04/10/2013 10:15:22

Chỉ thị đẩy mạnh công tác tư vấn pháp luật của Công đoàn

Trong những năm qua, công tác tư vấn pháp luật của công đoàn đã có những bước phát triển quan trọng cả về tổ chức và nội dung hoạt động; góp phần nâng cao hiểu biết, ý thức chấp hành pháp luật, chính đáng của đoàn viên và người lao động.

Bên cạnh những cố gắng và thành tích đạt được, công tác tư vấn pháp luật của công đoàn cũng còn nhiều hạn chế. Bộ máy làm nhiệm vụ tư vấn pháp luật vừa thiếu, vừa không thống nhất về mô hình: chất lượng và nội dung hoạt động chưa đáp ứng yêu cầu của đoàn viên và người lao động trong giai đoạn hiện nay.

Từ thực tế trên. Nghị quyết Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ IX đã khẳng định: “ Phát triển đa dạng các hình thức và nâng cao chất lượng công tác tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý cho người lao động. Tiếp tục thành lập các văn phòng tư vấn pháp luật miễn phí cho người lao động”. Điều lệ Công đoàn Việt Nam cũng quy định, đoàn viên có quyền: “ Được Công đoàn tư vấn miễn phí về pháp luật lao động và Công đoàn”.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ IX, Điều lệ Công đoàn Việt Nam, Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn đã ban hành Quy định về tổ chức và hoạt động tư vấn pháp luật của Công đoàn và Quy chế tổ chức, hoạt động của Trung tâm tư vấn pháp luật Công đoàn.

Để thống nhất triển khai các văn bản trên, nhanh chóng khắc phục những hạn chế của công tác tư vấn pháp luật trong thời gian qua, đẩy mạnh công tác tổ chức, hoạt động tư vấn pháp luật trong thời gian tới, Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn yêu cầu Công đoàn các cấp thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau đây:

l. Tuyên truyền, phổ biến sâu rộng chủ trương và các quy định của Tổng Liên đoàn về tổ chức, hoạt động tư vấn pháp luật của công đoàn; xác định rõ hoạt động tư vấn pháp luật là một trong những nhiệm vụ trọng tâm cúa công đoàn các cấp nhằm góp phần thực hiện tốt chức năng bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên công đoàn và người lao động.

2. Căn cứ vào điều kiện, đặc điểm cụ thể của địa phương, ngành và cơ sở, mỗi cấp công đoàn quyết định lựa chọn hình thức tổ chức tư vấn pháp luật ở cấp mình theo hướng chủ yếu sau đây:

a. Văn phòng tư vấn pháp luật thành lập ở Liên đoàn lao động cấp tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương, Công đoàn ngành
Trung ương và Công đoàn các Tống Công ty trực thuộc Tổng liên đoàn;

b. Những nơi có đủ điều kiện theo Quy định ban hành kèm theo Quyết định số 786/QĐ-TLĐ ngày 27 tháng5 năm 2004 của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn thì thành lập Trung tâm tư vấn pháp luật công đoàn;

c. Tổ tư vấn pháp luật thành lập ở Liên đoàn lao động cấp quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh, Công đoàn ngành địa phương và những công đoàn cơ sở lớn có nhiều công đoàn cơ sở thành viên;

d. Các công đoàn cơ sở khác, cử cán bộ làm chuyên viên tư vấn pháp luật để thực hiện công tác tư vấn pháp luật ở cơ sở.

3. Nội dung tư văn pháp luật tập trung chú yếu vào pháp luật lao dộng và Công đoàn. Những nơi thành lập Trung tâm tư vấn pháp luật nếu có điều kiện có thể mở rộng nội dung hoạt động để thu phí đối với các lĩnh vực hình sư, dân sự, hành chính hoặc lĩnh vực pháp luật khác.

4. Các cấp công đoàn cần quan tâm đầu tư, tạo điều kiện về cán bộ, tài chính. địa điểm và các điều kiện vật chất khác nhảm đẩy mạnh và phát triển hoạt động tư vấn pháp luật ở cấp mình.

5. Quá trình tổ chức hoạt động tư vấn pháp luật ở các cấp, cần tăng cường mối quan hệ phối hợp với các tổ chức tư vấn pháp luật của Nhà nước, phối hợp giữa các tổ chức tư vấn pháp luật của công đoàn và các cơ quan chuyên môn khác trong hệ thống tổ chức Công đoàn.

Các cấp Công đoàn có trách nhiệm nghiên cứu, xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị này ở cấp mình và chỉ đạo công đoàn cấp dưới thực hiện, đồng thời báo cáo kết quả triển khai, thực hiện với công đoàn cấp trên trực tiếp.

Ban Pháp luật Tổng Liên đoàn giúp Đoàn Chủ tịch theo dõi đôn đốc, tổng hợp tình hình và kết quả triển khai thi hành Chỉ thị; hướng dẫn, hỗ trợ chuyên môn, nghiệp vụ tư vấn pháp luật trong hệ thống tổ chức công đoàn.

NGHỊ QUYẾT
CỦA BAN CHẤP HÀNH TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM LẦN THỨ 5 (KHOÁ IX) VỀ ĐẨY MẠNH CÔNG TÁC PHÁP LUẬT CỦA CÔNG ĐOÀN TRONG TÌNH HÌNH MỚI
Để nâng cao hiệu quả hoạt động trong nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập kinh tế quốc tế, góp phần thực hiện tốt các chức năng của tổ chức Công đoàn, trong đó đặc biệt coi trọng chức năng đại diện bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của CNVCLĐ theo Nghị quyết Đại hội IX Công đoàn Việt Nam. Đồng thời, phát huy vai trò của tổ chức Công đoàn tham gia xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN theo đường lối đổi mới của Đảng Cộng sản Việt Nam; Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn khoá IX quyết nghị ban hành Nghị quyết về: “Đẩy mạnh công tác pháp luật của Công đoàn trong tình hình mới”.

I. CÔNG TÁC PHÁP LUẬT CỦA CÔNG ĐOÀN TRONG THỜI GIAN QUA

1. Những kết quả hoạt động chủ yếu

Từ sau Đại hội Công đoàn Việt nam lần thứ VIII (1998) đến nay, hoạt động pháp luật ở nhiều cấp công đoàn đã tạo được bước chuyển quan trọng cả về nội dung và phương thức thực hiện.

Công tác tham gia xây dựng văn bản quy phạm pháp luật với Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương, địa phương và văn bản quy phạm nội bộ ở đơn vị cơ sở đã được Tổng Liên đoàn, Công đoàn các cấp triển khai thực hiện có kết quả. Thông qua hoạt động xây dựng pháp luật, Công đoàn đã có nhiều ý kiến, kiến nghị được cơ quan Nhà nước nghiên cứu tiếp thu để bổ sung hoàn thiện các quy định của pháp luật, nhất là đối với lĩnh vực pháp luật lao động và pháp luật công đoàn.

Công tác tuyên truyền, phổ biến hướng dẫn pháp luật lao động, pháp luật công đoàn và một số pháp luật khác được tổ chức thường xuyên, dưới nhiều hình thức phong phú, thiết thực; góp phần nâng cao hiểu biết, ý thức chấp hành pháp luật của đông đảo CNVCLĐ và người sử dụng lao động.

Công tác kiểm tra và phối hợp kiểm tra thi hành pháp luật lao động và pháp luật công đoàn đã tạo thành nền nếp ở các cấp công đoàn và có tác dụng thiết thực trên nhiều mặt.

Nhiều Liên đoàn lao động tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành Trung ương đã thực hiện tốt nhiệm vụ tư vấn pháp luật; tích cực, chủ động tham gia giải quyết tranh chấp lao động và đình công; hỗ trợ pháp lý, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của CNVCLĐ; góp phần XD quan hệ lao động hài hoà, ổn định và phát triển lành mạnh.

Hoạt động pháp luật của Công đoàn trong lĩnh vực công pháp, tư pháp quốc tế, nghiên cứu khoa học pháp lý liên quan công tác pháp luật của Công đoàn cũng đạt được những kết quả bước đầu, góp phần xây dựng cơ sở lý luận, thực tiễn đối với hoạt động công đoàn trong nền kinh tế thị trường và tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.

2. Những hạn chế, thiếu sót và nguyên nhân

2.1. Hạn chế, thiếu sót

– Chất lượng tham gia xây dựng pháp luật, chính sách chưa cao. Trong một số trường hợp còn bị động, thiếu kịp thời, chưa tập hợp được ý kiến của đông đảo của CNVCLĐ và cán bộ công đoàn.

– Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật thực hiện chưa đều khắp. Đặc biệt, số đông người lao động thuộc khu vực kinh tế ngoài quốc doanh còn ít hiểu biết về tổ chức Công đoàn; chưa nắm được các quyền, nghĩa vụ của người lao động và người sử dụng lao động trong quan hệ lao động.

– Công tác tư vấn pháp luật chưa thật sự chuyển biến tích cực ở tất cả các cấp công đoàn. Một số Liên đoàn lao động tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành Trung ương còn lúng túng về tổ chức hoạt động tư vấn pháp luật. Hoạt động đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động trước các cơ quan nhà nước có thẩm quyền mới thực hiện được ở một số địa phương, ngành, cơ sở và hiệu quả chưa cao.

– Hoạt động kiểm tra, tham gia kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật có liên quan đến người lao động còn nhiều hạn chế, nhất là việc kiến nghị xử lý và giám sát việc xử lý vi phạm. Do đó tình trạng tái phạm các quy định của pháp luật ở nhiều doanh nghiệp còn tiếp tục diễn ra.

– Việc tham gia giải quyết các vụ tranh chấp lao động và đình công không đúng trình tự, thủ tục nhiều nơi còn lúng túng, bị động. Biện pháp phòng ngừa, hạn chế tranh chấp lao động và đình công trái pháp luật của Công đoàn hiệu quả chưa cao. ở những doanh nghiệp có tổ chức Công đoàn đã xảy ra đình công, hầu hết Công đoàn cơ sở chưa thực hiện được vai trò, trách nhiệm theo đúng quy định của pháp luật.

2.2. Nguyên nhân

– Nhận thức về công tác pháp luật của Công đoàn ở một số nơi chưa thật đúng và đầy đủ; chưa thấy rõ vị trí, tầm quan trọng của công tác pháp luật của Công đoàn. Vì vậy, đã thiếu tập trung chỉ đạo, chưa quan tâm đầy đủ về điều kiện hoạt động và tổ chức cán bộ; nội dung, phương thức hoạt động pháp luật chưa đổi mới.

– Tổ chức bộ máy hoạt động pháp luật của công đoàn còn thiếu tính hệ thống và tính chiến lược. Lực lượng cán bộ thiếu về số lượng, hạn chế về năng lực chuyên môn và kỹ năng hoạt động. Các cấp công đoàn chưa có quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ của đội ngũ cán bộ làm công tác pháp luật của Công đoàn.

– Mối quan hệ phối hợp, cộng tác trong tổ chức Công đoàn và với các cơ quan hữu quan về công tác pháp luật của Công đoàn còn thụ động, thiếu chặt chẽ và hiệu quả chưa cao.

– Bên cạnh các nguyên nhân chủ quan nêu trên, còn có nguyên nhân khách quan do trình độ hiểu biết, ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận người lao động, người sử dụng lao động còn thấp; hệ thống pháp luật của nền kinh tế thị trường đang trong quá trình hoàn thiện, nên còn nhiều mâu thuẫn, chồng chéo, hạn chế và bất cập.

II. MỤC TIÊU, PHƯƠNG HƯỚNG NHIỆM VỤ

1. Mục tiêu

– Nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật cho CNVCLĐ, cán bộ, đoàn viên công đoàn, giúp họ thực hiện đúng các quyền và nghĩa vụ theo quy định của pháp luật; biết tự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình khi bị xâm hại.

– Nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động pháp luật của Công đoàn trong việc tham gia xây dựng pháp luật, chính sách đối với Nhà nước; trong kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật, chính sách của người sử dụng lao động và các cơ quan nhà nước. Tăng cường vai trò đại diện, bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của CNVCLĐ.

– Góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hoà, ổn định, phát triển. Trên cơ sở đó góp phần tăng trưởng kinh tế xã hội, nâng cao vị thế của tổ chức Công đoàn trong nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa.

2. Phương hướng nhiệm vụ

2.1. Các cấp công đoàn cần tiếp tục quán triệt, nâng cao nhận thức, quan điểm về vị trí, vai trò, tầm quan trọng và sự cần thiết phải đẩy mạnh công tác pháp luật của Công đoàn trong tình hình mới. Trên cơ sở đó, kiện toàn, xây dựng và phát triển mạnh mẽ, bảo đảm tính hệ thống về tổ chức và hoạt động pháp luật của Công đoàn.

2.2. Chủ động nghiên cứu, nâng cao chất lượng tham gia xây dựng văn bản quy phạm pháp luật với Nhà nước, cơ chế chính sách của địa phương, ngành, các quy định nội bộ tại đơn vị cơ sở có liên quan trực tiếp tới quyền, lợi ích của CNVCLĐ và tổ chức Công đoàn. Trong quá trình tham gia xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách, cần có nhiều biện pháp thích hợp nhằm tập trung trí tuệ, lấy ý kiến rộng rãi của người lao động và đội ngũ cán bộ công đoàn.

2.3. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn thực hiện pháp luật trong CNVCLĐ theo hướng đa dạng hoá hình thức, nội dung sát thực với từng đối tượng; trong đó tập trung vào người lao động trong các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và công nhân viên chức lao động trẻ.

2.4. Tiếp tục đẩy mạnh hoạt động tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý; phát triển nhiều hình thức tư vấn linh hoạt, phù hợp với yêu cầu của từng lĩnh vực và từng đối tượng; hướng mạnh hoạt động tư vấn pháp luật về cơ sở. Nâng cao hiệu quả bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của CNVCLĐ trước người sử dụng lao động, trong quá trình tham gia tố tụng và trước các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

2.5. Chủ động xây dựng và thực hiện các biện pháp phòng ngừa tranh chấp lao động, đình công trái pháp luật tại doanh nghiệp. Thực hiện vai trò tổ chức và lãnh đạo đình công theo đúng quy định của pháp luật. Phối hợp giải quyết nhanh, kịp thời, hiệu quả các vụ tranh chấp lao động và đình công để ổn định sản xuất kinh doanh; đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của các bên quan hệ lao động và lợi ích của Nhà nước.

2.6. Tăng cường công tác giám sát, kiểm tra gắn liền với tuyên truyền, hướng dẫn thi hành pháp luật lao động, pháp luật công đoàn và các chế độ chính sách liên quan đến CNVCLĐ và tổ chức Công đoàn. Kiến nghị với Nhà nước, các cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện pháp luật và cơ chế chính sách. Kiên quyết đề nghị xử lý nghiêm khắc những hành vi vi phạm pháp luật, góp phần giữ vững trật tự, kỷ cương trong lĩnh vực lao động và công đoàn.

2.7. Bổ sung số lượng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác pháp luật của Công đoàn ở các cấp thông qua công tác tuyển chọn, đào tạo và sử dụng cán bộ. Thường xuyên bồi dưỡng nâng cao kiến thức, kỹ năng hoạt động cho cán bộ trong các Ban Pháp luật và Trung tâm, Văn phòng, Tổ tư vấn pháp luật thuộc cơ quan công đoàn các cấp.

2.8. Mở rộng đội ngũ cộng tác viên và đảm bảo các điều kiện hoạt động pháp luật của Công đoàn. Tăng cường mối quan hệ phối hợp trong và ngoài hệ thống Công đoàn để nâng cao hiệu quả thực hiện những nội dung công tác pháp luật và xử lý kịp thời những vấn đề vướng mắc nảy sinh trong quan hệ lao động.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Trách nhiệm của Tổng Liên đoàn

– Tăng cường đầu tư, chỉ đạo nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của Ban Pháp luật Tổng Liên đoàn. Xúc tiến nghiên cứu, thành lập Trung tâm thông tin pháp lý và bồi dưỡng kiến thức pháp luật của Tổng Liên đoàn.

– Nghiên cứu, khảo sát, đánh giá thực trạng về tổ chức bộ máy thực hiện công tác pháp luật của các cấp công đoàn; ban hành văn bản quy định và hướng dẫn các Liên đoàn lao động địa phương, Công đoàn ngành Trung ương, Công đoàn Tổng công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn về vấn đề tổ chức, biên chế cán bộ, nội dung và điều kiện hoạt động của Ban Pháp luật, Trung tâm, Văn phòng tư vấn pháp luật thuộc các cấp công đoàn.

– Chủ động nghiên cứu, tham gia với các cơ quan nhà nước xây dựng pháp luật, chính sách. Trong đó tập trung tham gia xây dựng pháp luật về lao động, pháp luật công đoàn và các chính sách, pháp luật liên quan trực tiếp đến CNVCLĐ.

– Ban hành quy định về vai trò, trách nhiệm của Liên đoàn lao động các tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành Trung ương và sự phối hợp của tổ chức Công đoàn với các cơ quan liên quan trong quá trình giải quyết các vụ tranh chấp lao động và đình công trái pháp luật. Phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan ban hành các quy định thực hiện quyền đại diện của Công đoàn.

– Hướng dẫn quy trình kiểm tra việc thực hiện pháp luật, chính sách có liên quan tới người lao động và tổ chức Công đoàn ở các cấp. Coi trọng hình thức kiểm tra thông qua hoạt động của Ban thanh tra nhân dân, hình thức tự kiểm tra của tổ chức Công đoàn và sự phối hợp kiểm tra của Công đoàn với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

– Nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kiến thức và năng lực hoạt động pháp luật của cán bộ công đoàn. Nghiên cứu tăng thời lượng học phần về pháp luật lao động, pháp luật công đoàn trong chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công đoàn tại trường Đại học Công đoàn. Thành lập Bộ môn pháp luật trong Trường Đại học Công đoàn.

– Định kỳ tổ chức sơ kết, tổng kết công tác pháp luật của Công đoàn.

2. Trách nhiệm của Liên đoàn lao động tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành Trung ương, Công đoàn Tổng công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn và Công đoàn cấp trên cơ sở

– Xúc tiến thành lập, củng cố hoạt động của các Trung tâm, Văn phòng, Tổ tư vấn pháp luật theo quy định của Đoàn chủ tịch Tổng Liên đoàn. Hình thành bộ phận pháp luật hoặc bố trí cán bộ có chuyên môn, năng lực làm chuyên trách công tác pháp luật ở Liên đoàn lao động cấp tỉnh, Công đoàn ngành Trung ương. Những địa phương, ngành có công nghiệp phát triển, đông CNVCLĐ, quan hệ lao động phức tạp, nghiên cứu, đề xuất với Đoàn chủ tịch Tổng Liên đoàn thành lập Ban Pháp luật để tham mưu, giúp việc và làm đầu mối thực hiện công tác pháp luật.

– Đầu tư hợp lý đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng có hiệu quả đội ngũ cán bộ công đoàn có trình độ chuyên môn pháp luật. Mỗi cấp công đoàn cần chủ động dành nguồn kinh phí hợp lý trang bị tài liệu nghiên cứu, tuyên truyền về pháp luật và các hoạt động pháp luật của Công đoàn.

– Xây dựng, củng cố và phát triển mạnh mẽ mối quan hệ phối hợp hoạt động pháp luật trong nội bộ tổ chức Công đoàn và với các cơ quan hữu quan, với Hội đồng nhân dân, Đoàn đại biểu Quốc Hội ở địa phương để kịp thời tham gia xây dựng pháp luật, chính sách; phản ánh trung thực ý kiến, tâm tư nguyện vọng của CNVCLĐ với Tổng Liên đoàn, cơ quan Nhà nước và các cấp chính quyền.

– Thúc đẩy việc thành lập, kiện toàn và nâng cao chất lượng hoạt động của Tiểu ban phối hợp công tác phổ biến giáo dục pháp luật của Công đoàn; tham gia hoạt động có hiệu quả trong Hội đồng trọng tài lao động cấp tỉnh. Tăng cường biện pháp chỉ đạo việc ký kết thoả ước lao động tập thể và thành lập Hội đồng hoà giải lao động cơ sở ở các doanh nghiệp có tổ chức Công đoàn hoặc Ban Chấp hành Công đoàn lâm thời; thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở.

– Phối hợp với các cơ quan, tổ chức hữu quan đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát việc thi hành pháp luật, chế độ, chính sách với người lao động; đồng thời chủ động thực hiện quyền kiểm tra theo quy định của pháp luật và hướng dẫn của Tổng Liên đoàn.

– Chủ động gặp gỡ, đối thoại với người sử dụng lao động theo từng lĩnh vực và từng đối tác để trao đổi thông tin và giải quyết tốt những vấn đề về quan hệ lao động.

– Xây dựng chương trình kế hoạch cụ thể, triển khai việc thực hiện Nghị quyết đến cơ sở, tạo sự chuyển biến tích cực, có hiệu quả về công tác pháp luật của Công đoàn. Định kỳ kiểm tra, đánh giá, rút kinh nghiệm công tác tổ chức thực hiện tại cấp mình.

3. Trách nhiệm của Công đoàn cơ sở

– Căn cứ vào hướng dẫn, chỉ đạo của Tổng Liên đoàn và Công đoàn cấp trên, các Công đoàn cơ sở phải phân công cán bộ, bảo đảm các điều kiện để triển khai thực hiện có hiệu quả nội dung công tác pháp luật. Tập trung tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện pháp luật, giúp người lao động ký hợp đồng lao động, tham gia xây dựng thoả ước lao động tập thể, nội quy lao động, cơ chế tiền lương, tiền thưởng, định mức lao động. Thành lập và tổ chức hoạt động của Hội đồng hoà giải lao động cơ sở; tổ chức đại hội công nhân viên chức trong doanh nghiệp nhà nước, hội nghị cán bộ, công chức trong cơ quan, đơn vị và cơ chế đối thoại tại đơn vị, cơ sở.

– Những nơi cán bộ công đoàn hoạt động kiêm nhiệm, cần ưu tiên dành thời gian thoả đáng trong quĩ thời gian hoạt động công đoàn cho việc thực hiện nội dung công tác pháp luật.

– Chủ động phối hợp với thủ trưởng cơ quan, đơn vị và người sử dụng lao động; tranh thủ sự hỗ trợ của Công đoàn cấp trên trong quá trình thực hiện nội dung công tác pháp luật của Công đoàn.

TM. BAN CHẤP HÀNH
CHỦ TỊCH

Cù Thị Hậu