Đến nay, Hà Nội đã hỗ trợ đến 2,91 triệu lượt người dân, người lao động, hộ gia đình bị ảnh hưởng dịch COVID-19.
Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hà Nội cho biết, từ đầu tháng 7.2021 đến nay, toàn thành phố đã có quyết định hỗ trợ theo gói hỗ trợ an sinh xã hội của Chính phủ và chính sách hỗ trợ đặc thù của thành phố cho tổng số gần 2,91 triệu lượt người dân, người lao động, hộ gia đình. Kinh phí hỗ trợ là hơn 1.161 tỉ đồng, trong đó, kinh phí từ ngân sách là gần 883 tỉ đồng, kinh phí xã hội hóa là hơn 278 tỉ đồng.
Người lao động nhận hỗ trợ.
Về gói hỗ trợ của Chính phủ (gói 26.000 tỉ đồng), toàn thành phố đã có quyết định hỗ trợ hơn 1,638 triệu người lao động, người sử dụng lao động. Kinh phí phê duyệt hỗ trợ là gần 593 tỉ đồng.
Chính sách có nhiều người thụ hưởng là giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đã đến với 1,423 triệu lao động, tổng số tiền hỗ trợ giảm đóng là hơn 147 tỉ đồng.
Với chính sách hỗ trợ lao động tự do, đã có gần 164.000 người thụ hưởng với số tiền gần 246 tỉ đồng…
Chính cách hỗ trợ người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương đã đến với hơn 20.400 lao động, kinh phí được phê duyệt là hơn 81,54 tỉ đồng.
Cùng với đó, gói hỗ trợ đặc thù của thành phố đã đến với hơn 1,27 triệu lượt người, kinh phí hỗ trợ là hơn 568 tỉ đồng, trong đó có gần 285.000 người, hộ kinh doanh được hỗ trợ bằng tiền mặt, gần 985.000 người được hỗ trợ về lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm…
Qua rà soát sơ bộ của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hà Nội, hiện có khoảng 106.000 lao động tự do ngoại tỉnh cư trú không cố định. Các cơ quan chức năng thành phố tiếp tục dành nhiều nguồn lực để hỗ trợ người lao động.
Trong quá trình triển khai gói hỗ trợ an sinh xã hội của Chính phủ (gói 26.000 tỉ đồng) với nhóm lao động tự do, có một số khó khăn khiến họ khó tiếp nhận được sự hỗ trợ.
Hà Nội đã tiến hành tháo gỡ những vướng mắc trong quá trình thực hiện chính sách với nhóm lao động tự do như gỡ khó xác nhận cư trú, đơn giản các thủ tục để họ nhận hỗ trợ kịp thời.
Theo lãnh đạo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Hà Nội cố gắng không để ai bị thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu chỗ ở. Do đó, trường hợp có nhu cầu hỗ trợ về nơi ở, lương thực, thực phẩm, gọi đến số điện thoại đường dây nóng của nhiều cơ quan chức năng hoặc phản ánh đến chính quyền các địa phương để được trợ giúp.
Theo laodong.vn