Sáng 8.10, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phối hợp Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học Nhiệm vụ trọng tâm của các cấp công đoàn – lý luận và thực tiễn.
Ông Ngọ Duy Hiểu – Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam – phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Hải Nguyễn
Phát biểu khai mạc, ông Ngọ Duy Hiểu – Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam – nhấn mạnh, Công đoàn Việt Nam đã có lịch sử 93 năm xây dựng và trưởng thành. Công đoàn Việt Nam vừa là tổ chức chính trị xã hội vừa là tổ chức đại diện bảo vệ người lao động, từ đó định hình lên nhiệm vụ của tổ chức công đoàn.
“Qua từng giai đoạn cách mạng, Công đoàn Việt Nam có những nhiệm vụ phù hợp. Giai đoạn hiện nay, trong bối cảnh Việt Nam hội nhập mạnh mẽ, thì việc xác định nhiệm vụ cụ thể của tổ chức Công đoàn nói chung và đặc biệt là từng cấp công đoàn nói riêng để đảm bảo linh hoạt, chủ động, thích ứng, đủ năng lực để cạnh tranh với tổ chức đại diện khác của người lao động là rất quan trọng” – ông Ngọ Duy Hiểu nói.
Theo TS Vũ Minh Tiến – Viện trưởng Viện Công nhân Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam), nhiệm vụ trọng tâm của các cấp công đoàn là những công việc chủ yếu, quan trọng nhất, có tác dụng quyết định và chi phối những công việc khác, được đặt ra trong từng giai đoạn nhất định mà mỗi cấp công đoàn phải ưu tiên thực hiện.
“Nếu nhiệm vụ trọng tâm không được thực hiện hoặc thực hiện nhưng với chất lượng, hiệu quả thấp thì cũng coi như chưa hoàn thành nhiệm vụ công đoàn” – TS Vũ Minh Tiến nhấn mạnh.
TS Vũ Minh Tiến – Viện trưởng Viện Công nhân Công đoàn – phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Hải Nguyễn
TS Vũ Minh Tiến cho biết thêm, Công đoàn Việt Nam, cũng như các tổ chức công đoàn trên thế giới, cần mang dấu hiệu chung của mọi tổ chức đại diện đó là: có tính chất đại diện và chức năng bảo vệ người lao động. Tính chất đại diện dùng để xác định nó có phải là tổ chức chính danh của người lao động hay không. Chức năng bảo vệ dùng để xác định nó có hoàn thành sứ mệnh sinh ra nó, hoàn thành nhiệm vụ mà người lao động uỷ quyền cho nó hay không. Chức năng bảo vệ người lao động là chức năng bẩm sinh, vốn có của tổ chức công đoàn. Vì vậy, tổ chức và hoạt động công đoàn phải bảo đảm tính đại diện và nhiệm vụ của công đoàn là phải nhằm hoàn thành chức năng bảo vệ người lao động.
Tham luận tại hội thảo, TS Phạm Thị Thu Lan – Phó Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn – cho rằng, nhiệm vụ trọng tâm là nhiệm vụ chính, thể hiện rõ 3 chức năng chính của tổ chức Công đoàn (đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích; tham gia quản lý và tuyên truyền giáo dục) và nhiệm vụ gia tăng là nhiệm vụ phụ, tạo thêm giá trị gia tăng cho Công đoàn khi Công đoàn đã làm tốt nhiệm vụ chính và để hỗ trợ vị thế cho Công đoàn thực hiện nhiệm vụ chính.
TS Phạm Thị Thu Lan cho rằng, các nhiệm vụ trọng tâm và xuyên suốt cần dành 70-80% thời gian và nguồn lực; và nhiệm vụ giá trị gia tăng chỉ nên dành 10-20% thời gian và nguồn lực. Thực tế hiện nay, Công đoàn đang dành 60-70% thời gian và nguồn lực cho nhiệm vụ giá trị gia tăng và chỉ 20-30% cho nhiệm vụ trọng tâm và xuyên suốt.
“Điều này cần đảo ngược. Nếu tập trung vào nhiệm vụ gia tăng mà không làm tốt nhiệm vụ trọng tâm thì Công đoàn sẽ mất hình ảnh và uy tín trong đoàn viên và người lao động, người lao động không cảm nhận được Công đoàn là tổ chức đại diện cho họ, từ đó không giữ chân được đoàn viên và không thu hút được người lao động tham gia Công đoàn – nguy cơ mất đoàn viên khi ra đời các tổ chức khác của người lao động” – theo Phó Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn.
TS Phạm Thị Thu Lan đưa ra 3 nhiệm vụ trọng tâm của tổ chức Công đoàn hiện nay là: Tư vấn, hướng dẫn, giáo dục, truyền thông cho đoàn viên, người lao động; đối thoại và thương lượng tập thể; đại diện giải quyết các khiếu nại của đoàn viên và người lao động.
Tại hội thảo, các đại biểu trình bày nhiều tham luận xoay quanh nội dung về nhiệm vụ trọng tâm của tổ chức công đoàn nói chung và các cấp công đoàn nói riêng trong tình hình mới ở góc độ lý luận và thực tiễn.
Theo laodong.vn