Câu 1.
Các trường hợp chỉ định Ban Chấp hành lâm thời được quy định như thế nào khi có quyết định thành lập tổ chức Công đoàn
Trả lời:
Căn cứ Mục 9 Hướng dẫn số 03/HD-TLĐ ngày 20/02/2020 của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về hướng dẫn thi hành Điều lệ Công đoàn Việt Nam thì các trường hợp chỉ định Ban chấp hành lâm thời được quy định như sau:
“9. Ban Chấp hành công đoàn các cấp theo Điều 11
………………………………
9.2. Các trường hợp chỉ định Ban Chấp hành lâm thời
1. Công đoàn cấp trên trực tiếp có quyền chỉ định Ban Chấp hành lâm thời công đoàn cấp dưới và các chức danh trong cơ quan thường trực của Ban Chấp hành lâm thời công đoàn (bằng văn bản) trong các trường hợp sau:
– Khi quyết định thành lập tổ chức Công đoàn.
– Khi quyết định hợp nhất, nâng cấp, hạ cấp, chia tách, sáp nhập tổ chức Công đoàn.
– Khi Ban Chấp hành Công đoàn bị kỷ luật bằng hình thức giải tán.
– Khi không tổ chức được đại hội theo quy định.
– Khi không tổ chức được hội nghị đại biểu, hội nghị toàn thể, hội nghị Ban Chấp hành mở rộng theo Mục 7 của Hướng dẫn này.
1. Thời gian hoạt động của Ban Chấp hành lâm thời Công đoàn không quá 12 tháng. Trường hợp quá 12 tháng chưa tổ chức được đại hội thì công đoàn cấp trên trực tiếp xem xét quyết định bằng văn bản cho phép kéo dài thời gian hoạt động của Ban Chấp hành lâm thời không quá 30 tháng, hoặc chấm dứt hoạt động của Ban Chấp hành lâm thời cũ và chỉ định Ban Chấp hành lâm thời mới.
2. Khi giải thể tổ chức công đoàn thì Ban Chấp hành, Ủy ban Kiểm tra công đoàn chấm dứt hoạt động”.
Câu 2.
Tranh chấp lao động giữa NSDLĐ và NLĐ được quy định như thế nào?
Trả lời:
Căn cứ Điều 179 Bộ luật Lao động năm 2019 thì tranh chấp lao động giữa NSDLĐ và NLĐ được quy định như sau:
“Điều 179. Tranh chấp lao động
1. Tranh chấp lao động là tranh chấp về quyền và nghĩa vụ, lợi ích phát sinh giữa các bên trong quá trình xác lập, thực hiện hoặc chấm dứt quan hệ lao động; tranh chấp giữa các tổ chức đại diện người lao động với nhau; tranh chấp phát sinh từ quan hệ có liên quan trực tiếp đến quan hệ lao động. Các loại tranh chấp lao động bao gồm:
a) Tranh chấp lao động cá nhân giữa người lao động với người sử dụng lao động; giữa người lao động với doanh nghiệp, tổ chức đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; giữa người lao động thuê lại với người sử dụng lao động thuê lại.
b) Tranh chấp lao động tập thể về quyền hoặc về lợi ích giữa một hay nhiều tổ chức đại diện người lao động với người sử dụng lao động hoặc một hay nhiều tổ chức của người sử dụng lao động.
2. Tranh chấp lao động tập thể về quyền là tranh chấp giữa một hay nhiều tổ chức đại diện người lao động với người sử dụng lao động hoặc một hay nhiều tổ chức của người sử dụng lao động phát sinh trong trường hợp sau đây:
a) Có sự khác nhau trong việc hiểu và thực hiện quy định của thỏa ước lao động tập thể, nội quy lao động, quy chế và thỏa thuận hợp pháp khác;
b) Có sự khác nhau trong việc hiểu và thực hiện quy định của pháp luật về lao động;
c) Khi người sử dụng lao động có hành vi phân biệt đối xử đối với người lao động, thành viên ban lãnh đạo của tổ chức đại diện người lao động vì lý do thành lập, gia nhập, hoạt động trong tổ chức đại diện người lao động; can thiệp, thao túng tổ chức đại diện người lao động; vi phạm nghĩa vụ về thương lượng thiện chí.
3. Tranh chấp lao động tập thể về lợi ích bao gồm:
a) Tranh chấp lao động phát sinh trong quá trình thương lượng tập thể;
b) Khi một bên từ chối thương lượng hoặc không tiến hành thương lượng trong thời hạn theo quy định của pháp luật.
Câu 3.
Số lượng thành viên của Ban Thanh tra nhân dân trong cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nhà nước được quy định như thế nào?
Trả lời:
Căn cứ Điều 60 Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở (Luật số 10/2022/QH15 ngày 10/11/2022) thì số lượng thành viên của Ban TTND trong cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nhà nước được quy định như sau:
“Điều 60. Tổ chức Ban Thanh tra nhân dân ở cơ quan, đơn vị
1. Ban Thanh tra nhân dân ở cơ quan, đơn vị do hội nghị cán bộ, công chức, viên chức, người lao động bầu gồm từ 03 đến 09 thành viên theo đề nghị của Ban Chấp hành Công đoàn cơ quan, đơn vị.
Trường hợp cơ quan, đơn vị có tính chất đặc thù hoặc hoạt động phân tán thì hội nghị cán bộ, công chức, viên chức, người lao động có thể quyết định số lượng thành viên Ban Thanh tra nhân dân nhiều hơn để bảo đảm hoạt động có hiệu quả.
Trường hợp cơ quan, đơn vị có từ 07 cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trở xuống hoặc trong các trường hợp đặc thù thì không tổ chức Ban Thanh tra nhân dân.
2. Thành viên Ban Thanh tra nhân dân là người đang công tác trong cơ quan, đơn vị, có phẩm chất đạo đức tốt, có uy tín trong cơ quan, đơn vị, có đủ sức khỏe để hoàn thành nhiệm vụ; có hiểu biết về chính sách, pháp luật và tự nguyện tham gia Ban Thanh tra nhân dân; không đồng thời là người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu, kế toán trưởng của cơ quan, đơn vị.
3. Nhiệm kỳ của Ban Thanh tra nhân dân là 02 năm. Trong nhiệm kỳ, nếu khuyết thành viên hoặc thành viên Ban Thanh tra nhân dân không hoàn thành nhiệm vụ, không còn được tín nhiệm hoặc xin thôi làm nhiệm vụ thì Ban Chấp hành Công đoàn cơ quan, đơn vị đề nghị hội nghị cán bộ, công chức, viên chức, người lao động quyết định cho thôi làm nhiệm vụ và bầu người khác thay thế.
4. Ban Thanh tra nhân dân ở cơ quan, đơn vị gồm Trưởng ban, Phó Trưởng ban và các Ủy viên. Trưởng ban chịu trách nhiệm chung về hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân; Phó Trưởng ban có trách nhiệm giúp Trưởng ban thực hiện nhiệm vụ; các thành viên khác thực hiện nhiệm vụ theo sự phân công của Trưởng ban”.
Câu 4.
Khen thưởng kỷ niệm chương cho các cá nhân được quy định như thế nào trong các cơ quan, đơn vị và tổ chức?
Trả lời:
Căn cứ Điều 71 Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022 (Luật số 06/2022/QH15 ngày 15/6/2022) có hiệu lực từ ngày 01/01/2024 thì khen thưởng kỷ niệm chương các cá nhân trong cơ quan, đơn vị và tổ chức được quy định như sau:
“Điều 71. Kỷ niệm chương
1. Kỷ niệm chương của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để tặng cho cá nhân có đóng góp vào quá trình phát triển của Quốc hội. Tên kỷ niệm chương, đối tượng, tiêu chuẩn tặng kỷ niệm chương do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định.
2. Kỷ niệm chương để tặng cho cá nhân có đóng góp vào quá trình phát triển của Bộ, ban, ngành, tỉnh, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp có tổ chức đảng đoàn hoặc có tổ chức đảng thuộc Đảng bộ khối các cơ quan trung ương.
Tên kỷ niệm chương, đối tượng và tiêu chuẩn tặng kỷ niệm chương do Bộ, ban, ngành, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cơ quan trung ương của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp có tổ chức đảng đoàn hoặc có tổ chức đảng thuộc Đảng bộ khối các cơ quan trung ương quy định.
3. Tên kỷ niệm chương phải được đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước về thi đua, khen thưởng ở trung ương.”
Câu 5.
Nguyên tắc bảo hiểm thất nghiệp và các chế độ bảo hiểm thất nghiệp của NLĐ được quy định như thế nào?
Trả lời:
Căn cứ Điều 41 Luật việc làm năm 2013 (Luật số 38/2013/QH13 ngày 16/11/2013) thì nguyên tắc bảo hiểm thất nghiệp và các chế độ bảo hiểm thất nghiệp của NLĐ được quy định như sau:
“Điều 41. Nguyên tắc bảo hiểm thất nghiệp
1. Bảo đảm chia sẻ rủi ro giữa những người tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
2. Mức đóng bảo hiểm thất nghiệp được tính trên cơ sở tiền lương của người lao động.
3. Mức hưởng bảo hiểm thất nghiệp được tính trên cơ sở mức đóng, thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp.
4. Việc thực hiện bảo hiểm thất nghiệp phải đơn giản, dễ dàng, thuận tiện, bảo đảm kịp thời và đầy đủ quyền lợi của người tham gia.
5. Quỹ bảo hiểm thất nghiệp được quản lý tập trung, thống nhất, công khai, minh bạch, bảo đảm an toàn và được Nhà nước bảo hộ.
Điều 42. Các chế độ bảo hiểm thất nghiệp
1. Trợ cấp thất nghiệp.
2. Hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm.
3. Hỗ trợ học nghề.
4. Hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động.”
Văn phòng Tư vấn pháp luật