Đó là con số sản phẩm của Nhà máy Lọc dầu (NMLD) Dung Quất – thành quả sau 5 năm kể từ ngày đón dòng dầu đầu tiên.
Ngày 25/2 hàng năm đã trở thành ngày kỷ niệm của nhà máy lọc dầu đầu tiên tại Việt Nam, bởi đó là “ngày sinh nhật” của NMLD Dung Quất. Con số 26 triệu tấn sản phẩm của nhà máy này là con số thực sự ấn tượng, bởi nó minh chứng cho sự hiện diện của một ngành công nghiệp hoàn toàn mới tại Việt Nam: công nghiệp lọc hóa dầu. Còn nhớ, từ những ngày đầu nhà máy chính thức hoạt động, số chuyên gia nước ngoài trực tiếp làm việc ở nhà máy là rất đông.
Mỗi lần tôi có dịp vào làm việc trong nhà máy, thì những người mình tiếp xúc để tìm hiểu, làm việc chính là các chuyên gia. Sau năm năm, số chuyên gia làm việc trực tiếp ở NMLD Dung Quất vẫn còn, nhưng số lượng đã giảm đi rất nhiều. Tất cả những vị trí giảm ấy đã được thay thế bằng những kỹ sư, chuyên gia người Việt. Sẽ không sớm nếu gọi một lực lượng kỹ sư thạo nghề người Việt hiện ở NMLD Dung Quất là những “chuyên gia”. Họ, với năng lực, khả năng và kỹ năng làm việc của mình, hoàn toàn xứng đáng được gọi là những chuyên gia.
Nhà máy Lọc dầu Dung Quất
Trong tương lại gần, những kỹ sư – chuyên gia này có thể đi làm việc ở những nhà máy lọc dầu hiện đại và lớn trên thế giới, như chúng ta đã thấy những chuyên gia nước ngoài với rất nhiều quốc tịch khác nhau đã và đang làm việc tại NMLD Dung Quất. 26 triệu sản phẩm là con số rất to, nhà máy lọc dầu hoạt động an toàn trong 5 năm qua là thành tích rất lớn, nhưng hàm lượng “chất xám” tăng lên sau 5 năm ở tất cả kỹ sư cán bộ công nhân viên của nhà máy thì dù chưa thể thống kê, nhưng đó mới chính là cái được lớn nhất của NMLD Dung Quất. Phải có cái đó (hàm lượng chất xám) thì những triệu tấn sản phẩm kia mới có thể chào đời, và nhà máy mới có thể vận hành an toàn.
Nếu mai kia, NMLD Dung Quất có “chi viện chất xám” cho NMLD Nghi Sơn hay nhà máy nào sẽ xây lên ở Việt Nam, thì đó cũng là chuyện bình thường. Bởi, từ 5 năm qua, và từ trước đó, “chất xám” đã lưu chuyển như một “dòng chảy đặc biệt” trong NMLD Dung Quất. Chất xám ấy có từ những người kỹ sư, công nhân kỹ thuật, những người lao động bình thường trong nhà máy, nó được chắt lọc ra từ guồng máy hoạt động công nghiệp, từ tư duy công nghiệp, từ kỹ năng công nghiệp, tác phong công nghiệp, văn hóa công nghiệp, từ ý thức công nghiệp bảo vệ môi trường.
Sau 5 năm hoạt động của nhà máy lọc dầu, cái mà tôi cảm thấy được nhất ở nhà máy này là một môi trường công nghiệp đã hình thành và phát triển tại đây, và mỗi con người làm việc ở nhà máy này đã quen với môi trường công nghiệp ấy như cá quen với nước. Họ cảm thấy thoải mái, bình thường khi làm việc trong môi trường này. Đó là cái được lớn nhất khi Việt Nam đang có khát vọng phát triển thành một nước công nghiệp. Quốc gia công nghiệp hóa, phải có con người của công nghiệp hóa. Nếu không có những môi trường công nghiệp thực sự như thế này để “tập làm quen”, thì làm sao chúng ta có một đội ngũ những người làm công nghiệp, và hình thành dần một xã hội công nghiệp ? Hàm lượng chất xám sẽ tăng khi môi trường công nghiệp ổn định, lành mạnh và phát triển.
Với Quảng Ngãi vốn là một tỉnh thuần nông, thì NMLD Dung Quất như một “người bạn công nghiệp” trước lạ sau quen, và khi đã quen rồi thì những thế hệ con em Quảng Ngãi trong hiện tại và tương lai sẽ dần quen với guồng máy công nghiệp, môi trường làm việc công nghiệp, và quen dần với một xã hội công nghiệp. Đó là điều không thể khác.
26 triệu tấn sản phẩm, và hơn nữa. Cái “hơn nữa” ấy không phải là 30 hay 40 triệu tấn. Cái “hơn nữa” ấy là hàm lượng chất xám, là tư duy công nghiệp, con người công nghiệp, môi trường công nghiệp. Và xã hội công nghiệp.
Thanh Thảo