Ngay từ thuở thiếu thời, Nguyễn Tất Thành đã theo học chữ Hán và tiếp thu vốn văn hóa Nho giáo có nguồn gốc từ Trung Hoa. Song từ ngày đó, Người đã không thích kiểu học nệ cổ, bắt học trò nhồi sọ cổ văn theo lối “tầm chương trích cú” mà luôn tìm tòi những vấn đề liên quan đến thực tiễn cuộc sống để suy nghĩ và giải quyết.
Từ năm 1905 đến 1909, Nguyễn Tất Thành có theo học các trường tiểu học Pháp – bản xứ ở Vinh, Đông Ba (Huế) rồi Trường Quốc học Huế. Trong thời gian đó, Người đã có dịp tiếp xúc với tiếng Pháp song mới chỉ là những kiến thức sơ giản mà thôi.
Phải đến khi Người bước chân ra đi tìm đường cứu nước thì hơn lúc nào hết Người mới nhận thức sâu sắc vai trò của ngoại ngữ trên hành trình đi tìm chân lý. Nếu không biết ngôn ngữ của các dân tộc mà Người đã đi qua thì làm sao Người có thể tìm hiểu về lịch sử của dân tộc đó, làm sao Người hiểu nhân dân, đất nước ấy đang làm gì và đang cần gì. Chính vì vậy, đặt chân đến đâu việc đầu tiên của Người là học ngôn ngữ của đất nước đó để có thể sử dụng thứ ngôn ngữ ấy làm phương tiện giao tiếp, tìm tòi, khám phá, từ đó mà rút ra những bài học bổ ích cho hành trình đi tìm chân lý của mình. Năm 1911, sau khi rời bến cảng Nhà Rồng (Sài Gòn), Người thanh niên trẻ tuổi Nguyễn Tất Thành đã vượt đại dương tìm đến Singapore, Clômbô, Pari, Macxây…Rồi từ Have, Người đã đặt chân đến Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Angieerri, Tuynidi, Đông Phi…Và từ châu Phi người đã sang Mĩ, từ Mĩ Người lại vượt Đại Tây Dương trở về châu Phi…Trên hành trình bôn ba qua bao nhiêu quốc gia ấy, đến nơi nào Người cũng học ngoại ngữ. Bao nhiêu ngôn ngữ được sử dụng ở các nước mà Người đã đi qua là bấy nhiêu ngôn ngữ được Người dày công khổ luyện. Bởi thế, Người học cả tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Bồ Đào Nha…Người không chỉ học ở sách mà người còn tìm cho mình cách học hiệu quả từ trong thói quen giao tiếp với người nước ngoài. Người rất mạnh dạn, không ngần ngại khi giao tiếp với cô sen, với người bạn cùng tàu, với anh đầu bếp hay thậm chí là với cả giáo sư người Anh…
Bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu, Người cũng có thể tìm tòi, học tập, không bỏ phí một chút thời gian nào, một cơ hội nào. Sự kiên trì, chịu khó của Người khi học tiếng Pháp được Trần Dân Tiên miêu tả khá chi tiết. Trần Dân Tiên đã kể lại rằng: Ông Nguyễn bắt đầu viết tiếng Pháp rất khó khăn. Dù tin tức về Việt Nam không thiếu nhưng ban đầu Người thiếu nhất là văn Pháp, ngôn ngữ Pháp. Bài viết đầu tiên được Người viết thành 2 bản gửi cho chủ báo Pháp và một bản giữ lại cho mình. Người đã vui sướng biết bao khi bài viết đầu tiên ấy được đăng trên báo. Người đã đọc đi đọc lại bài báo đã in, so sánh và sửa những lỗi viết sai. Bài báo đầu tiên ấy dài không quá 7 dòng. Dần dần Người đã viết dài hơn, có thể viết cả một cột báo, rồi tiến đến cả trang báo và rồi viết cả cuốn sách, vở kịch bằng tiếng Pháp. Ở Pari, Người đã cho xuất bản tờ báo: “Người cùng khổ”; các tập sách “Bản án chế độ thực dân Pháp”, vở kịch “Con rồng tre” và nhiều truyện kí bằng tiếng Pháp khác.
Vậy là trải qua từng bước đầy gian khổ, bằng đức kiên trì, chịu khó, Người đã biến tiếng Pháp thành phương tiện hữu hiệu để hiểu về nước Pháp và con người nơi đây. Không dừng lại ở học tiếng Pháp, Người còn dũng cảm vượt qua mọi gian khó trên hành trình tiếp cận với tiếng Anh, tiếng Nga và nhiều thứ tiếng khác. Hơn ai hết Người hiểu rằng: con đường ngắn nhất để tiếp cận và hiểu một dân tộc trước hết là sử dụng được ngôn ngữ của dân tộc đó. Theo lời kể lại của Trần Dân Tiên, Người lúc nào cũng tận dụng thời gian đọc sách bằng tiếng nước ngoài. Hồ Chủ Tịch thích đọc truyện của Sếchspia và Đíchken bằng tiếng Anh, truyện của Lỗ Tấn bằng tiếng Hán hay các tác phẩm của Huygo, Đuyma bằng tiếng Pháp. Ngay ở trong cảnh tù đày, Người còn lạc quan viết nên tập thơ “Nhật ký trong tù” bằng tiếng Hán. Và trong những năm tháng kháng chiến chống Pháp đầy gian khổ, dù bận trăm công nghìn việc nhưng Ngươì vẫn không quên trau dồi tiếng Nga bằng cách dịch những tác phẩm tiếng Nga có thể phục vụ thiết thực cho cách mạng hiện thời. Cuốn sách “Tỉnh ủy bí mật” của A phêđôrôp – một trong những người lãnh đạo phong trào du kích ở Liên Xô hay cuốn “Lịch sử Đảng cộng sản B Liên Xô” (Bản tin Liên Xô, số 10/312) ra đời chính trong trong thời kỳ đầy gian khổ ấy.
Rõ ràng, dù trong hoàn cảnh nào, Người cũng luôn tận dụng thời gian để học ngoại ngữ, trau dồi nó, biết sử dụng nó một cách rất thiết thực. Người học liên tục, không đứt đoạn và rất cẩn thân, từ tốn mà chắc chắn. Trần Dân Tiên đã kể lại rằng: “Ngày còn học ở Xiêm (Thái Lan), Bác Hồ đã đề ra ngày học 10 chữ. Có người chê ít, đòi học nhiều hơn nhưng chỉ 3 tháng sau Bác đã xem được báo chữ Xiêm, còn những người khác háo hức lúc đầu nhưng kết quả chẳng được bao nhiêu”.
Qủa thật là, khi nói đến học ngoại ngữ, người ta thường hay nói đến năng khiếu. Cố nhiên có năng khiếu thì học sẽ nhanh hơn, nhưng nếu sẵn có khiếu mà không học kiên trì, liên tục thì năng khiếu đó cũng không thể phát huy. Với Hồ Chí Minh, trước hết chúng ta tìm thấy ở Người một phong cách học ngoại ngữ bền bỉ, kiên trì và đầy nghị lực, không nóng ruột, vội vàng mà rất chắc chắn. Qúa trình học tiếng nước ngoài của Người là quá trình học rèn luyện, rèn luyện liên tục, để không ngừng xây dựng và củng cố kỷ năng ngôn ngữ mới, để đạt đến độ sử dụng được nó một cách sinh đông, có hiệu quả.
Trần Hòa Bình