13/01/2023 9:52:23

GIẢI ĐÁP PHÁP LUẬT THÁNG 12/2022

Câu 1.

Trong thể lệ bầu cử tại đại hội, hội nghị công đoàn thì thể thức của phiếu bầu cử được quy định như thế nào?

Trả lời:

Căn cứ Điểm a Phần 8.6 Mục 8 Hướng dẫn số 03/HD-TLĐ ngày 20/02/2020 của ĐCT Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về hướng dẫn thi hành Điều lệ Công đoàn Việt Nam thì thể thức của phiếu bầu cử được quy định như sau:

“8. Nguyên tắc, hình thức bầu cử tại đại hội, hội nghị công đoàn theo Điều 10

…………………………….

8.6. Thể lệ bầu cử

1. hể thức của phiếu bầu cử

– Phiếu in sẵn danh sách bầu cử phải đầy đủ họ, tên, chức vụ, đơn vị công tác của người có tên trong danh sách bầu cử, xếp theo thứ tự bảng chữ cái tiếng Việt đối với toàn bộ danh sách bầu cử hoặc theo khối công tác (các khối công tác xếp theo thứ tự bảng chữ cái tiếng Việt).

– Phiếu bầu cử phải được đóng dấu của Ban Chấp hành công đoàn cấp triệu tập ở góc trái phía trên. Phiếu bầu cử của công đoàn cơ sở thành viên, công đoàn bộ phận, tổ công đoàn được sử dụng con dấu của công đoàn cơ sở.

– Trường hợp công đoàn cơ sở thành viên, công đoàn bộ phận, tổ công đoàn ở xa, không thể đóng dấu của Ban Chấp hành công đoàn cơ sở thì phải có chữ ký của trưởng ban bầu cử ở góc trái, phía trên phiếu bầu.

– Phiếu bầu cử tại đại hội thành lập công đoàn cơ sở phải có chữ ký của trưởng ban vận động ở góc trái, phía trên phiếu bầu.”

Câu 2.

Hình thức giám sát việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên được quy định như thế nào?

Trả lời:

– Căn cứ Mục 2 Phần II Hướng dẫn số 44/HD-TLĐ ngày 20/12/2021 của ĐCT Tổng Liên đoàn LĐVN thì hình thức giám sát việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên được quy định như sau:

2. Hình thức giám sát

2.1. Giám sát thường xuyên

– Thông qua việc quan sát, tìm hiểu, giao tiếp với người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên.

– Thông qua tiếp nhận thông tin báo cáo, phản ảnh của công đoàn cấp dưới, đoàn viên công đoàn, người lao động; dư luận xã hội, cơ quan truyền thông đại chúng; thông qua thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, ban thanh tra nhân dân ở cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước; thông qua đối thoại giữa tổ chức công đoàn với đối tượng được giám sát; thông qua nội dung và kết quả giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của tổ chức, đoàn viên, người lao động.

– Trường hợp đặc biệt, có thể thành lập đoàn giám sát theo quy định của Đảng và pháp luật Nhà nước.

…………………………”

 

Câu 3.

Khi tiến hành đối thoại định kỳ, một số nội dung đối thoại có liên quan đến quyền lợi của lao động nữ. Vậy, ngoài các thành viên tham gia đối thoại có phải mời đại diện lao động nữ tham gia đối thoại hay không?

Trả lời:

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 63 của Bộ luật Lao động năm 2019, khi tiến hành đối thoại định kỳ, ngoài các thành viên tham gia đối thoại quy định, hai bên thống nhất mời tất cả người lao động hoặc một số người lao động liên quan cùng tham gia đối thoại, bảo đảm có sự tham gia của đại diện lao động nữ khi đối thoại về các nội dung liên quan đến quyền, lợi ích của lao động nữ theo quy định tại Khoản 2 Điều 136 của Bộ luật Lao động. Bên cạnh đó, Khoản 2 Điều 136 Bộ luật Lao động năm 2019 và Khoản 2 Điều 78 Nghị định 145/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020 của Chính phủ, quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về kiện lao động và quan hệ lao động đều quy định người sử dụng lao động có trách nhiệm tham khảo ý kiến của lao động nữ hoặc đại diện của họ khi quyết định những vấn đề liên quan đến quyền, nghĩa vụ và lợi ích của phụ nữ; việc tham khảo ý kiến của đại diện lao động nữ được thực hiện thông qua đối thoại tại nơi làm việc.

Như vậy, căn cứ vào những quy định trên. Khi đơn vị tiến hành đối thoại định kỳ, một số nội dung đối thoại có liên quan đến quyền lợi của lao động nữ thì ngoài các thành viên tham gia đối thoại, đơn vị phải mời đại diện lao động nữ tham gia đối thoại.

 

Câu 4.

Người lao động được dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau khi điều trị thương tật, bênh tật được thực hiện như thế nào?

Trả lời:

– Căn cứ Điều 52, Luật BHXH số 58/2014/QH13 thì người lao động được dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau khi điều trị thương tật, bênh tật được thực hiện như sau:

“Điều 52. Dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau khi điều trị thương tật, bệnh tật

1. Người lao động sau khi điều trị ổn định thương tật do tai nạn lao động hoặc bệnh tật do bệnh nghề nghiệp mà sức khỏe chưa phục hồi thì được nghỉ dưỡng sức phục hồi sức khỏe từ 05 ngày đến 10 ngày.

2. Mức hưởng một ngày bằng 25% mức lương cơ sở nếu nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe tại gia đình; bằng 40% mức lương cơ sở nếu nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ tại cơ sở tập trung.”

Câu 5.

Do nhu cầu sản xuất, kinh doanh của Công ty X, tôi được người sử dụng lao động chuyển sang làm công việc khác so với hợp đồng lao động. Vậy, chế độ tiền lương của tôi sẽ thực hiện thế nào?

Trả lời: 

Theo quy định tại Điều 29 BLLĐ năm 2019, người lao động chuyển sang làm công việc khác so với hợp đồng lao động được trả lương theo công việc mới. Nếu tiền lương của công việc mới thấp hơn tiền lương của công việc cũ thì được giữ nguyên tiền lương của công việc cũ trong thời hạn 30 ngày làm việc. Tiền lương theo công việc mới ít nhất phải bằng 85% tiền lương của công việc cũ nhưng không thấp hơn mức lương tối thiểu.

Văn phòng Tư vấn pháp luật