18/05/2014 12:46:51

Bản lĩnh thợ khoan PVD trên sa mạc lửa

Gặp đốc công giàn khoan PVD 11 Trương Tô Diện (Tổng Công ty Cổ phần Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí – PVD) trong ngày Công đoàn ngành tuyên dương các gương mặt người dầu khí tiêu biểu năm 2014, tôi tranh thủ trò chuyện chứ biết đâu ngày mai anh lại đi Algeria. Trông anh rất phong trần nhưng trò chuyện thì điềm đạm, vui vẻ, cởi mở, chân thành… Nghe anh kể và hình dung về một vùng đất xa xôi cách Việt Nam nửa vòng trái đất, trên sa mạc lửa Sahara có giàn khoan PV Drilling 11 và các kỹ sư công nhân người Việt Nam đang ngày đêm làm việc, thấy tự hào biết bao. 

Hiện là đốc công (ngày) của giàn khoan đất liền PVD 11, anh Trương Tô Diện là người chịu trách nhiệm bao quát tất cả các công việc trong một ngày của giàn khoan. Đặc biệt là phải đảm bảo an toàn cho một giếng khoan, đảm bảo đúng tiến độ cho khách hàng. Cùng với đó, anh có nhiệm vụ hỗ trợ Ban Giám đốc dự án trong việc điều hành các hoạt động ngoài khoan trường; phối hợp chặt chẽ với đại diện nhà thầu ngoài giàn để giải quyết các vấn đề liên quan đến quá trình khoan. Song song với đó là chỉ đạo các bộ phận cơ khí, điện, quản lý kho, các công ty nhân lực, catering ngoài giàn hoạt động theo đúng quy định của công ty và rất nhiều nhiệm vụ quan trọng khác.

Nghe kể núi công việc mà anh đang đảm nhận tôi thấy thật nể quá. Anh cười bảo, đó là công việc và trách nhiệm của bất kỳ một đốc công giàn khoan nào chứ không riêng gì anh. Nhưng cũng có những lúc đầu căng như dây đàn để điều hành trong 12 tiếng đồng hồ/ca và có khi hơn cả 12 tiếng và có những lúc anh ngủ mà như đang làm việc, vì hễ có sự cố là phải tác chiến ngay không kể ngày hay đêm.

Đốc công giàn PVD 11 Trương Tô Diện (đứng giữa) trong ngày tuyên dương Người lao động dầu khí tiêu biểu 2014

Trong 5 năm qua, anh đã cùng với đội ngũ cán bộ, lao động người Việt Nam và chuyên gia nước ngoài giàn khoan PVD 11 lao động hăng say, phấn đấu thực hiện thành công các giếng khoan với hiệu suất cao, tiết kiệm được thời gian khoan cũng như chi phí lớn cho nhà thầu khoan PVEP, GBRS; đảm bảo công tác khoan, giám sát thi công được tiến hành đúng với chương trình khoan của khách hàng. Chỉ riêng 6 tháng đầu năm 2012, PVD 11 đã hoàn thành xuất sắc kế hoạch sản xuất kinh doanh mà tổng công ty giao cho trong năm 2012 với hiệu suất hoạt động trung bình trên 99,5%, được các công ty dầu trong khu vực châu Phi đánh giá là giếng khoan đạt hiệu quả cao nhất và tuổi thọ mũi khoan tốt nhất (New Algeria ROP Record).

Hiện nay giàn PVD 11 đang khoan tại khu vực Touggourt, Algeria (Block 433c & 416b), đây là khu vực có điều kiện khí hậu khắc nghiệt của sa mạc Sahara. Nói về sa mạc Sahara thì nhiều người sẽ choáng ngợp trước có điều kiện khí hậu cực kỳ khắc nghiệt, mùa hè, nhiệt độ ban ngày ở ngưỡng 45 đến 550C, đỉnh điểm vào tháng 7 có khi lên 580C. Tuy nhiên, vào mùa đông thì ban ngày chỉ hơn 200C nhưng ban đêm lại xuống thấp dưới 100C. Độ ẩm ở sa mạc lại cực kỳ thấp nên lúc đầu mới qua đa số người lao động Việt Nam đều chưa quen. Là một sa mạc lớn nhất thế giới với 9 triệu cây số vuông, rất khắc nghiệt nhưng tạo hóa rất công bằng lại để trong lòng đất Sahara lượng vàng đen rất lớn.

Có lẽ cực nhọc, vất vả nhất đối với các anh là một năm phải di chuyển giàn khoan 4-5 lần, từ giếng khoan này đến giếng khoan khác mà mỗi lần di chuyển phải tháo toàn bộ giàn khoan ra rồi đến giếng mới phải lắp lại hoàn chỉnh. Chúng ta cứ thử tưởng một giàn khoan với khối lượng khổng lồ giữa sa mạc mênh mông cát là cát, một năm phải tháo lắp 4-5` lần thì không hề đơn giản chút nào. Thế nhưng các anh đều hoàn thành tốt nhiệm vụ. Trở ngại lớn nhất khi di chuyển giàn khoan theo anh Diện là phụ thuộc vào khí hậu và con người, mà khí hậu ở sa mạc thì thất thường vô cùng.

Để đáp ứng tốt nhất cho yêu cầu công việc, hằng ngày các anh đều phải rút kinh nghiệm và cuối ngày anh em bàn bạc đi đến thống nhất phương án tối ưu nhất để xử lý tình huống, nếu sau này có sự cố xảy ra sẽ xử lý được ngay. Cùng với đó là các anh phải bổ sung liên tục kiến thức khoa học công nghệ để đáp ứng ngày càng cao yêu cầu của nghề khoan dầu khí. Anh cũng là người kèm cặp các bạn trẻ hằng ngày, nhất là khi có sự cố xảy ra nhưng các trẻ chưa có kinh nghiệm thì anh là người cầm tay chỉ việc. Nếu quá trình đang khoan, nhưng gặp một hiện tượng không bình thường khí lên bất thường thì biết cột dung dịch trong giếng khoan đó có nhiễm khí, áp suất vỉa sẽ lớn hơn áp suất của cột dung dịch đó, dễ dẫn đến hiện tượng phun trào nên đốc công phải kịp thời cảnh báo thợ khoan và báo cáo với nhà thầu giếng có hiện tượng như vậy. Khi một giếng khoan có sự cố, ngoài con người thì thiệt hại về vật chất không biết bao nhiêu mà kể.

Anh cho biết, hiện nay, thông thường một ca làm việc có khoảng 10-13 người Việt Nam và trên 50 người lao động bản xứ. Anh nói với nét tự hào, giờ đây người Việt Nam đã 100% làm chủ trang thiết bị, công nghệ và điều hành rất bản lĩnh giàn khoan ở Algeria. Để có được thành tựu này thì mỗi kỹ sư, công nhân phải mất 3-5 năm quen với thiết bị và thành thạo công nghệ. Nói về quá trình làm việc ở xứ người, anh cho rằng, người Algeria theo đạo Hồi nên cách sống của họ và ta khác hẳn nhau, ngôn ngữ lại bất đồng. Tuy rằng trong quá trình làm việc đều có người bản xứ phiên dịch nhưng đối với các anh thời kỳ đầu vẫn cực kỳ khó khăn. Nhất là ẩm thực, các anh phải theo ẩm thực đạo Hồi, chủ yếu là bánh mì thay cơm, món ăn không có nhiều gia vị nên rất khó ăn và đặc biệt không được ăn thịt heo vì người đạo Hồi chỉ ăn thịt bò, thịt cừu và thịt gà.

Giai đoạn mới sang, anh cũng như nhiều anh em chưa thích ứng nên đôi lúc cũng thấy nản vì mình đang sống ở xứ nhiệt đới mát mẻ, cây cối xanh mát, trái cây quanh năm giờ sang một xứ sở chỉ thấy cát bạt ngàn đến hút tầm mắt, không cây cối và nhiệt độ thì chênh lệch ngày đêm quá lớn. Nhưng chỉ sau một thời gian ngắn với quyết tâm của người lao động dầu khí đi chinh phục thị trường khoan khó tính Algeria, bản thân anh và đồng nghiệp đều dần vượt qua những trở ngại về tôn giáo, phong thổ, ngôn ngữ, ẩm thực và thích ứng tốt trong điều kiện làm việc nơi đây.

Chủ tịch CĐ PVD Hồ Trọng Thoán đánh giá, bên cạnh hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ sản xuất kinh doanh của đơn vị thì đốc công Trương Tô Diện còn là một công đoàn viên rất tích cực trong công tác từ thiện, công tác xã hội do Tổng Công ty và Xí nghiệp điều hành Khoan phát động.

Được tôn vinh Người dầu khí tiêu biểu năm nay anh thấy rất tự hào vì mình là người con của dầu khí. Tuy nhiên, như anh nói, làm nghề này phải yêu nghề, vì trên thực tế làm việc trên giàn khoan cực kỳ áp lực, mà giàn khoan này lại xa Tổ quốc, cộng thêm nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương nhưng ai yêu nghề thì đều vượt qua được hết.

Sau 7 năm làm việc trên giàn khoan PVD 11 xa Tổ quốc, anh Trương Tô Diện cho rằng, khi làm xa Tổ quốc mới thấy rằng, tình đoàn kết trong đơn vị là cực kỳ quan trọng và không thể thiếu tình yêu nghề, đam mê nghề và bên cạnh đó là quá trình học hỏi không ngừng, trau hồi kinh nghiệm trong công việc hằng ngày cũng như học hỏi công nghệ mới.

Xa nhà, xa Tổ quốc lâu thế anh có nhớ nhiều không? Anh trả lời ngay: “Nhớ chứ em” nhưng được cái cứ 8 tuần các anh được đổi ca và được về nhà. Về Việt Nam rồi, các anh lại thấy nhớ Algeria, nhớ sa mạc Sahara nóng bỏng, nhớ giàn khoan đang ở giữa biển cát mênh mông, nhớ những người lao động Algeria thân thuộc, nhớ những lúc đến giờ cầu nguyện họ đều quay về hướng Mecca, nhớ những món ăn hơi thiếu gia vị… Và chính các anh, những người thợ khoan, đốc công, giàn trưởng PVD 11 là “đại sứ” của dân tộc Việt Nam; đem trí tuệ, bản lĩnh, văn hóa con người Việt Nam khẳng định không chỉ ở Algeria mà còn ở khắp năm châu.

Nguyễn Thanh