Sáng 5.11, tại Hà Nội, Hội nghị Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam lần thứ 23 (Khóa XII) đã diễn ra dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Đình Khang – Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam. Dự hội nghị có đồng chí Trần Thanh Hải – Phó Chủ tịch Thường trực; các đồng chí Phó Chủ tịch: Trần Văn Thuật, Phan Văn Anh, Ngọ Duy Hiểu và các Ủy viên Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam. Đại diện Ban Dân vận Trung ương, Ủy ban kiểm tra Trung ương, Cục an ninh chính trị Bộ Công an đến dự.
Toàn cảnh hội nghị
Khai mạc Hội nghị, đồng chí Nguyễn Đình Khang, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết: Hội nghị lần này sẽ tập trung thảo luận, cho ý kiến vào các nội dung thuộc thẩm quyền xem xét, quyết định của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn, trước hết là tờ trình định hướng một số nhiệm vụ trọng tâm hoạt động công đoàn năm 2022. Việc sớm xây dựng, ban hành định hướng các nhiệm vụ trọng tâm hoạt động công đoàn năm 2022 nhằm giúp cho các cấp công đoàn có sự thống nhất từ trung ương đến địa phương trong chủ đề, phương châm và giải pháp trong các cấp công đoàn để thực hiện nhiệm vụ, tạo sự đồng bộ trong triển khai, thực hiện thắng lợi nghị quyết đại hội công đoàn các cấp và Nghị quyết Đại hội XII Công đoàn Việt Nam.
Về tờ trình Kế hoạch Đại hội công đoàn các cấp, tiến tới Đại XIII Công đoàn Việt Nam, nhiệm kỳ 2023 – 2028 thì tại Hội nghị lần thứ 22, Đoàn Chủ tịch đã cho ý kiến vào dự thảo Chỉ thị của Ban Bí thư về lãnh đạo đại hội công đoàn các cấp. Ngay sau Hội nghị, Thường trực Đoàn Chủ tịch đã chỉ đạo xây dựng kế hoạch Đại hội công đoàn các cấp, tiến tới Đại XIII Công đoàn Việt Nam, nhiệm kỳ 2023 – 2028.
Theo đó, đồng chí Nguyễn Đình Khang đề nghị Hội nghị dành thời gian nghiên cứu, thảo luận, nhất là về bố cục, nội dung, thời gian, phương châm đại hội, phương thức tổ chức trong bối cảnh tình hình dịch bệnh covid có thể còn diễn biến phức tạp, kéo dài; cho ý kiến về cơ cấu, số lượng ủy viên ban chấp hành công đoàn các cấp.
Tại Hội nghị, các đại biểu cũng cho ý kiến vào Tờ trình dự thảo Kế hoạch nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Điều lệ Công đoàn Việt Nam. Theo đồng chí Nguyễn Đình Khang, với mục đích tổng kết đánh giá kết quả thực hiện Điều lệ Công đoàn Việt Nam khóa XII; nghiên cứu các chủ trương, Nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là những quy định mới trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết 02-NQ/TW của Bộ chính trị về “Đổi mới tổ chức và hoạt động Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới”, tiếp thu những quy định mới của Luật Công đoàn (sửa đổi, bổ sung) và Bộ luật Lao động (năm 2019); dự kiến điểm mới đang xây dựng để sửa… để lựa chọn, cụ thể hóa vào Điều lệ Công đoàn Việt Nam cho phù hợp trong giai đoạn mới.
Trong thẩm quyền xem xét, các đồng chí Ủy viên Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam cũng cho ý kiến về: Tờ trình về sửa đổi, bổ sung 4 quyết định, quy định, hướng dẫn về công tác tài chính Công đoàn; Báo cáo sửa đổi Quy chế quản lý hoạt động khoa học Tổng Liên đoàn; Quy chế tổ chức và hoạt động của Hội đồng khoa học Tổng Liên đoàn; Nghị quyết đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, phục vụ nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới.
Về các nội dung Đoàn Chủ tịch cho ý kiến để trình Hội nghị Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn lần thứ 10, Hội nghị sẽ cho ý kiến vào: Tờ trình Định hướng nội dung nghiên cứu sửa đổi Điều lệ Công đoàn Việt Nam khóa XII; Báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 7c/NQ-BCH ngày 25/02/2016 của Ban Chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam về “Chất lượng bữa ăn ca của người lao động”; Tờ trình về việc báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết số 9b/NQ-BCH ngày 23/8/2016 của Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn (Khoá XI) về Công đoàn tham gia xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở trong tình hình mới.
Theo Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Đình Khang, việc tổ chức thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, trong đó Công đoàn có vai trò quan trọng, nhằm thực hiện phương châm người lao động được biết, được bàn, được tham gia ý kiến và được kiểm tra, giám sát việc thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đối với người lao động, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và xây dựng giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn vững mạnh. Theo đó, sau 5 năm triển khai, chúng ta cần đưa ra những nhiệm vụ mới cho phù hợp với thực tiễn, đáp ứng yêu cầu tình hình mới.
Theo congdoan.vn