Trong suốt 65 năm qua, ngành Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) đã thực hiện tốt mong ước của Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời; vượt khó vươn lên trở thành Tập đoàn có vị trí trụ cột và vai trò quan trọng trong nền kinh tế đất nước.
Đồng chí Lê Mạnh Hùng thị sát kho cảng LNG Thị Vải |
Để đạt được những thành tích đó, bên cạnh sự nỗ lực, cố gắng của các thế hệ cán bộ, đảng viên, người lao động dầu khí, Petrovietnam luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao từ lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ; sự hỗ trợ, phối hợp của các bộ, ngành Trung ương và địa phương; sự bao dung, chia sẻ, ủng hộ của nhân dân cả nước.
Có thể khẳng định rằng, không có ngành nghề, lĩnh vực kinh tế nào lại được Đảng quan tâm lãnh đạo đến sự phát triển như ngành Dầu khí Việt Nam, mà chủ lực là Petrovietnam. Sự quan tâm đó thể hiện bằng 3 nghị quyết (Nghị quyết số 244-NQ/TW ngày 9-8-1975 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam về triển khai thăm dò dầu khí trên cả nước; Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 7-7-1988 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển ngành Dầu khí Việt Nam đến năm 2000; Nghị quyết số 41-NQ/TW (NQ41) ngày 23-7-2015 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2035) và 3 kết luận (Kết luận số 41-KL/TW ngày 19-1-2006 của Bộ Chính trị về Chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam đến năm 2015 và định hướng đến năm 2025; Kết luận số 148-TB/TW ngày 28-11-2013 của Bộ Chính trị về kết quả 7 năm thực hiện Kết luận số 41-KL/TW của Bộ Chính trị khóa IX về chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam đến năm 2015 và định hướng đến năm 2025; Kết luận số 76-KL/TW (KL76) ngày 24-4-2024 của Bộ Chính trị về tình hình thực hiện Nghị quyết 41-NQ/TW ngày 23-7-2015 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 và một số định hướng cho giai đoạn mới) của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị; cùng với 3 quyết định (Quyết định 386/QĐ-TTg ngày 9-3-2006 của Thủ tướng Chính phủ về chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam đến năm 2015 và định hướng đến năm 2025; Quyết định 1748/QĐ-TTg ngày 14-10-2015 của Thủ tướng Chính phủ về chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam đến năm 2025 và định hướng đến năm 2035; Quyết định 1749/QĐ-TTg ngày 14-10-2015 của Thủ tướng Chính phủ về chiến lược phát triển Petrovietnam đến năm 2025 và định hướng đến năm 2035); đó chính là kim chỉ nam xuyên suốt quá trình hình thành, phát triển của ngành Dầu khí Việt Nam và Petrovietnam.
Nhà máy Đạm Cà Mau |
Đặc biệt, NQ41 về định hướng chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2035 đã khẳng định vai trò to lớn của Petrovietnam là doanh nghiệp chủ lực của ngành Dầu khí Việt Nam trong việc xây dựng phát triển kinh tế và giữ gìn an ninh, chủ quyền biển đảo.
Đến nay, Petrovietnam đã cơ bản phát triển hoàn chỉnh và đồng bộ, trở thành ngành kinh tế – kỹ thuật quan trọng; giữ vai trò then chốt khi thường xuyên gia tăng mức đóng góp cho nền kinh tế, đóng vai trò bệ đỡ, tạo lập cơ sở cho các thành phần kinh tế khác tham gia và phát triển; là công cụ quan trọng để triển khai các chiến lược phát triển kinh tế – xã hội, chiến lược phát triển năng lượng, bảo đảm an ninh năng lượng, bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Người lao động dầu khí làm việc trên công trình biển |
Qua hơn 8 năm, việc thực hiện NQ41, triển khai đồng bộ, toàn diện các nhiệm vụ, giải pháp đã đạt được nhiều kết quả tích cực, hoàn thành nhiều mục tiêu chiến lược; tuy nhiên trong quá trình thực hiện NQ41 còn bất cập, hạn chế, chưa đạt được như kỳ vọng. Vì thế ngày 24-4-2024, Bộ Chính trị đã ban hành KL76 về tình hình thực hiện NQ41 ngày 23-7-2015 về định hướng Chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 và một số định hướng cho giai đoạn mới. Kết luận tiếp tục thể hiện tầm nhìn chiến lược, sự quan tâm của Bộ Chính trị đến Chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam nói chung và Petrovietnam nói riêng.
Tại KL76, Bộ Chính trị đã chỉ ra những hạn chế, thiếu sót và bất cập dẫn đến một số mục tiêu, chỉ tiêu quan trọng tại NQ41 chưa đạt được như gia tăng trữ lượng dầu khí trong nước và nước ngoài, đầu tư và khai thác dầu thô ở nước ngoài, khai thác khí, công suất lọc dầu, phát triển hóa dầu, nhiên liệu sinh học, phát triển điện khí… Cơ sở hạ tầng dự trữ chiến lược xăng dầu quốc gia, dự trữ thương mại về dầu thô, xăng dầu thiếu đồng bộ. Một số nhà máy nhiệt điện, dự án khí – điện quy mô lớn chậm tiến độ, kéo dài nhiều năm, có dự án thua lỗ. Việc thu hút đầu tư nước ngoài cho hoạt động dầu khí trong nước, nhất là tại vùng nước sâu, xa bờ, vùng nhạy cảm gặp nhiều khó khăn.
Đồng chí Lê Mạnh Hùng nghe báo cáo về thi công chân đế điện gió ngoài khơi |
Bên cạnh đó, KL76 mở ra một dư địa, không gian phát triển mới cho Petrovietnam thông qua việc định hướng chủ trương khai thác các điều kiện tiềm năng của ngành trong phát triển về lĩnh vực năng lượng tái tạo, năng lượng mới. Điều đặc biệt quan trọng là KL76 đã định hướng phát triển Petrovietnam trở thành một tập đoàn công nghiệp năng lượng quốc gia và giữ vai trò tiên phong phát triển các lĩnh vực về năng lượng tái tạo, năng lượng mới; đồng thời xác định nhiệm vụ và trách nhiệm của Petrovietnam trong lĩnh vực sản xuất, phát triển công nghiệp sản xuất thiết bị năng lượng tái tạo và năng lượng mới.
Song song với đó, KL76 đã xác định các chủ trương, định hướng để xây dựng và phát triển một số trung tâm năng lượng quốc gia, tích hợp giữa khí điện LNG và các lĩnh vực về công nghiệp năng lượng tái tạo, năng lượng mới. Một số địa phương có tiềm năng và lợi thế như Bà Rịa – Vũng Tàu, Thanh Hóa, Quảng Ngãi và nhiều địa phương khác. KL76 cũng đã định hướng, chủ trương về triển khai thí điểm một số các dự án trong lĩnh vực năng lượng mới như phát triển các dự án điện gió ngoài khơi phục vụ xuất khẩu, các dự án về sản xuất hydrogen, amoniac… Và trong các dự án, chương trình này đều xác định những cơ chế chính sách có tính chất đặc thù để thúc đẩy phát triển các dự án nói riêng, cũng như phát triển ngành Dầu khí của Việt Nam nói chung.
Và cuối cùng, KL76 đã đề ra yêu cầu, nhiệm vụ là tiếp tục thể chế hóa các định hướng chủ trương vẫn còn phù hợp, còn nguyên giá trị trong NQ41; đồng thời Bộ Chính trị cũng xác định những định hướng, tạo cơ chế chính sách cho thúc đẩy ngành Dầu khí Việt Nam phát triển nhanh, bền vững và kịp thời nắm bắt xu thế chuyển dịch năng lượng trên thế giới hiện nay.
Người lao động tại kho cảng LNG Thị Vải |
Để việc thực hiện KL76 và NQ41 được nghiêm túc, khẩn trương và đồng bộ, Bộ Chính trị đã yêu cầu các tỉnh ủy, thành ủy, ban đảng, Ban Cán sự Đảng, đảng đoàn, Đảng ủy trực thuộc Trung ương nghiên cứu, quán triệt, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể hóa, tổ chức thực hiện có hiệu quả NQ41 và KL76.
Trong đó, Bộ Chính trị yêu cầu Đảng đoàn Quốc hội, Ban Cán sự Đảng Chính phủ lãnh đạo, chỉ đạo rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện pháp luật có liên quan, tạo thuận lợi cho phát triển ngành Dầu khí Việt Nam; tăng cường giám sát việc tổ chức thực hiện pháp luật.
Ban Cán sự Đảng Chính phủ chỉ đạo xây dựng Chiến lược phát triển ngành Dầu khí quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và các quy hoạch, chiến lược liên quan; bố trí nguồn lực, xây dựng và tổ chức triển khai các chương trình, kế hoạch, đề án tiếp tục thực hiện NQ41 và KL76.
Và cũng chưa bao giờ có một nghị quyết về định hướng phát triển của một ngành kinh tế mà Bộ Chính trị đã yêu cầu Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chinh trị – xã hội xây dựng chương trình, kế hoạch giám sát việc thực hiện như NQ41 và KL76.
Bộ Chính trị cũng giao Ban Kinh tế Trung ương chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thường xuyên theo dõi, giám sát, kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện NQ41 và KL76; định kỳ sơ kết, tổng kết, báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư.
Chúng ta đều biết xây dựng được nghị quyết cho đúng, cho trúng và phù hợp với sự phát triển của doanh nghiệp trong tương lai là một việc đã khó, nhưng làm thế nào để đưa nghị quyết đi vào cuộc sống lại càng khó hơn.
Giàn khoan của Vietsovpetro trên mỏ Bạch Hổ |
Với tinh thần “Một đội ngũ, một mục tiêu” và thực hiện các chủ trương có tính chiến lược mà Đảng ủy Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Đảng ủy Tập đoàn) và toàn Petrovietnam đã và đang thực hiện tốt là “Quản trị biến động, bổ sung động lực mới, làm mới động lực cũ, tạo nguồn năng lượng mới, vươn tới đỉnh cao mới”, vừa qua, Đảng ủy Tập đoàn đã ban hành “Kế hoạch triển khai xây dựng Chiến lược phát triển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo tinh thần KL76, ngày 24-4-2024 của Bộ Chính trị” – (Kế hoạch 601), để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt nghiêm túc các quan điểm, tạo sự đồng thuận cao từ Công ty mẹ – Tập đoàn đến các đơn vị thành viên, từ cán bộ lãnh đạo các đơn vị đến người lao động trong quá trình triển khai xây dựng và thực hiện các chiến lược, mục tiêu. Trước ngày 31-8-2024, tham mưu xây dựng xong dự thảo chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 để trình cấp thẩm quyền, báo cáo Thủ tướng Chính phủ ban hành; trước ngày 31-10-2024 tham mưu xây dựng xong dự thảo Chiến lược phát triển Petrovietnam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 để trình cấp thẩm quyền, báo cáo Thủ tướng Chính phủ ban hành; Hội đồng Thành viên Tập đoàn ban hành Bộ Chiến lược đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 bao gồm Chiến lược phát triển Công ty mẹ – Tập đoàn, 5 chiến lược lĩnh vực và 4 chiến lược chức năng trước ngày 31-3-2025, đưa ra các mục tiêu, lựa chọn, giải pháp và kế hoạch hành động hiệu quả nhằm giúp Petrovietnam tăng trưởng nhanh, bền vững, trở thành tập đoàn công nghiệp năng lượng quốc gia.
Kế hoạch 601 đã ban hành, phân công trách nhiệm, việc thực hiện cho từng tổ chức và cá nhân. Vấn đề đây là từng cấp ủy phải tổ chức quán triệt sâu sắc và tổ chức giám sát việc thực hiện hiệu quả, chặt chẽ.
Với bản sắc văn hóa dầu khí “Khát vọng – Trí tuệ – Chuyên nghiệp – Nghĩa tình” và phương châm “Quản trị tốt biến động” trong 5 năm qua, Petrovietnam đã vững vàng vượt qua những cuộc khủng hoảng lớn, tạo được thế và lực mạnh; và hiện nay với KL76, mở ra con đường lớn cho Petrovietnam phát triển để tiếp tục khẳng định vị thế và vai trò của mình; cùng với những chỉ đạo rất quyết liệt của Bộ Chính trị trong thể chế hóa các chủ trương, định hướng, hoàn thiện chính sách pháp luật để đưa NQ41 và KL76 đi vào thực tiễn; cùng nỗ lực, quyết tâm “Bổ sung động lực mới, làm mới động lực cũ” để “tạo nguồn năng lượng mới” đang dần trở thành tư duy trong mọi hành động, hoạt động của cả hệ thống chính trị; Do vậy, không có lý gì chúng ta không thực hiện được thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ theo tinh thần mà KL76 đã đặt ra, vì một Petrovietnam phát triển bền vững, luôn “vươn tới đỉnh cao mới” và đóng góp nhiều hơn nữa cho đất nước.
Kết luận số 76 đã định hướng phát triển Petrovietnam trở thành một tập đoàn công nghiệp – năng lượng quốc gia và giữ vai trò tiên phong phát triển các lĩnh vực về năng lượng tái tạo, năng lượng mới; đồng thời xác định nhiệm vụ và trách nhiệm của Petrovietnam trong lĩnh vực sản xuất, phát triển công nghiệp sản xuất thiết bị năng lượng tái tạo và năng lượng mới.
TS Lê Mạnh Hùng – Chủ tịch HĐTV Petrovietnam