19/11/2021 10:20:40

Tự hào 60 năm Ngành Dầu khí phát triển cùng đất nước: Dòng khí đầu tiên từ Giếng tổ

Giếng khoan đầu tiên GK100 và dòng khí đầu tiên phun lên từ giếng khoan GK61 là kết quả của rất nhiều năm tháng kiếm tìm dầu khí, là kết quả của cuộc trường chinh “đi tìm lửa” trong lòng đất. Kết quả này chứng minh tầm nhìn xa trông rộng và ước nguyện của Bác Hồ về ngành Dầu khí Việt Nam từ nhiều năm trước khi Người tới thăm khu công nghiệp dầu khí Baku.

Mùa Đông năm 1975 rất lạnh. Cả miền Bắc chìm trong những cơn gió mùa Đông Bắc và mưa phùn. Trên nền trời xám xịt ở xã Đông Cơ, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình hiện lên sừng sững một giàn khoan có tháp khoan cao 50m. Cả vùng không có một công trình nào cao hơn. Đứng phía bên kia con sông Trà Lý vẫn còn nhìn thấy tháp khoan này. Trong trí nhớ của những người dân vùng Tiền Hải, lá cờ đỏ sao vàng no gió kiêu hãnh bay trên đỉnh tháp khoan là một phần ký ức không thể nào quên.

Thái Bình trong tâm thức của nhiều người Việt Nam là một vùng đất nông nghiệp, với những cánh đồng 5 tấn mướt xanh. Và hẳn cũng rất ít người Việt Nam biết rằng, Thái Bình lại chính là cái nôi của ngành Dầu khí – một trong những khoan trường đầu tiên, nơi có nhiều giếng khoan dầu khí đã đi vào lịch sử. Những con người trên khoan trường ấy làm việc miệt mài trong mưa gió rét buốt, trong tin thắng trận của Chiến dịch Hồ Chí Minh bay về dồn dập từ miền Nam.

“Sau khi Bác đề nghị Liên Xô giúp Việt Nam trong công tác tìm kiếm dầu khí, các chuyên gia Liên Xô đã tiến hành công tác thăm dò, vẽ bản đồ địa hình, địa chất toàn miền Bắc. Trên cơ sở đó đã định ra 2 khu vực chính, đó là đồng bằng sông Hồng và khu vực An Châu. Vùng đất Thái Bình là vùng đất máy bay thường đi từ hạm đội 7 vào đánh phá miền Bắc. Đi vào, đi ra đều đi qua khu vực này. Giếng khoan thì sáng suốt ngày đêm. Một số giếng khoan khác nữa, không chỉ có giếng khoan này là máy bay thả bom rất gần. Có những giếng khoan bom nổ cách vài trăm mét…”, ông Nguyễn Xuân Nhự, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Dầu khí Việt Nam, Chủ tịch Chi hội Dầu khí Thái Bình kể lại.

Các Liên đoàn phó Liên đoàn 36: kỹ sư Đặng Của (bên phải) và kỹ sư Nguyễn Trọng Tưởng (bên trái), bên ống dẫn khí đang phun tại GK-61 (năm 1975). (Ảnh tư liệu)

Các Liên đoàn phó Liên đoàn 36: kỹ sư Đặng Của (bên phải) và kỹ sư Nguyễn Trọng Tưởng (bên trái), bên ống dẫn khí đang phun tại GK-61 (năm 1975). (Ảnh tư liệu)

Ngày 23/9/1970, mũi khoan sâu đầu tiên cho giếng khoan sâu ký hiệu GK100 của Việt Nam đã được thực hiện tại Thái Bình, mở ra mặt cắt địa chất, giúp lần đầu tiên ngành Dầu khí tìm ra cột địa tầng ở đồng bằng sông Hồng. Kinh nghiệm từ mũi khoan sâu GK100 năm ấy đã giúp cho việc phát hiện dầu ở Thái Bình năm 1975. Năm 1976, tìm thấy dấu hiệu dầu thô ở đồng bằng sông Hồng, tạo động lực cho ngành Dầu khí, đóng góp vào sự phát triển của kinh tế đất nước sau này.

Trong bút ký của nhà văn Nguyễn Duy Thinh có đoạn viết: “Hình như trong không gian của những hạt nước nhỏ như phấn hoa bay xiên xiên ấy, hình khối các khu nhà, các xe bơm tráng xi măng, xe cần cẩu hạng nặng, xe ka rô ta ge lỗ khoan… gần nhau hơn, chen chúc trong khung cảnh bề thế của một đoàn địa chất hiện đại. Đặng Của đi về phòng mình. Trên hành lang hẹp, gió thổi hun hút, Liên đoàn trưởng Phan Minh Bích đang khép chặt vạt áo bông, hai mắt kính cận của anh sáng lên lấp loáng:

– Đã quá ta! Không có ngủ chi hết trọi.

– Hồi hôm tui cứ thấy anh em cạo rạo, đi ra đi vô hoài. Mà tui có ngủ đâu, nằm chơi thôi! Hút hết bao thuốc anh à.

Không riêng gì các đồng chí lãnh đạo mà dường như tất cả cán bộ nhân viên của liên đoàn đêm qua cũng không ngủ. Niềm vui chờ đợi từ lâu đến bất chợt quá. Những biểu hiện trực tiếp có dầu khí đến cùng một lúc với tiếng súng của quân dân ta tiến công mùa xuân năm 1975…”.

Ông Nhự dường như không thể quên được thời khắc ấy: “Ngày 17/3/1975, khi thử vỉa thì bộ dụng cụ bị sự cố, kéo lên không cho kết quả. Lúc bắt đầu kéo bộ dụng cụ lên thì chúng tôi đã thấy chắc là không có gì rồi. Thế nên mới quay về ăn cơm. Vừa ngồi xuống mâm cơm một cái, đã thấy cái ông ở lại trực chạy về hớt ha hớt hải. Ông ấy ngã lăn cả ra, không thể nói được là “anh Cư” nữa, mà chỉ lắp bắp Cư, Cư, Cư… khí, khí…” (người trực tiếp chỉ huy và theo dõi thử vỉa ngày hôm đó là ông Nguyễn Ngọc Cư, Đoàn phó Đoàn 36, phụ trách địa chất – PV).

Trên những khoan trường đầu tiên

Ông Nguyễn Xuân Nhự

“Thế là anh em chúng tôi vứt bát đũa nhảy lên xe ra thì thấy khí bắt đầu phun. Nó cứ một đợt phun nước lên xong lại có một đợt phun khí lên. Khi mà khí phun lên thì cái tiếng rít đó giống hệt tiếng máy bay phản lực rà sát trên đầu mình. Rồi khí nó trùm trắng xóa hết cả… Anh em chúng tôi ở đấy, lúc bấy giờ, nói thực với các bạn là vô cùng hạnh phúc. Người cứ gai hết cả lên, rồi cứ xôn xao không biết làm gì, lúng túng không biết làm gì…”, ông Nhự xúc động nhớ lại.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Văn Đồng cùng Tổng cục trưởng Tổng cục Dầu khí Nguyễn Văn Biên thăm giếng khoan 61 (ngày 16/3/1976)

Thủ tướng Chính phủ Phạm Văn Đồng cùng Tổng cục trưởng Tổng cục Dầu khí Nguyễn Văn Biên thăm giếng khoan 61, ngày 16/3/1976. (Ảnh tư liệu)

Khi Sài Gòn được giải phóng, những người dầu khí mới nhận ra sự trùng hợp ngẫu nhiên mà vô cùng kỳ diệu của lịch sử. Ngày 18/3/1975 là mốc lịch sử không bao giờ quên, bởi đó là ngày mở màn Chiến dịch Hồ Chí Minh, cũng là ngày đầu tiên chúng ta tìm thấy dầu khí ở Tiền Hải. Tin vui đến với Trung ương Đảng và Chính phủ giữa lúc các đồng chí đang bận theo dõi các trận đánh thần kỳ của lịch sử. Người ta kể lại rằng có đồng chí trung ương suốt đêm không ngủ, tiếng chân đi dạo của đồng chí làm người bảo vệ phải sốt ruột, chỉ vì muốn nhìn thấy tận mắt dòng khí phun lên từ lòng đất của nước mình.

Công văn của Phó Thủ tướng Việt Nam dân chủ cộng hòa Lê Thanh Nghị gửi Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô V.I. Novikov ngày 22/3/1975 có đoạn viết: “Với sự trợ giúp kỹ thuật của Liên Xô, chúng tôi đã phát hiện được dầu và khí tại hai giếng khoan sâu khu vực Tiền Hải. Các chuyên gia Liên Xô và Việt Nam đánh giá phát hiện này là một bước ngoặt trong việc tìm kiếm dầu lửa và khí đốt ở miền Bắc Việt Nam. Nhân dịp này xin chân thành bày tỏ niềm cảm ơn sâu sắc tới BCH Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô và Chính phủ Liên Xô…”.

Làng Khuốc, xã Phong Châu, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình, nổi tiếng với nghệ thuật chèo. Thập niên 70 của thế kỷ trước, có 3 thứ âm thanh mà bây giờ gợi nhắc lại, những người già ở làng Khuốc đều nhớ: Tiếng hát chèo, tiếng máy bay Mỹ và tiếng hoạt động của giàn khoan. Giàn khoan đó thuộc giếng khoan 100 (GK100), là giếng khoan sâu đầu tiên có biểu hiện dầu khí của Việt Nam.

Tháp khoan khổng lồ năm nào từng là mốc để những người làng Khuốc từ xa trông về, định hướng hướng đi về làng mình. Một công trình ngỡ trong mơ, sừng sững giữa một làng quê nghèo Bắc Bộ. Tháp khoan ấy một thời là biểu tượng của vùng, đi vào từng câu chuyện bên các cánh đồng, đi vào từng bữa cơm của người dân quê.

Giếng 61 ngày hôm qua, hôm nay là di tích nằm trong khu lưu niệm công trình dầu khí đầu tiên của Việt Nam. Là nơi để bất cứ người dầu khí nào có thể tìm về để biết, để nhớ và không quên đã từng có những năm tháng như thế, đã có những người tiên phong để dầu khí Việt Nam phát triển mạnh mẽ như ngày hôm nay.

“Niềm vui này lớn lao lắm. Có thấu nỗi cả dân tộc chắt chiu từng hào, từng xu mà mua dầu nuôi dưỡng mảnh đất xanh tươi xã hội chủ nghĩa, để tiếp lực cho cuộc kháng chiến trường kỳ giành độc lập tự do; có thấu nổi bóng đêm đen hàng ngàn năm bao phủ các làng quê trong nghèo nàn lạc hậu, có căm giận các con mắt cú vọ của kẻ thù soi mói mảnh đất này thì chúng ta mới thấy hết niềm vui hôm nay…”, Nhà văn Nguyễn Duy Thinh đã trải lòng như thế trong tập bút ký về khoan trường đầu tiên của đất nước.

Nhớ về những năm tháng đầy máu lửa, ông Đặng Của, nguyên Liên đoàn phó Liên đoàn 36 (sau là Giám đốc Công ty Petrovietnam 2 và Phó Tổng giám đốc Liên doanh Việt – Nga Vietsovpetro) không khỏi xúc động: “Phải nói là cuộc đời gian khổ, nhưng lúc đó chúng tôi không nghĩ gì ở tuổi thanh xuân 28, 30. Anh em lúc bấy giờ có những người 22, 23 tuổi, làm việc không kể gì. Đói, rét, chúng tôi vẫn làm. Xây dựng một giếng khoan để khai thác, có những công nghệ phải nói là rất phức tạp, phải chuẩn bị nhiều năm. Có những giếng khoan tốn hàng chục triệu đô la là bình thường. Nhưng từ chục triệu đô la đó, chúng tôi có thể đem về hàng tỷ đô la. Do đó, phải nói là nhận thức của anh em chúng tôi thời đó là hoàn toàn vì đất nước. Chúng tôi còn trẻ, phải làm việc, và chúng tôi đã rất quyết tâm”.

Mời bạn đọc đón đọc Kỳ 3: Ngọn đuốc đầu tiên trên Biển Đông.

N.P (t/h) – Bài viết có sử dụng tư liệu của Ký sự “Hành trình người đi tìm lửa”.