Ngày 21.3, tại Hội thảo khoa học quốc tế “Phát triển công tác xã hội với người lao động tại Việt Nam – Tiên phong trong chính sách an sinh xã hội và việc làm” do Tổng LĐLĐVN phối hợp với Bộ LĐTBXH tổ chức, một vấn đề được đặt ra là việc thực hiện các cơ chế an sinh xã hội, chính sách xã hội và việc làm đối với NLĐ.
PGS.TS Lê Mạnh Hùng – Hiệu trưởng phát biểu khai mạc Hội thảo
Xây dựng chế độ BHXH hấp dẫn hơn với NLĐ
Đây là một trong chuỗi các hoạt động của quốc gia nhân ngày Công tác xã hội Việt Nam (25.3.2016 – 25.3.2024) mà Trường Đại học Công đoàn được lựa chọn đăng cai tổ chức với sự hỗ trợ, tài trợ từ Cục Bảo trợ xã hội (Bộ LĐTBXH), Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc UNICEF.
Thực tế cho thấy, công tác xã hội ngày càng khẳng định vị trí, vai trò trong việc giải quyết các vấn đề xã hội, những khó khăn của mỗi cá nhân, nhóm và cộng đồng trong xã hội. Trong lĩnh vực lao động – việc làm, chính sách an sinh xã hội liên quan trực tiếp đến NLĐ.
Hiện, bên cạnh những kết quả đã đạt được, vẫn còn có nhiều NLĐ phải đối mặt với những nguy cơ rủi ro, biến cố xảy ra trong đời sống như thiếu, mất việc làm, giảm thu nhập, ốm đau, tai nạn lao động… Trong đó, mất việc làm được coi là rủi ro lớn nhất, bởi NLĐ sẽ bị mất và giảm thu nhập, mất đi những nguồn lực kinh tế để trang trải cuộc sống cho bản thân và những thành viên trong gia đình.
Do đó, việc đảm bảo an sinh xã hội cho NLĐ có vai trò lớn trong việc thực hiện công bằng xã hội. NLĐ cần được bảo vệ bởi hệ thống chính sách an sinh xã hội trước những rủi ro, đảm bảo được tiếp cận với các cơ hội bình đẳng.
Tham luận tại Hội thảo, ông André Gama đến từ Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) chỉ rõ, để bảo vệ được NLĐ bằng chính sách an sinh xã hội thì cần xây dựng chính sách kết nối giữa đóng góp BHXH và ngân sách Nhà nước (đa tầng); tăng cường tập trung vào hệ thống BHXH bắt buộc; Tăng đầu tư và trợ cấp từ ngân sách Nhà nước; Cải thiện tính chủ động của hệ thống Bảo hiểm thất nghiệp;Tăng cường gắn kết chính sách an sinh xã hội với chính sách việc làm, chính sách kinh tế.
Từ kinh nghiệm quốc tế và thực tế tại Việt Nam, ông André Gama cho rằng, phải xây dựng chế độ BHXH hấp dẫn hơn với NLĐ. Trong đó mở rộng các hình thức việc làm và hợp đồng đủ điều kiện; giảm yêu cầu số năm cần đóng tối thiểu để nhận lương hưu; tăng cường các loại trợ cấp ngắn hạn như trợ cấp trẻ em và trợ cấp thất nghiệp; chuyển sang cách tính thu nhập đóng BHXH bằng toàn bộ thu nhập của NLĐ. Chuyên gia của ILO cũng đưa ra ý kiến là cải thiện và nâng cao mức hưởng thỏa đáng.
Những khuyến nghị đối với Công đoàn
Trong phần trình bày về “Phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em và bảo vệ NLĐ trẻ thông qua cách tiếp cận tăng cường hệ thống bảo vệ trẻ em” – ThS Phạm Thị Hải Yến – đại diện UNICEF – đã đưa ra một số khuyến nghị đối với Công đoàn.
Một trong số đó là cần nâng cao kiến thức về quyền trẻ em và nguyên tắc kinh doanh cho cả người sử dụng lao động và Công đoàn. Tăng cường vai trò của Công đoàn trong đối thoại, đàm phán với người sử dụng lao động về bảo vệ lao động trẻ, các chính sách liên quan đến gia đình và trẻ em.
Bà Hải Yến cũng khuyến nghị về nâng cao năng lực của Công đoàn trong việc giám sát các chính sách và thực hành kinh doanh có trách nhiệm có sự tham gia của trẻ em, như được nêu trong Kế hoạch hành động quốc gia về cải thiện pháp luật và chính sách nhằm thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm ở Việt Nam 2023 – 2027.
Các tham luận tại Hội thảo góp phần đưa ra những căn cứ khoa học và thực tiễn, là cơ sở để đề xuất những giải pháp công tác xã hội nhằm đảm bảo việc làm và an sinh xã hội đối với NLĐ mang tính chuyên nghiệp.
congdoan.vn