Tổ chức Y tế Thế giới WHO nhận định rằng chương trình tiêm chủng đang chậm hơn rất nhiều so với tốc độ lây lan của Delta, biến chủng dễ lây nhiễm nhất thế giới và đã lan tới 98 nước.
Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus (Ảnh: Getty). |
Guardian ngày 3/7 dẫn nhận định của Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết, các nước giàu đang chia sẻ vắc xin một cách quá chậm chạp với các nước thu nhập thấp để ngăn chặn sự lây lan của biến chủng Delta nguy hiểm. Ông Tedros cảnh báo tiến độ chậm chạp này đang làm đe dọa tới tính mạng của hàng triệu người.
Ông Tedros nhận định rằng, việc chia sẻ vắc xin hiện “nhỏ giọt và hụt hơi trước các biến chủng” trong bối cảnh Delta hiện đã xuất hiện tại ít nhất 98 nước. Delta, chủng lần đầu được phát hiện ở Ấn Độ, được WHO xem là biến chủng dễ lây lan nhất thế giới hiện tại. Nó đã gây ra làn sóng lây nhiễm bùng nổ ở Ấn Độ hồi tháng 4 và tháng 5.
Cảnh báo của ông Tedros được đưa ra sau khi giáo Đại học Oxford (Anh) Dame Sarah Gilbert cảnh báo rằng, thế giới vẫn chưa thoát khỏi đại dịch. Bà Gilbert kêu gọi chính phủ Anh thận trọng với kế hoạch tiêm chủng cho trẻ em và “cần phải cân bằng giữa đề xuất tiêm chủng cho trẻ em ở các nước thu nhập cao với việc tiêm chủng phần còn lại của thế giới vì chúng ta cần chặn đà lây toàn cầu của dịch bệnh”.
Chuyên gia này lo ngại việc virus tiếp tục bị lây lan bùng nổ sẽ gây ra sự xuất hiện của biến chủng mới và khiến việc chống dịch trở nên khó lường hơn.
Ông Tedros kêu gọi các lãnh đạo thế giới cần đảm bảo ít nhất 10% dân số tại toàn bộ các quốc gia nên được tiêm chủng trước khi tháng 9 kết thúc, để những người dễ bị tổn thương và nhân viên y tế được bảo vệ. Ông cảnh báo Delta không ngừng đột biến và vẫn đang lây lan ở cả quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng cao và tiêm chủng thấp.
Các chuyên gia cũng nhận định rằng Delta đang dần thay thế mọi loại biến chủng khác. Ví dụ, biến chủng này có thể chỉ mất 8 tuần để chiếm áp đảo so với biến chủng Alpha ở Anh và đang dần thay thế Beta ở Nam Phi.
Theo Dân trí