“Biển Đông tung bay quốc kỳ” là tên bài hát mới được nhạc sĩ Trương Quý Hải viết về những cảm xúc, sự đồng cảm đối với những người dầu khí trên cụm giàn tiền tiêu Hải Thạch – Mộc Tinh ngày đêm làm việc hăng say bất chấp sóng gió, bão tố để tìm dầu làm giàu cho Tổ quốc. Điều cao quý hơn, họ đang góp phần giữ gìn chủ quyền biển đảo của quốc gia.
Nhạc sĩ Trương Quý Hải hát bài “Biển Đông tung bay quốc kỳ” cùng người lao động BIENDONG POC |
Trước Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, nhạc sĩ Trương Quý Hải có mặt trên chuyến trực thăng bay từ sân bay Vũng Tàu ra cụm giàn Hải Thạch – Mộc Tinh. Những chuyến bay giáp Tết luôn chất chứa nhiều nỗi niềm. Đó là nỗi niềm của những người từ đất liền ra giàn thay ca và đón Tết giữa trùng dương, là nỗi niềm của những người sắp được về bờ đoàn tụ cùng gia đình sau hàng tháng trời trên biển…
Sau những ngày sống đời sống của người dầu khí cùng anh em trên giàn, chứng kiến sự kiên cường trong lao động, nghe tiếng Quốc ca vang lên dưới bóng cờ Tổ quốc trong lồng lộng gió đại dương…, nhạc sĩ Trương Quý Hải đã viết bài hát “Biển Đông tung bay quốc kỳ” để dành tặng người dầu khí trên cụm giàn Hải Thạch – Mộc Tinh.
Bản chụp bài hát “Biển Đông tung bay Quốc kỳ” với nét chữ của nhạc sĩ Trương Quý Hải |
Bài hát này lần đầu tiên được vang lên tại Hà Giang, khi nhạc sĩ Trương Quý Hải tham gia hành trình “Mùa xuân từ những giếng dầu”. Đây là một hành trình mang rất nhiều cảm xúc khi những người lao động Công ty Điều hành Dầu khí Biển Đông (BIENDONG POC) đã đại diện cho hơn 6 vạn người lao động dầu khí rước lá cờ từ giàn Hải Thạch về Vũng Tàu, qua TP Hồ Chí Minh đến cực Nam – đất Mũi Cà Mau, dừng chân ở 13 địa điểm gồm các công trình dầu khí tiêu biểu và địa danh lịch sử, kết thúc ở vùng đất thiêng liêng Vị Xuyên thuộc tỉnh cực Bắc Hà Giang.
Cụm giàn Hải Thạch – Mộc Tinh cách Vũng Tàu 320km về phía Đông Nam, là cụm mỏ dầu khí tại khu vực nước sâu, xa bờ nhất của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam), thuộc Dự án Biển Đông 01 – cụm công trình xây dựng trên biển lớn nhất từ trước đến nay tại Việt Nam. Hải Thạch – Mộc Tinh thuộc vùng mỏ áp suất cao, nhiệt độ cao, dị thường áp suất rất lớn. Tại giếng khoan sâu nhất ở mỏ Hải Thạch với chiều sâu thẳng đứng hơn 4.600m, nhiệt độ ở đáy giếng lên đến 1900C và áp suất vượt ngưỡng 890 atmosphere.
Theo thống kê, mỗi ngày BIENDONG POC đem về cho đất nước ít nhất 1 triệu USD. Ngoài những đóng góp kinh tế, những người lao động của BIENDONG POC luôn mang trong mình tinh thần cống hiến hết mình, phụng sự Tổ quốc. Họ tự hào về truyền thống của ngành Dầu khí, tự hào về ý chí, nội lực, tinh thần yêu nước và khát vọng của những người dầu khí.
Luôn mang trong mình tinh thần phụng sự Tổ quốc, mỗi sáng thứ 2 đầu tuần, các kỹ sư của BIENDONG POC đều tổ chức lễ chào cờ trên giàn Hải Thạch khi mặt trời chiếu những tia nắng sớm như dát vàng lên mặt biển. Nghi thức chào cờ trên giàn Hải Thạch được BIENDONG POC thực hiện từ tháng 7-2018 nhằm giáo dục, nâng cao tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc và sự biết ơn đối với thế hệ đi trước đã cống hiến, hy sinh vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc; nhắc nhở toàn thể CBCNV, người lao động BIENDONG POC nâng cao tinh thần phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Lễ chào cờ này được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam công nhận là nơi chào cờ xa đất liền nhất Việt Nam.
Lễ chào cờ giữa trùng khơi được diễn ra trên giàn Hải Thạch |
Nhạc sĩ Trương Quý Hải kể lại rằng, anh là một người lính, từng ngày đêm cầm súng để bảo vệ biên cương phía Bắc. Khi được chứng kiến lễ chào cờ thiêng liêng tại một nơi nằm cách đất liền 320km, nghe tiếng hát Quốc ca hòa cùng ầm ào sóng biển, anh vô cùng xúc động. Phút giây đó, anh biết những hy sinh của thế hệ trước luôn được những người thế hệ sau trân trọng và giữ gìn. Ở một góc độ nào đó, những người con nước Việt đang làm việc trên cụm giàn Hải Thạch – Mộc Tinh nằm giữa đại dương trùng điệp sóng gió, như những người lính không quân hàm đang ngày đêm “tìm dầu để làm giàu cho Tổ quốc”, đồng thời thực hiện nhiệm vụ rất thiêng liêng là góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
“Đại dương trào dâng khúc hát, Biển Đông tung bay quốc kỳ. Nơi giếng dầu, nhịp sống hòa cùng đất nước…”. Những lời đầu tiên của bài hát “Biển Đông tung bay quốc kỳ” được nhạc sĩ Trương Quý Hải viết nên khi anh chứng kiến cảnh giàn trưởng Nguyễn Thanh Tĩnh hô anh em hát Quốc ca và tay đặt lên trái tim, ở ngoài kia lộng gió đại dương và ầm ào sóng biển. “Đặt tay lên trái tim, cùng hướng lên quốc kỳ, để giàn khoan hùng thiêng nước non Việt Nam…”. Nhạc sĩ Trương Quý Hải chia sẻ, đây là một bài hát anh viết với rất nhiều cảm xúc và viết rất nhanh bởi thời điểm đó anh thấy bóng hình Tổ quốc hiện lên trong lá cờ, những lời bài hát và giai điệu trầm hùng cứ như vang lên trong đầu và tuôn ra dưới ngòi bút.
“Ở đây buồn, vui, thương, nhớ. Anh em sẻ chia dưới cờ… Giàn khai thác Biển Đông thân yêu, nơi ta sống bên nhau dưới lá cờ, được làm đời trai sóng gió tuyến đầu…”. Câu hát này nhạc sĩ Trương Quý Hải viết dành tặng cho những người kỹ sư, thợ máy đang ngày đêm làm việc giữa đại dương xanh thẳm ở cụm giàn Hải Thạch – Mộc Tinh. Anh tâm sự, khi biết những anh em phải làm việc nhiều tuần liền trên biển, xa gia đình, xa vợ con, anh liên tưởng đến những người anh em bạn lính của anh ngày trước, tất cả những câu chuyện buồn vui, chuyện gia đình, chuyện thương nhớ… đều chia sẻ với nhau như những người trong một gia đình. Còn với những người lao động BIENDONG POC, khi tạm xa tổ ấm, tạm xa gia đình nhỏ của mình, họ sẽ sống cùng đồng nghiệp trong một gia đình lớn mang tên BIENDONG POC. Gia đình lớn ấy luôn tự hào vì truyền thống của ngành Dầu khí, luôn mang trong mình tinh thần và khát vọng cống hiến, phụng sự Tổ quốc.
Thanh Hiếu