Theo Tổng LĐLĐ Việt Nam, điểm khác biệt trong Tháng Công nhân năm 2023 là sẽ diễn ra chương trình gặp gỡ, đối thoại giữa lãnh đạo Quốc hội, đại biểu Quốc hội với công nhân lao động (CNLĐ) để lắng nghe tâm tư, ý kiến về chính sách pháp luật liên quan đến người lao động (NLĐ).
Đồng chí Ngọ Duy Hiểu – Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam thông tin, trong Tháng Công nhân năm 2023, Tổng LĐLĐ Việt Nam sẽ tổ chức chương trình gặp gỡ, đối thoại giữa lãnh đạo Quốc hội, các đại biểu Quốc hội với CNLĐ. Ảnh: THC
5 hoạt động trọng tâm trong Tháng Công nhân năm 2023
Tháng Công nhân năm 2023 có chủ đề “Kết nối công nhân, xây dựng tổ chức” sẽ diễn ra từ ngày 1/5 đến ngày 31/5/2023.
Theo Tổng LĐLĐ Việt Nam, bên cạnh các hoạt động thường xuyên sẽ tập trung vào các hoạt động gắn với công tác tổ chức đại hội công đoàn các cấp, nhất là cấp cơ sở và cấp trên trực tiếp cơ sở (địa bàn quan trọng gắn để lan tỏa cách làm hay, cách làm mới của tổ chức Công đoàn), hướng tới Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam.
5 hoạt động trọng tâm trong Tháng Công nhân gồm: Chương trình “Đối thoại tháng 5”; diễn đàn “Công nhân vì doanh nghiệp, doanh nghiệp vì công nhân”, hoạt động “Cảm ơn NLĐ”; Tháng cao điểm phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở; giới thiệu đoàn viên công đoàn ưu tú cho Đảng xem xét, bồi dưỡng, kết nạp; chương trình “Mỗi công đoàn cơ sở, một lợi ích đoàn viên”; hưởng ứng Tháng Hành động về an toàn, vệ sinh lao động; gắn hoạt động Tháng Công nhân với tổ chức đại hội công đoàn các cấp; tổ chức chiến dịch truyền thông về 137 năm Ngày Quốc tế Lao động (1/5/1886 – 1/5/2023), Tháng Công nhân năm 2023 và các hoạt động trọng tâm của tổ chức Công đoàn Việt Nam.
Các hoạt động hướng tới kịp thời động viên, giải quyết các vấn đề NLĐ quan tâm, bức xúc. Đặc biệt, quan tâm tham gia giải quyết tình trạng thiếu đơn hàng, thiếu việc làm, giảm thu nhập của NLĐ. Đề xuất các doanh nghiệp tìm giải pháp đảm bảo việc làm, thu nhập cho NLĐ một cách bền vững.
“Sau một thời gian dài chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, biến động chính trị trên thế giới cũng như đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, một bộ phận NLĐ đã phải rời khỏi khu vực có quan hệ lao động, đồng nghĩa với rời khỏi tổ chức Công đoàn. Hơn lúc nào hết, trách nhiệm của tổ chức Công đoàn là phải kết nối để họ có việc làm, quay lại tổ chức, tham gia xây dựng tổ chức Công đoàn mạnh lên trong tình hình mới.
Tháng Công nhân năm 2023 diễn ra trong thời điểm đại hội công đoàn cơ sở và đại hội công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở. Các hoạt động “Cảm ơn NLĐ”, biểu dương doanh nghiệp vì NLĐ, NLĐ có nhiều thành tích sẽ làm đại hội công đoàn thêm phong phú, gần gũi với đoàn viên, NLĐ” – đồng chí Ngọ Duy Hiểu – Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam nhấn mạnh.
Công đoàn tặng quà NLĐ tại TP Hồ Chí Minh có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: AN TÂM
Công nhân trực tiếp kiến nghị chính sách thông qua đối thoại với lãnh đạo Quốc hội và các đại biểu Quốc hội
Đặc biệt, trong Tháng Công nhân năm 2023, Tổng LĐLĐ Việt Nam tổ chức diễn đàn để lãnh đạo Đảng, Nhà nước tiếp xúc, chia sẻ, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, mong muốn, khát vọng cống hiến phát triển đất nước của CNLĐ. Trong đó trọng tâm là tiếp xúc giữa các đại biểu Quốc hội với CNLĐ. Tăng cường thiết lập các kênh thông tin thuận lợi, nhất là tận dụng và phát huy lợi thế của internet và mạng xã hội để lắng nghe ý kiến, kiến nghị của đoàn viên, NLĐ; kịp thời tổng hợp, phản ánh đến cơ quan, tổ chức có thẩm quyền để giải quyết, nhằm góp phần chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ. Tập trung giải quyết những vấn đề bức xúc, cấp bách trong CNLĐ đã được chỉ rõ tại Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 28/01/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.
Các LĐLĐ tỉnh, thành phố; Công đoàn ngành Trung ương và tương đương; Công đoàn Tổng công ty trực thuộc và công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở đề xuất, tham mưu để người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, chuyên môn đồng cấp gặp gỡ, đối thoại với đoàn viên, NLĐ theo Nghị quyết số 02-NQ/TW của Bộ Chính trị. LĐLĐ tỉnh, thành phố phối hợp với Đoàn đại biểu Quốc hội tổ chức gặp gỡ, tiếp xúc giữa đại biểu Quốc hội với cử tri là công nhân, viên chức, lao động để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng. Khuyến khích các Công đoàn ngành Trung ương, Công đoàn tổng công ty trực thuộc có đại biểu Quốc hội của ngành, đơn vị, tổ chức tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội với đoàn viên, NLĐ trong ngành, đơn vị.
Theo đồng chí Ngọ Duy Hiểu – Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, trước yêu cầu lắng nghe ý kiến NLĐ trong việc tham gia xây dựng hệ thống pháp luật, Tổng LĐLĐ Việt Nam mời lãnh đạo của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội ở Trung ương Đoàn đại biểu Quốc hội địa phương trực tiếp lắng nghe ý kiến, tâm tư nguyện vọng cử tri, CNLĐ về chính sách liên quan như Luật Nhà ở, Luật Việc làm, Luật Bảo hiểm xã hội…
Đơn cử, đối với Luật Nhà ở, nội dung mà các cấp công đoàn đang theo đuổi và kiến nghị chính sách là cần hình thành chế định pháp lý đảm bảo quyền về nhà ở của CNLĐ theo Hiến pháp, để công nhân tiếp cận được nhà ở. Đây là vấn đề bức xúc, cần để công nhân nói lên nguyện vọng của mình đến lãnh đạo Quốc hội, các đại biểu Quốc hội. Ý kiến của NLĐ sẽ góp phần giúp các nhà hoạch định chính sách đưa ra quyết sách, phương án đúng đắn, có tính khả thi cao, mang lại quyền lợi tốt nhất cho NLĐ.
Ở tất cả các tỉnh, thành phố, Tổng LĐLĐ Việt Nam chỉ đạo LĐLĐ các địa phương tổ chức chương trình tiếp xúc cử tri chuyên đề giữa đại biểu Quốc hội và NLĐ, tham mưu để nhiều đại biểu Quốc hội thăm nơi ăn ở, sinh hoạt, nắm bắt đời sống NLĐ – lực lượng đang tạo ra của cải cho xã hội.
Tổng LĐLĐ Việt Nam đang hoàn thiện hồ sơ xây dựng Luật Công đoàn (sửa đổi), là đạo luật có tác động rất lớn đối với tổ chức Công đoàn. Những ý kiến của NLĐ về Luật Công đoàn cũng là một kênh thông tin quan trọng, cần thiết và trực tiếp đến được với đông đảo thành viên của Quốc hội.
Theo Tạp chí Lao động và Công đoàn