không có ý kiến gì, điều đó thể hiện sự đồng thuận của công ty trong việc chị tiếp tục làm việc (4 điểm).

– Căn cứ khoản 2, Điều 22 của BLLĐ năm 2012, đối với hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất dịnh có thời hạn dưới 12 tháng hết hạn mà người lao động vẫn tiếp tục làm việc “thì trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày hợp đồng lao động hết hạn, hai bên phải ký kết hợp đồng lao động mới; nếu không ký kết hợp đồng lao động mới thì hợp đồng đã giao kết …trở thành hợp đồng lao động xác định thời hạn với thời hạn là 24 tháng”, theo đó, hợp đồng lao động của chị A với công ty X là hợp động có thời hạn dưới 12 tháng, khi hết hạn hợp đồng chị vẫn tiếp tục làm việc mà hai bên không ký kết hợp đồng lao động mới thì đương nhiên hợp đồng này trở thành hợp đồng lao động có thời hạn là 24 tháng. Do vậy, lý do công ty chấm dứt hợp đồng lao động với chị vì hợp đồng đã hết hạn là không có cơ sở (4 điểm).

– Căn cứ khoản 1, Điều 38 của BLLĐ năm 2012, lý do công ty chấm dứt hợp đồng lao động với chị A là đã hoàn tất thủ tục tuyển thêm nhân lực để đảm đương vị trí công việc của chị không thuộc một trong các trường hợp người sử dụng lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động. Do vậy, việc chấm dứt hợp đồng lao động của công ty với chị A là trái pháp luật (vi phạm khoản 1, Điều 38, BLLĐ) (4 điểm).

– Do công ty đã chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật với chị A nên công ty phải thực hiện nghĩa vụ của người sử dụng lao động khi đơn chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật được quy định tại Điều 42 của BLLĐ (4 điểm).

Câu 32:

a/ Đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật hiện hành? (15 điểm)

b/ Với tư cách là cán bộ công đoàn, anh (chị) hãy cho biết ý kiến của mình về tình huống sau:

Công đoàn cấp trên giao cho Công đoàn Công ty cử 10 đoàn viên đi dự mít tinh kỷ niệm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam, thời gian 01 buổi sáng (trong giờ làm việc). Chủ tịch Công đoàn trao đổi với Giám đốc, Giám đốc đồng ý cử người đi nhưng không trả ½ ngày lương cho 10 đoàn viên trên (15 điểm).

Gợi ý trả lời:

a/ Đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật hiện hành bao gồm người lao động và NSDLĐ. Cụ thể:

– Người lao động phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp là công dân Việt Nam, từ đủ 15 tuổi trở lên khi làm việc theo hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc như sau (khoản 1, Điều 3 và Khoản 1, 2, Điều 43, LVL; Điều 2, NĐ28CP):

+ Hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc không xác định thời hạn (3 điểm);

+ Hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc xác định thời hạn (3 điểm);

+ Hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng (Lưu ý: Trong trường hợp người lao động giao kết và đang thực hiện nhiều hợp đồng lao động nêu trên thì người lao động và người sử dụng lao động của hợp đồng lao động giao kết đầu tiên có trách nhiệm tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Người lao động giao kết và đang thực hiện một trong các loại hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc nêu trên nhưng đang hưởng lương hưu, giúp việc gia đình thì không phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp) (3 điểm);

+ Người lao động là người quản lý doanh nghiệp, quản lý hợp tác xã hưởng tiền lương và có tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội (3 điểm).

– NSDLĐ tham gia bảo hiểm thất nghiệp bao gồm (khoản 3, Điều 43, LVL): cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, đơn vị vũ trang nhân dân; tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp; cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam; doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình, hộ kinh doanh, tổ hợp tác, tổ chức khác và cá nhân có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng làm việc hoặc hợp đồng lao động quy định tại khoản 1 Điều 43, LVL (3 điểm).

b/ Ý kiến về tình huống:

          – Trước hết, phải xác định đây là vừa là quyền, vừa là trách nhiệm của công đoàn nên Công đoàn Công ty cần cử 10 đoàn viên đi dự mít tinh kỷ niệm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam theo yêu cầu của công đoàn cấp trên (5 điểm).

          – Căn cứ khoản 8, Điều 3 Nghị định số 45/2013/NĐ-CP ngày 10/5/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Bộ luật lao động về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi và an toàn lao động, vệ sinh lao động, thời giờ được tính vào thời giờ làm việc được hưởng lương gồm: “Thời giờ hội họp, tập huấn do yêu cầu của người sử dụng lao động hoặc được người sử dụng lao động đồng ý” thì việc Giám đốc đồng ý cử người đi nhưng không trả ½ ngày lương cho 10 đoàn viên trên là trái pháp luật (5 điểm).

          – Chủ tịch Công đoàn công ty cần trao đổi với Giám đốc về căn cứ pháp lý tại khoản 8, Điều 3 Nghị định số 45/2013/NĐ-CP ngày 10/5/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Bộ luật lao động về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi và an toàn lao động, vệ sinh lao động để vừa thuyết phục, đồng thời vừa xác định nghĩa vụ pháp lý của Giám đốc công ty là phải chi trả tiền lương cho 10 đoàn viên đi dự mít tinh kỷ niệm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (5 điểm).

Câu 33:

a/ Người sử dụng lao động được sử dụng người lao động làm thêm giờ khi đáp ứng đủ các điều kiện gì? (15 điểm)

b/ Với tư cách là cán bộ công đoàn, anh (chị) hãy cho biết ý kiến của mình về tình huống sau:

Hồi 23h ngày 20/2/2014, công an phường Q, thành phố V tiến hành kiểm tra hành chính đã phát hiện và bắt quả tang một nhóm đánh bạc ăn tiền tại nhà ông H. Trong số những người đánh bạc có hai công nhân công ty X có trụ sở tại phường Q. Tháng 5/2014, sau hơn hai tháng bị tạm giam, cơ quan cảnh sát điều tra đã ra quyết định không khởi tố vụ án mà chỉ xử phạt vi phạm hành chính những người đánh bạc. Sau đó công ty X đã tổ chức họp xét kỷ luật và Giám đốc ra quyết định sa thải đối với hai công nhân nói trên (15 điểm).

Gợi ý trả lời:

a/ Theo quy định tại khoản 2, Điều 106, BLLĐ 2012 và Điều 4, NĐ45CP thì NSDLĐ được sử dụng người lao động làm thêm giờ khi đáp ứng đủ các điều kiện sau:

–  Được sự đồng ý của người lao động (5 điểm);

– Bảo đảm số giờ làm thêm của người lao động không quá 50% số giờ làm việc bình thường trong 01 ngày, trường hợp áp dụng quy định làm việc theo tuần thì tổng số giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm không quá 12 giờ trong 01 ngày; không quá 12 giờ trong 01 ngày khi làm thêm vào ngày nghỉ lễ, tết và ngày nghỉ hằng tuần; không quá 30 giờ trong 01 tháng và tổng số không quá 200 giờ trong 01 năm.

NSDLĐ có thể huy động người lao động làm thêm giờ từ trên 200 giờ đến 300 giờ trong 01 năm  trong các trường hợp sau:

+ Sản xuất, gia công xuất khẩu sản phẩm là hàng dệt, may, da, giày, chế biến nông, lâm, thủy sản;

+ Sản xuất, cung cấp điện, viễn thông, lọc dầu; cấp, thoát nước;

+ Các trường hợp khác phải giải quyết công việc cấp bách, không thể trì hoãn.

Tuy nhiên, khi tổ chức làm thêm giờ với giới hạn này, NSDLĐ phải thông báo bằng văn bản cho cơ quan chuyên môn giúp Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quản lý nhà nước về lao động tại địa phương. (5 điểm);

– Sau mỗi đợt làm thêm tối đa 07 ngày liên tục trong tháng, người sử dụng lao động phải bố trí để người lao động nghỉ bù số thời gian đã không được nghỉ. Trường hợp không bố trí nghỉ bù đủ số thời gian thì phải trả lương làm thêm giờ theo quy định tại Điều 97 của Bộ luật lao động (5 điểm).

b/ Ý kiến về tình huống:

– Căn cứ khoản 1, Điều 126, BLLĐ năm 2012: “Hình thức xử lý kỷ luật sa thải được người sử dụng lao động áp dụng trong những trường hợp sau đây: “Người lao động có hành vi trộm cắp, tham ô, đánh bạc, cố ý gây thương tích, sử dụng ma tuý trong phạm vi nơi làm việc…”. Theo đó, hai công nhân có hành vi đánh bạc, ăn tiền nhưng tại nhà ông H, tức là không trong phạm vi nơi làm việc nên không thuộc trường hợp sa thải tại khoản 1, Điều 126 của BLLĐ. Do vậy, quyết định sa thải hai công nhân của Giám đốc là không có căn cứ hợp pháp (7.5 điểm).

– Căn cứ Điều 32, BLLĐ năm 2012 quy định các trường hợp tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, trong đó tại khoản 2 là trường hợp “Người lao động bị tạm giam, tạm giữ theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự” thì thời gian hai công nhân bị tam giam, tạm giữ hình sự là thời gian tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động.

– Khoản 5, Điều 36, BLLĐ 2012 quy định hợp đồng lao động chấm dứt trong trường hợp “Người lao động bị kết án tù gian, tử hình hoặc bị cấm đảm nhiệm công việc theo quyết định có hiệu lực pháp luật của tòa án”. Theo đó, hành vi đánh bạc ăn tiền của hai công nhân không dẫn đến hậu quả các công nhân này bị kết án tù gian, tử hình hoặc bị cấm đảm nhiệm công việc theo quyết định có hiệu lực pháp luật của tòa án và hai công nhân chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính nên việc chấm dứt hợp đồng lao động đối với họ là không có căn cứ pháp lý (7.5 điểm).

Lưu ý: Sau khi hết thời gian tạm giam, tạm giữ, hai công nhân cần thực hiện đúng nghĩa vụ theo quy định tại Điều 33 của BLLĐ, nếu không NSDLĐ có thể đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với họ theo căn cư tại điểm d, khoản 1, Điều 38, BLLĐ 2012.

Câu 34:

a/ Những trường hợp nào người sử dụng lao động không được thực hiện quyền đơn phương chấm hợp đồng lao động? (10 điểm)

b/ Với tư cách là cán bộ công đoàn, anh (chị) hãy cho biết ý kiến của mình về tình huống sau:

Ông T làm việc tại một công ty hóa dầu nhiên liệu từ ngày 01/9/2009 theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn. Ngày 17/8/2013, ông đã ngủ quên trong ca trực khi các thiết bị đang hoạt động bơm chuyển xăng từ bể số 19 sang bể số 1. Khi quản đốc phát hiện sự cố tràn xăng từ van xả nước của bể số 1 ra rãnh thoát nước, xí nghiệp đã huy động lực lượng xử lý, khắc phục sự cố. Sau khi thu gom, số xăng bị thất thoát là 3.229 lít, tương đương 56 triệu đồng. Công ty đã tiến hành kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và xử lý kỷ luật các cá nhân liên quan. Theo đó, ông T bị áp dụng hình thức kỷ luật sa thải (20 điểm).

 

Gợi ý trả lời:

a/ Căn cứ Điều 39, BLLĐ năm 2012, những trường hợp người sử dụng lao động không được thực hiện quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động bao gồm:

– Người lao động ốm đau hoặc bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đang điều trị, điều dưỡng theo quyết định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều 38 của Bộ luật này (2.5 điểm).

– Người lao động đang nghỉ hằng năm, nghỉ việc riêng và những trường hợp nghỉ khác được người sử dụng lao động đồng ý (2.5 điểm).

– Lao động nữ quy định tại khoản 3 Điều 155 của Bộ luật này (2.5 điểm).

– Người lao động nghỉ việc hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội (2.5 điểm).

b/ Ý kiến về tình huống:

– Căn cứ Điều 118, BLLĐ năm 2012: “Kỷ luật lao động là những quy định về việc tuân theo thời gian, công nghệ và điều hành sản xuất, kinh doanh trong nội quy lao động”, theo đó hành động ngủ quyên trong ca trực của ông T là hành vi vi phạm thời giời làm việc – vi phạm kỷ luật lao động (5 điểm).

– Căn cứ khoản 1, Điều 130, BLLĐ năm 2012, thiệt hại nghiêm trọng là thiệt hại trên 10 tháng lương tối thiểu vùng và theo quy định của Nghị định 153/2016/NĐ-CP ngày 14/11/2016 hiện hành thì mức lương tối thiểu vùng cao nhất áp dụng cho vùng I là 3.750.000 đồng/ 1 tháng, theo đó hành vi vi phạm kỷ luật lao động của ông T đã gây thất thoát 3.229 lít xăng của công ty, tương đương 56 triệu đồng là thiệt hại nghiêm trọng về tài sản cho người sử dụng lao động (5 điểm).

– Căn cứ khoản 1, Điều 126, BLLĐ năm 2012: “Hình thức xử lý kỷ luật sa thải được người sử dụng lao động áp dụng trong những trường hợp sau đây: “Người lao động có hành vi … gây thiệt hại nghiêm trọng hoặc đe doạ gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về tài sản, lợi ích của người sử dụng lao động;” thì hành vi vi phạm kỷ luật lao động của ông T gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản của người sử dụng lao động là đủ căn cứ để công ty áp dụng hình hức sa thải đối với ông (5 điểm).

– Tuy nhiên, khoản 3, Điều 128, BLLĐ năm 2012 quy định cấm xử lý kỷ luật lao động đối với những hành vi không được quy định trong nội quy lao động nên giám đốc công ty chỉ được tiến hành sa thải ông T nếu nội quy lao động của công ty quy định về hành vi vi phạm kỷ luật này (5 điểm).

Câu 35:

a/ Nghĩa vụ của người lao động khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật? (15 điểm)

b/ Với tư cách là cán bộ công đoàn, anh (chị) hãy cho biết ý kiến của mình về tình huống sau:

Giám đốc công ty quyết định bồi dưỡng cho nhóm lao động làm công việc độc hại 1 cốc sữa/người/ca làm việc vào giờ nghỉ giữa ca. Cho rằng thực hiện như vậy không thuận tiện vì người lao động làm việc phân tán nên nhóm lao động đề nghị giám đốc thanh toán bằng tiền cho họ để họ tự mua và uống ở nhà. Giám đốc đồng ý với đề nghị này (15 điểm).

Gợi ý trả lời:

a/ Căn cứ Điều 43, BLLĐ năm 2012, khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật, người lao động có các nghĩa vụ sau:

– Không được trợ cấp thôi việc và phải bồi thường cho người sử dụng lao động nửa tháng tiền lương theo hợp đồng lao động.

– Nếu vi phạm quy định về thời hạn báo trước thì phải bồi thường cho người sử dụng lao động một khoản tiền tương ứng với tiền lương của người lao động trong những ngày không báo trước.

– Phải hoàn trả chi phí đào tạo cho người sử dụng lao động (nếu có).

b/ Ý kiến về tình huống:

– Căn cứ vào các cơ sở pháp lý:

+ Điều 141, BLLĐ năm 2012: “Người làm việc trong điều kiện có yếu tố nguy hiểm, độc hại được người sử dụng lao động bồi dưỡng bằng hiện vật theo quy định của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội”;

 + Khoản 2, Điều 3, Thông tư số 25/2013/TT-BLĐTBXH, ngày 18 tháng 10 năm 2013 hướng dẫn thực hiện chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật đối với người lao động làm việc trong điều kiện có yếu tố nguy hiểm, độc hại quy định nguyên tắc tổ chức bồi dưỡng bằng hiện vật: “Không được trả bằng tiền, không được trả vào lương (gồm cả đưa vào đơn giá tiền lương) thay cho hiện vật bồi dưỡng”;

+ Khoản 3, Điều 3, Thông tư số 25/2013/TT-BLĐTBXH, ngày 18 tháng 10 năm 2013 hướng dẫn thực hiện chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật đối với người lao động làm việc trong điều kiện có yếu tố nguy hiểm, độc hại quy định nguyên tắc tổ chức bồi dưỡng bằng hiện vật: “Trường hợp do tổ chức lao động không ổn định, không thể tổ chức bồi dưỡng tập trung tại chỗ được (ví dụ: làm việc lưu động, phân tán, ít người), người sử dụng lao động phải cấp hiện vật cho người lao động để người lao động có trách nhiệm tự bồi dưỡng theo quy định. Trong trường hợp này, người sử dụng lao động phải lập danh sách cấp phát, có ký nhận của người lao động; thường xuyên kiểm tra việc thực hiện bồi dưỡng của người lao động”;

Thì:

+ Việc giám đốc đồng ý thay vì bồi dưỡng 1 cốc sữa/người/ca làm việc vào giờ nghỉ giữa ca bằng việc thanh toán bằng tiền cho nhóm người lao động làm công việc độc hại để họ tự mua và uống ở nhà là không đúng với quy định của pháp luật.

+ Nếu việc bồi dưỡng bằng hiện vật như vậy thực hiện không thuận tiện vì người lao động làm việc phân tán thì công ty chỉ có thể cấp hiện vật cho người lao động để người lao động có trách nhiệm tự bồi dưỡng theo quy định bằng cách lập danh sách cấp phát, có ký nhận của người lao động; thường xuyên kiểm tra việc thực hiện bồi dưỡng của người lao động.

Khoản 13, Điều 1, NĐ88CP quy định: “4. Phạt tiền người sử dụng lao động có một trong các hành vi: Không trang bị đầy đủ phương tiện bảo vệ cá nhân hoặc có trang bị nhưng không đạt tiêu chuẩn về chất lượng, quy cách theo quy chuẩn kỹ thuật đối với người làm công việc có yếu tố nguy hiểm, độc hại; không thực hiện chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật cho người lao động làm việc trong điều kiện có yếu tố nguy hiểm, độc hại; bồi dưỡng bằng hiện vật cho người lao động làm công việc độc hại, nguy hiểm không đúng mức theo quy định; trả tiền thay cho việc bồi dưỡng bằng hiện vật theo một trong các mức sau đây:

  1. a) Từ 3.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động;
  2. b) Từ 6.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động;
  3. c) Từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng với vi phạm từ 51 người đến 100 người lao động;
  4. d) Từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng với vi phạm từ 101 người đến 300 người lao động;

đ) Từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng với vi phạm từ 301 người lao động trở lên.

b/ Với tư cách là cán bộ công đoàn, anh (chị) hãy cho biết ý kiến của mình về tình huống sau:

Câu 36:

a/ Người lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định của pháp luật hiện hành? (15 điểm)

b/ Với tư cách là cán bộ công đoàn, anh (chị) hãy cho biết ý kiến của mình về tình huống sau:

Tại Đại hội Công đoàn Công ty X, Ban thẩm tra tư cách đại biểu vừa báo cáo trước Đại hội kết quả thẩm tra tư cách đại biểu, trong đó có trường hợp đồng chí H đang trong thời gian thi hành quyết định kỷ luật lao động với hình thức khiển trách nhưng đồng chí H đã được Ban chấp hành xem xét và quyết định đủ tư cách là đại biểu chính thức. Có ý kiến cho rằng đồng chí trên đang trong thời gian thi hành quyết định kỷ luật lao động với hình thức khiển trách nên không đủ tư cách dự Đại hội (15 điểm).

 

Gợi ý trả lời:

a/ Người lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định của pháp luật hiện hành bao gồm người lao động là công dân Việt Nam và người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam.

– Người lao động là công dân Việt Nam thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bao gồm (khoản 1, Điều 2, Luật BHXH 2014; khoản 1, Điều 2, NĐ115):

+ Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả hợp đồng lao động được ký kết giữa người sử dụng lao động với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động (2 điểm);

+ Người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng (áp dụng từ ngày 01/1/2018) (2 điểm);

+ Cán bộ, công chức, viên chức (1 điểm);

+ Công nhân quốc phòng, công nhân công an, người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu (1 điểm);

+ Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật công an nhân dân; người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân (1 điểm);

+ Hạ sĩ quan, chiến sĩ quân đội nhân dân; hạ sĩ quan, chiến sĩ công an nhân dân phục vụ có thời hạn; học viên quân đội, công an, cơ yếu đang theo học được hưởng sinh hoạt phí (1 điểm);

+ Người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng quy định tại Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (1 điểm);

+ Người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã có hưởng tiền lương (1 điểm);

+ Người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn (1 điểm);

+ Ngưởi hưởng chế độ phu nhân hoặc phu quân tại cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài (1 điểm).

(Lưu ý một số đối tượng người lao động không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định tại khoản 1, Điều 2, TT59 và khoản 4, Điều 2, NĐ115CP)

– Người lao động là công dân nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam có giấy phép lao động hoặc chứng chỉ hành nghề hoặc giấy phép hành nghề do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp được tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định của Chính phủ(3 điểm).

 b/ Ý kiến về tình huống:

Tại mục 4 Điều 10 – Điều lệ Công đoàn Việt Nam khóa XI quy định: “Trường hợp đại biểu bị kỷ luật từ hình thức khiển trách (theo quy định của Bộ Luật Lao động) hoặc cảnh cáo (đối với các trường hợp khác) trở lên thì Ban chấp hành cấp triệu tập xem xét, quyết định tư cách đại biểu và sau đó báo cáo cho Đại hội biết. Người bị khởi tố, tạm giam thì không đủ tư cách đại biểu”.

 Ban thẩm tra tư cách đại biểu đã báo cáo trước Đại hội về trường hợp của đồng chí H, đồng chí H đã được Ban chấp hành xem xét và quyết định đủ tư cách là đại biểu chính thức. Như vậy, đại biểu nêu trên vẫn có thể đủ tư cách dự Đại hội (7.5 điểm).

Trong trường hợp trên, người điều khiển Đại hội phải giải thích trước Đại hội về trường hợp của đại biểu H và trích dẫn nội dung mục 4 Điều 10 – Điều lệ Công đoàn Việt Nam khóa XI để tất cả đại biểu dự Đại hội hiểu và biểu quyết công nhận tư cách đại biểu (7.5 điểm).