Tiếp theo các nội dung tư vấn pháp luật tại kỳ trước, kỳ này Văn phòng Tư vấn pháp luật tiếp tục gửi tới bạn đọc các câu hỏi tư vấn và xử lý tình huống theo quy định của pháp luật như sau:
Câu hỏi 1
Người lao động (NLĐ) tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động (HĐLĐ) thời gian từ 3 đến 12 tháng,nghỉ ốm đau. Vậy người lao động có phải đóng đoàn phí công đoàn không? Quy định mức đóng kinh phí công đoàn của doanh nghiệp và đoàn phí của đoàn viên công đoàn như thế nào?
Trả lời:
– Căn cứ phần 1.6 Mục 1 Hướng dẫn số 258/HD-TLĐ ngày 07/03/2014 của Tổng Liên đoàn LĐVN về hướng dẫn đóng đoàn phí của đoàn viên công đoàn. Cụ thể:
“1- Đối tượng, mức đóng và tiền lương làm căn cứ đóng đoàn phí.
………………………….
1.6- Đoàn viên công đoàn hưởng trợ cấp Bảo hiểm xã hội từ 01 tháng trở lên, trong thời gian hưởng trợ cấp không phải đóng đoàn phí; Đoàn viên công đoàn không có việc làm, không có thu nhập, nghỉ việc riêng từ 01 tháng trở lên không hưởng tiền lương, trong thời gian đó không phải đóng đoàn phí.”
Như vậy, NLĐ tạm hoãn thực hiện HĐLĐ do đó không có thu nhập trong bảng lương của doanh nghiệp thì NLĐ không phải đóng đoàn phí công đoàn.
– Căn cứ Công văn số 1524/TLĐ ngày 13/10/2014 của Tổng Liên đoàn LĐVN về thu đoàn phí của đoàn viên trong Công đoàn DKVN thì mức đóng đoàn phí công đoàn quy định như sau:
Cơ sở để thu đoàn phí của đoàn viên bằng 1% tiền lương thực lĩnh hàng tháng. Tiền lương thực lĩnh làm căn cứ tính thu đoàn phí là tiền lương đã khấu trừ tiền đóng BHXH, BHYT, BHTN, thuế thu nhập cá nhân của đoàn viên
– Căn cứ Điều 5 Nghị định số 191/2013/NĐ-CP ngày 21/11/2013 của Chính phủ quy địnhchi tiết về tài chính công đoàn thì mức đóng và căn cứ đóng kinh phí công đoàn như sau:
“Điều 5. Mức đóng và căn cứ đóng kinh phí công đoàn
Mức đóng bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động. Quỹ tiền lương này là tổng mức tiền lương của những người lao động thuộc đối tượng phải đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.
……………………..”
Câu hỏi 2
Điều kiện hưởng chế độ tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp như thế nào?
Trả lời:
– Căn cứ Điều 43, Luật Bảo hiểm Xã hội năm 2014, điều kiện hưởng chế độ tai nạn lao động được quy định như sau:
“Điều 43. Điều kiện hưởng chế độ tai nạn lao động
Người lao động được hưởng chế độ tai nạn lao động khi có đủ các điều kiện sau đây:
- Bị tai nạn thuộc một trong các trường hợp sau đây:
- a) Tại nơi làm việc và trong giờ làm việc;
- b) Ngoài nơi làm việc hoặc ngoài giờ làm việc khi thực hiện công việc theo yêu cầu của người sử dụng lao động;
- c) Trên tuyến đường đi và về từ nơi ở đến nơi làm việc trong khoảng thời gian và tuyến đường hợp lý.
- Suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên do bị tai nạn quy định tại khoản 1 Điều này.”
– Căn cứ Điều 44, Luật Bảo hiểm Xã hội năm 2014, điều kiện hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp được quy định như sau:
“Điều 44. Điều kiện hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp
Người lao động được hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp khi có đủ các điều kiện sau đây:
- Bị bệnh thuộc danh mục bệnh nghề nghiệp do Bộ Y tế và Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành khi làm việc trong môi trường hoặc nghề có yếu tố độc hại;
- Suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên do bị bệnh quy định tại khoản 1 Điều này”.
Câu hỏi 3
Theo Điều lệ Công đoàn Việt Nam thì cán bộ công đoàn là những ai?
Trả lời:
– Căn cứ Điều 5 Điều lệ Công đoàn Việt Nam được Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XI thông qua ngày 30/7/2013 thì cán bộ công đoàn được hiểu như sau:
“Điều 5. Cán bộ công đoàn
- Cán bộ công đoàn là người đảm nhiệm các chức danh từ tổ phó công đoàn trở lên thông qua bầu cử tại đại hội hoặc hội nghị công đoàn; được cấp công đoàn có thẩm quyền chỉ định, công nhận, bổ nhiệm vào các chức danh cán bộ công đoàn hoặc được giao nhiệm vụ thường xuyên để thực hiện chức năng, nhiệm vụ của tổ chức công đoàn.
- Cán bộ công đoàn gồm cán bộ công đoàn chuyên trách và cán bộ công đoàn không chuyên trách.
- Cán bộ công đoàn chuyên trách là người đảm nhiệm công việc thường xuyên trong tổ chức Công đoàn, được đại hội, hội nghị công đoàn các cấp bầu ra hoặc được cấp có thẩm quyền của công đoàn bổ nhiệm, chỉ định.
- Cán bộ công đoàn không chuyên trách là người làm việc kiêm nhiệm, do đoàn viên tín nhiệm bầu vào các chức danh từ tổ phó công đoàn trở lên và được cấp có thẩm quyền của công đoàn công nhận hoặc chỉ định.”
– Căn cứ Mục 4 Hướng dẫn số 238/HD-TLĐ ngày 04/3/2014 của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn LĐVN về hướng dẫn thi hành Điều lệ Công đoàn Việt Nam:
“4. Về cán bộ công đoàn theo Điều 5, Điều 6 thực hiện như sau:
4.1. Cán bộ công đoàn bao gồm: Tổ trưởng, tổ phó công đoàn, ủy viên ban chấp hành công đoàn các cấp; ủy viên ủy ban kiểm tra công đoàn các cấp, ủy viên các ban quần chúng công đoàn các cấp thông qua kết quả bầu cử, hoặc cấp công đoàn có thẩm quyền chỉ định. Cán bộ, công chức làm công tác nghiệp vụ công đoàn trong bộ máy tổ chức của công đoàn các cấp.”
Câu hỏi 4
Theo quy định của pháp luật hiện hành: Chứng thực là gì? Công chứng là gì? Công chứng và chứng thực có điểm gì giống khác nhau? Thủ tục thực hiện chứng thực và thủ tục công chứng?
Trả lời:
Theo khoản 1, Điều 2 của Luật Công chứng số 53/2014/QH13 ngày 20 tháng 6 năm 2014 thì Công chứng là việc công chứng viên của một tổ chức hành nghề công chứng chứng nhận tính xác thực, hợp pháp của hợp đồng, giao dịch dân sự bằng văn bản mà theo quy định của pháp luật phải công chứng hoặc cá nhân, tổ chức tự nguyện yêu cầu công chứng.
Còn chứng thực hợp đồng, giao dịch: là việc cơ quan có thẩm quyền theo quy định tại Nghị định 23/2015/NĐ-CP, ngày 16 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ “về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch” chứng thực về thời gian, địa điểm giao kết hợp đồng, giao dịch; năng lực hành vi dân sự, ý chí tự nguyện, chữ ký hoặc dấu điểm chỉ của các bên tham gia hợp đồng, giao dịch” (khoản 4, Điều 2).
Theo đó, công chứng hợp đồng, giao dịch hay chứng thực hợp đồng, giao dịch đều là sự chứng nhận, hay xác nhận tính có thực của một hợp đồng, giao dịch nào đó, các bên tham gia hợp đồng, giao dịch đều có năng lực hành vi dân sự và các bên đã tự nguyện tham gia ký kết hợp đồng, giao dịch. Tuy nhiên hai hoạt động này có những điểm khác biệt cơ bản sau đây:
- Về cơ quan thực hiện
Đối với chứng thực hợp đồng, giao dịch: Phòng Tư pháp cấp huyện và Ủy ban nhân dân cấp xã có thẩm quyền chứng thực hợp đồng, giao dịch thực hiện;
Đối với công chứng hợp đồng, giao dịch: Tổ chức hành nghề công chứng (Phòng Công chứng, Văn phòng Công chứng) thực hiện.
- Về người thực hiện
Đối với chứng thực hợp đồng, giao dịch: Ở các Phòng Tư pháp, thì Trưởng Phòng, Phó trưởng Phòng Tư pháp là người thực hiện chứng thực chữ ký người dịch. Ở Ủy ban nhân dân cấp xã, Chủ tịch/Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có thẩm quyền chứng thực.
Đối với công chứng hợp đồng, giao dịch: Công chứng là hoạt động do công chứng viên thực hiện, hay nói cách khác, chủ thể thực hiện hoạt động công chứng chỉ là công chứng viên. Công chứng viên là những người đáp ứng được đầy đủ điều kiện về trình độ pháp lý, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, thâm niên công tác… do Bộ trưởng Bộ Tư pháp bổ nhiệm, miễn nhiệm.
- Về giá trị pháp lý
Theo quy định của Nghị định số 23/2015/NĐ-CP thì hợp đồng, giao dịch được chứng thực có giá trị chứng cứ chứng minh về thời gian, địa điểm các bên đã ký kết hợp đồng, giao dịch; năng lực hành vi dân sự, ý chí tự nguyện, chữ ký hoặc dấu điểm chỉ của các bên tham gia hợp đồng, giao dịch.
Hợp đồng, giao dịch được công chứng có hiệu lực thi hành đối với các bên liên quan. Hợp đồng, giao dịch được công chứng có giá trị chứng cứ; những tình tiết, sự kiện trong hợp đồng, giao dịch được công chứng không phải chứng minh, trừ trường hợp bị Tòa án tuyên bố là vô hiệu.
- Về trách nhiệm của người thực hiện chứng thực và công chứng viên:
Trách nhiệm của người thực hiện chứng thực và công chứng viên là hoàn toàn khác nhau:
Người thực hiện chứng thực chịu trách nhiệm về thời gian, địa điểm giao kết hợp đồng, giao dịch; năng lực hành vi dân sự, ý chí tự nguyện, chữ ký hoặc điểm chỉ của các bên tham gia hợp đồng, giao dịch. Không chịu trách nhiệm về nội dung của hợp đồng, giao dịch được chứng thực (trừ trường hợp người thực hiện chứng thực biết rõ ràng là hợp đồng, giao dịch đó trái pháp luật).
Công chứng viên phải chịu trách nhiệm về tính xác thực, hợp pháp của hợp đồng, giao dịch được công chứng (chịu trách nhiệm về mặt nội dung); về toàn bộ hợp đồng, giao dịch được công chứng và họ phải chịu trách nhiệm cá nhân cả đời về việc mà họ đã công chứng.
- Thủ tục thực hiện chứng thực và thủ tục công chứng
Điều 36 Nghị định số 23/2015/NĐ-CP chỉ quy định một thủ tục chứng thực hợp đồng, giao dịch khá đơn giản cho chứng thực tất cả các loại hợp đồng, giao dịch khác nhau. Cụ thể, thủ tục chứng thực hợp đồng, giao dịch có các bước như sau: Bước 1. Xuất trình hồ sơ hợp lệ. Người yêu cầu chứng thực nộp 01 một bộ hồ sơ trong đó có dự thảo hợp đồng, giao dịch cần chứng thực; Bước 2. Kiểm tra hồ sơ. Người thực hiện chứng thực tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ của người yêu cầu chứng thực, nếu hợp lệ thì thực hiện chứng thực; Bước 3. Thực hiện chứng thực. Người thực hiện chứng thực yêu cầu các bên tham gia hợp đồng, giao dịch phải ký trước mặt mình, ghi lời chứng, ký tên đóng dấu; Bước 4. Trả kết quả chứng thực, thu lệ phí chứng thực.
Thủ tục công chứng hợp đồng, giao dịch được quy định tại Điều 40, 41 của Luật Công chứng. Thủ tục công chứng hợp đồng, giao dịch có hai loại: hợp đồng, giao dịch do người yêu cầu công chứng tự soạn thảo và hợp đồng, giao dịch do công chứng viên soạn thảo. Cụ thể thủ tục công chứng hợp đồng, giao dịch có các bước như sau: Bước 1. Người yêu cầu công chứng lập một bộ hồ sơ, trong đó có dự thảo hợp đồng, giao dịch cần chứng thực; Bước 2. Công chứng viên kiểm tra giấy tờ trong hồ sơ yêu cầu công chứng. Trường hợp hồ sơ yêu cầu công chứng đầy đủ, phù hợp với quy định của pháp luật thì thụ lý và ghi vào sổ công chứng; Bước 3. Công chứng viên ghi lời chứng, ký vào từng trang của hợp đồng, giao dịch; Bước 4. Trả kết quả chứng thực, thu phí công chứng.
Câu hỏi 5
Lao động nữ sinh con được 6 tháng tuổi, sau đó đi làm việc bình thường tại doanh nghiệp. Hỏi chế độ và thời giờ làm việc của lao động nữ được quy định như thế nàokhi nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi? Nếu doanh nghiệp không cho lao động nữ nghỉ mỗi ngày 60 phút trong thời gian nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi theo quy định của pháp luật thì sẽ bị xử phạt như thế nào?
Trả lời:
– Căn cứ Điều 155 Bộ luật Lao động năm 2012quy định về việc bảo vệ thai sản đối với lao động nữ như sau:
“Điều 155. Bảo vệ thai sản đối với lao động nữ
- Người sử dụng lao động không được sử dụng lao động nữ làm việc ban đêm, làm thêm giờ và đi công tác xa trong các trường hợp sau đây:
- a) Mang thai từ tháng thứ 07 hoặc từ tháng thứ 06 nếu làm việc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo;
- b) Đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.
- Lao động nữ làm công việc nặng nhọc khi mang thai từ tháng thứ 07, được chuyển làm công việc nhẹ hơn hoặc được giảm bớt 01 giờ làm việc hằng ngày mà vẫn hưởng đủ lương.
- Người sử dụng lao động không được sa thải hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với lao động nữ vì lý do kết hôn, mang thai, nghỉ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng tuổi, trừ trường hợp người sử dụng lao động là cá nhân chết, bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc là đã chết hoặc người sử dụng lao động không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động.
- Trong thời gian mang thai, nghỉ hưởng chế độ khi sinh con theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, nuôi con dưới 12 tháng tuổi, lao động nữ không bị xử lý kỷ luật lao động.
- Lao động nữ trong thời gian hành kinh được nghỉ mỗi ngày 30 phút; trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi, được nghỉ mỗi ngày 60 phút trong thời gian làm việc. Thời gian nghỉ vẫn được hưởng đủ tiền lương theo hợp đồng lao động.”
– Căn cứ Điều 18 Nghị định 95/2013/NĐ-CP quy định xử phạt đối các vi phạm quy định về lao động nữ như sau:
“Điều 18. Vi phạm quy định về lao động nữ
- Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:
- a) Không tham khảo ý kiến của lao động nữ hoặc đại diện của họ khi quyết định những vấn đề có liên quan đến quyền và lợi ích của lao động nữ;
- b) Không cho lao động nữ nghỉ 30 phút mỗi ngày trong thời gian hành kinh.
- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:
- a) Sử dụng lao động nữ làm thêm giờ, làm việc ban đêm và đi công tác xa thuộc một trong các trường hợp: Mang thai từ tháng thứ 07 hoặc từ tháng thứ 06 nếu làm việc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi;
- b) Không thực hiện việc chuyển công việc hoặc giảm giờ làm đối với lao động nữ mang thai từ tháng thứ 07 đang làm công việc nặng nhọc theo quy định tại Khoản 2 Điều 155 của Bộ luật lao động;
- c) Không cho lao động nữ trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi nghỉ 60 phút mỗi ngày;
- d) Không bảo đảm việc làm cũ khi lao động nữ trở lại làm việc sau khi hết thời gian nghỉ thai sản theo quy định tại Khoản 1 và Khoản 3 Điều 157 của Bộ luật lao động;
đ) Xử lý kỷ luật lao động đối với lao động nữ đang trong thời gian mang thai, nghỉ hưởng chế độ khi sinh con theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, nuôi con dưới 12 tháng tuổi;
- e) Sa thải hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với lao động nữ vì lý do kết hôn, có thai, nghỉ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng tuổi, trừ trường hợp người sử dụng lao động là cá nhân chết, bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc là đã chết hoặc người sử dụng lao động không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động;
- g) Sử dụng lao động nữ làm công việc không được sử dụng lao động nữ theo quy định tại Điều 160 của Bộ luật lao động.”
Như vậy, trong trường hợp trêndoanh nghiệp đã vi phạm quy định tại Khoản 5 Điều 155 Bộ luật Lao động năm 2012 và doanh nghiệp phải chịu mức phạt theo quy định tại Điểm c Khoản 2 Điều 18 Nghị định 95/2013/NĐ-CP.
Câu hỏi 6
Tài chính công đoàn được kiểm tra, giám sát như thế nào?
Trả lời:
– Căn cứ Điều 29 Luật Công đoàn năm 2012 quy định việc kiểm tra, giám sát tài chính công đoàn như sau:
“Điều 29. Kiểm tra, giám sát tài chính Công đoàn
- Công đoàn cấp trên hướng dẫn, kiểm tra và giám sát việc thực hiện công tác tài chính của công đoàn cấp dưới theo quy định của pháp luật và quy định của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
- Cơ quan kiểm tra của Công đoàn kiểm tra việc quản lý, sử dụng tài chính của Công đoàn theo quy định của pháp luật và quy định của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
- Cơ quan nhà nước có thẩm quyền giám sát, kiểm tra, thanh tra, kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính của Công đoàn theo quy định của pháp luật.”
– Căn cứ Điều 40 Điều lệ Công đoàn Việt Nam quy định: Ủy ban Kiểm tra là Cơ quan kiểm tra của Công đoàn được thành lập ở các cấp Công đoàn, do Ban Chấp hành Công đoàn cấp đó bầu ra và phải được Công đoàn cấp trên trực tiếp công nhận.
Văn phòng Tư vấn pháp luật