Văn hóa Dầu khí thể hiện trong các hoạt động của người Dầu khí cả về vật chất lẫn đời sống tinh thần. Hay nói gắn gọn hơn, Văn hóa Dầu khí là của người Dầu khí – đội ngũ CBCNV ngành Dầu khí. Vậy Văn hóa ngành Dầu khí có những đặc trưng gì?
Theo cá nhân tôi đó là:
Văn hóa Dầu khí phản ánh hành động của các thế hệ lãnh đạo và đội ngũ người lao động Dầu khí đã triển khai thắng lợi ước mong, tiên đoán của Bác Hồ và Ðảng, Nhà nước ta về một ngành công nghiệp Dầu khí.
Câu nói của Bác Hồ khi đến thăm thành phố Bacu nước Cộng hòa Azerbaijan năm 1959: “Việt Nam chúng tôi có nhiều biển, nhất định sẽ có dầu, nhưng đang có chiến tranh, chưa làm được, tôi hy vọng và tin rằng, sau khi Việt Nam kháng chiến thắng lợi, các đồng chí sẽ giúp chúng tôi tìm ra dầu rồi giúp chúng tôi khai thác và chế biến dầu, xây dựng được khu công nghiệp dầu khí giàu và đẹp như thành phố Bacu của các đồng chí”.
TS Hà Duy Dĩnh
Như vậy Bác đã tiên đoán Việt Nam sẽ có dầu, khí. Hành động đi đôi với lời nói, Bác và Ðảng ta từ đó liên tục gửi những lưu học sinh sang Liên Xô và một số nước Ðông Âu học tập về khoa học kỹ thuật, kinh tế… trong đó có nhiều lĩnh vực về địa chất dầu khí, kinh tế dầu khí…
Trong số những người như thế phải kể đến anh Nguyễn Giao sau này đã trở thành Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Liên bang Nga, Anh hùng Lao động; cố TGÐ Trương Thiên; anh Ngô Thường San, Anh hùng Lao động nguyên TGÐ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN); GS.TSKH Hồ Sĩ Thoảng, nguyên TGÐ, Chủ tịch Hội đồng Quản trị PVN; anh Ðặng Của, nguyên Phó TGÐ Liên doanh Dầu khí Việt – Nga (VSP); GS.TSKH Phạm Quang Dự, nguyên Chủ tịch HÐQT; anh Hồ Ðắc Hoài, nguyên Viện trưởng Viện Dầu khí, Ủy viên thường trực HÐQT PVN; TS Nguyễn Hiệp, nguyên Phó TGÐ PVN, TSKH Trương Minh; TS Nguyễn Xuân Nhậm và TS Trần Ngọc Cảnh, nguyên TGÐ PVN… đồng thời đã tuyển lựa nguồn nhân lực được đào tạo ở nhiều nước trên thế giới và trong nước vừa tiếp tục đào tạo ở hàng trăm lĩnh vực, ngày càng đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn.
PVN có được diện mạo như ngày hôm nay phải kể đến đội ngũ lãnh đạo không chỉ tài giỏi mà còn là những con người lao động quên mình vì đất nước, vì Tổ quốc. Ðó chính là nét đẹp của Văn hóa Dầu khí như: cố Bộ trưởng phụ trách ngành Dầu khí Ðinh Ðức Thiện, cố Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Biên và Nguyễn Hòa, cố TGÐ Trương Thiên; các TGÐ Hồ Sĩ Thoảng, VS.TSKH Nguyễn Giao; Ngô Thường San, Nguyễn Xuân Nhậm, Trần Ngọc Cảnh, Ðinh La Thăng, Phùng Ðình Thực, Ðỗ Văn Hậu…
Ngày 3-9-2014 tới đây là ngày kỷ niệm 39 năm Ngày thành lập Tập đoàn Dầu khí, tôi coi như tòa nhà 39 tầng mà đội ngũ CBCNV đã xây dựng mỗi năm một tầng, thì các thế hệ lãnh đạo của Tập đoàn là những khối bê tông để đúc nên nền móng của tòa nhà cao mãi và vững chắc. Ðồng thời, các thế hệ lãnh đạo và đội ngũ người lao động ngành Dầu khí đã xây dựng “chiến lược phát triển” ngành vừa đúng đắn vừa có cơ sở khoa học và thực tiễn đã được chứng minh qua 53 năm qua. Sự thành công to lớn này là niềm tự hào của các thế hệ CBCNV ngành Dầu khí “mỗi người một tay, một chân” đã thêu dệt nên bức tranh muôn màu đẹp lung linh của Văn hóa Dầu khí.
Văn hóa Dầu khí là lao động sáng tạo của con người dầu khí.
Chúng ta đã xây dựng ngành từ “hai bàn tay trắng” và đã thành công như ngày hôm nay bởi “những người đi tìm lửa” đã sáng tạo trong lao động là nét văn hóa nổi bật của ngành Dầu khí. Chúng ta đã xây dựng “Luật Dầu khí” (tháng 7-1993) làm cơ sở pháp lý, mở đường cho các công ty dầu khí của thế giới vào làm ăn hợp tác với chúng ta, dưới nhiều hình thức rất sáng tạo phù hợp với điều kiện nhân lực, vật lực của ngành trong từng thời kỳ mà ban đầu là Hợp đồng Chia sản phẩm dầu khí đầy sáng tạo và ý nghĩa đến các hình thức, phương thức liên doanh, liên kết, gọi thầu ngày nay. Thực hiện phương thức 3 giai đoạn: giai đoạn ban đầu đứng nhìn, quan sát và học hỏi. Giai đoạn thứ 2 cùng tham gia với họ và giai đoạn thứ 3 chúng ta làm chủ được mọi công việc với công nghệ cao… đó là những sáng tạo mang tính vĩ mô và quyết định.
Một sáng tạo nổi bật mà Ðảng và Nhà nước ta đã phong tặng 49 người nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh đó là tìm thấy và khai thác dầu khí ở tầng móng của vỏ trái đất tại mỏ Bạch Hổ. Trước năm 1975 quan điểm tìm kiếm của các công ty dầu nước ngoài chỉ tập trung trong tầng miocen, tầng chứa oligocen mà không quan tâm đến tầng móng vì theo học thuyết hữu cơ, dầu không thể sinh và chứa trong các đá magma có nguồn gốc sâu (tầng móng) trong vỏ trái đất. Vì thế không chỉ ở Việt Nam mà theo sử liệu thống kê cho thấy đến thập niên cuối của thế kỷ XX những phát hiện dầu trong móng đều được xem không thể chứa sản phẩm và không được các nhà tìm kiếm dầu quan tâm. Như thế có thể xem mỏ Bạch Hổ với thân dầu trong móng granitoid nứt nẻ – hang hốc có trữ lượng và sản lượng lớn, cường độ khai thác cao và được tổ chức khai thác có hệ thống và hiệu quả là một điển hình đầu tiên được ghi nhận trong văn liệu dầu khí thế giới. Có thể nói, việc lao động sáng tạo tìm và khai thác mỏ dầu khí ở tầng móng ở Việt Nam đã làm cho các nhà khoa học trên thế giới phải thay đổi quan điểm và viết lại cuốn sách “Nguồn gốc hình thành dầu khí”.
Những năm qua, phong trào lao động sáng tạo, phát huy sáng kiến cải tiến nở rộ ở hầu hết các đơn vị trong ngành Dầu khí. Nổi bật như Tổng Công ty (TCT) Khí (PV Gas), TCT Phân bón và Hóa chất Dầu khí (PVFCCo), TCT Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP), Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR), TCT PTSC, Công ty Ðạm Cà Mau, TCT CP Khoan và Dịch vụ Dầu khí (PVD), TCT CP Dịch vụ Tổng hợp Dầu khí (PETROSETCO), TCT Ðiện lục Dầu khí (PVPower)… đã có nhiều chuyển biến vượt bậc, mang lại hiệu quả thiết thực trong việc quản lý, điều hành hoạt động SXKD, tiết kiệm nhiều tỉ đồng cho Nhà nước. Ðặc biệt gây ấn tượng là những sáng kiến, cải tiến trong lĩnh vực đổi mới kỹ thuật công nghệ, các giải pháp hợp lý hóa trong công tác vận hành, bảo dưỡng sửa chữa các công trình và công tác quản lý an toàn phòng chống cháy nổ…
Từ những tập thể đoàn kết, thi đua lao động sáng tạo đã xuất hiện những gương điển hình với hàng loạt những đề tài, sáng chế, giải pháp mang lại cho từng đơn vị hàng chục tỉ đồng.
Theo báo cáo chưa đầy đủ của các đơn vị, trong 5 năm qua CNVC-LÐ ngành Dầu khí đã có 258 đề tài nghiên cứu khoa học, trên 1.400 sáng kiến trong đó có 739 sáng kiến cải tiến kỹ thuật, sáng chế được công nhận, làm lợi cho ngành Dầu khí và đất nước hơn 52 triệu USD và hơn 380 tỉ đồng. Từ các phong trào thi đua thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong 5 năm qua toàn Tập đoàn đã tiết kiệm được tổng cộng 2.570 tỉ đồng.
Văn hóa Dầu khí thể hiện ở đời sống vật chất và tinh thần của người lao động hàng năm không ngừng được nâng cao.
Mục tiêu xây dựng và phát triển Văn hóa Dầu khí là xây dựng con người Dầu khí phát triển toàn diện có đời sống vật chất ngày càng cao và đời sống tinh thần ngày càng phong phú.
Một trong những nội dung Văn hóa Dầu khí rất quan trọng là người lao động được dân chủ tham gia quyết định mọi hoạt động của đơn vị từ việc thảo luận và giải quyết những vấn đề liên quan đến kế hoạch SXKD, đời sống, việc làm, thu nhập, các nghĩa vụ đối với Nhà nước… bằng việc hằng năm, tổ chức công đoàn các đơn vị đã phối hợp chặt chẽ với chuyên môn cùng cấp tổ chức Ðại hội Công nhân viên chức hoặc Hội nghị Người lao động. Ở những hội nghị này, người lao động đã được nghe về kết quả SXKD của năm, kế hoạch hoạt động của năm tới, kế hoạch sử dụng các quỹ phúc lợi, khen thưởng và dự kiến thu nhập của CBCNV trong năm tới… Tinh thần làm chủ của người lao động đã được thể hiện rõ nét và hầu hết các đơn vị đều làm rất tốt.
7 năm qua Tuần lễ Văn hóa Dầu khí đã được Công đoàn ngành tổ chức liên tục và đã trở thành nét đẹp văn hóa đáng trân trọng. Nhiều người lao động đã quyết tâm không ngừng rèn luyện sức khỏe qua các môn thể thao để được tham gia vào các hoạt động văn hóa này và đã đạt được nhiều thành tích trong thi đấu ở đơn vị ở ngành mà còn thi đấu có thành tích cao ở trong nước và khu vực.
Ðối với đời sống tinh thần của nữ công nhân viên chức lao động cũng được quan tâm chu đáo. Bên cạnh những hoạt động thể thao, văn nghệ như nam CBCNV, chị em còn được tham gia nhiều hoạt động mang đặc tính riêng như phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”, phong trào thi đua trong cán bộ làm công tác nữ công…
Văn hóa Dầu khí – nét đẹp trong mối quan hệ giữa con người với con người, giữa PVN với Tổ quốc, với nhân dân.
Tuy các đơn vị dầu khí đều đã quan tâm đến việc nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đội ngũ người lao động không có nghĩa là ai ai cũng có đời sống khá giả. Nhiều CBCNV còn gặp nhiều khó khăn, thậm chí rất khó khăn khi họ mắc phải những căn bệnh hiểm nghèo, bệnh nghề nghiệp…
Chính vì thế, để có nguồn kinh phí công đoàn ngành ngay sau khi ra đời được hai năm, vào năm 1994 đã vận động người lao động đóng góp 2 ngày lương để thành lập Quỹ Tương trợ Dầu khí. Từ đó đến nay, Quỹ đã đi vào hoạt động vừa tròn 20 năm và đã để lại nét đẹp văn hóa đầy nghĩa tình trong lòng mỗi CBCNV. Tổ chức chuyên môn, Công đoàn, Ðoàn Thanh niên và Hội Cựu chiến binh từng đơn vị đến toàn ngành đã tích cực hoạt động chăm lo đến người lao động đến với những gia đình khó khăn thực hiện văn hóa của dân tộc “tối lửa tắt đèn có nhau”.
PVN luôn đẩy mạnh các hoạt động an sinh xã hội đã trở thành phong trào thi đua. Hằng năm đã đóng góp 500, 600 thậm chí đến trên 800 tỉ đồng để xây hàng ngàn ngôi “nhà đại đoàn kết” cho các gia đình chính sách, người có công với đất nước; nhận nuôi và phụng dưỡng hàng trăm Mẹ Việt Nam Anh hùng; đóng góp hàng tỉ đồng cho đồng bào bị bão lụt, khó khăn, xây dựng hàng trăm ngôi trường cho các tuổi thơ cắp sách đến trường; hàng ngàn bộ quần áo mà người lao động Dầu khí quyên góp cho người cao tuổi trong mùa đông lạnh giá; xây dựng và hỗ trợ nhiều bệnh viện, xây dựng hệ thống điện thắp sáng cho các hải đảo… Công tác an sinh xã hội không chỉ dừng trong nước mà còn vươn ra hỗ trợ một số nước trên thế giới…
Văn hóa Dầu khí hình thành và phát triển được 53 năm đã thu được những thành quả to lớn, xây dựng ngành Dầu khí non trẻ nhưng đã trở thành ngành kinh tế đầu tàu của Tổ quốc; con người dầu khí phát triển ngày càng toàn diện, trở thành những bông hoa đẹp trong vườn hoa của dân tộc.
T.S Hà Duy Dĩnh