Văn phòng Tư vấn pháp luật
Tiếp theo các nội dung tư vấn pháp luật tại Tờ thông tin kỳ trước, kỳ này (Số 05/2015) Văn phòng Tư vấn pháp luật tiếp tục gửi tới bạn đọc cáccâu hỏi tư vấn và xử lý tình huống theo quy định của pháp luật như sau:
Câu 1.
Người lao động làm việc ở các Doanh nghiệp Nhà nước hàng tháng phải đóng đoàn phí công đoàn là bao nhiêu?
Trả lời:
Căn cứ tiểu mục 1.2 Hướng dẫn 258/HD-TLĐ ngày 07/3/2014 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về hướng dẫn đóng đoàn phí công đoàn:
“I- Đối tượng, mức đóng, tiền lương làm căn cứ đóng đoàn phí, phương thức đóng và quản lý tiền đoàn phí.
1- Đối tượng, mức đóng và tiền lương làm căn cứ đóng đoàn phí.
….
1.2- Đoàn viên ở các công đoàn cơ sở doanh nghiệp nhà nước (bao gồm cả công đoàn Công ty cổ phần nhà nước giữ cổ phần chi phối) mức đóng đoàn phí công đoàn hàng tháng bằng 1% tiền lương thực lĩnh (tiền lương đã khấu trừ tiền đóng BHXH, BHYT, BHTN, thuế thu nhập cá nhân của đoàn viên), nhưng mức đóng hàng tháng tối đa bằng 10% tiền lương cơ sở theo quy định của Nhà nước.
…”.
Như vậy, người lao động làm việc tại các Doanh nghiệp Nhà nước hàng tháng phải đóng đoàn phí là 1% tiền lương thực lĩnh (tiền lương đã khấu trừ tiền đóng BHXH, BHYT, BHTN, thuế thu nhập cá nhân của đoàn viên), nhưng mức đóng hàng tháng tối đa bằng 10% tiền lương cơ sở theo quy định của Nhà nước.
Câu hỏi 2.
Công đoàn cơ sở phải nộp lên công đoàn cấp trên trực tiếp được phân cấp quản lý tài chính công đoàn cơ sở là bao nhiêu % nguồn thu tài chính công đoàn?
Trả lời:
Căn cứ khoản 2 Điều 6 Quyết định 270/QĐ-TLĐ ngày 07/3/2014 về việc ban hành quy định về phân cấp thu, phân phối nguồn thu tài chính công đoàn:
“Điều 6. Phân phối nguồn thu tài chính cho công đoàn cơ sở.
1- Công đoàn cơ sở được sử dụng 65% tổng số thu kinh phí công đoàn, 60% tổng số thu đoàn phí công đoàn và 100% tổng số thu khác của đơn vị.
2- Nộp kinh phí lên công đoàn cấp trên của công đoàn cơ sở được phân cấp thu kinh phí công đoàn.
Công đoàn cơ sở được phân cấp thu kinh phí công đoàn phải nộp lên công đoàn cấp trên được phân cấp quản lý tài chính công đoàn cơ sở 35% tổng số thu kinh phí công đoàn và 40% tổng số thu đoàn phí công đoàn. Trong năm nộp theo dự toán, khi có quyết toán nộp theo số thu quyết toán.
…”.
Như vậy, công đoàn cơ sở phải nộp lên công đoàn cấp trên trực tiếp được phân cấp quản lý tài chính công đoàn cơ sở là 35% tổng số thu kinh phí công đoàn và 40% tổng số thu đoàn phí công đoàn.
Câu hỏi 3.
Mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện của người lao động theo quy định của pháp luật hiện hành?
Trả lời:
Căn cứ khoản 1 Điều 100 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2006[1]:
“Điều 100. Mức đóng và phương thức đóng của người lao động
- Mức đóng hằng tháng bằng 16% mức thu nhập người lao động lựa chọn đóng bảo hiểm xã hội; từ năm 2010 trở đi, cứ hai năm một lần đóng thêm 2% cho đến khi đạt mức đóng là 22%.
Mức thu nhập làm cơ sở để tính đóng bảo hiểm xã hội được thay đổi tuỳ theo khả năng của người lao động ở từng thời kỳ, nhưng thấp nhất bằng mức lương tối thiểu chung và cao nhất bằng hai mươi tháng lương tối thiểu chung.
…”.
Như vậy, mức đóng bảo hiểm xã hôi tự nguyện của người lao động như sau:
+ Từ ngày 01/01/2007 mức đóng hằng tháng bằng 16% mức thu nhập người lao động lựa chọn đóng bảo hiểm xã hội;
+ Từ năm 2010 trở đi cứ hai năm một lần đóng thêm 2% cho đến khi đạt mức đóng là 22%.
Câu hỏi 4.
Ngày 01/10/2014, Công ty A ký hợp đồng thử việc với anh B, thời gian 02 tháng nhưng chỉ trả cho anh B là 70% mức lương của công việc đó. Hỏi, Công ty A làm như vậy có vi phạm quy định của pháp luật không? Có chế tài gì đối với hành vi của Công ty A hay không?
Trả lời:
Căn cứ Điều 28 Bộ luật Lao động năm 2012:
“Điều 28. Tiền lương trong thời gian thử việc
Tiền lương của người lao động trong thời gian thử việc do hai bên thoả thuận nhưng ít nhất phải bằng 85% mức lương của công việc đó”.
Căn cứ điểm c khoản 2 và khoản 3 Điều 6 Nghị định số 95/2013/NĐ-CP ngày 22/8/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội vàđưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng:
“Điều 6. Vi phạm quy định về thử việc
- …
- Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:
- a) Yêu cầu người lao động thử việc quá 01 lần;
- b) Thử việc quá thời gian quy định;
- c) Trả lương cho người lao động trong thời gian thử việc thấp hơn 85% mức lương của công việc đó.
- Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc trả đủ 100% tiền lương cho người lao động trong thời gian thử việc đối với hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1, Điểm b và Điểm c Khoản 2 Điều này”.
Như vậy, theo quy định của pháp luật hiện hành thì khi ký hợp đồng thử việc với người lao động, người sử dụng lao động phải trả tối thiểu là 85% mức lương của công việc đó. Do đó, Công ty A chỉ trả cho anh B 70% mức lương của công việc đang làm thử việc là trái với quy định của pháp luật.
Công ty A có thể bị xử lý vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định 95/2013/NĐ-CP với mức phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng và buộc trả đủ 100% tiền lương cho người lao động trong thời gian thử việc.
Câu hỏi 5.
Chị X là nhân viên của Công ty M. Tháng 5/2015, chị X đang trong thời gian nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi thì bị Công ty phát hiện có hành vi tham ô tài sản của Công ty M vào tháng 02/2015. Sau đó, Công ty có triệu tập chị X mở cuộc họp xử lý kỷ luật sa thải chị X. Hỏi Công ty M xử lý kỷ luật sa thải chị Xcó đúng quy định của pháp luật không?
Trả lời:
Căn cứ điểm d khoản 4 Điều 123 Bộ luật Lao động năm 2012:
“Điều 123. Nguyên tắc, trình tự xử lý kỷ luật lao động
1…
- Không được xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động đang trong thời gian sau đây:
- a) ….
- d) Lao động nữ có thai, nghỉ thai sản; người lao động nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi.
…”.
Ngoài ra, theo điểm đ khoản 2 Điều 18 Nghị định số 95/2013/NĐ-CP ngày 22/8/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội,đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng:
“Điều 18. Vi phạm quy định về lao động nữ
- …
- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:
…
đ) Xử lý kỷ luật lao động đối với lao động nữ đang trong thời gian mang thai, nghỉ hưởng chế độ khi sinh con theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, nuôi con dưới 12 tháng tuổi;
…”.
Hơn nữa, theo khoản 3 Điều 33 Nghị định số 05/2015/NĐ-CP ngày 12/01/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung của Bộ luật Lao động:
“Điều 33. Khiếu nại về kỷ luật lao động, trách nhiệm vật chất
- ….
- Người sử dụng lao động phải khôi phục quyền và lợi ích của người lao động bị vi phạm do quyết định xử lý kỷ luật lao động hoặc quyết định tạm đình chỉ công việc hoặc quyết định bồi thường thiệt hại của người sử dụng lao động. Trường hợp kỷ luật lao động bằng hình thức sa thải trái pháp luật thì người sử dụng lao động có nghĩa vụ thực hiện các quy định các Khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 42 của Bộ luật Lao động”.
Như vậy, chị X đang trong thời gian nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi thì theo quy định của pháp luật hiện hành chị X thuộc trường hợp không được xử lý kỷ luật lao động. Do đó, Công ty M mở cuộc họp để xử lý kỷ luật sa thải đối với chị X là trái với quy định của pháp luật.Công ty M có thể bị xử phạt vi phạm hành chính với số tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng do sa thải người lao động đang trong thời gian nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi. Đồng thời, Công ty M phải thực hiện các nghĩa vụ đối với chị X được quy định tại khoản 1, 2, 3, 4 Điều 42[2] Bộ luật Lao động năm 2012.
Câu hỏi 6.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 44 của Bộ luật Lao động, thay đổi cơ cấu, công nghệ gồm các trường hợp nào?
Trả lời:
Căn cứ khoản 1 Điều 13 Nghị định số 05/2015/NĐ-CP ngày 12/01/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung của Bộ luật Lao động quy định về thay đổi cơ cấu, công nghệ và lý do kinh tế:
“Điều 13. Thay đổi cơ cấu, công nghệ và lý do kinh tế
- Thay đổi cơ cấu, công nghệ tại Khoản 1 Điều 44 của Bộ luật Lao động gồm các trường hợp sau đây:
- a) Thay đổi cơ cấu tổ chức, tổ chức lại lao động;
- b) Thay đổi sản phẩm, cơ cấu sản phẩm;
- c) Thay đổi quy trình, công nghệ, máy móc, thiết bị sản xuất, kinh doanh gắn với ngành, nghề sản xuất, kinh doanh của người sử dụng lao động”.
Như vậy, thay đổi cơ cấu, công nghệ quy định tại khoản 1 Điều 44 của Bộ luật Lao động bao gồm các trường hợp là:
- Thay đổi cơ cấu tổ chức, tổ chức lại lao động;
- Thay đổi sản phẩm, cơ cấu sản phẩm;
– Thay đổi quy trình, công nghệ, máy móc, thiết bị sản xuất, kinh doanh gắn với ngành, nghề sản xuất, kinh doanh của người sử dụng lao động.
Câu hỏi 7.
Ngày 01/01/2015, vì lý do thay đổi cơ cấu, công nghệ, Công ty A không thể giải quyết được việc làm mới cho toàn bộ người lao động trong Công ty, buộc phải ban hành quyết định chấm dứt hợp đồng lao động đối với 10 người lao động. Đến ngày 02/3/2015, Công ty A vẫn chưa thanh toán hết tiền trợ cấp mất việc làm cho 10 người lao động phải nghỉ việc. Hỏi, Công ty A có thể phải chịu mức phạt tiền là bao nhiêu?
Trả lời:
Căn cứ khoản 2 Điều 47 Bộ luật Lao động 2012:
“Điều 47. Trách nhiệm của người sử dụng lao động khi chấm dứt hợp đồng lao động
- …
- Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, hai bên có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản có liên quan đến quyền lợi của mỗi bên; trường hợp đặc biệt, có thể kéo dài nhưng không được quá 30 ngày.
…”.
Căn cứ khoản 5 Điều 14 Nghị định số 05/2015/NĐ-CP ngày 12/01/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung của Bộ luật Lao động:
“Điều 14. Trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm
- …
- Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, người sử dụng lao động có trách nhiệm thanh toán đầy đủ trợ cấp thôi việc hoặc trợ cấp mất việc làm cho người lao động. Thời hạn thanh toán có thể kéo dài nhưng không được quá 30 ngày, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động thuộc một trong các trường hợp sau đây:
- a) Người sử dụng lao động không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động;
- b) Người sử dụng lao động hoặc người lao động gặp thiên tai, hỏa hoạn, địch họa hoặc dịch bệnh truyền nhiễm;
- c) Người sử dụng lao động thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc lý do kinh tế theo quy định tại Điều 13 Nghị định này.
…”.
Căn cứ Điều 8 Nghị định số 95/2013/NĐ-CP ngày 22/8/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng:
“Điều 8. Vi phạm quy định về sửa đổi, bổ sung, chấm dứt hợp đồng lao động
- Phạt tiền người sử dụng lao động có một trong các hành vi: Không trả hoặc trả không đủ tiền trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm cho người lao động theo thời hạn quy định tại Khoản 2 Điều 47 của Bộ luật Lao động; không hoàn thành thủ tục xác nhận và trả lại những giấy tờ khác đã giữ của người lao động sau khi chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại Khoản 3 Điều 47 của Bộ luật Lao động theo một trong các mức sau đây:
- a) Từ 500.000 đồng đến 2.000.000 đồng với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động;
…
- Biện pháp khắc phục hậu quả:
- a) Buộc trả đủ tiền trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm cho người lao động cộng với khoản tiền tính theo lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm xử phạt của số tiền trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm đối với hành vi không trả hoặc trả không đầy đủ tiền trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm cho người lao động quy định tại Khoản 1 Điều này;
…”.
Như vậy, Công ty A có thể sẽ bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 2.000.000 đồng khi không trả đủ tiền trợ cấp mất việc làm cho 10 người lao động và buộc trả đủ tiền trợ cấp mất việc làm cho người lao động cộng với khoản tiền tính theo lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm xử phạt của số tiền trợ cấp mất việc làm.
Câu hỏi 8.
Thỏa ước lao động tập thể doanh nghiệp chỉ được ký kết khi các bên đã đạt được thỏa thuận tại phiên họp thương lượng tập thể và có bao nhiêu % số người của tập thể lao động biểu quyết tán thành nội dung thương lượng tập thể?
Trả lời:
Căn cứ điểm a khoản 1 Điều 74 Bộ luật Lao động 2012:
“Điều 74. Ký kết thỏa ước lao động tập thể
- Thỏa ước lao động tập thể được ký kết giữa đại diện tập thể lao động với người sử dụng lao động hoặc đại diện người sử dụng lao động.
- Thỏa ước lao động tập thể chỉ được ký kết khi các bên đã đạt được thỏa thuận tại phiên họp thương lượng tập thể và:
- a) Có trên 50% số người của tập thể lao động biểu quyết tán thành nội dung thương lượng tập thể đã đạt được trong trường hợp ký thỏa ước lao động tập thể doanh nghiệp;
…”.
Như vậy, thỏa ước lao động tập thể doanh nghiệp chỉ được ký kết khi các bên đã đạt được thỏa thuận tại phiên họp thương lượng tập thể và có trên 50 % số người của tập thể lao động biểu quyết tán thành nội dung thương lượng tập thể.
Câu hỏi 9.
Người lao động hưởng lương tháng có thể được trả lương theo những kỳ hạn trả lương nào?
Trả lời:
Căn cứ Điều 95 Bộ luật Lao động 2012:
“Điều 95. Kỳ hạn trả lương
- Người lao động hưởng lương giờ, ngày, tuần thì được trả lương sau giờ, ngày, tuần làm việc hoặc được trả gộp do hai bên thoả thuận, nhưng ít nhất 15 ngày phải được trả gộp một lần.
- Người lao động hưởng lương tháng được trả lương tháng một lần hoặc nửa tháng một lần.
- Người lao động hưởng lương theo sản phẩm, theo khoán được trả lương theo thỏa thuận của hai bên; nếu công việc phải làm trong nhiều tháng thì hằng tháng được tạm ứng tiền lương theo khối lượng công việc đã làm trong tháng”.
Căn cứ Điều 23 Nghị định số 05/2015/NĐ-CP ngày 12/01/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung của Bộ luật Lao động:
“Điều 23. Kỳ hạn trả lương đối với người hưởng lương tháng
- Người lao động hưởng lương tháng được trả lương tháng một lần hoặc nửa tháng một lần.
- Thời điểm trả lương do hai bên thỏa thuận và được ấn định vào một thời điểm cố định trong tháng”.
Căn cứ Điều 5 Thông tư số 23/2015/TT-BLĐTBXH ngày 23/06/2015 hướng dẫn thực hiện một số điều về tiền lương của Nghị định số 05/2015/NĐ-CP ngày 12/01/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung của Bộ luật Lao động[3]:
“Điều 5. Kỳ hạn trả lương đối với người hưởng lương tháng
Kỳ hạn trả lương đối với người hưởng lương tháng theo quy định tại Điều 23 Nghị định số 05/2015/NĐ-CP được quy định như sau:
- Người lao động hưởng lương tháng được trả tháng một lần hoặc nửa tháng một lần và được trả ngay trong tháng mà người lao động làm việc.
- Thời điểm trả lương do hai bên thỏa thuận và được ấn định vào một thời điểm cố định trong tháng”.
Như vậy, người lao động được trả lương theo những kỳ hạn sau đây:
– Người lao động hưởng lương giờ, ngày, tuần thì được trả lương sau giờ, ngày, tuần làm việc hoặc được trả gộp do hai bên thỏa thuận, nhưng ít nhất 15 ngày phải được trả gộp một lần.
– Người lao động hưởng lương tháng được trả lương tháng một lần hoặc nửa tháng một lầnvà được trả ngay trong tháng mà người lao động làm việc.
– Người lao động hưởng lương theo sản phẩm, theo khoán được trả lương theo thỏa thuận của hai bên; nếu công việc phải làm trong nhiều tháng thì hằng tháng được tạm ứng tiền lương theo khối lượng công việc đã làm trong tháng.
Câu hỏi 10.
Anh A làm việc cho Công ty X với mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động là 10 triệu đồng/tháng. Trong tháng 02/2015, Công ty X chậm thanh toán tiền lương cho anh Alà 21 ngày. Hỏi ngoài việc phải thanh toán đầy đủ tiền lương tháng 02/2015 cho anh A thì Công ty X còn phải trả thêm cho anh A những khoản gì do chậm trả lương?
Trả lời:
Căn cứ khoản 6 Điều 13 Nghị định số 95/2013/NĐ-CP ngày 22/8/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng:
“Điều 13. Vi phạm quy định về tiền lương
- …
- Phạt tiền người sử dụng lao động có một trong các hành vi: Trả lương không đúng hạn theo quy định tại Điều 96 của Bộ luật lao động; trả lương thấp hơn mức quy định tại thang lương, bảng lương đã gửi cho cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp huyện; trả lương làm thêm giờ, làm việc ban đêm cho người lao động thấp hơn mức quy định tại Điều 97 của Bộ luật lao động; khấu trừ tiền lương của người lao động trái quy định tại Điều 101 của Bộ luật lao động; trả không đủ tiền lương ngừng việc cho người lao động theo quy định tại Điều 98 của Bộ luật lao động theo một trong các mức sau đây:
- a) Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động;
- b) Từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động;
- c) Từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng với vi phạm từ 51 người đến 100 người lao động;
- d) Từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng với vi phạm từ 101 người đến 300 người lao động;
đ) Từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng với vi phạm từ 301 người lao động trở lên.
- …
- Biện pháp khắc phục hậu quả:
- a) Buộc trả đủ tiền lương cho người lao động theo quy định đối với hành vi vi phạm quy định tại Khoản 3 và Khoản 4 Điều này;
- b) Buộc trả khoản tiền lãi của số tiền lương chậm trả cho người lao động tính theo lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm trả lương đối với hành vi vi phạm quy định tại Khoản 3 Điều này”.
Như vậy, Công ty X phải trả khoản tiền lãi của số tiền lương chậm trả cho người lao động tính theo lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm trả lương.
Ghi chú:[1] Từ ngày 01/01/2016 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 có hiệu thi hành thì mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện của người lao động được thực hiện theo Điều 87 của Luật này, cụ thể như sau:
“Điều 87. Mức đóng và phương thức đóng của người lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện
- Người lao động quy định tại khoản 4 Điều 2 của Luật này, hằng tháng đóng bằng 22% mức thu nhập tháng do người lao động lựa chọn để đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất; mức thu nhập tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn và cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở.
Căn cứ vào điều kiện phát triển kinh tế – xã hội, khả năng ngân sách nhà nước trong từng thời kỳ để quy định mức hỗ trợ, đối tượng hỗ trợ và thời điểm thực hiện chính sách hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.
…”.
Ghi chú:[2]“Điều 42. Nghĩa vụ của người sử dụng lao động khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật
- Phải nhận người lao động trở lại làm việc theo hợp đồng lao động đã giao kết và phải trả tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trong những ngày người lao động không được làm việc cộng với ít nhất 02 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động.
- Trường hợp người lao động không muốn tiếp tục làm việc, thì ngoài khoản tiền bồi thường quy định tại khoản 1 Điều này người sử dụng lao động phải trả trợ cấp thôi việc theo quy định tại Điều 48 của Bộ luật này.
- Trường hợp người sử dụng lao động không muốn nhận lại người lao động và người lao động đồng ý, thì ngoài khoản tiền bồi thường quy định tại khoản 1 Điều này và trợ cấp thôi việc theo quy định tại Điều 48 của Bộ luật này, hai bên thỏa thuận khoản tiền bồi thường thêm nhưng ít nhất phải bằng 02 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động để chấm dứt hợp đồng lao động.
- Trường hợp không còn vị trí, công việc đã giao kết trong hợp đồng lao động mà người lao động vẫn muốn làm việc thì ngoài khoản tiền bồi thường quy định tại khoản 1 Điều này, hai bên thương lượng để sửa đổi, bổ sung hợp đồng lao động”.
Ghi chú:[3] Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 08/8/2015