06/01/2014 2:36:55

Công đoàn tham gia xây dựng và sửa đổi luật BHXH- Kinh nghiệm CHLB Đức

Ngày 06/1/2014 tại Hà Nội, Tổng Liên đoàn LĐVN phối hợp với Viện Friedrich Ebert (FES) tại Việt Nam tổ chức Toạ đàm “Công đoàn tham gia xây dựng và sửa đổi luật BHXH- Kinh nghiệm CHLB Đức” với sự tham dự của Phó Chủ tịch TLĐ Mai Đức Chính, Trưởng đại diện Viện FES tại Việt Nam – ông Erwin Shweisshelm và đại diện một số LĐLĐ tỉnh, TP, CĐ ngành TW.

Tại buổi toạ đàm các chuyên gia cao cấp, đại biểu Quốc hội CHLB Đức đã chia sẻ các nghiên cứu về dân số học và bảo hiểm hưu trí ở Việt nam- Những quan sát và một số khuyến nghị cho việc sửa đổi Luật BHXH; Thực thi về mặt pháp lý các nghĩa vụ và quyền lợi bảo hiểm xã hội ở Đức, các hình thức bảo hiểm đối với những lao động không điển hình…

0011

Chia sẻ tại buổi toạ đàm, bà Sonja Steffen- Luật sư, Nghị sĩ Quốc hội Liên bang Đức cho biết: Tại Đức, BHXH gồm 5 trụ cột: Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm hưu trí, Bảo hiểm thất nghiệp, Bảo hiểm tai nạn, Bảo hiểm chăm sóc. Bảo hiểm xã hội được nhà nước giám sát: tất cả được quy định trong luật công, nghĩa là mọi công dân đều có quyền khiếu nại và kiện lên toà xã hội để thẩm tra lại các quyết định. Ngoài ra còn có một khung pháp luật hình sự rất nghiêm khắc, việc trốn đóng BHXH phải chịu mức phạt tiền và phạt tù cao… Theo Bộ luật Hình sự Đức: Người sử dụng lao động không trích nộp khoản đóng phí BHXH đến hạn nộp của NLĐ sẽ bị phạt tù cho đến 5 năm hoặc bị phạt tiền.

Thông tin về đánh giá của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) về tính toán bảo hiểm và Quỹ BHXH tại Việt Nam, TS Michael Daudestadt (chuyên gia của Viện FES) nêu: Về cơ bản sẽ có 4 biến số để điều chỉnh hệ thống lương hưu trước những thách thức của thay đổi về dân số, đó là: Tuổi nghỉ hưu, điều kiện và tiêu chí được hưởng, mức đóng lương hưu thực tế, tăng mức đóng phí. Từ đó báo cáo đưa ra 4 phương án giải quyết vấn đề an toàn quỹ và cân bằng quyền lợi người thụ hưởng.

Qua chia sẻ của các chuyên gia, đại diện LĐLĐ tỉnh, TP, CĐ ngành TW đã tìm hiểu các kinh nghiệm trong việc xây dựng luật BHXH, các chính sách an sinh xã hội tại nước bạn qua đó soi chiếu, làm rõ những bất cập, đưa ra các đóng góp vào dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi.

Phát biểu tại Toạ đàm, Phó Chủ tịch Mai Đức Chính nhấn mạnh: Qua hơn 5 năm thực hiện, Luật BHXH đã từng bước đi vào thực tiễn cuộc sống, đối tượng tham gia BHXH tăng theo từng năm. Tuy nhiên, mặc dù tăng hàng năm nhưng số người tham gia BHXH vẫn chiếm tỉ lệ thấp so với lực lượng lao động. Mặt khác, tình trạng nợ, trốn đóng BHXH ngày càng phức tạp, tính đến cuối năm 2013, số nợ BHXH đã lên tới gần 11 nghìn tỉ đồng. Bên cạnh những mặt tích cực, Luật BHXH cũng đã bộc lộ nhiều vấn đề cần được điều chỉnh cho phù hợp với thực tế. Theo nghiên cứu của TLĐ, dự thảo Luật BHXH sửa đổi có 4 điểm được điều chỉnh có lợi hơn cho NLĐ nhưng cũng có 4 điểm làm giảm quyền lợi của NLĐ. Với trách nhiệm là người đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ, Tổng Liên đoàn LĐVN và các cấp CĐ luôn xác định việc tham gia xây dựng pháp luật nói chung và Luật BHXH nói riêng đặc biệt có ý nghĩa quan trọng thể hiện rõ chức năng và vai trò của tổ chức CĐ. Đồng chí mong muốn, qua sự hỗ trợ, trao đổi kinh nghiệm từ phía Đức, tổ chức CĐVN có thêm kinh nghiệm trong quá trình tham gia xây dựng và đấu tranh bảo vệ quyền lợi người lao động thông qua việc xây dựng pháp luật lao động nói chung và Luật BHXH nói riêng.