31/01/2023 6:41:07

Petrovietnam: Khát vọng chinh phục đỉnh cao mới

Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam) đã trải qua một năm thành công vượt thách thức, thiết lập nhiều kỷ lục trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Nhân dịp đầu Xuân Quý Mão 2023, TS Lê Mạnh Hùng, Tổng giám đốc Petrovietnam đã chia sẻ về những dự định, kế hoạch của Petrovietnam trong năm 2023.

PV: Trước tiên xin được chúc mừng Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đã chinh phục những kỷ lục mới trong năm 2022, cũng xin chúc mừng cá nhân ông được vinh danh Doanh nhân tiêu biểu nhất Việt Nam năm 2022. Nhìn lại năm qua, xin ông cho biết những biện pháp cơ bản để Petrovietnam thực hiện thắng lợi kế hoạch sản xuất kinh doanh và phát triển bền vững?

TS Lê Mạnh Hùng: Năm 2022, để thực hiện được thắng lợi kế hoạch sản xuất kinh doanh và phát triển bền vững, Petrovietnam đã tập trung vào 8 nhóm nhiệm vụ:

Đầu tiên, cập nhật và điều chỉnh chiến lược phát triển Petrovietnam dựa trên những khó khăn, những thách thức, những cơ hội đã nghiên cứu, cập nhật từ thực tiễn hoạt động của Petrovietnam và trình các cơ quan thẩm quyền kế hoạch phát triển giai đoạn 2021-2025 cũng như điều chỉnh chiến lược phát triển Tập đoàn đến năm 2035 và tầm nhìn đến năm 2045.


Tổng giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng giới thiệu với Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và lãnh đạo các bộ, ngành về hoạt động khai thác dầu khí tại mỏ Bạch Hổ

Thứ hai, Petrovietnam đã tập trung củng cố và kiện toàn công tác quản trị gắn với tái cấu trúc và đổi mới doanh nghiệp. Thời gian qua, Tập đoàn đã triển khai hệ thống hóa bộ quy chế, quy định về quản trị doanh nghiệp có tham khảo và ứng dụng thông lệ quốc tế; trong đó, thực hiện phân cấp, phân quyền đồng bộ với hệ thống và mô hình tổ chức, mô hình kinh doanh, mô hình quản trị của Tập đoàn. Cùng với đó căn cứ vào mục tiêu chiến lược, Petrovietnam đã xây dựng đề án tổ chức, phân bổ lại nguồn lực, sắp xếp lại các doanh nghiệp trong Tập đoàn theo hướng tinh gọn, hiệu quả và cạnh tranh hơn.

Thứ ba, xây dựng và phát triển đội ngũ nhân sự. Với trên dưới 60 ngàn người lao động Dầu khí và với chiến lược cập nhật, hệ thống quản trị, mô hình sau tái cấu trúc, Petrovietnam cần thiết phải xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ với khung năng lực, mục tiêu và chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng việc vận hành, quản trị hệ thống trong hiện tại cũng như trong tương lai của Tập đoàn.

Thứ tư, Petrovietnam tập trung vào quản trị các nguồn lực tài chính gắn với các hoạt động đầu tư của Tập đoàn. Việc đó đảm bảo Petrovietnam có nguồn lực và hiệu suất sử dụng tài sản tốt nhất. Bên cạnh đó, quản trị tài chính và dòng tiền sẽ giúp Petrovietnam quản trị chi phí tối ưu cũng như có được dòng tiền liên tục, ổn định, thông suốt trong hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư của Tập đoàn. Cùng với đó quản trị tốt công tác đầu tư thông qua quản trị danh mục đầu tư, trong đó tập trung vào các dự án trọng điểm.

Thứ năm, tập trung xây dựng danh mục sản phẩm, dịch vụ và hàng hóa chiến lược của Petrovietnam hiện nay, cũng như trong tương lai để có kế hoạch kinh doanh và phát triển cũng như mở rộng thị trường. Đây là yếu tố hết sức quan trọng để Petrovietnam tạo lực kéo cho các sản phẩm tương lai cũng như mở rộng thị phần cho các sản phẩm hiện tại trên thị trường trong và ngoài nước.

Petrovietnam: Khát vọng chinh phục đỉnh cao mới

Tổng giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng kiểm tra hoạt động vận hành khai thác tại mỏ Sao Vàng – Đại Nguyệt

Thứ sáu, tập trung xây dựng hệ thống quản trị rủi ro của doanh nghiệp theo mô hình của COSO và ERM. Tức là quản trị rủi ro là theo 3 lớp. Lớp thứ nhất là thông qua hệ thống điều hành trực tiếp sở hữu rủi ro; lớp thứ hai là Ban Tổng giám đốc và lớp thứ ba là HĐTV để đảm bảo rủi ro trong các nhóm của Petrovietnam được kiểm soát chặt chẽ.

Thứ bảy, tập trung phát triển và xây dựng tái tạo văn hóa doanh nghiệp.

Và cuối cùng, tập trung cùng với các bộ ngành, cơ quan hoàn thiện và thúc đẩy việc hoàn thiện cơ chế, thể chế quản trị đối với lĩnh vực dầu khí.

Hiện, Petrovietnam đang cùng Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan hoàn thiện dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Dầu khí năm 2022, tạo nền tảng quan trọng để Petrovietnam triển khai các hoạt động trong lĩnh vực cốt lõi. Đồng thời, Petrovietnam đang xây dựng dự thảo điều chỉnh điều lệ tổ chức hoạt động của Tập đoàn thay thế cho Nghị định 07 ban hành về tổ chức hoạt động của Petrovietnam trước đây trong điều kiện chiến lược mới, môi trường kinh doanh mới và cập nhật những khó khăn mới của Petrovietnam cần được tháo gỡ.

PV: Xin ông cho biết quyết tâm hiện thực hóa Khát vọng phát triển ngành Dầu khí Việt Nam được Petrovietnam thể hiện bằng những chiến lược, giải pháp gì?

TS Lê Mạnh Hùng: Hơn 60 năm truyền thống, Petrovietnam đã luôn thực hiện tốt sứ mệnh của mình trong đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc; là đầu tàu phát triển kinh tế, xã hội; tiên phong ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực Dầu khí. Sứ mệnh đó hỗ trợ cho mục tiêu dài hạn, tầm nhìn, khát vọng của Tập đoàn hướng đến mục tiêu năm 2035 xây dựng Petrovietnam trở thành tập đoàn kinh tế hàng đầu của đất nước và khu vực, hoạt động trong lĩnh vực năng lượng, công nghệ và công nghiệp, đồng bộ trong tất cả các khâu, có tiềm lực tài chính mạnh, có năng lực khoa học công nghệ, đủ sức cạnh tranh với các tập đoàn trong nước và quốc tế.

Những năm gần đây, Petrovietnam liên tục đối mặt với muôn vàn khó khăn, thử thách, đặc biệt là khủng hoảng do đại dịch Covid-19, xung đột địa chính trị và giá dầu diễn biến bất thường. Nhưng với truyền thống và giá trị cốt lõi được hun đúc qua hơn 6 thập niên, Petrovietnam đã thật sự bản lĩnh, quản trị biến động, ứng phó với tác động kép, đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Từ thực tiễn đó, để tiếp tục vượt qua những khó khăn, thách thức trong thời gian tới, Petrovietnam định hướng tiếp tục củng cố văn hóa nền tảng và xây dụng văn hóa bản sắc của mình trên cơ sở giá trị văn hóa cốt lõi của Petrovietnam, đồng thời cập nhật xu hướng mới của thế giới như xu hướng về chuyển dịch năng lượng, chuyển đổi số, thế giới phẳng… trong quản trị, cũng như triển khai các hoạt động của Tập đoàn.

Petrovietnam: Khát vọng chinh phục đỉnh cao mới

Tổng giám đốc Lê Mạnh Hùng kiểm tra, đôn đốc tiến độ Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2

Nội tại Petrovietnam cũng có sự thay đổi rất lớn trong những năm qua. Về cấu trúc tổ chức, mô hình hoạt động, từ chỗ hầu hết các đơn vị 100% vốn nhà nước hoặc nhà nước chi phối, nay đã có rất nhiều công ty thành viên của Petrovietnam chuyển sang công ty cổ phần, liên doanh, liên kết… Nguồn nhân lực cũng có sự biến động. Các thế hệ tiếp nối thay thế nhau, khó khăn, thuận lợi cũng thay đổi theo thời gian.

Thực tế đó chính là những yếu tố biện chứng để ban lãnh đạo Petrovietnam xây dựng triết lý quản trị hiệu quả trong thời kỳ biến động. Mô hình càng lớn sẽ chịu tác động càng nhiều. Gốc rễ là phải quản trị, thay đổi một cách căn bản kể cả trong văn hóa doanh nghiệp, với mục tiêu cuối cùng là thích ứng kịp thời, giảm thiểu tác động tiêu cực đến hệ sinh thái kinh doanh, tận dụng được các cơ hội để thu về thành quả; kiên trì quan điểm tái tạo văn hóa đi trước, tạo đà cho tái tạo kinh doanh.

Thực tế trong nhiều năm qua, quản trị biến động đã thấm sâu, trở thành văn hóa trong quản trị doanh nghiệp của Petrovietnam, không chỉ ở Công ty mẹ mà còn ở tất cả các đơn vị thành viên. Petrovietnam luôn chú trọng bám sát diễn biến của thị trường, cập nhật các chính sách, sự phát triển của khoa học công nghệ, của môi trường tự nhiên, chính trị xã hội…, từ đó nghiên cứu và xây dựng nhiều kịch bản, giải pháp tương ứng. Từ đầu năm 2020, Petrovietnam đã ban hành Quyết định về “Bộ giải pháp ứng phó” cho 5 nhóm quản trị, thị trường, tài chính, đầu tư và cơ chế chính sách. Trước mỗi kỳ điều hành, lãnh đạo các đơn vị đều chủ động thực hiện các dự báo, xây dựng kịch bản và điều chỉnh kế hoạch sản xuất kinh doanh cho phù hợp thực tế. Petrovietnam phân cấp đồng bộ, giao quyền cho người hiểu rõ nhất về công việc ra quyết định và chịu trách nhiệm, để có những quyết định nhanh chóng, chính xác và ứng biến kịp thời. Sự lãnh đạo, điều phối nguồn lực, hỗ trợ, cùng với kiểm tra, giám sát, quản trị rủi ro từ Petrovietnam đến các đơn vị thành viên phải nhất quán, có hệ thống, kết nối chuỗi giá trị, đảm bảo tính liên tục và hướng đích…

Có thể nói, quản trị biến động là yếu tố rất quan trọng mà Petrovietnam đã, đang và sẽ luôn đặt lên hàng đầu, bởi bản chất của vạn vật là luôn vận động, thay đổi không ngừng để phát triển.

Để tiếp tục chinh phục những đỉnh cao mới, hoàn thành sứ mệnh trong giai đoạn mới, lãnh đạo Tập đoàn kêu gọi toàn thể cán bộ, người lao động Dầu khí cần gìn giữ và phát huy bản lĩnh, trí tuệ của người Dầu khí; chuyên nghiệp trong mọi hoạt động; duy trì kỷ luật, kỷ cương; phát huy giá trị nhân văn, nghĩa tình trong Văn hóa Dầu khí.

PV: Ông đánh giá thế nào về cơ hội của Petrovietnam trong phát triển năng lượng mới, năng lượng tái tạo ngoài khơi (NLTTNK)? Điều gì đang gây vướng mắc cho Petrovietnam hiện nay để phát huy được lợi thế của mình trong phát triển NLTTNK?

TS Lê Mạnh Hùng: Trong bối cảnh chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam và trên thế giới, khi các dạng năng lượng hóa thạch đang dần suy giảm thì năng lượng tái tạo, đặc biệt là NLTTNK sẽ là dạng năng lượng của tương lai, đáp ứng được nhu cầu năng lượng của Việt Nam trong những năm tới. Dự thảo Quy hoạch Điện VIII cũng đặt chỉ tiêu công suất điện gió ngoài khơi đạt 7 GW, chiếm 4,8% tổng công suất nguồn điện đến năm 2030 và đạt 66,5 GW vào năm 2045. Trong tương lai gần, NLTTNK là một trong những loại hình năng lượng mà Petrovietnam sẽ tập trung nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững bên cạnh nguồn năng lượng hóa thạch truyền thống. Với định hướng Petrovietnam phải chủ động, tiên phong trong lĩnh vực công nghệ NLTTNK, có vai trò đầu mối trong ngành công nghiệp NLTTNK, Petrovietnam đã phân tích, đánh giá thách thức, cơ hội, năng lực kỹ thuật, công nghệ trong lĩnh vực này, đánh giá lĩnh vực thế mạnh của Petrovietnam cũng như tình hình tham gia NLTTNK của các đơn vị trong chuỗi cung ứng; xây dựng lộ trình đầu tư cơ sở vật chất, xác định mô hình hợp tác để Petrovietnam không ngừng nâng cao năng lực kỹ thuật, sớm làm chủ công nghệ NLTTNK; đề xuất các cơ chế chính sách liên quan để tạo ưu thế cho các doanh nghiệp trong nước.

Petrovietnam: Khát vọng chinh phục đỉnh cao mới

Tổng giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng nhận vinh danh Top 10 doanh nhân tiêu biểu nhất Việt Nam năm 2022

Là doanh nghiệp nhà nước hoạt động trong lĩnh vực khai thác dầu khí với địa điểm hoạt động trên biển là chính, Petrovietnam và các đơn vị thành viên có nhiều lợi thế, tiềm năng, năng lực để triển khai các dự án NLTTNK. Điểm tương đồng giữa các dự án NLTTNK và các công trình dầu khí trên biển đều là các dự án với kết cấu bằng thép được thi công chế tạo hoàn thiện trên bờ và lắp đặt ngoài khơi. Sự tăng trưởng của NLTTNK sẽ mang lại cơ hội cho những đơn vị cung cấp dịch vụ dầu khí ngoài khơi như Vietsovpetro, PTSC, PVC-MS… với kinh nghiệm, nguồn lực, thế mạnh, năng lực triển khai các gói công việc trong việc xây dựng các dự án NLTTNK; hệ thống cảng, cơ sở hạ tầng nhằm đáp ứng các yêu cầu triển khai dự án NLTTNK. Điều này đã được chứng minh khi gần đây, PTSC đã chủ động tham gia cung cấp dịch vụ cho phần lớn các dự án điện gió, điện gió ngoài khơi cho các nhà thầu trong và ngoài nước. Vietsovpetro cũng đã và đang cung ứng các dịch vụ liên quan để thực hiện các dự án trên biển. Có thể khẳng định, Petrovietnam là doanh nghiệp đứng đầu Việt Nam về cơ khí chế tạo, thi công và xây lắp các công trình dầu khí ngoài khơi, được khách hàng quốc tế đánh giá cao.

Petrovietnam: Khát vọng chinh phục đỉnh cao mới

Tổng giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng trao đổi với các chuyên gia tại công trường lắp ráp Dự án Điện gió ngoài khơi đế nổi Hywind Tampen của Equinor tại Gulen, Na Uy

Quan trọng nhất, Petrovietnam đảm bảo năng lực triển khai ở tất cả giai đoạn của dự án NLTTNK. Với bề dày kinh nghiệm, năng lực, nguồn lực và hệ thống cơ sở hạ tầng sẵn có trong lĩnh vực khai thác dầu khí ngoài khơi, việc Petrovietnam tham gia vào ngành công nghiệp NLTTNK sẽ đem lại lợi ích to lớn, tận dụng tối đa nguồn lực sẵn có của các đơn vị trong nước, tránh lãng phí đầu tư, có thể xuất khẩu dịch vụ ra thị trường quốc tế và đặc biệt góp phần vào công tác bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển.

Lãnh đạo Tập đoàn đã chỉ đạo các đơn vị tập trung triển khai rà soát đội ngũ nhân sự làm việc trong lĩnh vực NLTTNK để kiện toàn ngay. Đây chính là nguồn lực cơ bản và quan trọng của Petrovietnam trong việc tiếp cận với một lĩnh vực mới, từ đó có thể triển khai định hướng chiến lược về chuyển dịch năng lượng của Petrovietnam một cách hiệu quả, phù hợp. Song song với việc kiện toàn, nâng cao chất lượng đội ngũ nhân lực, Petrovietnam và các đơn vị cần tập trung triển khai đề án làm chủ công nghệ NLTTNK từ thiết kế cơ bản, chế tạo, cung ứng, lắp đặt, vận hành, chạy thử, bảo dưỡng dự án NLTTNK.

Về chiến lược dài hạn, Tập đoàn đã tập trung đánh giá thị trường NLTTNK trong nước, khu vực và trên thế giới để có cái nhìn tổng quan, phục vụ cho việc hoạch định chiến lược lâu dài cho lĩnh vực này. Từ đó, xây dựng chiến lược cụ thể cho phát triển NLTTNK trong chiến lược chuyển dịch năng lượng của Petrovietnam, xác định mô hình về đầu tư, triển khai công nghiệp năng lượng tái tạo một cách phù hợp, hiệu quả trên cơ sở tận dụng thế mạnh của Tập đoàn và các đơn vị, kết hợp với phát triển chiến lược về dầu khí.

Nội dung quan trọng dài hạn khác là tập trung tháo gỡ cơ chế, tạo hành lang pháp lý cho lĩnh vực NLTTNK. Tập đoàn đã giao cho Viện Dầu khí Việt Nam nghiên cứu, xây dựng dự thảo sáng kiến lập pháp về hành lang pháp lý liên quan đến NLTTNK, mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã gợi mở giao nhiệm vụ này cho Tập đoàn, đây sẽ là điều kiện thúc đẩy sự phát triển của lĩnh vực này trong tương lai.

Từ nay đến 2030, thời điểm chuyển mình của các doanh nghiệp năng lượng trong đó có Petrovietnam, còn rất ngắn. Tập đoàn và các đơn vị trong ngành cần phải chuẩn bị nguồn lực, sẵn sàng tạo đà cho việc tái tạo kinh doanh, mở rộng sang lĩnh vực NLTTNK đầy tiềm năng và lợi thế.

PV: Ông có thể chia sẻ thêm về mục tiêu của Petrovietnam trong thời gian tới?

TS Lê Mạnh Hùng: Năm 2023 được dự báo sẽ có nhiều bất lợi như giá dầu giảm, nhu cầu thị trường thấp, suy thoái kinh tế toàn cầu… Đặc biệt, tại các nền kinh tế lớn như Mỹ, Trung Quốc, EU…, lãi suất, lạm phát tăng mạnh; cuộc chiến Nga – Ukraine chưa kết thúc… dẫn đến xu hướng thu hẹp sản xuất trên thế giới, xuất khẩu suy giảm, giảm nhu cầu tiêu thụ điện, khí… Đây là những rủi ro mà Petrovietnam phải tiếp tục quản trị biến động, xây dựng kế hoạch dự phòng, tận dụng cơ hội để hoàn thành cao nhất kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2023.

Bên cạnh đó, Petrovietnam tiếp tục quản trị tốt hệ thống sản xuất và tài chính doanh nghiệp; triển khai các dự án đầu tư lớn, trọng điểm như: Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 phải đi vào vận hành thương mại trong quý I/2023; có phương án cho Dự án Nhiệt điện Long Phú 1; Dự án Nâng cấp và mở rộng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất; chủ trương Dự án Tổ hợp lọc hóa dầu và Dự trữ năng lượng Long Sơn… Đặc biệt, Dự án Khí điện Lô B phải có phương án triển khai đáp ứng thời điểm dòng gas đầu tiên tối ưu nhất.

Ngoài ra, Petrovietnam cũng tiếp tục xử lý triệt để các dự án khó khăn, tìm phương án thoát lỗ cho các công ty đang gặp khó.

Bước sang năm 2023, Petrovietnam tiếp tục củng cố và đổi mới công tác quản trị mà quản trị biến động là trọng tâm; tiếp đến là quản trị dựa trên nền tảng số đã hình thành trong những năm qua; thúc đẩy kết nối các nguồn lực để đầu tư mạnh mẽ các dự án lớn; mở rộng hợp tác đầu tư phát triển và kinh doanh quốc tế dựa trên lợi thế về quan hệ của Việt Nam với các nước và thị trường, tập trung tại Đông Nam Á, Nga và Trung Đông, Bắc Mỹ…

Với Petrovietnam, “tương lai sẽ là lực kéo, hiện tại và quá khứ chính là lực đẩy” để tiếp tục phát triển bền vững và vươn ra biển lớn.

PV: Xin cảm ơn ông về buổi trao đổi và xin chúc cho Petrovietnam sẽ tiếp nối truyền thống để chinh phục những đỉnh cao mới!

Nhóm Phóng viên