10/02/2023 5:54:18

Bài học thành công của Petrovietnam năm 2022

Năm 2022 đã khép lại với Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam) là một năm thắng lợi ngoạn mục. Tập đoàn đã hoàn thành vượt mức tất cả các chỉ tiêu khai thác dầu khí, chỉ tiêu giao nộp tài chính.

Tổng doanh thu toàn Tập đoàn đạt mức kỷ lục 931,2 nghìn tỷ đồng, tương đương 9,8% GDP cả nước, nộp ngân sách nhà nước chiếm tỷ trọng 9,5% tổng thu ngân sách cả nước. Đây là tỷ trọng cao nhất kể từ năm 2015 đến nay, cao hơn so với tỷ trọng trung bình của giai đoạn 2016-2021.

Doanh thu kỷ lục 931,2 nghìn tỷ đồng

Có ý kiến cho rằng năm nay, Petrovietnam đại thắng là nhờ giá dầu lên cao… Nhưng không phải ai cũng biết được rằng hơn 3 năm qua, Petrovietnam đã liên tiếp vượt qua những cuộc khủng hoảng kép về giá dầu và dịch bệnh. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thành công của Petrovietnam nhưng nguyên nhân quan trọng nhất chính là lãnh đạo Tập đoàn đã quản trị được biến động và biết tận dụng những cơ hội hiếm hoi mỗi khi có biến động. Những biến động bên ngoài như biến động của môi trường kinh doanh (địa chính trị, cung cầu, giá cả, các yếu tố kinh tế vĩ mô…), môi trường pháp lý (các chính sách, cơ chế, luật pháp…), khoa học-công nghệ (tốc độ phát triển, chuyển đổi số, dịch chuyển năng lượng…) và môi trường tự nhiên (biến đổi khí hậu…). Tất cả hoạt động của ngành dầu khí luôn chịu tác động rất lớn bởi các yếu tố này.

Bài học thành công của Petrovietnam năm 2022

Hoạt động khai thác dầu khí tại Giàn Cá Tầm 02. Ảnh: MINH SƠN

Petrovietnam là doanh nghiệp đặc thù, vừa đại diện cho Nhà nước quản lý hoạt động dầu khí, vừa là doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh (SXKD) theo cơ chế thị trường… Vì thế, Petrovietnam là một bộ máy rất lớn, vận hành liên tục, đồng bộ, chịu tác động mạnh mẽ bởi cả môi trường bên ngoài lẫn các yếu tố bên trong. Các tác động này có thể giúp bộ máy hoạt động mạnh mẽ hơn nếu quản trị tốt, cũng có thể khiến bộ máy suy yếu nếu không hạn chế được tiêu cực. Petrovietnam có sự thay đổi rất lớn trong những năm qua. Về cấu trúc tổ chức, mô hình hoạt động, từ chỗ hầu hết các đơn vị 100% vốn Nhà nước hoặc Nhà nước chi phối, nay đã có rất nhiều công ty thành viên của Petrovietnam chuyển sang công ty cổ phần, liên doanh, liên kết… Nguồn nhân lực cũng có sự biến động. Các thế hệ tiếp nối thay thế nhau, các thời kỳ khó khăn, thuận lợi cũng thay đổi theo thời gian.

Thích ứng kịp thời với biến động

Năm 2023, Petrovietnam có đến 4/5 lĩnh vực cốt lõi bị ảnh hưởng và chỉ duy nhất lĩnh vực khai thác là có lợi thế tích cực bởi giá dầu tăng trong thời gian vừa qua. Tuy nhiên lại chịu ảnh hưởng bởi đứt gãy chuỗi cung ứng các thiết bị dầu khí do xung đột địa chính trị trên thế giới dẫn đến khó khăn trong triển khai đầu tư tại lĩnh vực thăm dò, khai thác dầu khí.

Tập đoàn tiếp tục đối diện với những thách thức trong hoạt động SXKD như: Xu hướng chuyển dịch năng lượng và năng lượng tái tạo tiếp tục phát triển nhanh, mạnh đã ảnh hưởng đến kế hoạch phát triển mỏ khí và huy động khí, sản xuất điện của Tập đoàn thấp. Các mỏ dầu khí lớn ở khu vực truyền thống đã qua thời kỳ khai thác ổn định đang trên đà suy giảm sản lượng tự nhiên. Các mỏ nhận lại từ nhà thầu nước ngoài chưa có cơ chế vận hành. Việc đầu tư cho tìm kiếm thăm dò, gia tăng trữ lượng ở trong nước gặp nhiều khó khăn về nguồn vốn và trình tự, thủ tục đầu tư. Cùng với đó, việc tìm kiếm, triển khai các dự án tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí tốt ở nước ngoài ngày càng khó khăn.

Nhìn thấy được những rủi ro như vậy nên Tập đoàn đã quyết liệt triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp cụ thể cho 5 lĩnh vực hoạt động của Tập đoàn. “Công tác quản trị biến động” được thực hiện tốt từ công ty mẹ-Tập đoàn đến các đơn vị thành viên. Tập đoàn đã thành lập Tổ quản trị rủi ro (QTRR). Tổ QTRR có nhiệm vụ tổng hợp công tác rủi ro theo định kỳ, báo cáo thường xuyên và đột xuất khi có những phát hiện quan trọng, xây dựng chương trình làm việc cụ thể từng tháng, dự toán ngân sách đưa vào kế hoạch thực hiện.

Tập đoàn đã đưa ra những giải pháp quản trị, quản lý hoạt động tìm kiếm thăm dò, khai thác dầu khí: Thực hiện tối ưu và hoàn thiện các quy trình công việc; sớm triển khai các công việc cần thiết trong công tác vận hành khai thác thường ngày cũng như công tác phát triển mỏ. Tập đoàn cũng đã triển khai phối hợp, chỉ đạo các nhà thầu thực hiện nhiều công tác địa kỹ thuật để bảo đảm và gia tăng sản lượng khai thác dầu trong năm 2022 đạt tiệm cận mức thực hiện năm 2021.

Theo Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng, Tập đoàn đã đưa công tác quản trị chuyển biến theo hướng hiện đại, nhiều cấp, nhiều lĩnh vực mang tính tích hợp cao với mục tiêu bảo đảm hệ thống vận hành doanh nghiệp một cách đồng bộ, toàn diện từ khâu hoạch định chiến lược, mô hình tổ chức, hệ thống tài chính đến quản trị nhân sự, nguồn lực, tổ chức sản xuất và phát triển thị trường, hướng tới phát triển bền vững trong toàn Tập đoàn. Đồng thời, Tập đoàn đã chủ động dự báo và thích ứng linh hoạt để SXKD an toàn, liên tục, ổn định và hiệu quả; tiêu thụ hàng hóa, sản phẩm thông suốt; thực hiện thành công mục tiêu: “Quản trị biến động, tối đa giá trị, mở rộng thị trường, tận dụng cơ hội, liên kết đầu tư, phục hồi tăng trưởng”.

Những gì đã đạt được trong năm 2022 chắc chắn sẽ là điểm tựa vững chắc để Petrovietnam bước vào năm 2023 với những thắng lợi to lớn hơn nữa, xứng đáng với niềm tin của Đảng, của nhân dân.

Theo Báo QĐND